549. Nên công khai các khoản vay của lãnh đạo ngân hàng

(PL) – Hiện nay, Luật các Tổ chức Tín dụng (TCTD) đang quy định, tất cả giao dịch của ngân hàng đối với mọi khách hàng đều là thông tin mật. Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI cho rằng: Thay vì cấm, thì hoàn toàn có thể quy định khoản vay của khách hàng bình thường là bí mật, nhưng của lãnh đạo ngân hàng thì phải là công khai. Điều này cũng giống như thông tin về thu nhập và tài sản của dân thường là bí mật, nhưng của quan chức thì buộc phải công khai, LS. Trương Thanh Đức đề xuất.

Rủi ro đối với ngành ngân hàng?

Phóng viên: Hiện nay, có không ít những tập đoàn nắm quyền chi phối, điều hành một ngân hàng thương mại. Chính vì thế, nhiều ý kiến cho rằng, việc nắm quyền chi phối và điều hành các ngân hàng thương mại thực chất là nhằm phục vụ cho các dự án, mục đích kinh doanh của các tập đoàn này là chính. Ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?

Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI

Luật sư Trương Thanh Đức: Khi thành lập hoặc đầu tư vốn vào ngân hàng trong nhiều năm trước, hầu hết các cá nhân và pháp nhân đều hướng tới mục đích trực tiếp chi phối, điều hành ngân hàng và nhằm cung cấp nguồn vốn cho hoạt động kinh doanh của mình. Đó là một rủi ro rất lớn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự an nguy của từng ngân hàng nói riêng và cả hệ thống nói chung. Vì vậy luật pháp ngày càng thắt chặt và lâu nay đã cấm việc cấp tín dụng và hạn chế chặt chẽ việc cấp tín dụng cho các cổ đông lớn. Chẳng hạn nếu một khách hàng bình thường hay một cổ đông nhỏ (sở hữu không quá 5% vốn điều lệ), thì có thể được cho vay đến 15% vốn tự có của ngân hàng, nhưng nếu là một cổ đông lớn hoặc gồm tất cả các cổ đông lớn cộng lại thì chỉ được phép vay không quá 5% vốn tự có của ngân hàng và không được phép có sự ưu đãi nào.

Tuy nhiên, trên thực tế, công khai thì không ai vi phạm, nhưng dùng “nghệ thuật” chuyển đổi, liên kết, bật tường, thông qua trung gian,… thì vẫn thường xuyên xảy ra. Đây chính là một trong những rủi ro lớn nhất của ngành Ngân hàng, vì các trường hợp cấp vốn này rất dễ bị vi phạm nguyên tắc an toàn tín dụng.

Với việc các tập đoàn kinh tế chi phối, điều hành ngân hàng như vậy, thì theo ông, nó sẽ có ảnh hưởng như thế nào tới quyền lợi của những cổ đông khác?

Nếu điều đó xảy ra, tức là nó mang lại lợi ích lớn cho các tập đoàn kinh tế. Và không còn gì khác, “miếng bánh” lợi ích của các cổ đông khác đã bị bớt đi để dồn cho cổ đông chi phối. Mọi tiếng nói, mọi hành động biểu quyết của các cổ đông còn lại sẽ gần như vô tác dụng. Và “cỗ xe” ngân hàng sẽ dễ bị trục trặc, chệch choạc, sa lầy hơn.

Từ vụ việc của Tập đoàn Thiên Thanh và Ngân hàng xây dựng, ông có bình luận gì về cách quản lý và xử lý những rủi ro liên quan đến lợi ích trong nhóm các cổ đông chi phối, điều hành một số ngân hàng?

Theo tôi, việc sở hữu nhiều hay ít, chi phối hay không chi phối ngân hàng không quan trọng bằng việc công khai con số thực chất và áp dụng tương thích cơ chế kiểm soát rủi ro. Điều nguy hiểm nhất là trên giấy tờ pháp lý thì không có chuyện vượt quá giới hạn hay chi phối, nhưng thực chất thì ngược lại. Thế là mọi thứ thành mờ mờ, ảo ảo, quy định chặt chẽ của Luật chỉ còn là hình thức, vô dụng. Đây chính là một điều đáng báo động trong việc kiểm soát tình trạng sở hữu, đặc biệt là trong quá trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng.

Nên công khai các khoản vay của lãnh đạo ngân hàng

Luật các TCTD năm 2010 cho phép, một pháp nhân được sở hữu không quá 15% vốn điều lệ của 1 tổ chức tín dụng, 1 cá nhân được sở hữu không quá 5%. Tuy nhiên, theo giới chuyên gia nhận định các ông chủ Ngân hàng sẽ có nhiều biện pháp để đối phó với quy định này. Một trong những cách đối phó đó là chuyển nhượng loanh quanh, nhờ người khác đứng tên hoặc kín đáo hơn là chuyển nhượng cổ phần từ cá nhân sang công ty mà người chuyển nhượng cũng là cổ đông lớn tại công ty đó. Ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?

Luật sư Trương Thanh Đức: Quy định của Luật Các TCTD năm 2010 cho phép một pháp nhân được sở hữu không quá 15%, một cá nhân được sở hữu không quá 5% vốn điều lệ của một TCTD. Từ nhiều năm trước NHNN cũng chỉ cho phép tỷ lệ sở hữu cao nhất của một cổ đông là 40%, rồi sau đó hạ xuống 20% đối với pháp nhân và 10% đối với cá nhân. Tuy nhiên, sau 4 năm Luật đã được ban hành, nhưng thực tế tỷ lệ sở hữu ngân hàng vẫn còn cao hơn rất nhiều, trong đó có những pháp nhân được cho phép sở hữu đến trên 50%. Đây là một điều rất không hợp lý.

Pháp luật không chỉ quy định giới hạn sở hữu cổ phần của một cá nhân hay pháp nhân, mà còn quy định rất chặt chẽ cả giới hạn của họ và những người có liên quan, nên không có chuyện một người và các thành viên trong gia đình hay công ty của họ được phép đứng tên sở hữu hợp pháp quá tỷ lệ quy định. Tuy nhiên, bằng biện pháp này, cách thức kia, người ta đều “hoá giải” được hết. Vấn đề là quản lý thiếu thực chất, là hiệu quả quản lý của nhà nước trên thực tế rất hạn chế, còn mang nặng tính hình thức, thậm chí bị vô hiệu hoá trong nhiều trường hợp. Điều đáng nói là tất cả đều biết, nhưng không có cơ thế thực thi, không có biện pháp xử lý, không có giải pháp hữu hiệu, nên quy định một đằng mà thực tế một nẻo.

Theo kết quả thanh tra của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, ở không ít ngân hàng cổ đông lớn và người có liên quan vi phạm quy định về sở hữu dẫn đến thao túng, chi phối ngân hàng, phục vụ cho lợi ích, đẩy ngân hàng đến tình trạng hoạt động thiếu minh bạch, điều hành không tuân thủ nguyên tắc và các quy định của pháp luật. Kết quả này nói lên điều gì, thưa ông?

Cần phải nói rằng, mặc dù Luật đã khống chế tỷ lệ sở hữu từ 4 năm nay, nhưng đa số các trường hợp vượt giới hạn 5% với một cá nhân hay 20%  với một nhóm cổ đông hiện nay lại chưa phải là vi phạm, vì Ngân hàng Nhà nước chưa hề có văn bản ấn định thời điểm phải tuân thủ theo quy định của Luật. Và kết luận thanh tra của NHNN cũng chưa chắc đã phản ánh được thực chất tỷ lệ sở hữu. Vì vậy, cũng sẽ không phản ánh được hết tình hình thực trạng.

Để giải quyết thực tế này, dưới góc độ là một Luật sư, chuyên gia tài chính ngân hàng ông có những kiến nghị sửa đổi gì để tiếp tục “bịt kín” những lỗ hổng về cơ chế, chính sách trong lĩnh vực tài chính ngân hàng?

Tôi thiên về hướng cần chấp nhận trường hợp cổ đông chi phối ngân hàng, nhưng bảo đảm yêu cầu về sự công khai và ràng buộc chặt chẽ để bảo đảm an toàn, minh bạch thay vì “mọi thứ đều đúng, nhưng kết cục vẫn hỏng”. “Cái đúng” lâu nay đang có vấn đề, mà nói thẳng ra là đang sai, đang giả. Thay vì cấm đoán việc cho ông chủ tịch của chính ngân hàng vay như lâu nay, thì vẫn có thể cho phép, nhưng quy định điều kiện chặt chẽ hơn và công khai, minh bạch việc đó cho bàn dân thiên hạ biết.

Tại sao không quy định, khoản vay của khách hàng bình thường là bí mật, nhưng của lãnh đạo ngân hàng thì phải là công khai? Điều này cũng giống như thông tin về thu nhập và tài sản của dân thường là bí mật, nhưng của quan chức thì buộc phải công khai. Hiện nay, Luật các TCTD đang quy định, tất cả giao dịch của ngân hàng đối với mọi khách hàng đều là thông tin mật. Và nhiều khi kết luận thanh tra về việc này cũng lại tiếp tục là thông tin mật. Thế là thực tế thì mập mờ, pháp luật thì bí mật và mọi thứ đều không minh bạch. Không minh bạch dẫn tới rủi ro, tiêu cực sẽ từ đó mà ra.

Xin cảm ơn ông!

Văn Don (thực hiện)

——————

Tạp chí Pháp lý (Kinh doanh và Pháp luật) 21-8-2014:

http://phaply.net.vn/bai-noi-bat/luat-su-truong-thanh-duc-chu-tich-hdtv-luat-basi co-nen-cong-khai-cac-khoan-vay-cua-lanh-dao-ngan-hang.html

(1.648/1.648)

Bài viết 

308. Mất tiền từ séc giả, trách nhiệm thuộc...

(VNB) - Khi sự việc xảy ra, cần xác định ai là người có lỗi, lý do, nguyên...

Bình luận 

427. Bình luận về Luật siêu dễ: Hồi hộp đến...

(VTV3) Bình luận về Luật siêu dễ: Hồi hộp đến phút cuối với chủ đề...

Phỏng vấn 

4.363. Chuyện gì đang xảy ra trên thị trường...

Chuyện gì đang xảy ra trên thị trường xăng dầu? (NLĐ) - Đề xuất...

Trích dẫn 

3.862. Loại hình nào đang là 'thỏi nam châm' sẽ...

Loại hình nào đang là 'thỏi nam châm' sẽ 'hút cạn' dòng tiền của nhà...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 224,640