Phải viết “Y” hay là “I” ở cuối chữ?
(TP) – Hiện nay trên sách báo xuất hiện đồng thời hai cách viết chữ “y” và “i” ở cuối các chữ. Xét về mặt ngôn ngữ thông thường, thì điều đó cũng không có gì quan trọng lắm, nhưng đối với các giấy tờ, văn bản pháp lý thì không thể chấp nhận sự tuỳ tiện đó. Ví dụ, tên người là Nguyễn Văn Tý hay Trần Thị Lý hoặc Nguyễn Duy Quý, nếu viết thành thành Nguyễn Văn Tí hay Trần Thị Lí hoặc Nguyễn Duy Quý trong chứng minh nhân dân, hộ khẩu, hộ chiếu, hộ tịch, văn bằng, chứng chỉ, v.v… thì hoàn toàn có thể bị hiểu lầm đó là giấy tờ của những người khác.
Mặc dù đã có văn bản quy định, nhưng cũng tương tự như vấn đề viết hoa, có thể nói, hiện nay vẫn chưa có cơ sở khoa học và pháp lý bảo đảm cách viết chữ “y” hay chữ “i” ở cuối các chữ là hợp lý, chuẩn mực, chính xác và có giá trị bắt buộc chung về vấn đề này.
Ngày 5-3-1984 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục (nay là Bộ Giáo dục – Đào tạo) đã có Quyết định số 240/QĐ ban hành “Quy định về chính tả tiếng Việt và thuật ngữ tiếng Việt”. Với mục đích hợp lý hoá và thống nhất chính tả trong các sách giáo khoa, văn bản trên có quy định việc thống nhất viết chữ “i” ở cuối tất cả các chữ, nếu như không gây nhầm lẫn về ngữ nghĩa khi thay “y” bằng “i”. Ví dụ: Công ti, kì họp, pháp lí, liệt sĩ, v.v… (trừ các chữ có vần “uy”, thì vẫn viết “y” ở cuối như: quy định, quốc huy, yêu quý, v.v…). Tuy nhiên, quy định này chỉ có giá trị trong ngành Giáo dục và chưa thực sự hợp lý, nên đã qua 16 năm thực hiện nhưng vẫn chưa có sự thống nhất trên thực tế và còn rất nhiều người chưa hề biết tới.
Hiện nay, hầu hết các văn bản của Đảng, Quốc hội và Chính phủ vẫn viết chữ “y” ở cuối các chữ, tức là khác hẳn với sách vở của ngành Giáo dục. Trong Luật Doanh nghiệp năm 1999 có tới 650 lần xuất hiện từ công ty (trong đó viết “y” chứ không phải là “i” theo như quy định của Bộ Giáo dục). Luật Công ty năm 1990 trước đây cũng như các đạo luật khác cũng ở trong tình trạng tương tự. Vậy thì đương nhiên là tên các tổ chức đó xuất hiện trên hàng ngàn, hàng vạn biển hiệu, văn bản, báo viết, báo hình,… hàng ngày thật khó có thể chấp nhận cách viết công ti thay cho công ty được? Trong Luật Giáo dục năm 1998, bên cạnh một số ít chữ “i” được viết ở cuối các chữ như: bác sĩ, sĩ quan, thạc sĩ, tiến sĩ,… thì lại có tới 115 lần xuất hiện các tình huống sử dụng chữ “y”, đó là: đăng ký, định kỳ, hợp lý, kỳ họp, kỳ thi, kỷ luật, kỹ năng, kỹ sư, kỹ thuật, ký kết, lý lịch, lý luận, lý thuyết, lý tưởng, mỹ thuật, nguyên lý, quản lý, tâm sinh lý, thẩm mỹ, tỷ lệ, xử lý. Trong khi tất cả các đạo luật đều viết “y” trong các trường hợp trên, thì liệu các cuốn sách giáo khoa lại viết “i” có phải là “phạm luật”? Đấy là chưa kể đến việc nhiều cá nhân và tổ chức không chấp nhận việc tên của họ đang là“y dài” lại cứ bị người khác “bắt” đổi thành thành “i ngắn” cho đúng với quy định ở đâu đó mà họ cũng chẳng hề biết (?!)
Xin được nhắc lại kết quả khảo sát của tác giả Nguyễn Thị Trung Thành về cách viết chữ “i” ở cuối âm tiết đối với học sinh trung học cơ sở trong bài “Về các lỗi thường gặp của học sinh trung học cơ sở qua các bài văn viết”, đăng trong Tập Kỷ yếu “Ngữ học Trẻ ‘97” của Hội Ngôn ngữ học Việt Nam như sau: “100% học sinh không tuân theo quy định này” (tức là quy định của Bộ Giáo dục). Và tác giả đã đề nghị: “Những quy định đã ban hành, sau một thời gian, nếu xét thấy không đi vào đời sống xã hội, không phù hợp với thực tế hoặc không được cộng đồng thừa nhận và thực hiện thì cần ra quyết định bãi bỏ. Có làm như vậy mới tránh được những lúng túng không cần thiết cho người sử dụng”.
Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, Trọng tài viên VIAC.
______
Bài viết đã đang trên Bản tin Tư pháp số 01/2000:
Hải Phòng 04-2000