(TBKD) – Ngày xét xử thứ 9 (29/5) của vụ án Nguyễn Đức Kiên đã “nóng” lên với phần tranh tụng gay gắt giữa các luật sư của Ngân hàng ACB và Vietinbank. Luật sư của ACB cho rằng, ngân hàng này không phải là nguyên đơn dân sự và đang kiện đòi Vietinbank phải bồi thường số tiền gần 719 tỷ đồng mà Huyền Như chiếm đoạt.
Trong vụ án này, Ngân hàng ACB được xác định là người bị thiệt hại số tiền 688 tỷ đồng trong hoạt động đầu tư cổ phiếu của Công ty chứng khoán ACBS và ủy thác gần 719 tỷ đồng gửi vào Ngân hàng Vietinbank, đều bị kết luận là trái quy định. Tuy nhiên, luật sư Trương Thanh Đức, bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho ACB, đã phản bác việc xác định tư cách của ACB là “nguyên đơn dân sự”.
ACB bị ép nhận nguyên đơn dân sự?
Theo luật sư Đức, Ngân hàng ACB không phải là nguyên đơn dân sự trong vụ án này, còn Vietinbank cũng không phải là bị đơn. Cả 2 yếu tố cần và đủ để làm rõ bản chất của vấn đề thì cơ quan tiến hành tố tụng đều không có. Ngân hàng ACB không bị thiệt hại số tiền gần 688 tỷ đồng từ việc đầu tư cổ phiếu như cáo trạng đã quy kết, cũng không yêu cầu cá nhân nào phải bồi thường.
Về số tiền gần 719 tỷ đồng mà ACB ủy thác gửi vào 2 chi nhánh Vietinbank, đã bị Huyền Như chiếm đoạt, luật sư Đức khẳng định: “Quy kết của Viện Kiểm sát (VKS) về thiệt hại số tiền này là không đúng. Vì khi Ngân hàng ACB chưa khởi kiện Vietinbank ra Tòa án kinh tế để đòi số tiền gần 719 tỷ đồng ủy thác cho nhân viên đi gửi tiền thì chưa thể nói là thiệt hại. Trong quá trình điều tra vụ án, Ngân hàng ACB cũng không yêu cầu ai bồi thường thiệt hại cho mình”. Do đó, khi Ngân hàng ACB không có thiệt hại, không có đơn yêu cầu mà bị ép nhận tư cách “nguyên đơn dân sự” là không hợp lý.
Cho rằng việc ACB ủy thác gửi 719 tỷ đồng vào Vietinbank là không sai và tiền gửi hợp pháp, Luật sư Đức quy trách nhiệm bồi thường số tiền này cho Ngân hàng Vietinbank. Vì Huyền Như hay bất cứ nhân viên nào khác của Vietinbank chỉ là người đứng ra huy động tiền cho ngân hàng của mình. “Giao dịch thật, tiền gửi thật, chữ ký và con dấu thật, sổ tiết kiệm thật… thì đó là những bản hợp đồng hợp pháp. Mà chính những sai phạm từ nhân viên và Ngân hàng Vietinbank là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến việc mất tiền của Ngân hàng ACB”, luật sư Đức nhấn mạnh.
Đại diện Ngân hàng ACB còn chỉ ra các lỗi vi phạm, buông lỏng quản lý tiền gửi của Ngân hàng Vietinbank – chính là sơ hở để Huyền Như làm giả giấy tờ, chiếm đoạt tiền của ACB. Đây không phải lỗi của khách hàng gửi tiền, nên Vietinbank phải có trách nhiệm trả lại số tiền gần 719 tỷ đồng cho ACB. Đồng thời, qua vụ án này, các cơ quan chức năng cần tăng cường hành lang pháp lý trong hoạt động gửi tiền của ngân hàng, bảo vệ quyền lợi cho khách hàng.
Vietinbank phủ nhận trách nhiệm
Trước những quy kết về trách nhiệm bồi thường cho Ngân hàng ACB, luật sư Nguyễn Như Thái Dũng, đại diện Vietinbank, chia sẻ bức xúc với phía ngân hàng “bị hại”. Nhưng Vietinbank đồng tình với quan điểm của VKS về số tiền gần 719 tỷ đồng đã bị Huyền Như lợi dụng sai sót của Ngân hàng ACB và nhân viên Ngân hàng ACB để chiếm đoạt.
“Thời điểm Ngân hàng ACB ủy thác cho nhân viên gửi tiền không căn cứ theo quy định nào của pháp luật, số tiền này bị mất, chưa thu hồi được do Huyền Như đã chiếm đoạt”, đại diện Vietinbank nói và đổ lỗi cho các nhân viên của Ngân hàng ACB khi nhận ủy thác gửi tiền mà không làm tròn trách nhiệm. Đơn cử, không kiểm tra, ký kết các văn bản, chứng từ, không quản lý thẻ tiết kiệm, không làm thủ tục rút tiền khi đến hạn… Chính việc ACB phó mặc cho Huyền Như thực hiện cả 32 hợp đồng gửi tiền đã tạo cơ hội cho bị cáo chiếm đoạt tiền, nên không có căn cứ đòi Vietinbank phải bồi thường số tiền gần 719 tỷ đồng bị mất.
Đồng quan điểm trên, luật sư Lê Hồng Nguyên, đại diện cho Vietinbank, bổ sung thêm: biết là Ngân hàng không nhận tiền gửi vượt trần lãi suất, nhưng do làm ăn thua lỗ, cần tiền gấp nên Huyền Như đã móc tiền túi ra để trả hoa hồng lãi suất cao cho nhân viên ACB. Và, nhân viên ACB đã “sập bẫy”, gửi số tiền lớn cho Huyền Như mà ngân hàng ACB không lường trước rủi ro này.
Trong buổi chiều, Hội đồng xét xử dành thời gian cho các bị cáo tự bào chữa. Bị cáo Nguyễn Đức Kiên đã đọc lá đơn kêu cứu gửi các vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Chính phủ… Dưới góc nhìn của người làm kinh doanh, “bầu” Kiên cho rằng 6 công ty của mình đều hợp pháp, làm ăn hiệu quả, đóng thuế đầy đủ, nên việc áp đặt tội kinh doanh tài chính trái phép cần được xem xét lại.
Về cáo buộc tội “trốn thuế” tại Công ty B&B, liên quan đến hoạt động kinh doanh vàng trạng thái, bị cáo Kiên bày tỏ sự bất ngờ và cho rằng “đây là sự áp đặt, chụp mũ”.
Đặc biệt, bị cáo Kiên thấy bức xúc nhất và buồn là bị khép tội “Lừa đảo, chiếm đoạt tài sản”. Vì ông vốn là một doanh nhân lâu năm, có uy tín, có nhiều tiền nên không cần phải lừa đảo ai, nhất là bạn thân của mình. “Thỏa thuận của tôi với anh Long là thỏa thuận của hai chủ tịch hai tập đoàn lớn và thỏa thuận là lời nói thì cũng được pháp luật công nhận. Tôi chưa bao giờ từ chối thực hiện nghĩa vụ trong thỏa thuận giữa đôi bên”, bị cáo Kiên giãi bày.
Thu Hằng
————————————–
Thời báo Kinh doanh (Pháp luật) 30-5-2014:
http://thoibaokinhdoanh.vn/acb-phu-nhan-thiet-hai-kien-doi-vietinbank-tra-719-ty-dong.html
(468/1.125)