Nợ xấu, bất ngờ từ ông lớn
Phải đến hạn 15/8 nhiều NH mới công bố báo cáo tài chính quý 2/2014 và nợ xấu tăng cao là diễn biến đáng chú ý nhất.
Không chỉ các NH có lịch sử nợ xấu cao ngất ngưởng mà cả các NH cũng cùng cảnh ngộ. Bất ngờ nhất là VietinBank. Từ mức thấp trong hệ thống là 0,82% vào cuối năm ngoái, đã lên 2,53% vào tháng 6/2014. Nợ xấu của Vietcombank cũng đã tăng lên 3,09%, ACB tăng lên 3,6%, MB chính thức vượt mốc trên với 3,1%….
Thời điểm các NH báo cáo tài chính quý 2 là lúc Thông tư 09 có hiệu lực. Những yêu cầu khắt khe hơn trong việc xác định nợ xấu đã khiến các NH phải lộ dần những khoản nợ xấu trước đây vẫn che đậy. Lần đầu tiên, nhiều ông lớn phải ghi nhận cụ thể các khoản đầu tư trái phiếu DN, các khoản tiền gửi trên liên ngân hàng vào nợ xấu.
Nợ xấu tăng còn do nhiều nguyên nhân khác, chẳng hạn như DN phá sản, tạm ngừng hoạt động tăng. Theo Tổng cục Thống kê, số DN gặp khó khăn buộc phải giải thể hoặc tạm ngừng hoạt động có đăng ký hoặc ngừng hoạt động chờ đóng mã số DN hoặc không đăng ký trong 6 tháng đầu năm 2014 là 33.454 DN, tăng 16,3% so với cùng kỳ năm trước. Khi một số lượng lớn DN phải giải thể, ngừng hoạt động thì những khoản vay của họ sẽ biến thành nợ xấu và nợ xấu tăng lên.
Nợ xấu tiếp tục tăng cao và tín dụng tắc đầu ra vẫn là những vấn đề làm cho các ngân hàng tiếp tục khó khăn và mệt mỏi để xử lý. |
Báo cáo của NHNN tháng 7 vừa qua không công bố con số nợ xấu nhưng với diễn biến nợ xấu của các ngân hàng thương mại cho thấy, con số rủi ro này chưa hề giảm dù qua mỗi lần công bố, các ngân hàng đều rất tự tin tuyên bố về việc xử lý nợ xấu. Chính vì thế, những cảnh báo và dự báo con số thực nợ xấu cao hơn thực tế công bố của các chuyên gia vẫn tiếp tục được đưa ra như một chỉ báo về những khó khăn và rủi ro mà các ngân hàng phải đối mặt trong dài hạn.
Tín dụng tắc, huy động vốn làm gì
Trong khi nợ xấu tăng thì đầu ra tín dụng của các ngân hàng lại ì ạch chưa có nhiều chuyển biến. Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI (Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam) cho rằng, tăng trưởng tín dụng trên thực tế rất thấp. Hiện nay tình trạng chung là hầu hết các ngân hàng đều giữ tiền, không dám cho vay do lo ngại nợ xấu, mất vốn, bị quy tội bất cứ khi nào.
Hiện nay, hầu hết các ngân hàng đều giữ tiền, không dám cho vay |
Điều này cũng được ông Nguyễn Đức Hưởng, Phó Chủ tịch Thường trực HĐQT Ngân hàng Bưu điện Liên Việt chia sẻ Tại Diễn đàn Kinh tế miền Trung vừa qua. Ông Hưởng cho rằng: Hiện nay, nền kinh tế vẫn chưa tìm lấy lối thoát khi ngân hàng thừa nguồn, còn DN và địa phương lại thiếu vốn. Vì thế, mấy năm nay, bài toán trên vẫn chưa thể nào giải được. Trong lúc kinh doanh khó khăn thì xu hướng “hình sự hóa” kinh tế lại trỗi dậy. Cũng vì thế, tất cả các ngân hàng đều ngại đầu tư tín dụng vì sợ bị quy vào tội thiếu trách nhiệm hoặc cố ý làm trái. Thực sự nền kinh tế đang khó khăn nên đầu tư gặp rất nhiều rủi ro, cho nên đa số ngân hàng nghĩ là để tiền trong tủ cho chắc chắn, sau này kinh tế hồi phục rồi tính tiếp.
Thế nhưng, bất chấp tín dụng tăng thấp, NH thận trong cho vay, nợ xấu tăng vọt thì lại có nhiều NH việc đẩy mạnh khuyến mãi nhằm hút thêm tiền gửi. Thời gian qua nhiều ngân hàng vẫn “chạy đua” huy động vốn từ dân cư với hàng loạt các chương trình khuyến mãi “khủng” như tặng quà, tặng xe… lên đến hàng chục tỷ đồng.
Sacombank đang có Chương trình khuyến mãi “Hè rộn ràng, ngàn niềm vui” với tổng giá trị giải thưởng hơn 16 tỷ đồng. ViettinBank có Chương trình “Rạng rỡ ngày hè – Gửi tiền trúng lớn” với giải thưởng đặc biệt là chiếc ôtô Honda City 1.5L trị giá gần 600 triệu đồng cho khách gửi tiền. BIDV có Chương trình tiết kiệm dự thưởng may mắn với giải thưởng gồm 2 chiếc ôtô Honda Civic trị giá 750 triệu đồng, 10 chuyến du lịch Singapore, 20 xe máy Honda SH với tổng giá trị lên tới 11 tỷ đồng. Eximbank tung Chương trình khuyến mãi cộng lãi suất thưởng 0,4% cho khách hàng gửi tiền kỳ hạn 15 và 18 tháng, 0,2% cho kỳ hạn 24 tháng trở lên…
Theo thống kê, thời gian từ tháng 4/2014 đến nay có hơn 10 ngân hàng đã tung ra các chương trình khuyến mãi để thu hút tiền gửi của khách hàng. Trong khi tín dụng tăng trưởng thấp, ngân hàng đang thừa tiền mà vẫn “chạy đua” huy động vốn khiến nhiều người không khỏi băn khoăn.
Câu hỏi đặt ra, với tín dụng khó khăn thì các ngân hàng huy động vốn để làm gì?.
Một số NH cho biết, họ phải đẩy mạnh huy động vì nhu cầu về vốn cuối năm tăng và nhiều hợp đồng tín dụng được ký hồi đầu năm đã sắp đến kỳ giải ngân. Tuy nhiên không ít ý kiến nghi ngờ rằng, các ngân hàng đẩy mạnh khuyến mãi thu hút tiền gửi, còn để bù đắp thanh khoản.
Nói về điều này, chuyên gia tài chính Phạm Nam Kim cũng lo ngại, khi các ngân hàng cứ phải loay hoay “đánh vật” với nợ xấu, thì tốc độ tăng trưởng kinh tế bị ảnh hưởng và đến một thời điểm nào đó, tất cả đều mệt mỏi bởi nợ xấu.
Trần Thủy
——————
Vef (Vietnamnet -Kinh tế) 31-8-2014:
http://m.vietnamnet.vn/vn/kinh-te/194991/tin-dung-tac–no-xau-tang–sep-ngan-hang-met-moi.html
(82/1.143)