556. Tranh cãi nặng lời ACB – Vietinbank: Kẻ tám lạng, người nửa cân

(ĐTCK) – Tại phiên tòa bầu Kiên, tranh cãi giữa ACB và Vietinbank về khoản tiền 718 tỷ đồng vẫn tiếp tục. Hai bên đều có những lời lẽ nặng nề chỉ trích lẫn nhau.

Luật sư Nguyễn Tiến Hùng, đại diện Vietinbank (ảnh chụp qua màn hình)

Hòn chì ném lại: ACB cố tình lách luật

Sáng ngày 30/5, Đại diện Ngân hàng Vietinbank đã tham gia tranh luận và có nhận xét rằng: Thứ nhất, Vietinbank không bao giờ dám giao tiền cho nhân viên đi gửi ở ngân hàng khác, nhưng ACB dám liều lĩnh làm việc này.

Thứ hai, Vietinbank không bao giờ có những công ty sân sau để phát hành trái phiếu, dùng tiền bán trái phiếu mua CP, sau đó dùng CP thế chấp…

Tuy nhiên, ý kiến này của đại diện Vietinbank đã bị Chủ tọa phiên tòa ngắt lời vì cho rằng, không liên quan đến quyền lợi của Vietinbank.

Trước đó, đại diện Vietinbank phân tích, về mặt hình thức, giữa ACB và VietinBank không có một giao dịch, thỏa thuận hay hợp đồng nào cả. Về nội dung, kết quả điều tra, thì khoản tiền 718 tỷ được kết luận là tiền của ACB gửi vào VietinBank. Câu chuyện ở đây là gì?

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã tạo ra một sân chơi riêng cho các ngân hàng với nhau là thị trường liên ngân hàng, vậy tại sao ACB không dùng thị trường liên ngân hàng này để gửi tiền vào VietinBank?

Mâu thuẫn ở đây là gì? ACB đang cố tình lách luật, vì lợi nhuận cao, siêu lợi nhuận, ở đây có sự lạm dụng, lách luật và lừa dối NHNN. Trong góc độ hạch toán, chắc chắn rằng, ACB không bao giờ dám báo cáo với NHNN về chuyện ủy thác cho 19 nhân viên đi gửi tiền ở VietinBank, mà sẽ hạch toán bằng con đường liên ngân hàng. Do đó, đứng về góc độ quản lý nhà nước, NHNN không thể biết và không thể quản lý được nếu như các ngân hàng đều làm như vậy. Đây là hành vi lách luật và trốn tránh sự quản lý của Nhà nước.

Khi Nhà nước chưa có hướng dẫn, nhưng nếu các ngân hàng muốn thực hiện một nghiệp vụ nào đó thì chỉ cần làm công văn báo cáo NHNN, NHNN sẵn sàng chấp thuận nếu không trái luật. Nhưng ACB đang cố tình lách luật, chứ không hề có một văn bản nào báo cáo.

Các luật sư khác thì luôn bám vào 32 hợp đồng, muốn đẩy sang quan hệ pháp luật dân sự, mà không hiểu rằng, quan hệ dân sự này nằm trong một phạm trù của pháp luật hình sự, là công cụ để thực thi một hành vi phạm tội thì phải xử lý bằng pháp luật hình sự.

Đối với việc quản lý kinh tế nhà nước, hành vi này đã góp phần làm bóp méo quy luật thị trường.

Có sự nhầm lẫn khi một số luật sư luôn nói rằng, tiền của ACB đã vào tài khoản của VietinBank. Điều này là không đúng, vì tài khoản của VietinBank cũng giống ACB, được mở tại trung tâm giao dịch số 1 Lý Thái Tổ. Do vậy, phải nói như Nguyễn Đức Kiên là: tiền của các cá nhân ACB đã vào tài khoản của chính các cá nhân được mở tại 1 điểm giao dịch của VietinBank.

Các nhân viên không ký lệnh nào sao tiền, lại cứ đi là nhận xét sai lầm. Trong hồ sơ thể hiện rất rõ, có trên 80 lệnh chi của chính các cá nhân nhân viên ACB ký khống khi chưa có tài khoản nơi thụ hưởng và giao các lệnh chi khống đó cho Huỳnh Thị Huyền Như.

Đây là kẽ hở chết người để Như có đủ cơ hội thực hiện mà VietinBank không thể biết được. Tiền đi từ tài khoản thanh toán thông qua lệnh chi hoàn toàn không đi từ tài khoản tiết kiệm. Lỗi chết người này xuất phát từ các nhân viên của ACB.

Việc ủy thác gửi tiền làm nổi lên vấn đề vốn ảo lãi thật, trong việc ACB ủy thác cho cá nhân, không riêng gì VietinBank, mà rất nhiều ngân hàng khác giật mình sửng sốt và cho rằng, đây là việc quá liều lĩnh, không ai dám làm như vậy.

Ngay tại tòa, trong phần xét hỏi, bị cáo Trịnh Kim Quang có nói: Có sợ rủi ro chứ, các nhân viên của mình người ta rút tiền, ẵm tiền của mình trốn thì sao? Câu chuyện này hoàn toàn có thể xảy ra. Kể cả trong trường hợp nhân viên có cầm hợp đồng về nộp cho ACB, nhưng ngày mai cũng vẫn toàn quyền dùng lệnh chi rút ra bằng tiền mặt và trốn.

Đó là người ta còn chưa gặp phải “siêu lừa” Huyền Như. Như vậy, tức là bản thân ACB đã nhìn trước được hậu quả có thể xảy ra nhưng vẫn liều lĩnh vì lợi nhuận.

Tương tự như câu chuyện gửi 50 tỷ đồng tại VietinBank Chi nhánh Nhà Bè, hai nhân viên ACB này đã không cần quan tâm hợp đồng thật hay giả, không cần quan tâm mở tài khoản như thế nào, ai đứng ra mở tài khoản…, tất tần tật từ đầu đến cuối đều phó mặc cho Huyền Như làm. Đây là sai lầm nghiêm trọng dẫn đến việc mất tiền. Chuyện mất tiền này ngân hàng không thể biết.

Hòn bấc ném đi: Vietinbank sở hở, chủ quan, dễ dãi, yếu kém

Trước đó ngày 29/5, Luật sư Trương Thanh Đức, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của ACB cho rằng, Vietinbank sơ hở, chủ quan, dễ dãi, yếu kém và phải chịu trách nhiệm về 718 tỷ đồng.

Vietinbank đã phạm phải một loạt lỗi lầm, sai phạm đặc biệt nghiêm trọng về nghiệp vụ và pháp lý vô cùng nguy hiểm, dẫn đến việc mất tiền.

Theo Luật sư Trương Thanh Đức, giao dịch gửi tiền thật, người gửi thật, hợp đồng thật, chữ ký thật, con dấu thật, tài khoản thật, tiền gửi thật, ngân hàng nhận thật. Như vậy, nếu có rủi ro gì cho VietinBank thì chỉ là đối với phần lãi suất chênh lệch ngoài hợp đồng. Và đó cũng chính là phần rủi ro đối với người gửi tiền trong vụ án này.

Ngân hàng đã nhận tiền thật vào tài khoản và quỹ két của mình thì phải có trách nhiệm trả lại tiền thật cho khách hàng. Việc mất tiền sau này là hoàn toàn do nội bộ VietinBank tự gây nên, nhưng đã đẩy hết cho khách hàng gánh chịu hậu quả.

VietinBank phải có trách nhiệm trả lại tiền gửi của các khách hàng là nhân viên ACB, vì: VietinBank đã ký hợp đồng gửi tiền như đối với hàng vạn khách hàng khác; đã nhận tiền gửi, hạch toán tiền gửi, sử dụng tiền gửi, quản lý tiền gửi như đối với hàng vạn khách hàng khác.

VietinBank đã sơ hở, chủ quan, dễ dãi, yếu kém và phá bỏ những nguyên tắc cơ bản, nên đã chấp nhận thẻ tiết kiệm giả, chứng từ giả, hồ sơ giả, chữ ký giả để tội phạm rút tiền khỏi tài khoản của khách hàng, đồng thời cũng là rút tiền thẳng từ trong kho két, “ruột gan” của mình.

Là ngân hàng cung cấp dịch vụ và trực tiếp quản lý tài khoản, VietinBank không thể chối bỏ được trách nhiệm “Kiểm soát các lệnh thanh toán của khách hàng, đảm bảo lập đúng thủ tục quy định, hợp pháp, hợp lệ và khớp đúng với các yếu tố đã đăng ký” đã được pháp luật quy định.

VietinBank đương nhiên phải trả lại tiền gửi, nếu mất thì phải bồi thường cho khách hàng, vì trách nhiệm cơ bản nhất, tối thiểu nhất của ngân hàng là phải quản lý an toàn, chính xác và bảo mật tiền gửi của khách hàng. Ngân hàng nào phủ nhận nguyên tắc này, thì sớm hay muộn cũng sẽ bị đóng cửa.

Hoàng Duy

————————————-

Đầu tư Chứng khoán (Pháp luật) 30-5-2014:

http://tinnhanhchungkhoan.vn/phap-luat/tranh-cai-nang-loi-acb-vietinbank-ke-tam-lang-nguoi-nua-can-96453.html

(444/1.406)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

437. Cải cách thể chế và tôn trọng thị trường...

Chùm 3 bài Việt Nam - Khát vọng hùng cường: Cải cách thể chế và tôn...

Phỏng vấn 

4.424. Hỗ trợ kê khai nộp thuế điện tử.

Hỗ trợ kê khai nộp thuế điện tử. (VTV1) - Chương trình có sự tham gia...

Trích dẫn 

3.975. “Nóng” giá vàng trong năm 2025, có nên...

“Nóng” giá vàng trong năm 2025, có nên đầu tư? (NĐT) - Được hỗ...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 237,233