(CL) – Ngày 29/5, phần tranh luận tại phiên tòa xét xử Nguyễn Đức Kiên và các đồng phạm “nóng” lên bởi sự “đối đầu” của các luật sư trong việc đưa ra chứng lý để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho hai ngân hàng: ACB và VietinBank.
ACB không làm trái pháp luật
Luật sư Trương Thanh Đức (bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Ngân hàng ACB) khẳng định ACB tham dự phiên tòa không phải là nguyên đơn dân sự. Theo ông Đức, ACB chưa thiệt hại số tiền 687 tỷ đồng đầu tư cổ phiếu. Đối với số tiền 718 tỷ đồng, ACB đang khởi kiện yêu cầu VietinBank hoàn trả. ACB cũng không có đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại.
Luật sư Đức khẳng định: Về số tiền 718 tỷ đồng, ACB không làm trái pháp luật vì Ngân hàng Nhà nước chưa có hướng dẫn ủy thác. VietinBank có trách nhiệm trả 718 tỷ đồng cho ACB vì tiền đã được gửi vào hệ thống VietinBank. Thêm vào đó, tại Công văn số 2614 của Tổng Giám đốc VietinBank nêu, số dư tài khoản của nhân viên ACB tại VietinBank không bị phong tỏa, số tiền tiếp tục sinh lãi. Nên số tiền này là hợp pháp. Việc Huyền Như nhận tiền là đưa về cho VietinBank. Tiền gửi chỉ mất khi rút khỏi VietinBank.
Ngược lại, luật sư Nguyễn Như Thái Dũng (bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho VietinBank) lại khẳng định: “Hậu quả thiệt hại của ACB là từ chủ trương ủy thác gửi tiền mà ra”. Theo luật sư Thái Dũng, việc ACB yêu cầu xem xét trách nhiệm của VietinBank đối với khoản tiền 718 tỷ đồng là không có căn cứ. Số tiền 718 tỷ đồng thiệt hại của ACB là lỗi của ACB vì đã tạo cơ hội cho Huyền Như lừa đảo. ACB đã không tuân thủ pháp luật về quy định ủy thác gửi tiền. Thời điểm đó không có hướng dẫn nào về hoạt động này. Số tiền này ACB chưa kịp thu hồi nên đã bị Huyền Như chiếm đoạt.
Cũng theo luật sư Dũng, việc ACB ủy thác đem đi gửi tiền với lãi suất vượt trần là sai quy định. Theo Quyết định 1284 quy định trách nhiệm của chủ tài khoản thì chủ tài khoản phải chịu trách nhiệm về những sai sót của mình trong quản lý tài khoản. Còn Ngân hàng chỉ là đơn vị cung cấp dịch vụ, thực hiện các việc hạch toán giao dịch. Khi các nhân viên ACB nhận ủy thác gửi tiền đã có những sai lầm như không nhận thẻ tiết kiệm và ACB cũng không yêu cầu các nhân viên này giao lại thẻ tiết kiệm.
Luật sư Thái Dũng cũng cho rằng, Huỳnh Thị Huyền Như đã có ý định chiếm đoạt tiền ngay từ đầu. VietinBank không hề biết các hành vi của Huyền Như, không có chủ trương về các khoản huy động vượt trần nên không bị thiệt hại và không hưởng lợi gì với khoản tiền này. VietinBank không gây ra, không có lỗi với thiệt hại của ACB nên không có trách nhiệm với khoản này.
“Bầu” Kiên: Tôi chẳng có tội gì cả (!?)
Trong phần tranh luận trước Tòa, bị cáo Nguyễn Đức Kiên đã dành gần 2 giờ để đưa ra các luận điểm, chứng cứ chứng minh bị cáo không phạm tội như những cáo buộc của Viện kiểm sát. Theo bị cáo Kiên, VietinBank phải chịu trách nhiệm về việc làm của nhân viên mình và phải chịu trách nhiệm về số tiền 718 tỷ đồng nói trên. Theo dẫn chứng của bị cáo, theo một số văn bản pháp luật không bắt buộc người gửi phải đến ngân hàng để thực hiện một số công việc về tài khoản.
Đối với hành vi ủy thác tiền gửi, bị cáo Kiên xác nhận có tham gia cuộc họp thường trực HĐQT ngày 22/3/2010 bàn về việc ủy thác tiền gửi. Kiên nói chỉ tham gia cuối cuộc họp nên không liên quan gì đến việc bàn chuyện ủy thác gửi tiền của thường trực HĐQT, Kiên không biết nội dung việc Hải trình về việc ủy thác tiền gửi. Khi lấy ý kiến HĐQT, ông Trần Xuân Giá cũng không lấy ý kiến của Kiên về việc ủy thác.
Theo bị cáo Kiên, đối với vấn đề thiệt hại của ACB trong thực hiện ủy thác gửi tiền, tổng thu của ACB là 1.800 tỷ đồng, nếu trừ đi khoản tiền khoảng 718 tỷ đồng bị mất thì vẫn không gây ra thiệt hại nào của ACB. Ngân hàng ACB không có vốn của Nhà nước, việc mất tiền không làm thiệt hại cho cổ đông, người dân, nếu có thì chỉ là giảm cổ tức của cổ đông. Cho nên ACB vẫn không bị thiệt hại nào kể cả việc VietinBank không trả tiền.
Đối với tội trốn thuế, Kiên nói rằng bị cáo hoàn toàn không hề biết là Quốc hội thông qua Nghị quyết về miễn giảm thuế thu nhập cá nhân sau 6 tháng ký hợp đồng ủy thác của Nguyễn Thúy Hương đối với Công ty B&B và hợp đồng ủy thác giữa B&B với ACB. Trong phần luận tội của Viện kiểm sát có nói đây là hợp đồng trá hình. Kiên không thừa nhận quan điểm luận tội này và phân tích về hợp đồng ủy thác ký kết giữa hai bên là hợp đồng dân sự (giữa Kiên với em gái và vợ). Nếu theo hợp đồng ủy thác, phần thua thiệt nếu có xảy ra là em gái và Kiên chứ không phải công ty B&B. Cho nên không ai đi bỏ tiền để bù lỗ cho một hợp đồng trá hình.
Về nội dung truy tố kinh doanh vàng trái phép ở Công ty Thiên Nam, bị cáo Kiên khẳng định không kinh doanh vàng trái phép. Theo Kiên lập luận, Công ty Thiên Nam đầu tư tài chính thông qua giá vàng. Hợp đồng ủy thác giữa Công ty Thiên Nam ký với Vietbank và ACB đúng pháp luật và đây là thuộc thẩm quyền của Tổng Giám đốc Lê Quang Trung.
Dẫn chứng cho lập luận này, Kiên đã đưa ra 2 bản hợp đồng ủy quyền giao dịch vàng. Phiếu lệnh ủy thác đều có chữ ký của ông Lê Quang Trung. Đối với Kiên, chỉ nhận trách nhiệm là giúp ông Lê Quang Trung đưa lệnh này đến ACB. Các văn bản pháp lý để Công ty Thiên Nam đầu tư vàng không trái pháp luật vì giấy phép của Công ty Thiên Nam là có mua bán hàng hóa, trong đó có vàng. Nếu xác định là tài chính, hay hàng hóa cũng không sao. Trên cơ sở đó, Nguyễn Đức Kiên cho rằng bị cáo không phạm tội kinh doanh trái phép.
Hôm nay, ngày 30/5 tiếp tục phần tranh tụng với các ý kiến của những người tham gia tố tụng và phần đối đáp của đại diện Viện kiểm sát giữ quyền công tố.
PV
——————————————
Công lý (Pháp đình) 30-5-2014:
http://congly.com.vn/phap-dinh/sau-vanh-mong-ngua/dien-bien-phien-xu-bau-kien-vi-sao-ngan-hang-acb-tu-choi-vai-tro-la-nguyen-don-dan-su-trong-vu-an-51810.html
(180/1.235)