559. Xét xử vụ án “bầu” Kiên: Lợi ích nhóm và đường vòng tội lỗi

(LĐ) – Ngày xét xử thứ 9 vụ án Nguyễn Đức Kiên và đồng phạm đã bước vào phần đối đáp của đại diện Viện KSND giữ quyền công tố tại tòa. Đại diện Viện KSND đã bác bỏ toàn bộ quan điểm bào chữa của các luật sư và các bị cáo đồng thời khẳng định cáo trạng truy tố các bị cáo là “đúng người, đúng tội”. 

Đại diện VKS cũng cho rằng hành vi “cố ý làm trái…” tại ACB chính là phục vụ lợi ích nhóm và là đường vòng tội lỗi của các bị cáo. Cũng trong ngày xét xử 30.5 và chiều 29.5 người dự khán đã được chứng kiến màn đấu khẩu bằng những ngôn từ không dễ nghe giữa đại diện ACB và Vietinbank như: “Liều lĩnh, lừa dối, lách luật…”.

Trong phần trình bày quan điểm bảo vệ cho ACB về số tiền 718,9 tỉ đã ủy thác cho nhân viên gửi vào Vietinbank Nhà Bè, luật sư Trương Thanh Đức đã cho rằng Vietinbank đã sơ hở, chủ quan và mắc phải sai lầm đặc biệt nghiêm trọng về nghiệp vụ dẫn đến việc mất tiền. “Vietinbank đã định đoạt và chiếm đoạt trái pháp luật tiền gửi của khách hàng bằng việc tự động và cho phép rút, chuyển tiền gửi của các nhân viên ACB khỏi tài khoản theo lệnh của tội phạm, hoàn toàn ngoài thỏa thuận và ý chí của người gửi tiền. Vì vậy, Vietinbank đương nhiên phải trả lại tiền gửi, nếu mất thì phải bồi thường cho khách hàng, vì trách nhiệm cơ bản nhất, tối thiểu nhất của ngân hàng là phải quản lý an toàn, chính xác và bảo mật tiền gửi của khách hàng. Ngân hàng nào phủ nhận nguyên tắc này, thì sớm hay muộn cũng sẽ bị đóng cửa” – luật sư Đức tỏ ra gay gắt.

Không tỏ ra thua kém, đại diện Vietinbank “đốp” lại: “Khoản tiền 718,9 tỉ đồng, thì giữa ACB và Vietinbank không có một giao dịch gì cả, không có một thỏa thuận hay hợp đồng nào cả. Toàn bộ giao dịch là giữa các nhân viên của ACB với Huỳnh Thị Huyền Như” – đại diện Vietinbank khẳng định.

Đại diện Vietinbank cũng cho rằng NHNN đã tạo ra một sân chơi riêng cho các ngân hàng với nhau là thị trường liên ngân hàng “vậy tại sao ACB không dùng thị trường liên ngân hàng này để gửi tiền vào Vietinbank? ACB đang cố tình lách luật, vì lợi nhuận cao, siêu lợi nhuận, ở đây có sự lạm dụng, lách luật và lừa dối NHNN. Trong góc độ hạch toán, chắc chắn rằng ACB không bao giờ dám báo cáo với NHNN về chuyện ủy thác cho 19 nhân viên đi gửi tiền ở Vietinbank mà sẽ hạch toán bằng con đường liên ngân hàng. Do đó đứng về góc độ quản lý nhà nước, NHNN không thể biết và không thể quản lý được nếu như các ngân hàng đều làm như vậy. Đây là hành vi lách luật và trốn tránh sự quản lý của Nhà nước…Hành vi này đã góp phần làm bóp méo quy luật thị trường” – vị đại diện Vietinbank quy kết.

Tại phiên tòa ngày 30.5, ông Trần Đình Long vẫn tiếp tục khẳng định không hề biết cổ phiếu được thế chấp. Khi HĐXX hỏi về việc ông Mai Văn Hà – Phó TGĐ Cty CP thép Hòa Phát – ký xác nhận vào giấy đề nghị phong tỏa số cổ phiếu này để làm rõ việc Hòa Phát có biết hay không số cổ phiếu đã được thế chấp, ông Long cho rằng: “Chúng tôi mới bổ nhiệm anh Hà, là một cán bộ trẻ làm Phó giám đốc. Anh Hà sau đó đã không báo cáo lại việc này. Chúng tôi thừa nhận có sơ suất này”.

Khi được HĐXX hỏi về thỏa thuận hoán đổi cổ phiếu cho nhau, ông Trần Đình Long – Chủ tịch tập đoàn Hòa Phát – cũng trả lời rằng: “Tôi rất muốn mua cổ phiếu này và báo cáo HĐXX, hiện nay chúng tôi đã mua xong cổ phiếu của chúng tôi. Việc hoán đổi cổ phiếu là nói nhau thế thôi, còn về mặt pháp lý rõ ràng tôi mua cổ phiếu thép của anh, anh mua cổ phiếu bất động sản của tôi, tôi nói lại cho rõ”.

Một diễn biến khá lạ tại phiên xử ngày 30.5 là khi HĐXX hỏi đại diện cho nguyên đơn dân sự là Công ty TNHH MTV thép Hòa Phát, ông Kiều Chí Công – Giám đốc Cty – đã không trả lời mà hỏi ngược lại HĐXX: “Hôm trước tôi đã có Công văn gửi quý tòa, trong đó nêu rất rõ, đơn gửi cơ quan điều tra của tôi chỉ là yêu cầu làm rõ, không phải tố cáo anh Kiên. Đến thời điểm này, chúng tôi đã thu hồi được tiền rồi, không có thiệt hại gì cả. Vậy chúng tôi có còn là nguyên đơn dân sự nữa không?”. Trước câu hỏi này, chủ tọa đáp: “Việc này HĐXX sẽ xem xét”.

Đại diện VKS đã lần lượt bác bỏ quan điểm biện hộ của các luật sư và các bị cáo. Đối với hành vi kinh doanh trái phép, VKS cho rằng, 5 Cty mà Nguyễn Đức Kiên chỉ đạo góp vốn mua cổ phần, cổ phiếu không có giấy phép ngành nghề kinh doanh tài chính là mua cổ phần, cổ phiếu, góp vốn vào doanh nghiệp khác. Các Cty này cũng không kê khai đăng ký nội dung theo quy định tại Điều 34 Nghị định 43 của chính phủ và công văn số 6230 Bộ Kế hoạch và đầu tư, vì vậy Viện KSND Tối cao truy tố là hoàn toàn có căn cứ.

Tương tự, đối với việc kinh doanh vàng trái phép của Cty Thiên Nam, VKS cũng cho rằng Cty này không có chức năng kinh doanh vàng nhưng dưới sự chỉ đạo của Nguyên Đức Kiên, Cty Thiên Nam đã kinh doanh trên mặt hàng này thu lời trên 100 tỉ đồng.

Đối với hành vi “Cố ý làm trái…” đại diện VKS cho rằng quá trình thẩm vấn công khai tại tòa cũng như các tài liệu có trong hồ sơ vụ án đã cho thấy các bị cáo biết rõ quy định của pháp luật nhưng vẫn làm trái. Làm với động cơ, mục đích lợi ích nhóm. Lợi ích này cho riêng ACB trong đó có nhóm lợi ích cá nhân của các bị cáo. Các bị cáo làm trái với mục đích, động cơ vụ lợi nên phải chịu trách nhiệm chung. Về chủ trương của thường trực HĐQT ACB đầu tư mua cổ phiếu gây thua lỗ cho ACB 687 tỉ đồng, đại diện VKS cho rằng chủ trương này đã được đưa ra bàn bạc rất kỹ, rất sâu, rất cụ thể tại cuộc họp. Sau đó giao cho Nguyễn Đức Kiên chỉ đạo công ty ACBS (là công ty chứng khoán do ACB sở hữu 100% vốn) mua cổ phiếu của chính ACB.

“Các bị cáo đã bàn bạc để giữ bí mật về việc này. Khi tiến hành thực hiện, Nguyễn Đức Kiên đã chỉ đạo công ty chứng khoán ACBS hợp tác đầu tư với 2 công ty ACI và ACI Hà Nội để mua cổ phiếu của ACB. Tiền của ACB lại quay về chính ACB. Để tránh sự kiểm tra của cơ quan chức năng, dòng tiền này được núp dưới các hợp đồng vay liên ngân hàng, hợp đồng hợp tác đầu tư. Tôi có thể gọi tên dòng tiền này là đường vòng tội lỗi” – đại diện VKS kết luận.

Đối với các tội danh khác, đại diện VKS cũng viện dẫn các căn cứ pháp luật để khẳng định cáo trạng đã buộc tội các bị cáo là đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.

CHÍ TÙNG

—————————————-

Lao Động (Pháp luật) 31-5-2014:

http://laodong.com.vn/phap-luat/xet-xu-vu-an-bau-kien-loi-ich-nhom-va-duong-vong-toi-loi-204785.bld

(180/1.370)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

437. Cải cách thể chế và tôn trọng thị trường...

Chùm 3 bài Việt Nam - Khát vọng hùng cường: Cải cách thể chế và tôn...

Phỏng vấn 

4.424. Hỗ trợ kê khai nộp thuế điện tử.

Hỗ trợ kê khai nộp thuế điện tử. (VTV1) - Chương trình có sự tham gia...

Trích dẫn 

3.975. “Nóng” giá vàng trong năm 2025, có nên...

“Nóng” giá vàng trong năm 2025, có nên đầu tư? (NĐT) - Được hỗ...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 237,248