561. “Công dân Nguyễn Đức Kiên có bị phân biệt đối xử?”

(TT) – Trong phần đối đáp kéo dài chừng 120 phút, bị cáo Nguyễn Đức Kiên đặt câu hỏi: Công dân Nguyễn Đức Kiên có bị phân biệt đối xử không?

Bị cáo Nguyễn Đức Kiên trong lúc tự bào chữa – Ảnh: Quang Đức

Trong bài tự bào chữa kéo dài gần 120 phút, nhiều lần bị cáo Nguyễn Đức Kiên (phó chủ tịch hội đồng sáng lập Ngân hàng Á Châu) đặt câu hỏi: “Viện kiểm sát (VKS) buộc tội tôi thì phải chỉ rõ cho tôi thấy tôi bị buộc tội ở khoản nào, điều mấy? Còn nếu không đủ căn cứ buộc tội tôi thì đề nghị hội đồng xét xử tuyên tôi vô tội”.

Căn cứ mà bị cáo này đặt ra đối với VKS cũng là đặt ra với hội đồng xét xử bởi những cáo buộc từ VKS, cho rằng trong bốn tội bị cáo buộc thì Nguyễn Đức Kiên là người cầm đầu, chủ mưu, chỉ đạo tất cả nhưng VKS và cơ quan điều tra đã không đưa ra văn bản nào thể hiện việc chỉ đạo đó mà chỉ căn cứ vào một số lời khai của một số bị cáo khác bàn đến nhưng không phải trong các cuộc họp.

Nói như bị cáo Lý Xuân Hải (nguyên tổng giám đốc Ngân hàng Á Châu), đó là “nói đến trong lúc trà dư tửu hậu” cũng giống như hàng trăm ngàn câu chuyện được bàn, được tán gẫu trong khoảng thời gian lúc ăn sáng, khi thảnh thơi.

VKS cũng cáo buộc bị cáo này kinh doanh trái phép chứng khoán, mua cổ phần cổ phiếu không đúng trên giấy đăng ký kinh doanh, trong khi luật sư bào chữa cho bị cáo Kiên đưa ra bằng chứng là trong hàng trăm ngàn doanh nghiệp và người dân nhiều năm qua vẫn mua bán cổ phần cổ phiếu mà chưa một doanh nghiệp nào được cấp giấy đăng ký kinh doanh ngành nghề này.

Và trong phần tranh luận với đại diện VKS, trong phần đối đáp cũng kéo dài chừng 120 phút, bị cáo Nguyễn Đức Kiên lại đặt thêm một câu hỏi khác: Công dân Nguyễn Đức Kiên có bị phân biệt đối xử không? Minh chứng cho câu hỏi này, ông Kiên nói mình đã tuân thủ pháp luật Việt Nam và thực hiện mọi nghĩa vụ đối với Nhà nước.

Sở dĩ ông Kiên đặt ra câu hỏi đó bởi vì có hàng ngàn người đang kinh doanh cổ phần, cổ phiếu giống như ông Kiên, họ cũng góp vốn và đầu tư giống như ông Kiên, họ cũng ký hợp đồng ủy thác giống công ty mà ông Kiên đại diện pháp luật nhưng chỉ một mình ông Kiên bị khởi tố vì tội kinh doanh trái phép, trốn thuế và cố ý làm trái quy định của Nhà nước.

Bị cáo Kiên lý luận rằng trong cùng một điều luật, một nền tư pháp nhưng chỉ một mình ông bị phân biệt đối xử, trong khi mọi công dân đều được bình đẳng trước pháp luật.

Bị cáo này cũng cho rằng nếu không phải VKS đang phân biệt đối xử với ông thì hàng ngàn cá nhân, doanh nghiệp khác đang đứng trước nguy cơ bị khởi tố, còn các cá nhân đảm nhiệm các chức vụ trong các cơ quan chức năng sẽ phải đứng trước nguy cơ bị cáo buộc về hành vi thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng bởi đã không ban hành kịp thời các văn bản luật để hướng dẫn các doanh nghiệp.

Luật sư Trương Thanh Đức – một chuyên gia trong lĩnh vực tài chính ngân hàng, người đã được mời tham gia thẩm định nhiều bộ luật trong lĩnh vực này – khi bảo vệ quyền lợi cho Ngân hàng Á Châu đã mạnh dạn kiến nghị: “Đề nghị hội đồng xét xử kiến nghị với các cơ quan lập pháp và hành pháp xem xét lại việc xây dựng, giải thích và áp dụng pháp luật để tránh gây ra sự hoang mang, lo ngại, khốn khổ, nguy hiểm, oan ức cho các doanh nghiệp và cá nhân, khi họ không thể biết phải làm thế nào thì mới an toàn pháp lý; lăn lộn vất vả kinh doanh, nộp thuế cho Nhà nước nhưng không thể biết khi nào thì vi phạm, tù tội.”

“Bộ, ngành soạn thảo và thực thi Luật doanh nghiệp và Luật các tổ chức tín dụng đã tạo ra sự tù mù, hiểu thế nào cũng được, thậm chí chính mình cũng không hiểu và hiểu sai, làm sai, giải thích sai luật. Như thế thì khác nào đánh bẫy doanh nghiệp, treo thòng lọng trước mọi cá nhân” – Ông Đức nói.

Còn một phóng viên theo dõi phiên tòa đã lấy một ví dụ đơn giản hơn rất nhiều: hành vi kinh doanh trái phép, cố ý làm trái… trong vụ án này, giống như Nhà nước làm một con đường nhưng không làm vạch, không đặt cột đèn tín hiệu, không phân làn, không phân chia vỉa hè lòng đường và cũng không có biển cấm nên người dân tự do đi lại.

Nhưng một ngày cảnh sát giao thông lại bắt một người trong số cả trăm người đang đi trên đường và nói rằng vi phạm do chưa có hướng dẫn.

Hoàng Điệp

————————————–

Tuổi trẻ (Chính trị – Xã hội) 01-6-2014:

http://tuoitre.vn/Chinh-tri-xa-hoi/Phap-luat/610437/cong-dan-nguyen-duc-kien-co-bi-phan-biet-doi-xu.html

(200/931)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

433. Bình luận về Chủ sở hữu hưởng lợi của...

Bình luận về Chủ sở hữu hưởng lợi của doanh nghiệp Tham luận Hội...

Phỏng vấn 

4.391. Bẫy nạn nhân với 'miếng mồi' lãi suất cao.

Bẫy nạn nhân với 'miếng mồi' lãi suất cao.(TT) - Vụ GFDI ở Đà Nẵng...

Trích dẫn 

3.908. Ngăn chặn những "văn phòng bất động sản...

Ngăn chặn những "văn phòng bất động sản di động" đẩy giá đất. (VTV.vn)...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 231,803