(HQ) – Tình trạng nhiều Thông tư (TT) được ban hành không phù hợp thực tiễn cuộc sống, chồng chéo, thậm chí trái với văn bản pháp luật khác đã bị dư luận lên tiếng phản ứng. Xây dựng, ban hành nhưng TT không giải quyết được vấn đề của cuộc sống không chỉ làm rối thêm hệ thống văn bản quy phạm pháp luật vốn đã nhiều tầng nấc, mà còn tạo nên hình ảnh về một môi trường đầu tư kém thân thiện.
Từ đầu nhiệm kỳ khóa XIII (tháng 7-2011) đến hết ngày 30-4-2014 trong tổng số 1.574 văn bản đã kiểm tra, Bộ Tư pháp phát hiện 54 văn bản sai về nội dung. Cụ thể, trong 54 văn bản này có 4 văn bản có dấu hiệu chưa phù hợp với luật và pháp lệnh, còn lại là văn bản có dấu hiệu chưa phù hợp với nghị định của Chính phủ và quyết định của Thủ tướng Chính phủ. |
Xa rời thực tiễnGần đây dư luận lên tiếng nhiều về một số TT không áp dụng được vào thực tế, thậm chí tình trạng TT phi thực tế còn xảy ra ở hầu hết lĩnh vực.
Trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, mới đây, liên quan đến TT 20/2014/TT-BKHCN ngày 15-7-2014 có hiệu lực từ ngày 1-9-2014, cộng đồng DN NK máy móc, thiết bị xây dựng, nông nghiệp cùng nhiều DN có vốn đầu tư nước ngoài, Hiệp hội DN nước ngoài đã lên tiếng về một số quy định không phù hợp thực tiễn. Cụ thể, TT quy định máy móc NK về Việt Nam phải có thời gian sử dụng không quá từ 3 đến 15 năm, có chất lượng còn lại so với chất lượng ban đầu từ 80% trở lên mới được NK về Việt Nam. Điều này không phù hợp thực tế Việt Nam bởi máy móc đáp ứng tiêu chuẩn của TT sẽ có giá thành NK cao, người tiêu dùng không tiếp cận được sản phẩm. Cùng với đó, máy móc NK có thời hạn sử dụng chỉ 3-15 năm là loại máy có công nghệ cao hơn khả năng sử dụng của phần đông nông dân Việt Nam.
Ngoài ra, theo đại diện của Cục Đăng kiểm Việt Nam, Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa và Nghị định 132/2008/NĐ-CP hướng dẫn Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa đã quy định Bộ Giao thông vận tải chịu trách nhiệm về các phương tiện thi công công trình trùng với những loại máy móc thiết bị được liệt kê trong Điểm b Khoản 2 Điều 6. Bộ Giao thông vận tải cũng đã ban hành TT 63/2011/TT-BGTVT ngày 22-12-2011 ban hành danh mục sản phẩm hàng hóa có khả năng gây mất an toàn thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Giao thông vận tải. Vì vậy, việc Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành thêm TT 20 sẽ chồng chéo và có những điểm khác biệt tạo khó khăn cho DN cũng như cơ quan quản lý. Về vấn đề này, ngay trong phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8, Thủ tướng Chính phủ đã thống nhất tạm dừng thực hiện TT để nghiên cứu, tiếp thu thêm các ý kiến.
Trong một lĩnh vực khác như nghiệp vụ của giới luật sư, có thể kể đến TT 28/2014/TT-BCA được ban hành ngày 7-7-2014, có hiệu lực từ 25-8-2014. Điều 38 TT quy định, khi phát hiện thấy người bào chữa có hành vi cản trở, gây khó khăn cho hoạt động điều tra như cưỡng ép, xúi giục người khác khai báo gian dối… điều tra viên tiến hành lập biên bản sự việc, có thể ghi âm, ghi hình hoặc tiến hành biện pháp khác nhằm thu thập tài liệu, chứng cứ chứng minh hành vi cản trở, gây khó khăn cho hoạt động điều tra. Quy định như vậy thể hiện sự bất bình đẳng trong thực thi, hành nghề theo quy định của pháp luật giữa điều tra viên và luật sư về một số vấn đề nên Bộ Công an đã ghi nhận và có Quyết định số 4740/QĐ-BCA ngày 26-8-2014 đính chính nội dung này của TT 28.
Liên quan đến văn bản pháp luật sai nội dung, tại phiên chất vấn ngày 12-6 kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIII vừa qua, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường khẳng định, văn bản sai về nội dung là điều rất đáng quan tâm. Bộ trưởng cho biết, từ đầu nhiệm kỳ khóa XIII (tháng 7-2011) đến hết ngày 30-4-2014 trong tổng số 1.574 văn bản đã kiểm tra, Bộ Tư pháp phát hiện 54 văn bản sai về nội dung. Cụ thể, trong 54 văn bản này có 4 văn bản có dấu hiệu chưa phù hợp với luật và pháp lệnh, còn lại là văn bản có dấu hiệu chưa phù hợp với nghị định của Chính phủ và quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
Giải trình của Bộ trưởng cũng nêu rõ một số TT có nội dung quy định xa thực tế, trái với văn bản gốc như TT 55/2011/TT-BNNPTNN ngày 3-8-2011 về việc kiểm tra, chứng nhận chất lượng an toàn thực phẩm thủy sản quy định tạm ngừng XK vào các nước NK trái với Luật An toàn thực phẩm, hiện đã được thay thế bằng TT 48/2013/TT-BNNPTNT ngày 12-11-2013 quy định kiểm tra, chứng nhận an toàn thực phẩm thủy sản XK. Hay TT 05/2013/TT-BLDTBXH ngày 15-5-2013 của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội quy định thêm các loại giấy tờ phải cung cấp để được hưởng chế độ ưu đãi đối với thân nhân liệt sỹ, nhiều hơn so với quy định tại Nghị định 31/2013/NĐ-CP quy định chi tiết Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng.
Lạm dụng Thông tư, do đâu?
Phân tích về nguyên nhân của tình trạng này, ông Vũ Xuân Tiền, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH Tư vấn VFAM Việt Nam cho rằng, việc khá nhiều TT thiếu tính thực tiễn một phần là do tình trạng xây dựng luật hiện nay của Việt Nam theo tính chất luật “khung” đã khiến cho văn bản dưới luật thiếu tính minh bạch và xa với thực tiễn.
“Hiện nay nhiều vấn đề không quy định chi tiết trong luật được nên chuyển xuống hướng dẫn chi tiết tại nghị định của Chính phủ, nhưng nghị định cũng không quy định hết nên cần văn bản quy phạm pháp luật có giá trị pháp lý thấp hơn, đó chính là TT. Như vậy, hậu quả của tình trạng luật “khung” là dễ tạo ra một hệ thống pháp luật thiếu minh bạch, văn bản không phù hợp với thực tế, thiên về thuận lợi cho cơ quan quản lý, chưa thực sự tôn trọng đầy đủ lợi ích hợp pháp của các cá nhân, tổ chức”- ông Tiền cho biết.
Theo Trưởng ban Pháp chế VCCI Đậu Anh Tuấn, nhiều DN đã lên tiếng phàn nàn về tình trạng quá lạm dụng TT của các bộ, ngành. Điều này làm triệt tiêu những tác động tích cực của các đạo luật hiện có. Ngoài ra TT cũng là cách thức mà các bộ, ngành thường lạm dụng để đưa vào những ý tưởng, lợi ích của ngành mình, bởi quy trình ban hành TT hiện hành không được thẩm định chặt chẽ như ban hành luật nên nhiều vấn đề đụng chạm các bộ, ngành sợ đưa vào luật bị dư luận phản ứng nên đã đưa vào TT.
Ông Trần Hữu Huỳnh, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế cho rằng, hiện nay có nhiều biểu hiện cho thấy các nhóm lợi ích vận động, tác động đến chính sách khá nhiều. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khác khiến cho các TT xa rời cuộc sống nhưng vẫn được soạn thảo, ban hành.
Có thể khẳng định rằng, dù là từ nguyên nhân nào, cài cắm lợi ích hay thiếu hơi thở cuộc sống do người chấp bút chỉ ngồi bàn giấy thì nội dung quy định đó của các TT cũng khó có thể đi vào cuộc sống. Vấn đề đặt ra ở đây không phải đợi đến lúc ban hành hoặc khi thực hiện mới phát hiện ra bất cập. Theo các chuyên gia, giải pháp quan trọng là phải thay đổi cách thức xây dựng TT, đặc biệt là luật hóa quy trình này trong lần sửa đổi Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật tới đây.
Bà Bùi Thu Hằng, Trưởng phòng Công tác Xây dựng Pháp luật, Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật, Bộ Tư pháp cho biết: “Chúng tôi đã có cơ chế mới trong việc kiểm soát ban hành TT trong Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật lần này. Theo đó, khi ban hành TT phải lấy ý kiến người dân và DN, đặc biệt là những vấn đề liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của người dân. Cùng với đó, Mặt trận tổ quốc sẽ là tổ chức đại diện đứng ra lấy ý kiến của người dân hoặc VCCI đại diện cho DN. Sau khi ban hành TT thì Bộ Tư pháp cũng sẽ có những biện pháp hậu kiểm để kiểm tra tính thiết thực của TT khi đi vào cuộc sống”.
Tuy nhiên, theo ông Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, nếu không quản chặt đến mức phải “cấp phép” ban hành TT thì cũng cần phải cơ bản loại bỏ tình trạng TT được ban hành và sửa đổi tràn lan, vô tội vạ như hiện nay. “Chẳng có lý do gì, một vấn đề đã được quy định trong luật, rồi hướng dẫn tiếp trong nghị định mà lại phải tiếp tục cần đến TT. Do đó, nếu có biện pháp “ngăn cấm” ban hành TT vô tội vạ sẽ nâng cao trách nhiệm xây dựng luật và nghị định, từ đó các bộ không còn cơ hội đùn đẩy mọi thứ xuống TT”- ông Trương Thanh Đức đề nghị.
Hy vọng với những dự kiến sửa đổi “nghiêm khắc” trong quy trình soạn thảo, ban hành TT tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi) sắp tới và những khuyến nghị của các chuyên gia, luật sư, dư luận sẽ không còn phải kêu về những quy định bất hợp lý, xa thực tế nữa.
An Tư
——————
Hải quan (Kinh tế) 28-9-2014:
https://haiquanonline.com.vn/thong-tu-xa-thuc-te-chan-chinh-the-nao-55296.html
(124/1.820)