562. VPBank “đe dọa” khách đòi nợ: Phạm luật và thiếu một chữ “tình”?

(BL) – Mối quan hệ của ngân hàng và doanh nghiệp là mối quan hệ cộng sinh, vì vậy, khi khó khăn, ngân hàng cũng nên tìm cách giúp khách hàng, không nên quan hệ theo kiểu “khi vui thì vỗ tay vào, đến khi hoạn nạn thì nào thấy ai”.

Giao dịch tại VPBank.

Giao dịch tại VPBank.

Ngay sau khi đăng bài “Khách hàng tố VPBank không cho doanh nghiệp cửa sống”, bà Mai Thị Anh đã phản hồi lại với tòa soạn báo BizLIVE về việc phía VPBank đã liên hệ để thông báo có thể sẽ gia hạn nợ 1 năm như yêu cầu trong đơn của bà.

Cụ thể, một người tự xưng là cán bộ ở trên Hà Nội của VPBank cho biết ngân hàng đang cân nhắc việc xem xét gia hạn nợ cho bà Mai Thị Anh với điều kiện sau 1 năm không trả được nợ sẽ được toàn quyền xử lý tài sản mà bà thế chấp. Người này còn xin lỗi bà Anh về cách hành xử của những cán bộ chi nhánh VPBank Quảng Ninh về việc “đe dọa” bà để đòi nợ.

“Sống chết mặc bay…”

Đây đúng là tin vui cho bà Anh, vì nếu việc gia hạn nợ được VPBank chấp thuận, cơ hội “sống” của doanh nghiệp bà sẽ có thêm nhiều hy vọng. Tất nhiên, đây mới chỉ là một cuộc điện thoại. Để đi đến một thông báo chấp thuận gia hạn nợ, hai bên sẽ còn phải ngồi lại nói chuyện với nhau và VPBank sẽ cần phải có một cách hành xử “đầy tình người”.

Tuy nhiên, từ góc nhìn khác, người viết thấy buồn vì sự lạnh lùng của ngân hàng trước sự sống chết của doanh nghiệp. Tại sao ngân hàng lại có thể thờ ơ với “cơ hội sống” của doanh nghiệp như vậy? Trong khi, với VPBank, đây là một khách hàng tốt, tiềm năng, nhiều tài sản để trả nợ và có rất nhiều cơ hội để phục hồi kinh doanh.

Được biết, sau khi xảy ra biến cố của gia đình, đó là vụ hỏa hoạn làm thiệt hai 3 mạng người và tài sản khác, bà Anh vẫn cố gắng trả nợ lãi vay và gốc cho VPBank. Cho đến thời điểm tháng 6/2013, do vẫn chưa thể phục hồi kinh doanh, nên bà Anh xin gia hạn nợ với ngân hàng, tuy nhiên ngân hàng đã không đồng ý. Dù vậy, đến nay ngân hàng vẫn chưa có bất kỳ thông báo chính thức nào bằng văn bản đến với khách hàng.

Ngân hàng phạm luật?

Không những hành xử vô tình, cán bộ VPBank còn bị tố thay nhau gọi điện đe dọa bà Anh với mục đích buộc bà phải bán nhà để trả nợ. Đây là cách làm không chỉ ngân hàng, mà với tất cả doanh nghiệp kinh doanh các ngành nghề khác nhau đều không được phép làm vậy.

Luật sư Trương Thanh Đức, Trọng tài viên VIAC, Giám đốc Công ty Luật ANVI, cho biết theo trình tự, đối với khách hàng, nếu hiện tại gặp khó khăn thì có thể làm đơn xin gia hạn nợ với ngân hàng. Còn phía ngân hàng, nếu chấp thuận thì có thể không cần phải có văn bản, nhưng trường hợp không đồng ý, ngân hàng phải có văn bản trả lời.

Trường hợp muốn đòi nợ, ngân hàng phải dùng những biện pháp kỹ thuật của mình như cán bộ xử lý nợ, thuê luật sư, thuê công ty đòi nợ, kiện ra tòa… “Tất cả những biện pháp trên, nếu dùng cũng không được đe dọa, cưỡng ép khách hàng. Với những ngân hàng dùng cách đe dọa, cưỡng ép khách hàng phải trả nợ là sai luật”, ông Đức cho biết.

Ở một góc nhìn khác, một chuyên gia ngân hàng cho rằng có thể ngân hàng ngại nợ xấu. “Nợ xấu vẫn đang tăng lên và ngân hàng đang phải chịu áp lực. Trong khi đó, khi ngân hàng áp dụng Thông tư 09 thì cách phân loại nợ cũng có sự thay đổi, chặt chẽ hơn nên nợ xấu cũng tăng thêm. Bởi vậy mà nhiều ngân hàng ngại mạo hiểm với những doanh nghiệp khó khăn tạm thời”, vị này bình luận.

Dù vậy, vị chuyên gia này không ủng hộ cách hành xử của ngân hàng đối với doanh nghiệp đang tạm thời gặp khó khăn theo kiểu “sống chết mặc bay” như vậy.

Bởi nền kinh tế sẽ khó mà phục hồi nếu như những khách hàng như bà Anh, mà theo cách gọi của các chuyên gia là doanh nghiệp nhóm 2 (nhóm doanh nghiệp đang gặp khó khăn có khả năng phục hồi và cần được sự giúp đỡ của ngân hàng về lãi suất và giãn nợ), bị ngân hàng quay lưng. Cách hành xử này không phù hợp với chủ trương của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước.

Thiết nghĩ, mối quan hệ của ngân hàng và doanh nghiệp là mối quan hệ cộng sinh, vì vậy, khi khó khăn, ngân hàng cũng nên tìm cách giúp khách hàng, không nên quan hệ theo kiểu “khi vui thì vỗ tay vào, đến khi hoạn nạn thì nào thấy ai” như cách mà VPBank đang hành xử với trường hợp nêu trên.

Trần Giang

——————

BIZ Live (Tài chính) 29-9-2014:

http://bizlive.vn/ngan-hang/vpbank-de-doa-khach-doi-no-pham-luat-va-thieu-mot-chu-tinh-458929.html

(144/937)

Bài viết 

308. Mất tiền từ séc giả, trách nhiệm thuộc...

(VNB) - Khi sự việc xảy ra, cần xác định ai là người có lỗi, lý do, nguyên...

Bình luận 

427. Bình luận về Luật siêu dễ: Hồi hộp đến...

(VTV3) Bình luận về Luật siêu dễ: Hồi hộp đến phút cuối với chủ đề...

Phỏng vấn 

4.363. Chuyện gì đang xảy ra trên thị trường...

Chuyện gì đang xảy ra trên thị trường xăng dầu? (NLĐ) - Đề xuất...

Trích dẫn 

3.862. Loại hình nào đang là 'thỏi nam châm' sẽ...

Loại hình nào đang là 'thỏi nam châm' sẽ 'hút cạn' dòng tiền của nhà...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 224,640