563. Cân nhắc kỹ khi mua hàng trả góp, kẻo bị “xỏ mũi”

(ANTĐ) – Không phải ngân hàng hay công ty tài chính, nhưng hiện nay một số công ty lại đứng ra cho khách hàng vay trả góp mua điện thoại, máy tính… Theo các luật sư, đây là hành vi bị nghiêm cấm.

Cân nhắc kỹ khi mua hàng trả góp, kẻo bị "xỏ mũi" ảnh 1
Các thủ tục vay trả góp rất đơn giản nhưng khách hàng cần lưu ý về mức lãi suất thực tế phải trả

Thiếu tiền được đáp ứng ngay

Phó Tổng giám đốc phụ trách khối bán lẻ của một ngân hàng TMCP cho biết, thời gian gần đây, lượng hồ sơ vay vốn tiêu dùng tại ngân hàng này tăng vọt. Tuy nhiên, khi kiểm tra tại Trung tâm tín dụng của NHNN (CIC) thì phát hiện thấy, rất nhiều khách hàng cá nhân đang vướng nợ xấu. Nguyên nhân là do trước đó các khách hàng này đã vay vốn tại các công ty tài chính. Dù lãi vay mà công ty đưa ra chỉ khoảng 3%/tháng song thực tế, lãi suất cho vay cao hơn nhiều, đây là điều các cơ quan quản lý cần lưu tâm.

Tuy nhiên hình thức cho vay trả góp hiện đang nở rộ. Tại cửa hàng FPT Shop trên đường Phan Bội Châu (quận Hoàn Kiếm – Hà Nội), sau khi lựa chọn chiếc điện thoại Sony, với mức giá niêm yết 15.990.000 đ, nhân viên cửa hàng cho biết hiện sản phẩm này đang được khuyến mãi 1,5 triệu đồng. Đồng thời, có thể mua theo hình thức trả góp.

Ngay tại cửa hàng, khách hàng có thể lựa chọn dịch vụ của ngân hàng, công ty tài chính hoặc Công ty TNHH Thương mại ACS Việt Nam (Công ty ACS).

Khi tham khảo dịch vụ của Công ty ACS, nhân viên tư vấn cho biết, với sản phẩm mà chúng tôi đã chọn, mức lãi suất trả góp hàng tháng là 2,2%/tháng (tương đương 26,4%/năm). Nếu khách hàng làm việc trong cơ quan nhà nước sẽ được vay với lãi suất 1,69%/tháng (tương đương 20,28%/năm).

Điều kiện để được vay trả góp cho sản phẩm là khách hàng phải cung cấp bản sao chứng minh nhân dân, bản sao hộ khẩu thường trú, hóa đơn tiền điện, nước hoặc hoá đơn điện thoại di động.

Nếu khoản vay trên 15 triệu đồng, người vay đang đi làm cần có bản sao kê tài khoản ngân hàng hoặc giấy xác nhận lương của công ty hoặc bảng lương 3 tháng gần nhất của công ty. Còn hộ kinh doanh cá thể cần có biên lai nộp thuế (không quá 3 tháng) và giấy phép kinh doanh.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, trên địa bàn Hà Nội, Công ty ACS có đặt quầy giao dịch ở các siêu thị điện máy như FPT Shop, Thế giới di động, Siêu thị điện máy Mediamart… tương tự như các công ty tài chính và ngân hàng.

Các luật sư cho biết, để được thực hiện nghiệp vụ cho vay trả góp như công ty ACS đã làm ở trên thì công ty này phải được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cấp phép theo Luật Các Tổ chức tín dụng và chịu sự giám sát chặt chẽ của NHNN.

Tuy nhiên, theo Chứng nhận đầu tư số 411023000375 (thay đổi lần thứ 5: ngày 17/1/2014) của UBND TP Hồ Chí Minh thì Công ty TNHH thương mại ACS Việt Nam không có ngành nghề kinh doanh cấp tín dụng; cụ thể là hoạt động cho vay, cho vay trả góp.

Không được phép

Theo Luật sư Trương Thanh Đức – Giám đốc Công ty Luật ANVI: “Theo luật thì việc cho vay trả góp sẽ được phép khi công ty bán sản phẩm cho mua hàng trả góp và thực hiện tại hệ thống cửa hàng của công ty. Hoặc công ty liên kết với tổ chức tài chính và chỉ đứng ra môi giới, người cho vay cuối cùng vẫn là tổ chức tài chính”.

Trong khi đó, Công ty ACS có mặt trong các cửa hàng, đại lý bán buôn, bán lẻ không phải của mình. Nhìn nhận về quy trình trả góp của Công ty ACS có thể thấy, khi khách hàng lựa chọn được sản phẩm cần mua tại một số siêu thị điện máy và có nhu cầu mua trả góp, sẽ được nhân viên của ACS trực tại siêu thị điện máy đó tư vấn, hoàn thiện và tiếp nhận hồ sơ mua hàng trả chậm.

Sau đó, hồ sơ sẽ được chuyển về Công ty ACS để xét duyệt, trường hợp được chấp thuận, Công ty ACS sẽ thông báo cho cửa hàng để giao sản phẩm cho khách hàng, đồng thời làm thủ tục bán hàng và chuyển các giấy tờ liên quan đến sản phẩm cho Công ty ACS. Công ty ACS sẽ thanh toán trước cho cửa hàng, sau đó nhận tiền trả góp hàng tháng từ khách hàng.

Luật sư Nguyễn Văn Tú, đoàn luật sư tỉnh Bắc Giang – Công ty luật Fanci (Hà Nội) cho biết: “Qua những thông tin nêu trên thì rõ ràng về bản chất, hoạt động tài trợ mua hàng trả chậm của Công ty ACS, tương tự như hoạt động cho vay trả góp của các công ty tài chính tiêu dùng.

Xét về giao dịch giữa công ty với khách hàng cũng cũng như quan hệ giữa công ty với nhà cung cấp. Rõ ràng, khi khách hàng lựa chọn sản phẩm và quyết định mua thì sản phẩm này thì sản phẩm này thuộc sở hữu của các cửa hàng, siêu thị chứ không phải của Công ty ACS”.

“Chỉ sau khi khách hàng đã đồng ý vay trả góp với mình, Công ty ACS mới mua lại sản phẩm đó để hợp thức hóa việc tài trợ tín dụng mua hàng trả chậm. Lợi nhận thu được của Công ty ACS thực chất chỉ từ hoạt động kinh doanh “tài trợ tín dụng mua hàng trả chậm”. Đây thực chất là hoạt động “lách luật” của Công ty ACS khi muốn hoạt động trong lĩnh vực cấp tín dụng…”, Luật sư Nguyễn Văn Tú nhận định.

Mặt khác, các luật sư cho biết, nếu không phải là tổ chức tín dụng được Ngân hàng Nhà nước cấp phép thì các hoạt động cho vay không được tự do thỏa thuận mức lãi suất với khách hàng mà phải chịu sự điều chỉnh của Bộ Luật dân sự. Theo đó, lãi suất vay do các bên thỏa thuận nhưng không được vượt quá 150% của lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố. Việc cho vay với lãi suất vượt quá quy định cũng cần phải được làm rõ trách nhiệm.

Hùng Anh

——————

An ninh Thủ đô (Kinh doanh) 29-9-2014):

https://www.anninhthudo.vn/can-nhac-ky-khi-mua-hang-tra-gop-keo-bi-xo-mui-post217344.antd

(73/1.155)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

437. Cải cách thể chế và tôn trọng thị trường...

Chùm 3 bài Việt Nam - Khát vọng hùng cường: Cải cách thể chế và tôn...

Phỏng vấn 

4.424. Hỗ trợ kê khai nộp thuế điện tử.

Hỗ trợ kê khai nộp thuế điện tử. (VTV1) - Chương trình có sự tham gia...

Trích dẫn 

3.975. “Nóng” giá vàng trong năm 2025, có nên...

“Nóng” giá vàng trong năm 2025, có nên đầu tư? (NĐT) - Được hỗ...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 237,271