(PL) – Vừa qua, tại báo cáo giải trình chất vấn tại phiên họp thứ 31 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 29/9/2014, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình cho biết: “Theo NHNN, khuôn khổ pháp lý về dân sự, kinh tế, đầu tư, tài chính, ngân hàng còn chưa rõ ràng, đồng bộ; cơ chế thực thi pháp luật có nơi, có lúc chưa bảo đảm nghiêm minh, công bằng, đặc biệt chưa bảo vệ quyền của chủ nợ. Trình tự, thủ tục xử lý tài sản, tố tụng và thi hành án phức tạp, kéo dài gây tốn kém thời gian và chi phí cho TCTD. Đặc biệt, NHNN cho rằng, việc hình sự hóa trong lĩnh vực ngân hàng làm giảm khả năng thu hồi vốn, tài sản cho Nhà nước và nhân dân, đồng thời có thể làm gia tăng chi phí cơ cấu lại. “Phương châm của ngân hàng là không hình sự hóa các quan hệ dân sự. Qua thanh tra, kiểm tra chúng tôi muốn phát hiện sai phạm và tạo điều kiện cho các bên khắc phục. Đến khi không khắc phục được thì sẽ xử lý theo đúng quy định của pháp luật, kể cả là biện pháp hình sự”
Vậy trên thực tế thời gian qua, có hay không việc hình sự hóa quan hệ kinh tế dân sự trong lĩnh vực ngân hàng? Đây là vấn đề lớn, không hề đơn giản chút nào và cũng không dễ khẳng định hoặc phủ định, nhưng lại đặt ra cho những người làm công tác pháp luật, bảo vệ pháp luật cần suy nghĩ, tháo gỡ, các chuyên gia nghiên cứu về pháp luật kinh tế phải góp tiếng nói để vấn đề được sáng tỏ. Để tạo diễn đàn phân tích bình luận đa chiều, xung quanh vấn đề này Ban biên tập Pháp Lý Online mong muốn nhận được các ý kiến phân tích bình luận đóng góp của các chuyên gia pháp luật kinh tế, các luật gia, luật sư, những người làm công tác pháp luật, bảo vệ pháp luật trong cả nước, trên tinh thần góp ý xây dựng sửa đổ bổ sung chính sách pháp luật kinh tế.
Bài 1 – Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, Trọng tài viên VIAC: Hồ sơ đúng tới 99%, nhưng 1% sai sót sẽ có thể thành tội phạm ???
Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, Trọng tài viên VIAC
Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, Trọng tài viên VIAC nhận định: Xử lý hình sự chỉ có tác dụng thu hồi nhanh tiền bạc trong trường hợp người ta có thừa khả năng trả nợ. Còn đa số các vụ việc trên thực tế thì thường có kết cục ngược lại. Nếu khởi tố, bắt giam người có trách nhiệm, thì một doanh nghiệp đang sống khoẻ cũng thành chết, chứ nói gì đến việc người ta đang rất khó khăn, hụt trước, thiếu sau, phải ngày đêm lo lắng xoay xở, xử lý nợ nần. Trong những thời kỳ kinh tế suy thoái nặng nề và kéo dài như hiện nay, thì càng thấy cha ông chúng ta không sai khi chỉ dạy rằng, công nợ trả dần, cháo húp vòng quanh.
Xung quanh vấn đề này, Phóng viên Pháp Lý đã có cuộc trao đổi với LS. Trương Thanh Đức.
Hồ sơ đúng tới 99%, nhưng 1% sai sót sẽ có thể thành tội phạm ???
Thời gian gần đây, rất nhiều vụ án liên quan đến tội phạm ngân hàng có dấu hiệu gia tăng với hàng loạt những vụ án đình đám như: Vụ án Huỳnh Thị Huyền Như tại Vietinbank, vụ án bầu Kiên (Nguyễn Đức Kiên) tại ACB, vụ án tại Ngân hàng xây dựng Việt Nam, vụ án xảy ra tại Agribank,… gây ảnh hưởng và tác động không nhỏ tới nền kinh tế nước ta. Ông nhìn nhận và đánh giá như thế nào về loại tội phạm này?
Có 10 đại án kinh tế đã và đang xử lý trong 2 năm qua, thì có tới 9 vụ liên quan đến ngân hàng Loại tội phạm liên quan đến ngân hàng. Lý do là hoạt động kinh tế liên quan, thậm chí phụ thuộc rất nhiều vào ngân hàng, nhất là giao dịch vay vốn và đầu tư. Vì vậy, ngoài một số ít vụ việc chỉ xảy ra trong phạm vi ngân hàng, còn đa số là có yếu tố phạm tội từ bên ngoài nhưng liên quan đến ngân hàng. Điều này cũng phản ánh tình trạng án kinh tế ngày càng gia tăng và phức tạp song hành với tốc độ phát triển và đa dạng của hoạt động kinh tế, trong đó điển hình là lĩnh vực ngân hàng. Qua đây cũng cho thấy, công tác quản lý và phòng ngừa vi phạm pháp luật nói chung, phạm tội hình sự nói riêng đối với nền kinh tế còn chưa thực sự được coi trọng và chưa đạt hiệu quả trong thời gian vừa qua.
Vừa qua, tại báo cáo giải trình chất vấn tại phiên họp thứ 31 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 29/9/2014, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Văn Bình cho biết: Việc hình sự hóa trong lĩnh vực ngân hàng thời gian qua làm giảm khả năng thu hồi vốn, tài sản cho Nhà nước và nhân dân, đồng thời có thể làm gia tăng chi phí cơ cấu lại. Ông có bình luận gì về quan điểm này của Thống đốc?
Xử lý hình sự chỉ có tác dụng thu hồi nhanh tiền bạc trong trường hợp người ta có thừa khả năng trả nợ. Còn đa số các vụ việc trên thực tế thì thường có kết cục ngược lại. Nếu khởi tố, bắt giam người có trách nhiệm, thì một doanh nghiệp đang sống khoẻ cũng thành chết, chứ nói gì đến việc người ta đang rất khó khăn, hụt trước, thiếu sau, phải ngày đêm lo lắng xoay xở, xử lý nợ nần. Trong những thời kỳ kinh tế suy thoái nặng nề và kéo dài như hiện nay, thì càng thấy cha ông chúng ta không sai khi chỉ dạy rằng, công nợ trả dần, cháo húp vòng quanh.
Theo quan điểm của cá nhân ông thì trong những tội phạm ngân hàng bị bắt và khởi tố thời gian qua, có vụ án nào Cơ quan chức năng đã hình sự hóa không? Ông có nghĩ nếu không xử lý hình sự thì chúng ta có thể thu được hồi vốn, tài sản cho Nhà nước không?
Thống đốc đã phải lo ngại tình trạng hình sự hoá, thì chắc không phải là vô căn cứ. Theo cán nhân tôi, kể cả các đại án kinh tế vừa qua, cũng có dấu hiệu hình sự hoá, ít nhất là đối với một số cán bộ ngân hàng. Rất đáng lo ngại, nếu như kết tội cố ý làm trái, mà trong đầu người ta chưa bao giờ cố ý, thậm chí chưa bao giờ nghĩ rằng có điều gì sai trái. Tuy nhiên, Thống đốc nói thế, nhưng chưa thấy NHNN lên tiếng về vụ việc cụ thể nào kết tội cán bộ ngân hàng không dựa trên những cơ sở rõ ràng, chắc chắn. Đặc biệt là trong các vụ xử tội kẻ lừa đảo chiếm đoạt tiền của ngân hàng, thì đương nhiên là phải có người bị lừa. Nạn nhân không thể là ngân hàng chung chung, mà phải là những cán bộ, nhân viên bằng da, bằng thịt, trực tiếp tham gia giao dịch. Họ chính là nạn nhân thực sự, là những người bị tội phạm lừa đảo. Nhưng dường như có những nghịch lý đang bị coi là hiển nhiên, đó là luôn phải có cán bộ ngân hàng “đồng hành” với tội phạm lừa đảo. Đáng lẽ, họ chỉ có tội trong trường hợp cố tình làm sai như đồng phạm với tội phạm lừa đảo hoặc vì tham nhũng mà “nối giáo cho giặc”. Nhưng thực tế, khi tiền tỷ mất mát thì họ rất khó thoát khỏi một loạt tội bao vây như, vi phạm các quy định về cho vay, hay tội cố ý làm trái, hoặc tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Kinh doanh luôn gắn liền với rủi ro. Kinh doanh ngân hàng càng nhiều rủi ro. Nhưng thật hãi hùng nếu cứ rủi ro mất tiền là đang đồng nghĩa với nguy cơ có tội. Thử hỏi còn gì vô lý và nguy hiểm hơn, khi xử lý hai khoản vay y trang nhau, cả ý chí và hành vi đều giống nhau, nhưng hậu quả pháp lý thì lại có thể khác nhau một trời, một vực. Nếu người vay trả được nợ, thì đương nhiên tôi không phạm tội, không những thế, tôi còn có công. Nhưng nếu họ không trả được nợ, dù là nguyên nhân chủ quan hay khách quan, thì tự dưng tôi trở thành tội phạm, vì có hậu quả là đã mất, thậm chí mới chỉ là có khả năng mất vốn. Vậy thì cán bộ ngân hàng khác nào như cá nằm trên thớt, như tù nhân dự bị? Ai dám khẳng định rằng mình không phạm tội, nếu chưa thu hồi được vốn vay? Làm sao cán bộ ngân hàng dám mạnh dạn cho vay và ngân hàng dám chấp nhận rủi ro trong kinh doanh. Hồ sơ cho dù đúng tới 99%, nhưng chỉ cần 1% sai sót là đã có thể thành tội phạm. Đây là câu chuyện thực tế đang nhức nhối và khủng khiếp như thế. Vì vậy, cần nhìn nhận và xử lý khách quan hơn, tập trung vào trừng trị kẻ trộm cắp thay vì cứ bắt lỗi người mất trộm.
Còn việc xử lý hình sự để thu hồi tải sản, thì thực tế đã cho thấy, nhiều vụ án đã xử lý hình sự nhưng cũng không thu hồi được bao nhiêu vốn, tài sản cho nhà nước. Như vậy, đó không phải là giải pháp hiệu quả để khắc phục tình trạng thất thoát tài sản.
Hình sự hoá quan hệ kinh tế, dân sự đang ở mức báo động ???
Theo như tôi được hiểu thì việc hình sự hóa một vấn đề kinh tế hoặc vấn đề dân sự cũng là một hành vi vi phạm pháp luật, cho nên ở đây có một mâu thuẫn đặt ra trong quan điểm của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước. Nếu vụ việc đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự thì không thể không truy cứu nhưng chúng ta phải có biện pháp nào đó để thu hồi tài sản chứ. Thứ hai, nếu phải truy cứu mà không truy cứu vì mục đích thu hồi tài sản, liệu có bỏ lọt tội phạm không? Xin ông bình luận sâu về vấn đề này?
Tình trạng hình sự hoá quan hệ kinh tế, dân sự đang ở mức báo động trong thời gian vừa qua và chưa thấy có dấu hiệu giảm xuống. Tình trạng này cũng thường đi đôi với việc xử phạt oan sai, bất công người dân nói chung và cán bộ ngân hàng nói riêng. Nhiều trường hợp có dấu hiệu oan sai, mà mức độ thấp nhất là chưa đến mức cần thiết phải xử lý hình sự, mà chỉ cần xử lý vi phạm hành chính. Tuy nhiên, đối với lĩnh vực kinh tế, dấu hiệu oan sai do hình sự hoá rất khó được đánh giá một cách rõ ràng, chính xác, vì hoạt động sản xuất, kinh doanh không đơn giản là một cộng một bằng hai. Nhưng hãy so sánh với các vụ án hình sự trị an thì có thể suy luận ra tính chất nghiêm trọng và phức tạp của vấn đề. Điển hình như mấy vụ gần đây, 7 thanh niên bị bắt giam tội giết người, cướp của và vụ ông Nguyễn Thanh Chấn phải ngồi tù 10 năm oan sai về tội giết người. Rồi mới nhất là việc kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân tối cao đối với ông Huỳnh Văn Nén đang chấp hành án tù chung thân, đã bị tù 16 năm về tội giết người nhưng có dấu hiệu oan sai. Những vụ như vậy, người ta không dính dáng gì đến tội phạm mà còn bị khởi tố, truy tố, xét về các tội đặc biệt nghiêm trọng.[1]
Vậy mà trong hoạt động kinh tế, với hàng ngàn giao dịch, hàng trăm chữ ký, hàng chục giấy tờ,… thì liệu dễ gì mà cãi rằng tôi không liên quan, không sơ suất, không có bất kỳ thiếu sót gì? Về nguyên tắc, chỉ phạm tội khi vi phạm các quy định cụ thể, rõ ràng trong các văn bản quy phạm pháp luật từ Thông tư trở lên. Nhưng hiện nay thì nhiều khi không biết thế nào là đúng, thế nào là sai, khi nào có tội, khi nào vô tội và phải làm thế nào. Nhiều vụ án trên thực tế, đơn cử như vụ Huyền Như, pháp luật đã kết tội cán bộ vi phạm quy định của nội bộ ngân hàng thương mại, chứ không phải là vi phạm quy định của NHNN hay Luật Các tổ chức tín dụng. Ngoài ra, những quy định bất hợp lý, thiếu minh bạch, không rõ ràng của NHNN cũng là những cái bẫy gây ra nguy hiểm và oan sai đối với cán bộ ngân hàng.
Như ông vừa nói, “hiện nay thì nhiều khi không biết thế nào là đúng, thế nào là sai, khi nào có tội, khi nào vô tội và phải làm thế nào”. Ông có nghĩ, nguyên nhân là do con người hay do cơ chế, chính sách pháp luật lỗi thời, bất cập gây ra? Xin ông dẫn chứng một vài ví dụ cụ thể?
Nguyên nhân là cả từ phía quy định của pháp luật không rõ ràng và cả do cách hiểu và áp dụng pháp luật của con người trong các cơ quan bảo vệ pháp luật. Chẳng hạn, xưa nay tất cả các doanh nghiệp đều tự do mua bán cổ phần, cổ phiếu không phải phép tắc hay đăng ký kinh doanh, nhưng qua một vụ Đại án đã được xét xử, thì tất cả đều run sợ, vì việc làm lâu nay đinh ninh là đúng lại có thể phạm tội kinh doanh trái phép. Hay tội hoặc tội vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các TCTD”, thì Bộ luật Hình sự chỉ xác định 2 hành vi có tội là “Cho vay không có bảo đảm trái quy định của pháp luật và “Cho vay quá giới hạn quy định”. Trong khi đó có lẽ 99% người bị kết tội này thì bị nhét hết vào cái rọ có “Hành vi khác vi phạm quy định của pháp luật về cho vay trong hoạt động tín dụng.”
Và theo tôi, “mênh mông” nhất phải kể đến là tội cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế và thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, thì có thế bắt tội bất cứ người nào liên quan ??? Câu hỏi đặt ra luôn có nhiều đáp án, đó là vi phạm cái gì, vi phạm đến đâu thì là mạnh dạn, linh hoạt, sáng tạo và vượt quá thế nào là vi phạm hành chính, rồi là phạm tội hình sự? Hay lách luật thì rõ ràng là không phạm luật (vì không kết luận được là phạm luật, thì người ta mới nói là lách luật). Tuy nhiên, nếu đặt việc lách luật trong mối quan hệ pháp luật kinh tế, dân sự hay hành chính, thì khó có thể bắt bẻ sai phạm hay xử phạt. Nhưng nếu xét nó trong mối quan hệ pháp luật hình sự, thì đấy là một cái bẫy pháp lý vô cùng nguy hiểm và luôn tạo ra sự tranh cãi kịch tính.
Ông cũng cho rằng, những quy định bất hợp lý, thiếu minh bạch, không rõ ràng của NHNN cũng là những cái bẫy gây ra nguy hiểm và oan sai đối với cán bộ ngân hàng. Xin ông dẫn chứng cụ thể để làm rõ hơn vấn đề này được không?
Ví dụ quy định về việc uỷ thác của các ngân hàng thương mại. Uỷ thác cho vay thì có quy định riêng từ trước khi có Luật Các TCTD năm 2010. Nhưng hoạt động uỷ thác khác không phải là một ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh và không rủi ro cao như hoạt động tín dụng nên không có quy định, không cần quản lý. Không tìm thấy bất cứ quy định hay câu chữ nào ngăn cấm, hạn chế hay hướng dẫn cụ thể TCTD thực hiện ủy thác ngoài cho vay, kể cả các báo cáo, tờ trình xây dựng Luật Các TCTD. Chỉ sau khi xảy ra vụ án Huyền Như vào cuối năm 2011, thì NHNN mới bổ sung một vài câu vào Thông tư số 04/2012/TT-NHNN ngày 08-3-2012 Quy định về nghiệp vụ nhận uỷ thác và uỷ thác của TCTD. Nhưng nội dung hoàn toàn không rõ ràng về các loại ủy thác khác ngoài cho vay. Cho đến tận hôm nay, trang web của NHNN và trang Cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính, công bố 115 bộ thủ tục hành chính thuộc phạm vi NHNN, cũng không hề có thủ tục nào cấp phép hoạt động ủy thác nói chung và ủy thác ngoài ủy thác cho vay nói riêng. Từ đó, một loạt cán bộ ngân hàng bị phạt tù vì cho rằng vi phạm quy định về uỷ thác. Tương tự như uỷ thác, Luật Các TCTD cũng quy định về hoạt động đại lý được thực hiện theo hướng dẫn của NHNN, nhưng từ xưa đến nay vẫn chưa có hướng dẫn về hoạt động ngân hàng đại lý, trong khi tất cả các ngân hàng đang giao dịch đại lý với hàng nghìn ngân hàng trong nước và thế giới.
Có ý kiến cho rằng, hiện nay khuôn khổ pháp lý về dân sự, kinh tế, đầu tư, tài chính, ngân hàng còn chưa rõ ràng, đồng bộ; cơ chế thực thi pháp luật có nơi, có lúc chưa bảo đảm nghiêm minh, công bằng, đặc biệt chưa bảo vệ quyền của chủ nợ. Trình tự, thủ tục xử lý tài sản, tố tụng và thi hành án phức tạp, kéo dài gây tốn kém thời gian và chi phí cho Tổ chức tín dụng. Với những kinh nghiệm thực tế tham gia tư vấn, tranh tụng các vụ án liên quan đến lĩnh vực tài chính, ngân hàng, ông có thể chỉ ra những kẻ hỡ dẫn tới tội phạm trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng hiện nay. Đặc biệt những bất cập, lỗ hổng trong vấn đề xử lý, thu hồi tài sản do tội phạm tài chính, ngân hàng gây ra?
Có thể nói là kẽ hở hay kín kẽ, chặt chẽ quá thì cũng đều là sự bất cập. Thứ nhất, đối với tội phạm mang tính chất kinh tế, thì cần phải ưu tiên cho việc xử lý, khắc phục hậu quả kinh tế. Chẳng hạn chỉ phạt tiền và miễn hình phạt tù cho người đã bồi thường đầy đủ, thì chắc là có hiệu quả, tác dụng hơn nhiều việc phạt tù. Thứ hai, sự quản lý yếu kém, để mặc đồng tiền luồn lách, thất thoát. Hàng trăm, hàng ngàn tỷ đồng đi đâu, về đâu, không ai biết trong một số vụ án? Khi xảy ra vụ án, thì các cơ quan pháp luật cũng chỉ kết luận là không xác định và thu hồi được. Như vậy, kết tội bị cáo chỉ mới là phần nổi, còn phần chìm của tài sản đang ở đâu đó do ai đó được hưởng. Thế là bỏ lọt mãi mãi phần tài sản bất hợp pháp ngoài vòng pháp luật. Thứ ba, xử lý vi phạm không có tác dụng răn đe vi phạm, thậm chí còn gián tiếp khuyến khích vi phạm. Người phạm pháp nhiều khi lại có lợi hơn là chấp hành đúng pháp luật. Chẳng hạn việc cho vay nặng lãi, với giải lãi suất mênh mông, không hề có mức nào bị xử phạt hành chính. Trong vụ đại án siêu lừa Huỳnh Thị Huyền Như, bên cạnh 5 người bị truy tố và xét xử về tội cho vay lãi nặng do đã cho vay vượt quá 10 lần lãi suất cao nhất do NHNN quy định, thì còn có 15 người khác cho vay lãi nặng, với số tiền lên đến hàng ngàn tỷ đồng và thu lợi vượt trần lãi suất hàng trăm tỷ đồng, nhưng lại không bị khởi tố về tội cho vay lãi nặng. Như vậy, các đối tượng này cũng như nhiều trường hợp khác, nhất là cho vay chưa vượt 10 lần lãi suất cao nhất do NHNN quy định, thì không những chẳng bị xử phạt hình sự, mà còn không bị xử lý vi phạm hành chính, đồng thời cũng không hề bị tịch thu phần thu lợi bất chính. Bên cạnh đó, khoản thu lợi bất chính từ cho vay lãi nặng hơn 1.500 tỷ đồng của các bị cáo trong vụ này về bản chất là tang vật, là tiền rút ruột từ ngân hàng, đáng lẽ phải được trả lại họ để khắc phục hậu quả, nhưng lại bị xung vào công quỹ nhà nước. Hậu quả là không bao giờ thu hồi được mấy nghìn tỷ đồng thất thoát của ngân hàng.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
[1] Đoạn gốc đã bị cắt bớt.
Văn Don (thực hiện)
——————
Tạp chí Pháp lý (Diễn đàn) 02-10-2014:
http://phaply.net.vn/dien-dan/co-hay-khong-vie%CC%A3c-hinh-su-hoa-trong-li%CC%83nh-vu%CC%A3c-ngan-hang-va-nhu%CC%83ng-bie%CC%A3n-phap-thao-go%CC%83-bai-1.html
(3.222/3.640)