566. Cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước: “Chúng ta chưa làm được gì!“

(DĐĐT) – Đó là nhận định của luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI về tình hình cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước từ đầu năm đến nay.

Ảnh minh họa.

Tại buổi trao đổi giữa Vinacomin và Bộ Tư pháp, cùng SCIC về những cơ chế tiến hành cổ phần doanh nghiệp nhà nước, nhiều vướng mắc và bất cập đã được các chuyên gia, nhà quản lý và chính các doanh nghiệp đưa ra phân tích.

Cổ phần hóa “chưa thành”

Dưới góc nhìn của một người ngoài cuộc, luật sư Trương Thanh Đức cho rằng: “Với mục tiêu đến ngày 31/12/2015 tiến hành cổ phần hóa xong 432 doanh nghiệp nhà nước, thì từ đầu năm đến nay có thể hình dung là chúng ta chưa làm được gì. Đã nửa năm trôi qua nhưng chưa có doanh nghiệp nào cổ phần hóa thành công.”

“Hiện tại, vẫn đang có quá nhiều doanh nghiệp giữ lại cổ phần chi phối, sở hữu 100% của nhà nước. Chưa có dấu hiệu của cổ phần hóa, mà chỉ là đổi mới, chuyển đổi doanh nghiệp nhà nước”, ông Đức chia sẻ.

Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI.

Theo ông Đức, một trong những nguyên nhân chính là do cơ chế định giá một mực thực hiện theo sổ sách và báo cáo trong khi thị trường lại không chấp nhận mức giá đó của doanh nghiệp. 

Tiêu biểu, trong thời gian vừa qua đã có một số doanh nghiệp cổ phần hóa bất thành do đặt giá quá cao so với kỳ vọng của thị trường cũng như nhà đầu tư.

Ông Đức lo ngại: “Vướng mắc quan trọng nhất hiện nay về cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước là khả năng cổ phần hóa có thành công hay không? Cổ phần có bán được hết không?”

Nhiều doanh nghiệp khi tiến hành cổ phần hóa đã đưa ra giá cao gấp 3, 4 lần giá trị thực tế, để rồi sau đó phải liên tục giảm giá để bán hết cổ phần. 

“Nếu như chúng ta cứ định giá giá gấp 3,4 lần mệnh giá, sẽ có lúc phải tính đến nước giảm đến 5, 7 lần mới có thể đạt được đến giá thị trường kỳ vọng và bán được cổ phần.” – ông Đức nói.

Trước tình trạng đó, vị Luật sư này đã có kiến nghị: Nhà nước cần tuyên bố rõ ràng việc cá nhân, doanh nghiệp mua cổ phần doanh nghiệp nhà nước sẽ không cần đến giấy phép và không phải hành vi phạm pháp. Bởi nhiều cá nhân có tâm lý lo ngại, e dè khi mua cổ phần vì sợ sẽ phạm luật. 

Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng cần thông báo công khai, rộng rãi khi đấu giá, chào bán cổ phần để tạo tính cạnh tranh và cơ hội cho nhà đầu tư nước ngoài tham gia mua cổ phần.

Trên thực tế, đã có nhiều doanh nghiệp khi cổ phần hóa xong rồi mới tiến hành công bố thông tin, khi đó, nhà đầu tư có muốn mua cổ phần thì cũng đã muộn.[1]

Thực trạng ra sao?

Theo đánh giá chung của các nhà làm luật, tài chính và pháp chế tại Hội nghị Pháp chế Doanh nghiệp 2014 vừa mới tổ chức thì cho đến nay, pháp luật về cổ phần hóa doanh nghiệp đã được ban hành, hoàn thiện một cách đồng bộ và kịp thời, đối tượng cổ phần hóa ngày càng mở rộng.

Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại những hạn chế mà theo ông Cao Đăng Vinh, đại diện Vụ pháp luật dân sự – kinh tế, Bộ Tư pháp thì đó chính là tính thiếu ổn định, chưa bao quát và chưa có sự thống nhất đồng bộ trong hệ thống pháp luật.

Bên cạnh đó, việc các đơn vị hạch toán phụ thuộc công ty trách nhiệm hữu hạn chỉ được tách thành công ty mới cùng loại, không thể chuyển trực tiếp thành công ty cổ phần sẽ khiến cho việc thực hiện cổ phần hóa các đơn vị này kéo dài thêm.

Ông Vinh cũng bổ sung thêm một ví dụ thể hiện sự kém thống nhất và đồng bộ trong hệ thống pháp luật, chính là điều 3 Nghị định số 59/2011/NĐ-CP và Điểm c, khoản 3, Điều 6 cũng tại NĐ số 59 chưa thật sự phù hợp với Luật Phá sản và Luật Doanh nghiệp.

Ngoài ra, cơ chế định giá hiện thời, nhất là phương pháp xác định giá khởi điểm chưa phù hợp.

Theo ông Vinh, giá khởi điểm thường quá cao so với giá trị doanh nghiệp, điều này khiến cho doanh nghiệp và cơ quan quản lý có tâm lý e ngại, chần chừ, sợ trách nhiệm làm thất thoát tài sản nhà nước khi triển khai thực hiện cổ phần hóa trong bối cảnh thị trường chứng khoán sụt giảm.

Theo số liệu báo cáo của một số ngành và địa phương và các Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty Nhà nước, đến hết tháng 5/2014 Nhà nước đã sắp xếp được 5.971 doanh nghiệp, trong đó cổ phần hóa 4.066 doanh nghiệp.

Chỉ riêng trong giai đoạn 2011-2013 đã thực hiện sắp xếp được 180 doanh nghiệp, trong đó cổ phần hóa 99 doanh nghiệp.

5 tháng đầu năm nay, đã có 17 doanh nghiệp tiến hành cổ phần hóa, trong đó có 13 Tổng công ty.

Ngoài ra, theo báo cáo của hơn 3.500 doanh nghiệp lên Bộ Tài chính, có trên 85% doanh nghiệp đạt doanh thu năm sau cao hơn năm trước sau sắp xếp, cổ phần hóa; gần 90% doanh nghiệp có lợi nhuận cao hơn và 86% doanh nghiệp có mức đóng góp vào Ngân sách nhà nước cao hơn thời điểm trước sắp xếp, cổ phần hóa.

Tuy nhiên, đó chỉ là con số thống kê và con số từ báo cáo của các doanh nghiệp, còn trên thực tế ra sao thì chỉ chính doanh nghiệp là người hiểu hơn ai hết.

KIM LƯƠNG

————————————–

Diễn đàn đầu tư (bizlive – Kinh doanh) 28-6-2014:

http://bizlive.vn/doanh-nghiep/co-phan-hoa-doanh-nghiep-nha-nuoc-chung-ta-chua-lam-duoc-gi-250946.html

(549/1.067)

[1] Diễn đạt một số thông tin không chính xác.

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

437. Cải cách thể chế và tôn trọng thị trường...

Chùm 3 bài Việt Nam - Khát vọng hùng cường: Cải cách thể chế và tôn...

Phỏng vấn 

4.424. Hỗ trợ kê khai nộp thuế điện tử.

Hỗ trợ kê khai nộp thuế điện tử. (VTV1) - Chương trình có sự tham gia...

Trích dẫn 

3.975. “Nóng” giá vàng trong năm 2025, có nên...

“Nóng” giá vàng trong năm 2025, có nên đầu tư? (NĐT) - Được hỗ...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 237,248