(TBKD) – Đến thời điểm hiện nay, khung pháp lý và cơ chế cổ phần hóa (CPH) đã được ban hành đầy đủ, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) chuyển đổi sang mô hình mới. Song, thực tế triển khai CPH ở các DN, nhất là các tập đoàn, tổng công ty nhà nước lớn vẫn ì ạch, vướng đủ đường.
Theo số liệu của Bộ Tài chính, tính đến ngày 4/6/2014, cả nước đã thực hiện sắp xếp được 5.971 DNNN, trong đó CPH được 4.066 DN. Riêng 5 tháng qua, đã có 13 tổng công ty trên tổng số 17 DN đã thực hiện CPH theo đề án được Chính phủ phê duyệt. Kết quả này được đánh giá là nỗ lực lớn của các bộ ngành khi “cởi trói” cơ chế để đẩy nhanh hơn nữa tiến trình CPH, rút vốn nhà nước.
Khắc phục tồn tại của lịch sử
Từ lâu, Tổng Công ty Cà phê Việt Nam được xác định là DN có nhiều tiềm lực, lợi thế để phát triển những mặt hàng nông nghiệp chủ lực, đẩy mạnh XK cà phê, cao su, hồ tiêu…
Hiện, DN này có 57 đơn vị thành viên với địa bàn hoạt động trải rộng trên 15 tỉnh, thành phố ở khu vực Tây Nguyên, miền Trung. Tổng Công ty Cà phê Việt Nam quản lý hơn 37.000ha đất, trong đó có hơn 20.000ha cà phê, hơn 3.000ha lúa nước, hơn 2.000ha cao su, hơn 1.000ha ca cao, hơn 1.000ha hồ tiêu…
Tuy nhiên, theo ông Đồng Văn Quảng, Phó Tổng Giám đốc, Tổng Công ty đang gặp một số khó khăn lớn. Cụ thể là, vai trò chủ đạo, định hướng phát triển ngành rất hạn chế, nhất là còn nhiều bất cập trong các chính sách về khoán sản phẩm, quản lý sử dụng đất đai và các chế độ, chính sách liên quan về lao động chưa phù hợp với Luật Đất đai và Luật Bảo hiểm xã hội. Do đó, đã xảy ra tình trạng khiếu kiện kéo dài, phức tạp ở các công ty con, gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh mà chưa có giải pháp xử lý triệt để.
Theo Ts. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, những bất cập đang tồn tại ở DNNN như Tổng Công ty Cà phê Việt Nam là phổ biến, chưa khắc phục được, kéo lùi sự phát triển của DN.
“Do đó, lịch sử, kinh nghiệm cải cách cho thấy, càng chậm trễ thì đất nước càng thiệt. Những cái lợi đưa ra chủ yếu là lợi ngắn hạn, không lớn. Theo tôi, với DN dệt may, cao su, bia… thì Nhà nước không cần giữ cổ phần chi phối khi CPH. Đơn cử như DN bia, tiếng là nộp ngân sách nhiều, nhưng khi CPH thì có thể sẽ còn nộp ngân sách nhiều hơn”, ông Thiên nhấn mạnh.
Luật sư Trương Thanh Đức bày tỏ lo ngại khi mục tiêu CPH đặt ra là đến 31/12/2015 sẽ CPH xong 432 DNNN, bình quân mỗi năm sẽ làm xong 216 DN. Vậy mà, đã nửa năm trôi qua, chưa có DNNN nào CPH thành công.[1]
Ông Đức cho rằng, “mặc dù có kế hoạch CPH nhưng vẫn có quá nhiều DN giữ lại cổ phần chi phối của Nhà nước, thậm chí Nhà nước sở hữu 100% vốn, thì có nghĩa CPH chỉ là đổi mới, chứ chưa hẳn là chuyển đổi DNNN”.
Thực tế, trong năm 2013 – 2014, Vinalines – Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam, đang tiến hành CPH, bán vốn tại các DN cảng biển lớn, nhưng tỷ lệ sở hữu nhà nước vẫn trên 75% vốn điều lệ. Do đó, các đợt chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng vừa qua đã không đạt được kỳ vọng, khi lượng đặt mua và bán cổ phần cảng là quá khiêm tốn. Và không thu hút được cổ đông, nhà đầu tư chiến lược nào dù lĩnh vực cảng biển được cho là “miếng bánh” hấp dẫn nhất của Vinalines.
Đảm bảo đúng tiến độ
Tại Hội nghị pháp chế DN thường niên 2014 vừa qua, ông Đặng Quyết Tiến, Phó Cục trưởng Cục Tài chính DN (Bộ Tài chính), chỉ ra nhiều hạn chế khiến tiến trình CPH DNNN bị chậm. Đơn cử như: ở một số bộ, ngành, địa phương chưa đáp ứng được yêu cầu đổi mới, chưa thực hiện sắp xếp DNNN theo ngành, lĩnh vực kinh doanh, không phân biệt cấp, cơ quan quản lý.
Đáng chú ý, số lượng DN thực hiện CPH không thuộc diện nhà nước cần giữ tỷ lệ chi phối (trên 51% vốn điều lệ) còn cao, nhất là tại các tập đoàn, tổng công ty hoạt động theo mô hình công ty mẹ – con. Do đó, vẫn hạn chế sự tham gia của các thành phần kinh tế khác để phát triển DN, phát huy được nguồn lực hiện có.
“Việc CPH các tập đoàn, tổng công ty theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ diễn ra còn chậm, đặc biệt là từ giai đoạn 2007 đến nay mới chỉ CPH được hơn 300 DN. Hơn thế, các DN đang lúng túng, khó xử lý những vấn đề về tài chính phát sinh khi CPH, kéo dài thời gian”, ông Tiến nói.
Nhiều ý kiến của đại diện các bộ, ngành, chuyên gia đều cho rằng khối DNNN cần triển khai tái cơ cấu, CPH quyết liệt hơn, tập trung vào các lĩnh vực then chốt, thiết yếu, địa bàn quan trọng về quốc phòng, an ninh… Đồng thời, cơ quan có thẩm quyền cũng phải tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách để đẩy nhanh tái cơ cấu, tăng cường quản lý, giám sát, kiểm tra của chủ sở hữu tại DNNN trước và sau khi CPH.
Để thực hiện những mục tiêu trên, theo ông Quyết, các bộ ngành, địa phương cần chỉ đạo các DN xây dựng kế hoạch, lộ trình CPH theo đề án tái cơ cấu, CPH được phê duyệt và tăng cường vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu để bảo đảm hoàn thành đúng tiến độ.
Bên cạnh đó, các giải pháp tái cấu trúc thị trường chứng khoán theo đề án và chỉ đạo của Chính phủ cần được đẩy mạnh thực hiện, nhằm hỗ trợ thu hút và khuyến khích nhà đầu tư tham gia mua cổ phần của DN. Vì thời gian qua, thị trường chứng khoán khó khăn là một yếu tố làm chậm kế hoạch CPH.
Thanh Hà
————————————-
Thời báo Kinh doanh (Thời sự – Lăng kính) 07-7-2014:
http://thoibaokinhdoanh.vn/co-che-da-thoang-co-phan-hoa-van-cham.html
(94/1.146)
[1] Phát biểu là quá ít chứ không phải là không có.