(DĐDN) – Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (C50) vừa thi hành lệnh bắt khẩn cấp đối với TGĐ Cty CP đầu tư VGX Vũ Đức Hiếu và kế toán trưởng Nguyễn Thị Mỹ Hạnh với hành vi “kinh doanh trái phép”.
C50 xác minh các tài khoản ngân hàng của Cty VGX có khoảng 700 nhà đầu tư đã tham gia mở tài khoản với tổng giá trị giao dịch hơn 110 tỷ đồng
Sàn giao dịch vàng tài khoản – loại hình kinh doanh được cho là bị cấm từ hơn 4 năm qua nhưng vẫn đang nở rộ. Liệu đây có phải là giải pháp tận gốc của vấn đề?
Tại sao vi phạm nở rộ?
Lực lượng cảnh sát đã tiến hành khám xét trụ sở chính Cty VGX tại 170 La Thành, phường Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa, TP Hà Nội. Sau khi khám xét, cơ quan điều tra đã thu giữ nhiều máy móc, tài liệu liên quan đến hoạt động kinh doanh vàng trên tài khoản của DN này. C50 xác minh các tài khoản ngân hàng của Cty VGX có khoảng 700 nhà đầu tư đã tham gia mở tài khoản với tổng giá trị giao dịch hơn 110 tỷ đồng.
Cty CP đầu tư VGX có giấy phép kinh doanh số 0312000245 cấp ngày 9/10/2012. Ngành nghề đăng ký hoạt động chính là “hoạt động hỗ trợ dịch vụ tài chính, cụ thể là tư vấn đầu tư, trừ tư vấn tài chính, kế toán (mã ngành 66190)”.
Theo thông tin từ cơ quan điều tra, các nhà đầu tư khi muốn tham gia vào việc kinh doanh vàng trên sàn ảo khá dễ dàng. Đối với trường hợp tại Cty VGX, họ chỉ cần liên hệ với nhân viên tư vấn sẽ hỗ trợ 24/24h thông qua gặp mặt trực tiếp, chat Yahoo, Skype, điện thoại… sau đó nhân viên tư vấn sẽ hướng dẫn người chơi tạo một tài khoản trực tuyến trên website http://vgx.vn, với các thông tin đăng ký cụ thể. Người chơi được hướng dẫn tải phần mềm rồi chơi thử, đến chơi thật.
Để tham gia sàn giao dịch vàng, nhà đầu tư phải nộp trước một khoản tiền nhất định, gọi là ký quỹ. Nhà đầu tư nộp tiền vào tài khoản giao dịch vàng bằng cách đến ngân hàng hoặc sử dụng Internet Banking để nộp tiền vào một trong các tài khoản của Cty VGX mở tại các ngân hàng. Tiền ký quỹ tối thiểu là 100 USD, không quy định mức tối đa. Khối lượng giao dịch trực tuyến của mỗi lệnh mua, bán trên sàn VGX được tính bằng lot (1 lot tương đương 100.000 USD), giao dịch tối thiểu là 0,01 lot/lệnh và tối đa là 10 lot/lệnh. Một số chuyên gia tài chính cho biết, chơi vàng qua tài khoản là một kênh đầu tư có thể sinh lợi lớn và có tính chất “kích thích” cao. Càng thua càng muốn gỡ. Đòn bẩy tài chính của vàng tài khoản lên tới 100 lần, chỉ cần giá vàng thế giới biến động vài USD/phiên cũng đủ tạo “sóng” thu hút người chơi.
Chính vì vậy, theo đánh giá của cơ quan điều tra, tại Việt Nam đang tồn tại khoảng 30 – 40 đơn vị kinh doanh vàng, ngoại tệ trên mạng Internet thông qua tài khoản. Giao dịch của các đơn vị kinh doanh này lên đến hàng nghìn tỉ đồng với hàng nghìn người tham gia.
Thực tế, hoạt động kinh doanh vàng trên tài khoản đã được Ngân hàng Nhà nước điểu chỉnh tại Thông tư số 17 ngày 29/6/2010. Theo thông tư, các tổ chức tín dụng và DN đang kinh doanh vàng trên tài khoản ở nước ngoài có trách nhiệm tất toán, đóng các tài khoản kinh doanh vàng ở nước ngoài trước ngày 31/7/2010. Tất cả các giấy phép kinh doanh vàng trên tài khoản ở nước ngoài do NHNN đã cấp cho các tổ chức tín dụng, DN kinh doanh vàng trên tài khoản ở nước ngoài cũng hết hiệu lực kể từ ngày 1/8/2010.
Tuy nhiên, dưới nhiều hình thức tư vấn tài chính, môi giới đầu tư cho các sàn vàng ở nước ngoài, hoạt động kinh doanh trên sàn giao dịch vàng tài khoản vẫn không vì thế mà kém sôi động. Dân trong nghề nhận xét, việc Cty VGX bị xử lý bởi vì cơ quan công an chứng minh được toàn bộ hoạt động của sàn vàng này với người chơi đều ở trong nước, không chuyển tiền ra nước ngoài. Nếu họ giao dịch thông qua máy chủ ở nước ngoài thì cơ quan công an khó có thể làm gì được.
Người chơi cũng có vi phạm
Các sàn giao dịch vàng qua tài khoản như Cty VGX đều không được NHNN cấp giấy phép. Do đó, các giao dịch không được thừa nhận và bảo hộ. Người chơi hoàn toàn tự gánh chịu rủi ro. Tuy nhiên, các cá nhân, tổ chức mở sàn vàng trái phép là vi phạm quy định pháp luật và sẽ bị xử lý hình sự. Vậy những người tham gia giao dịch có bị xem xét xử lý? Chủ sàn vàng vi phạm, người giao dịch không lẽ vô can?
Cơ quan công an từng nhận được rất nhiều đơn tố cáo từ nhà đầu tư về sàn vàng trái phép của một số Cty nhưng khi kiểm tra chỉ có thể phạt hành chính. |
Bên cạnh những rủi ro pháp lý khi tham gia sàn vàng, các nhà đầu tư còn gặp rủi ro từ chính chủ sàn. Môt chuyên gia cho biết, với những Cty núp bóng các sàn Forex nước ngoài (nhưng thực tế máy chủ và mọi giao dịch chuyển khoản đều diễn ra ở Việt Nam), người chơi còn dễ thua hơn vì nhà cái đã thao túng các lệnh đặt mua – bán. Thời điểm người chơi thắng sẽ là lúc mạng ngưng hoạt động, không khớp lệnh hoặc… lịch sử giao dịch bị xóa trên máy chủ.
Theo một cán bộ điều tra, cơ quan công an từng nhận được rất nhiều đơn tố cáo từ nhà đầu tư về sàn vàng trái phép của một số Cty nhưng khi kiểm tra chỉ có thể phạt hành chính. Các hợp đồng với nhà đầu tư thường được núp bóng dưới dạng ủy thác đầu tư, hợp đồng mua bán hàng hóa trong tương lai.
Các khiếu nại như vậy chỉ thuộc về giao dịch dân sự nên cơ quan công an không thể xử lý được. Muốn xử lý phải có chứng cứ chứng minh được các giao dịch điện tử mua bán vàng này diễn ra trái phép ở trong nước, nếu máy chủ của công ty đặt ở nước ngoài là cơ quan chức năng chịu thua! Đã vậy, nếu phát hiện dấu hiệu hình sự như vụ Cty VGX, người chơi cũng có thể bị tịch thu trắng số tiền trong tài khoản. Bởi vì, họ đã tham gia hoạt động kinh doanh trái phép.
Phải chịu rủi ro từ mọi phía vậy mà hàng nghìn người chơi trên sàn vàng tài khoản vẫn không ngại ngần tham gia. Câu hỏi đặt ra là liệu có nên cấm và lý do của việc cấm sàn vàng tài khoản là gì? Nếu cấm cơ quan quản lý nhà nước có thể đỡ mất công đưa ra các chính sách để quản lý hay bảo vệ người chơi. Tuy nhiên, quyền tự do kinh doanh theo hiến pháp sẽ khó có thể được bảo đảm.
Mở rộng quyền tự do kinh doanh Một lượng lớn tiền được huy động tham gia vào kênh kinh doanh này mà không có sự quản lý của Nhà nước, chắc chắn tác động tiêu cực đến an ninh tiền tệ.Cần chứng minh ý thức chủ quan của người tham gia giao dịch qua sàn vàng trái phép để xem xét xử lý hình sự. Đây là động thái hết sức cần thiết góp phần ổn định thị trường tài chính, tiền tệ. Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Bộ Tư pháp Hoàng Thế Liên, một số tội liên quan đến lĩnh vực kinh tế đang có định hướng loại bỏ khỏi Bộ luật Hình sự như: Tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng (điều 165), tội kinh doanh trái phép (điều 159), tội cho vay nặng lãi (điều 163), tội làm tem giả, vé giả (điều 164)… Điều này nhằm góp phần làm an tâm cho các chủ thể tham gia hoạt động kinh tế. Việc sửa đổi Luật DN đang được triển khai cũng theo hướng mở rộng quyền tự do kinh doanh của người dân và DN. Tinh thần của dự thảo Luật DN sửa đổi là DN được kinh doanh những gì pháp luật không cấm. 11 ngành nghề bị cấm kinh doanh đã được quy định rất cụ thể trong dự thảo. Thật khó có thể đưa ra lý do gì để cấm kinh doanh vàng qua tài khoản. Ông Nguyễn Quốc Việt – nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp luật hình sự hành chính (Bộ Tư pháp) nhận xét, việc phi hình sự hóa thêm các tội như kinh doanh trái phép là hợp lý. Bởi vì, hành vi cấu thành tội này không rõ ràng, ranh giới giữa có tội hay không rất mơ hồ, gây lo ngại cho giới kinh doanh. Thực tế, chơi vàng tài khoản trên Forex là một trong những kênh đầu tư phổ biến trên thế giới và hiện chỉ có thị trường Việt Nam cấm từ vài năm qua. Dù cấm nhưng hoạt động này vẫn nở rộ vì nhu cầu của nhà đầu tư luôn có thật. Nhiều chuyên gia cho rằng, xu thế chung là mở rộng quyền tự do kinh doanh cho người dân và DN. Việc cho phép kinh doanh vàng trên tài khoản cũng như tạo hành lang pháp lý để bảo vệ người kinh doanh là cần thiết. Điều này sẽ góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam, đồng nghĩa với việc nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. |
Hành lang pháp lý chưa rõ ràng Luật sư Trương Thanh Đức – Giám đốc Công ty Luật ANVI: Tuy nhiên, điều đáng lưu ý là hành lang pháp lý của việc này hiện không rõ ràng. Việc cấm hay hạn chế kinh doanh phải do Chính phủ quy định. NHNN là cơ quan ngang bộ, không có thẩm quyền cấm kinh doanh. Việc này đã được quy định cụ thể tại Điều 7 về “Ngành, nghề và điều kiện kinh doanh”, Luật DN năm 2005. Theo đó, Chính phủ quy định cụ thể danh mục ngành, nghề kinh doanh bị cấm kinh doanh; ban hành, sửa đổi, bãi bỏ hoặc kiến nghị ban hành điều kiện kinh doanh.Nếu chiểu theo Điều 159 của Bộ luật Hình sự năm 1999, đã được sửa đổi, bổ sung năm 2009, chủ sàn vàng có thể bị xử phạt về “Tội kinh doanh trái phép”. Theo đó, nếu số tiền giao dịch từ 100 đến dưới 300 triệu đồng, thì có thể bị phạt từ 5 – 50 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm. Nếu số tiền giao dịch từ 300 triệu đồng trở lên hoặc thu lợi bất chính lớn thì có thể bị xử phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 3 triệu đồng đến 30 triệu đồng. Ngoài ra chủ sàn vàng và các khách hàng tham gia giao dịch có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc hình sự về hành vi trốn thuế… bị tịch thu số tiền tham gia giao dịch phạm pháp. Hơn nữa, nếu quy định cấm kinh doanh một ngành, nghề nào đó mà các vi phạm vẫn diễn ra một cách công khai, phổ biến, thường xuyên, kéo dài, thì cần phải xem lại sự hợp lý và cần thiết của nó. Khoản 2, Điều 14, Hiến pháp năm 2013 cũng đã quy định: “Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng.” Bên cạnh đó, khoản 3, Điều 7 về “Ngành, nghề và điều kiện kinh doanh”, Luật DN năm 2005 cũng quy định, chỉ “cấm hoạt động kinh doanh gây phương hại đến quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, truyền thống lịch sử, văn hoá, đạo đức, thuần phong mỹ tục Việt Nam và sức khoẻ của nhân dân, làm huỷ hoại tài nguyên, phá huỷ môi trường”. Không thấy lý do nào cần cấm kinh doanh vàng tài khoản nếu dựa vào các quy định hiến định và luật định này. |
Bá Tú
——————
Diễn đàn Doanh nghiệp (Pháp luật) 04-10-2014L
http://dddn.com.vn/phap-luat/san-vang-tai-khoan-cam-van-tran-lan-2014100309314254.htm
(473/2.232)