(TBNH) – Bộ luật Dân sự năm 2005 quy định ít nhất 4 chủ thể quan hệ dân sự gồm cá nhân, pháp nhân, hộ gia đình và tổ hợp tác. Dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) đang lấy ý kiến chỉ quy định 2 chủ thể là cá nhân và pháp nhân. Như vậy, các chủ thể là hộ gia đình và tổ hợp tác sẽ biến mất trong các quan hệ dân sự. Câu hỏi đặt ra là hàng triệu hộ gia đình đang là chủ thể trong các quan hệ tín dụng sẽ được xử lý ra sao?
Ảnh minh họa |
Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI cho rằng, hộ gia đình là một trong những chủ thể của quan hệ trong Bộ luật Dân sự năm 2005. Tuy nhiên, nó đã tạo ra vô vàn rắc rối pháp lý trong thực tế cuộc sống, vì tuy có quy định nhưng lại gần như không thể xác định được nếu dựa trên cơ sở pháp lý.
“Cho đến tháng 5/2012, đã có tới 52 đạo luật nhắc đến hộ gia đình, trong đó có 12 đạo luật đã hết hiệu lực và 40 đạo luật đang có hiệu lực. Trong khi các chủ thể khác tham gia quan hệ dân sự đều được xác định một cách cụ thể, rõ ràng, nhưng cho đến nay vẫn không có cơ sở pháp lý để xác định thế nào là hộ gia đình”, ông Đức nói.
Theo quy định của Bộ luật Dân sự, chủ thể hộ gia đình trong quan hệ dân sự chỉ áp dụng trong một số giao dịch sản xuất, kinh doanh theo quy định tại Điều 106 nói trên. Tuy nhiên, nhiều lĩnh vực khác đã mở rộng chủ thể hộ gia đình vượt quá quy định nền tảng của Bộ luật Dân sự, đưa chủ thể quan hệ dân sự này vào rất nhiều giao dịch khác, như: vay vốn ngân hàng, mua bán điện nước sinh hoạt…
“Giải pháp lâu dài, cơ bản và hợp lý nhất là cần phải loại bỏ hộ gia đình, với tư cách là một chủ thể trong quan hệ dân sự trong Bộ luật Dân sự cũng như chủ thể sử dụng đất trong Luật Đất đai. Từ đó, cần bỏ hết chủ thể hộ gia đình trong các quan hệ dân sự khác…” ông Đức kiến nghị.
Tư tưởng này, có lẽ đã được tiếp thu tại Dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) đang được đưa ra lấy ý kiến. Theo ông Hồ Quang Huy, Phó cục trưởng Cục giao dịch bảo đảm (Bộ Tư pháp), Bộ luật Dân sự (sửa đổi) chỉ quy định 2 chủ thể là cá nhân và pháp nhân. Điều này cũng có nghĩa các chủ thể là hộ gia đình và tổ hợp tác sẽ biến mất trong các quan hệ dân sự. Vậy hàng triệu hộ gia đình đang là chủ thể trong các quan hệ tín dụng sẽ xử lý ra sao. Tổ hợp tác, hộ gia đình đặt ở đâu trong Bộ luật Dân sự (sửa đổi).
Giải quyết vấn đề này, cũng theo ông Hồ Quang Huy, Bộ luật Dân sự (sửa đổi) điều chỉnh chủ thể này dưới 2 góc độ: đối với hộ gia đình sẽ điều chỉnh thông qua tư cách người đại diện và thông qua quan hệ sở hữu là sở hữu chung để điều chỉnh, còn tổ hợp tác điều chỉnh thông qua hợp đồng hợp tác.
Như vậy, để giải quyết câu chuyện dù Bộ luật Dân sự (sửa đổi) đang lấy ý kiến không còn đề cập đến hộ gia đình, tổ hợp tác nhưng nếu phát sinh tranh chấp trong quan hệ đất đai thì đã có cơ chế đại diện và thông qua quan hệ sở hữu chung để xác định, định đoạt tài sản như thế nào. “Đây là một trong những điều mà nếu giải quyết được sẽ xử lý được rất nhiều rủi ro”, ông Huy cho biết.
Tuy nhiên, theo một số chuyên gia pháp chế ngân hàng, nếu quy định như vậy sẽ không còn hộ gia đình tham gia quan hệ dân sự nữa. Nếu muốn cho vay, các ngân hàng sẽ cho các cá nhân là thành viên của hộ gia đình vay vốn. Việc thế chấp tài sản của hộ sẽ được xem là tài sản thuộc sở hữu chung.
Góp ý dự thảo luật, NHNN Việt Nam cũng nhất trí với hướng quy định của dự thảo Bộ luật, bỏ tư cách chủ thể giao dịch dân sự của hộ gia đình vì những bất cập của loại chủ thể này trong thực tế vừa qua, như việc xác định thành viên thuộc hộ gia đình, về đại diện hộ gia đình…
Tuy nhiên, tại một số quy định của dự thảo Bộ luật Dân sự vẫn đề cập đến hộ gia đình, đề nghị rà soát lại cho thống nhất. Đồng thời, khi đã bỏ tư cách chủ thể hộ gia đình, NHNN đề nghị bổ sung điều khoản chuyển tiếp xử lý các giao dịch do hộ gia đình xác lập trước ngày Bộ luật Dân sự có hiệu lực.
Dương Công Chiến
——————————–
Thời báo ngân hàng (Sự kiện) 30-7-2014:
http://thoibaonganhang.vn/tin-tuc/1-bo-tu-cach-chu-the-cua-ho-gia-dinh–hop-ly-nhung-can-co-quy-dinh-chuyen-tiep-23373.html
(303/914)