56b. Đôi điều lạm bàn về xổ số kiến thiết.

Đôi điều lạm bàn về xổ số kiến thiết.

(ANVI) – Tạp chí Ngân hàng số 1 + 2 năm 2000 có đăng bài: “Xổ chữ”, một biện pháp góp phần huỷ bỏ nạn đam mê số đề, trong đó tác giả Trương Đình Khanh đã nêu ra một số hậu quả xấu do xổ số gây ra, đồng thời đề xuất việc thay các con số bằng các chữ cái trên vé số để ngăn chặn tệ nạn chơi đề. Việc dùng các chữ cái để thay cho các con số là rất khó, nếu như không muốn nói là không có tính khả thi. Tuy nhiên, để chia sẻ nỗi bức xúc và sự mong muốn của tác giả nhằm ngăn chặn tệ nạn số đề, tôi xin mạnh dạn đưa ra một giải pháp tối ưu trong tình hình hiện nay là cần phải hạn chế tối đa xổ số.

Xổ số là “ích nước, lợi nhà”, là góp phần xây dựng đất nước, nhưng cái gì thái quá cũng trở lên không tốt, thậm chí còn mang lại kết quả hoàn toàn trái ngược. Hệ thống xổ số quá phát triển hiện nay, từ xổ số hàng ngày, xổ số đặc biệt, xổ số liên tỉnh, xổ số cào, xổ số bóc, xổ số lô tô xổ số điện toán cho đến xổ số huyện, xổ số tỉnh, xổ số kiến thiết Miền Bắc,… đã vô tình trở thành “cỗ máy đánh bạc” khổng lồ trong xã hội và “tiếp tay” đắc lực cho số đề. Người ham mê số đề cũng như say mê xổ số, đều phải trả giá đắt, hại nhiều hơn lợi. Nó phá huỷ hạnh phúc của bao nhiêu gia đình, cướp đi miếng cơm, manh áo của nhiều hộ vốn đã đói nghèo lại càng khốn khổ, làm tan nát tinh thần và huỷ hoại sức khoẻ của bao con người. Năm năm trước đây, tác giả Hữu Hạnh, trong bài “Đánh đề và xổ số lô tô” đăng trên mục Diễn đàn Báo Nhân Dân số ra ngày 3-11-1995 đã thẳng thắn đề nghị bỏ xổ số lô tô vì “bản chất của nó là đánh đề, đánh bạc”. Còn tác giả Lý Sinh Sự thì viết trên Báo Lao động ngày 26-01-2003: “đề đóm là một… “tổ chức” tư nhân đánh bạc trên nền quốc doanh”.

Ngày nay, có còn mấy ai mua xổ số với mong muốn “kiến thiết đất nước” hay “giải trí lành mạnh” hay là chỉ vì máu mê cờ bạc, là cay cú ăn thua? Đôi khi là bắt buộc phải mua vì bị “phân bổ” đến từng cơ quan, đơn vị, kể cả “giao chỉ tiêu” cho các cụ về hưu, mất sức hoặc cho các cháu mẫu giáo và học sinh tiểu học. Có thể nói rằng, những người mua xổ số hiện nay hầu như không quan tâm gì đến mục đích, ý nghĩa xây dựng của xổ số, mà chỉ còn nghĩ đến những món tiền thưởng mong manh và to lớn đang chờ đợi.

Xổ số phát hành quá nhiều loại với mật độ quá dày đặc dẫn đến tỉ lệ tiêu thụ vé thấp và cơ cấu giải thưởng không cao, cho nên mới sinh ra cách treo giải thưởng tiền tỉ nhưng không phải cho một mà là cho cả bộ hàng chục vé. Như vậy, muốn trúng giải độc đắc như quảng cáo thì người chơi buộc phải mua cả bộ vé, tức là mua khá nhiều vé một lúc. Phải chăng đó là sự treo giải hấp dẫn nhưng không đúng với bản chất của vấn đề, không hoàn toàn trung thực?

Chúng tôi lấy làm tiếc cho hoạt động xổ số kiến thiết đúng nghĩa trước đây, chỉ phát hành theo từng dịp, từng tháng hoặc cùng lắm là hàng tuần. Hệ thống “xổ số kinh doanh” hiện nay đã thủ tiêu ý nghĩa cao đẹp của những đợt xổ số thực sự để xây dựng nhà tình nghĩa, vì trẻ em nghèo vượt khó, giúp đỡ người tàn tật, ủng hộ đồng bào bị bão lụt,…

Tác giả Trương Đình Khanh muốn dẹp số đề, đối tượng ăn theo nguy hiểm của xổ số nhưng lại không muốn hạn chế xổ số vì sợ Nhà nước thất thu hàng nghìn tỉ đồng ngân sách mỗi năm. Như vậy thì chẳng khác gì quan điểm thoả hiệp về thuốc lá hiện nay. Mặc dù ai cũng biết, thuốc lá gây ra nhiều tác hại ghê gớm cho sức khoẻ, nhưng ngành này vẫn không bị ngăn cấm việc sản xuất và kinh doanh, vì lợi nhuận mà thuốc lá mang lại là khổng lồ. Cái lợi trước mắt đã làm lu mờ sự thiệt hại nguy hiểm, lâu dài, tiềm ẩn. Vì thế người ta chỉ còn biết cảnh báo bằng dòng chữ ít tác dụng “Hút thuốc lá có hại cho sức khoẻ” ghi trên bao thuốc và hàng năm dành ra một ngày tập trung tuyên truyền về việc không hút thuốc lá.

Theo tôi, nếu được tổ chức tốt, thì việc giảm bớt các loại và các kỳ hạn phát hành xổ số sẽ không làm giảm nguồn thu cho ngân sách. Không thể kết luận, mỗi tháng chỉ mở một kỳ xổ số thay vì hàng ngày như hiện nay, thì nguồn thu sẽ giảm tương ứng 30 lần; cũng như không thể suy diễn, nếu tăng kỳ phát hành lên mỗi ngày 2 lần, thì nguồn thu từ xổ số sẽ tăng gấp đôi. Ngay cả trong trường hợp nguồn thu có giảm sút đáng kể, thì cũng đừng vì chút lợi trước mắt mà quên mất những thiệt hại to lớn do xổ số trực tiếp và gián tiếp gây ra.

Đảng và Nhà nước nước ta không cho phép kinh doanh mại dâm và cờ bạc, dù những hoạt động đó có thể thu được nhiều thuế và quản lý các đối tượng tệ nạn dễ dàng hơn. Vậy, cấm đánh bạc, nhưng lại tổ chức xổ số tràn lan và quá nhiều thì khuyến khích điều gì? Số đề sinh ra, tồn tại và phát triển là hoàn toàn dựa vào cái bóng của xổ số. Chuyên mục “Nói hay đừng” của Báo Lao Động số ra ngày 12-5-2000 đã gọi những người say mê xổ số là “tham gia đánh bạc hợp pháp, bạc quốc doanh”. Những phương pháp “nuôi” đề và đánh xổ số lô tô theo kiểu luỹ tiến trường kỳ “mai phục” đã giết chết bao nhiêu số phận và toan tính tương lai của nhiều người!

Cuối cùng, chúng ta không thể không đặt ra câu hỏi: Tại sao tình trạng phát hành xổ số ngày càng tràn lan? Phải chăng, vì bản chất kinh tế của hiện tượng trên: Xổ số là một trong những hoạt động mang lại thu nhập to lớn nhất, dễ dàng nhất và nhanh chóng nhất cho nhà phát hành. Về nguyên tắc, đánh bạc thông thường là chuyển tiền từ túi người này sang túi người khác và người tham gia có thể được, có thể thua, cho nên luôn hấp dẫn và kích thích các con bạc “khát nước”. Còn xét về tổng thể, người đánh đề cũng như người chơi xổ số bao giờ cũng mất nhiều hơn được. Vậy tại sao người ta vẫn ham đánh đề và chơi xổ số. Vì đó là cách đánh bạc đơn giản nhất, tiện lợi nhất và bình dân nhất. Và người phát hành, người tổ chức (chứa bạc, gá bạc) bao giờ cũng kiếm được lợi nhuận nên luôn muốn duy trì. Báo Đầu tư số ra ngày 28-2-2000 cho biết, số thu từ xổ số kiến thiết năm 1999 chiếm tới 20-30% tổng thu ngân sách ở một số địa phương như Lâm Đồng, Bình Thuận, Vĩnh Long,….

Nghĩ đến tệ nạn cờ bạc, tôi lại liên hệ đến một hiện tượng xã hội khác. Đó là, trong khi kinh tế và đời sống ngày càng phát triển nhưng tại sao những người ăn mày khoẻ mạnh lại vẫn có chiều hướng gia tăng? Thì ra “nghề” ăn mày đỡ vất vả hơn và kiếm được nhiều tiền hơn là đi bán xổ số hoặc lao động trong nhiều lĩnh vực khác. Rồi nữa, đặc điểm của nghề hành khất là phải tay bị, tay gậy, khắp nơi tung hoành, nhưng tại sao lại vãn có nhiều người ăn xin “thường trực” tại một số cổng trường mẫu giáo, tiểu học? Hoá ra, vì họ kiếm được nhiều tiền hơn bằng cách lạm dụng lòng tốt của trẻ em, mặc dù rất có thể họ cũng biết rằng: Lạm dụng lòng tốt trẻ con là đê tiện. Và ăn mày người lớn thì phải luôn hạ thấp mình xuống, tự xưng là con, là cháu; nhưng khi ăn xin của trẻ con thì những kẻ khất thực lại được tha hồ xưng ông, xưng bà với chúng.

Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, Trọng tài viên VIAC. 

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

436. Bình luận về Luật siêu dễ - Luật Quản lý tài...

Bình luận về Luật siêu dễ - Luật Quản lý tài sản công. Cố vấn: Luật...

Phỏng vấn 

4.415. Ngân hàng 'nước rút' xác thực sinh trắc...

Ngân hàng 'nước rút' xác thực sinh trắc học trước giờ G. (NĐT) -...

Trích dẫn 

3.969. Không gia hạn Thông tư số 02/2023/TT-NHNN, nợ...

Không gia hạn Thông tư số 02/2023/TT-NHNN, nợ xấu gia tăng nhưng tốt...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 235,841