571. Hiểu và thực hiện đúng về quyền tự do kinh doanh

(PL&XH) – Tự do kinh doanh là một trong những quyền cơ bản của công dân được Hiến pháp quy định. Tuy nhiên trên thực tế, quyền này vẫn đang vấp phải những rào cản từ các văn bản dưới luật, thậm chỉ cả ở nhiều luật cũng như từ cách hiểu, cách nhận thức của một bộ phận cán bộ công chức Nhà nước.

Thế nào là pháp luật không cấm?

Đây là thực trạng được nhiều chuyên gia pháp luật, đại diện các tổ chức doanh nghiệp (DN) phản ánh tại buổi tọa đàm “Trao đổi về quyền tự do kinh doanh, các quy định liên quan đến DN được quy định trong Hiến pháp và pháp luật có liên quan” do CLB Pháp chế DN (Bộ Tư pháp) tổ chức ngày 20-8.

Theo LS Nguyễn Thị Vân, Trưởng phòng Pháp chế Cty CP Chứng khoán Bảo Việt, “suốt 10 năm qua, kể từ khi Luật DN năm 2005 có hiệu lực, các quy định của pháp luật về DN không ngừng gia tăng về mức độ “không cụ thể, không rõ ràng, không hệ thống, không hợp lý, không minh bạch, không tiên liệu trước được, không hiệu quả và không hiệu lực”. Những khiếm khuyết trong các quy định của pháp luật, chẳng hạn như thủ tục thành lập DN phức tạp, tốn kém về thời gian và chi phí; cách thức thực hiện đăng ký kinh doanh và quản lý Nhà nước về ngành nghề kinh doanh chưa hợp lý… đã khiến môi trường kinh doanh ở Việt Nam chưa thực sự thuận lợi như mong muốn và đang bị xếp hạng ở mức không cao trong các bảng xếp hạng về năng lực cạnh tranh và môi trường kinh doanh”.

Cùng quan điểm, TS Nguyễn Đình Lục, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp luật Văn phòng Trung ương Đảng cho rằng, khi nói đến việc hoàn thiện hệ thống pháp luật, chúng ta không thể không đề cập đến những tồn tại hiện nay trực tiếp ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh. Đó là sự chậm trễ, chồng chéo trong việc các cơ quan quản lý ban hành các văn bản dưới luật gây khó khăn và thiệt thòi cho những người hoạt động kinh doanh. Và cũng từ đây một đòi hỏi tất yếu đặt ra là phải khắc phục tình trạng là luật chỉ quy định mang tính luật khung còn những vấn đề cụ thể lại để dành cho văn bản dưới luật hướng dẫn, dẫn đến tình trạng luật chậm đi vào đời sống xã hội vì phải “chờ” văn bản hướng dẫn.

Ở một góc nhìn khác, bà Hoàng Thị Thu Trang, đại diện Cty cổ phần Viện Du lịch bền vững Việt Nam đánh giá, việc tạo ra những đảm bảo cho việc thực hiện quyền tự do kinh doanh là một đòi hỏi cực kỳ quan trọng. Đảm bảo này được thể hiện ở việc xác định rõ những hành vi mà các DN, các nhà đầu tư cần thực hiện hoặc cần tránh để không làm tổn hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của các DN, các nhà đầu tư khác”. Thực tế, theo chia sẻ của nhiều DN, sẽ hết sức rủi ro nếu kinh doanh dựa trên việc “đặt cược” vào cách giải thích, cách hiểu của cơ quan chức năng. DN sẽ không thể yên tâm làm ăn nếu không có những quy định rõ ràng, cụ thể và ổn định về những gì mà “pháp luật không cấm” hoặc đặt điều kiện.

Quyền tự do kinh doanh của công dân là một quyền hiến định, ngày càng được xác định rõ ràng, đầy đủ.     Ảnh: TL

Hạn chế quyền kinh doanh phải do Quốc hội quy định

Hiện, việc sửa đổi Luật DN 2005 đang được các cơ quan chức năng tích cực triển khai theo hướng quy định DN được quyền tự do kinh doanh tất cả những gì pháp luật không cấm thay vì DN chỉ được quyền tự do kinh doanh những gì đã đăng ký như quy định hiện hành. Dự thảo Luật DN (sửa đổi) cũng đã đưa ra những quy định mang tính chất khung đối với các ngành nghề cấm kinh doanh và kinh doanh có điều kiện. Theo đó, Dự thảo xác định rõ ngành, nghề cấm kinh doanh và kinh doanh có điều kiện được quy định trong luật, pháp lệnh và nghị định và giao Chính phủ ban hành danh mục cụ thể ngành nghề cấm kinh doanh, giao Thủ tướng ban hành danh mục các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện và các điều kiện kinh doanh. Đồng thời, định kỳ hàng năm rà soát, đánh giá lại toàn bộ hoặc một phần danh mục này. Với quy định này, việc xác định danh mục các ngành nghề cấm kinh doanh, kinh doanh có điều kiện dự kiến sẽ đi vào khuôn khổ, trách nhiệm, thẩm quyền của các cơ quan Nhà nước được xác định rõ ràng, công dân cũng sẽ dễ dàng tiếp cận các nội dung về cấm kinh doanh, kinh doanh có điều kiện.

Ghi nhận những điểm mới của Dự thảo Luật DN (sửa đổi), tuy nhiên theo nhiều đại biểu, thực tiễn việc triển khai các quy định này như thế nào mới là mối quan tâm của các DN. LS Trương Thanh Đức (Đoàn LS TP Hà Nội) đặt vấn đề “cùng với Hiến pháp năm 2013 và những luật đang được sửa đổi để phù hợp với Hiến pháp, liệu quyền tự do kinh doanh sẽ có được sự thay đổi về “chất” như thế nào? Nếu không có được sự thay đổi về “chất” thì việc “thừa nhận” quyền tự do kinh doanh trong Hiến pháp và luật nêu trên chỉ đơn thuần là sự nâng cấp văn bản điều chỉnh”. Thực tế cho đến nay, các văn bản dưới luật như nghị định, thông tư vẫn đặt ra những ràng buộc, điều kiện thì đó vẫn là sự hạn chế đối với quyền tự do kinh doanh.

Cùng quan tâm, LS Nguyễn Thị Vân, Trưởng phòng Pháp chế Cty CP chứng khoán Bảo Việt cho hay, quá trình sửa đổi Luật DN, nhiều ý kiến cũng cho rằng để đảm bảo tính hiệu lực của Hiến pháp, các quy định về quyền tự do kinh doanh như danh mục lĩnh vực cấm kinh doanh, giấy phép, điều kiện kinh doanh chỉ được quy định tại Luật, Pháp lệnh do Quốc hội hoặc UBTVQH ban hành, không nên giao cho Chính phủ quy định trong Nghị định. “Bởi lẽ, quy định các điều kiện kinh doanh thực chất là hạn chế quyền kinh doanh của công dân nên phải do Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội (UBTVQH) quy định. Hơn nữa, nếu giao cho Chính phủ – cơ quan hành pháp quá nhiều quyền có thể sẽ dẫn đến sự ra đời của hàng loạt giấy phép “con” gây khó khăn cho hoạt động kinh doanh của DN, nảy sinh tình trạng lạm dụng và trục lợi, tham nhũng, thậm chí thủ tục hành chính lĩnh vực ấy bị bóp méo”. “Thực tế, bảo đảm quyền tự do kinh doanh là điều mà các nhà làm luật kỳ vọng sẽ đem lại một cú hích lớn trong việc cải thiện môi trường kinh doanh, phát triển DN, tăng cường và thu hút mọi nguồn lực vào sản suất kinh doanh. Thế nhưng, dung hòa được giữa nhu cầu quản lý và yêu cầu tự do kinh doanh của DN có lẽ là bài toán không dễ giải của cơ quan quản lý cũng như các nhà làm luật” – LS Vân bình luận.

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch – đầu tư, qua rà soát 386 ngành nghề kinh doanh có điều kiện thì có tới 895 điều kiện kinh doanh “cấp 1” (giấy phép “cha”), 2.129 điều kiện “cấp 2” (giấy phép “con”) và 1.745 điều kiện “cấp 3” (giấy phép “cháu”).
Từ kết quả rà soát và đánh giá, Bộ Kế hoạch – đầu tư đề xuất bãi bỏ một số ngành, nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện không còn cần thiết; bãi bỏ hoặc sửa đổi, bổ sung các điều kiện kinh doanh không cần thiết, không hợp lý, không rõ ràng, không cụ thể; chuyển một số điều kiện kinh doanh từ hình thức cấp giấy phép sang áp dụng hình thức tự đăng ký thực hiện. Theo đó, kết quả rà soát sơ bộ cho thấy, có khoảng 15% ngành, nghề kinh doanh có điều kiện có thể bãi bỏ (bãi bỏ 56/386 ngành, nghề kinh doanh có điều kiện).

T.Hải

————————————

Pháp luật & Xã hội (Kinh doanh) 21-8-2014:

http://phapluatxahoi.vn/kinh-doanh/hieu-va-thuc-hien-dung-ve-quyen-tu-do-kinh-doanh-73448

(159/1.489)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

437. Cải cách thể chế và tôn trọng thị trường...

Chùm 3 bài Việt Nam - Khát vọng hùng cường: Cải cách thể chế và tôn...

Phỏng vấn 

4.424. Hỗ trợ kê khai nộp thuế điện tử.

Hỗ trợ kê khai nộp thuế điện tử. (VTV1) - Chương trình có sự tham gia...

Trích dẫn 

3.975. “Nóng” giá vàng trong năm 2025, có nên...

“Nóng” giá vàng trong năm 2025, có nên đầu tư? (NĐT) - Được hỗ...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 237,248