572. Sự tự do kinh doanh giữa… rừng văn bản dưới luật

(ĐTCK) – Quyền tự do kinh doanh đã được Hiến pháp xác lập hoàn chỉnh với ghi nhận: mọi người được kinh doanh những gì pháp luật không cấm. Thế nhưng, rừng văn bản dưới luật đang thu hẹp sự tự do này.

Các văn bản dưới luật hiện vẫn đặt ra những ràng buộc, điều kiện, cấm đoán

Năm 1946, bản Hiến pháp đầu tiên của nước ta được ban hành đã ghi nhận: Quyền tư hữu tài sản của công dân Việt Nam được bảo đảm. Với quy định này, quyền tư hữu về tài sản từ tất cả các nguồn, kể cả tài sản do kinh doanh mà có được Nhà nước bảo đảm.

Đến Hiến pháp 2013, sự tự do kinh doanh được quy định rõ ràng và đầy đủ hơn: Mọi người có quyền tự do kinh doanh trong những ngành nghề mà pháp luật không cấm.

Tuy nhiên, thực tiễn hoạt động của DN cho thấy, tự do kinh doanh không đơn giản là được làm những gì pháp luật không cấm. Đây là đánh giá chung của nhiều chuyên gia, doanh nhân tham gia Tọa đàm về quyền tự do kinh doanh và các quy định liên quan đến DN trong Hiến pháp và pháp luật có liên quan vừa được tổ chức.

Ông Lê Hồng Lam, Phó trưởng phòng Tố tụng, Công ty Luật Lạc Việt nhận xét, tự do kinh doanh, như chúng ta thường hiểu, là Nhà nước chỉ được làm những gì pháp luật cho phép, còn cá nhân, DN được làm những gì pháp luật không cấm. Nhưng khi nhìn đến các văn bản dưới luật, rất nhiều những quy định mâu thuẫn, xung đột và điều này làm hạn chế quyền tự do kinh doanh.

“Tôi lấy ví dụ, theo quy định của Bộ luật Dân sự, giao dịch nhà đất chuyển nhượng liên quan đến bất động sản chỉ khi nào đăng ký tại cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thì giao dịch đó mới có hiệu lực, nhưng Luật Xây dựng lại quy định, giao dịch mua bán nhà có giá trị ngay tại thời điểm công chứng, tức là trước thời điểm đăng ký với cơ quan Nhà nước”, ông Lam nói.

Trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, sự xung đột như vậy là khá nhiều và đương nhiên ảnh hưởng đến quyền tự do kinh doanh của người dân, DN. Trong ví dụ trên, giờ lại phải phân biệt giao dịch nào là mua bán nhà ở, giao dịch nào là mua bán bất động sản thì bất động sản gồm cả nhà ở và đất, do đó lại quay trở về vấn đề người mua mua nhà ở hay nhà đất. Điều này ảnh hưởng đến quyền tự do kinh doanh.

Theo Luật sư Nguyễn Thị Vân, Trưởng phòng pháp chế, CTCP Chứng khoán Bảo Việt, quyền tự do kinh doanh dưới góc độ pháp lý là quyền của các thủ thể kinh doanh trong việc lựa chọn lĩnh vực, ngành nghề để đầu tư vốn, tự do thành lập DN, tự do tổ chức bộ máy hoạt động, cách thức tổ chức, quản lý DN…, nhằm tiến hành hoạt động kinh doanh.

Tuy nhiên, trên thực tế vẫn tồn tại nhiều khiếm khuyết trong pháp luật DN. Chẳng hạn, trong Luật Doanh nghiệp, cách thức thực hiện đăng ký kinh doanh và quản lý nhà nước về ngành nghề kinh doanh chưa hợp lý, không phù hợp với quyền tự do kinh doanh.

Minh chứng rõ nhất cho điều này là kết quả rà soát của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về các ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Theo đó, Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư trước Chính phủ về Danh mục ngành, nghề cấm đầu tư, kinh doanh, cho thấy, qua rà soát hiện có 51 ngành, nghề, hàng hóa, dịch vụ cấm đầu tư, kinh doanh. Về Danh mục lĩnh vực, ngành, nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện, kết quả rà soát cho thấy, toàn bộ ngành, nghề kinh doanh có điều kiện và các điều kiện kinh doanh được quy định tại 391 văn bản pháp luật với 386 ngành, nghề kinh doanh có điều kiện thuộc phạm vi quản lý nhà nước của 16 Bộ, ngành.

Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI cho rằng, chúng ta thừa nhận nguyên tắc cơ bản về quyền tự do kinh doanh, nhưng cùng với việc hoàn thiện hệ thống luật pháp sau khi ban hành Hiến pháp 2013, vấn đề đặt ra là liệu quyền tự do đó có sự thay đổi về chất như thế nào?

Cho đến nay, các văn bản dưới luật như nghị định, thông tư vẫn đặt ra những ràng buộc, điều kiện và đó vẫn là sự hạn chế đối với quyền tự do kinh doanh. Ông Đức cho rằng, cần làm rõ việc chỉ có luật mới được quy định về sự cấm đoán, hạn chế, điều kiện, còn nghị định, thông tư thì không thể. Có như vậy, sự tự do kinh doanh được ghi nhận trong Hiến pháp mới được đảm bảo tối đa.

Ông Đinh Xuân Thảo, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp thuộc Quốc hội, người tham gia rà soát Hiến pháp (sửa đổi) khẳng định: “Hạn chế quyền tự do kinh doanh và cấm kinh doanh phải bằng luật. Các văn bản dưới luật không được phép làm thay luật việc này vì Hiến pháp quy định như vậy”.

Tự do kinh doanh là điều kiện và động lực cho sự phát triển kinh tế, là cơ sở quan trọng cho việc giải phóng và thúc đẩy mọi tiềm năng trong xã hội, tạo ra nhiều việc làm, góp phần giải quyết tình trạng thất nghiệp. Trách nhiệm của các nhà làm luật hiện nay là phải xây dựng được một hệ thống pháp luật vừa mở rộng tối đa quyền tự do, vừa bảo đảm khả năng quản lý của Nhà nước đối với hoạt động kinh doanh.

Hoàng Duy

————————————-

Đầu tư Chứng khoán (Pháp luật) 22-8-2014:

http://tinnhanhchungkhoan.vn/phap-luat/su-tu-do-kinh-doanh-giua-rung-van-ban-duoi-luat-101311.htmlSự tự do kinh doanh giữa… rừng văn bản dưới luật

(149/1.060)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

437. Cải cách thể chế và tôn trọng thị trường...

Chùm 3 bài Việt Nam - Khát vọng hùng cường: Cải cách thể chế và tôn...

Phỏng vấn 

4.424. Hỗ trợ kê khai nộp thuế điện tử.

Hỗ trợ kê khai nộp thuế điện tử. (VTV1) - Chương trình có sự tham gia...

Trích dẫn 

3.975. “Nóng” giá vàng trong năm 2025, có nên...

“Nóng” giá vàng trong năm 2025, có nên đầu tư? (NĐT) - Được hỗ...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 237,248