575. Mở rộng cho vay tín chấp: Được “bật đèn xanh” nhưng vẫn ngần ngại

(PNTĐ) – Dù đã được “bật đèn xanh” trong việc mở rộng cho vay tín chấp, nhưng các ngân hàng thương mại (NHTM) có thực sự mặn mà?

Tạo chữ tín– cầu nối ngân hàng với doanh nghiệp trong hoạt động

cho vay tín chấp – (Ảnh minh họa)

 

Cơ hội “đẩy” vốn ra nền kinh tế

Để mở rộng kinh doanh, trong 2 năm qua, chị Phạm Mỹ Hạnh – chủ doanh nghiệp tư nhân Minh Lý chuyên kinh doanh hàng tiêu dùng tại phố Nguyễn Siêu đã phải vay vốn của người thân và bạn bè với lãi suất khá cao. Việc tiếp cận với NH để tìm nguồn vốn gần như là không thể với một DN vừa và nhỏ như Minh Lý bởi “tôi không có tài sản thế chấp, việc kinh doanh với các đối tác chủ yếu là trao tiền nhận hàng, chuyển khoản là rất hạn chế”…

Trong năm qua, những DN nhỏ và vừa vướng vào nợ nần, mất thị trường, “sức khỏe” yếu đang cần hỗ trợ để thoát khỏi khó khăn chiếm khoảng 30%. Trong khi đó các NHTM lại thừa tiền mà chưa có cách nào để đẩy vốn ra nền kinh tế. Chỉ còn mấy tháng nữa là hết năm 2014, tăng trưởng tín dụng của toàn hệ thống chỉ đạt 3,68% trong khi chỉ tiêu NHNN đặt ra cho cả năm là trên 10%.

Sự tăng trưởng quá thấp này, theo nhận định của Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia trong báo cáo cập nhật mới nhất là do DN còn khó khăn, nhất là trong khâu tiêu thụ sản phẩm và chi phí vốn còn cao. Lo ngại là sự sụt giảm trong đầu tư tư nhân. Nửa đầu năm nay đã trôi qua nhưng đầu tư ở khu vực này chỉ đạt 10,3% GDP, thấp hơn mức 11,1% GDP so với cùng kỳ năm 2013.

Để đạt được tăng trưởng tín dụng trong những tháng còn lại trên 10% nhiệm vụ rất nặng nề. Mặt bằng lãi suất cho vay dao động trên dưới 10% như hiện nay, theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, là đã ở mức thấp và có nhiều khả năng sẽ giảm tiếp, nền kinh tế đang có những chuyển động tích cực đã tạo nhiều kỳ vọng cho việc đưa chủ trương cho vay tín chấp vào cuộc sống. Vấn đề còn lại là các NHTM có thực sự mặn mà “nắm đằng lưỡi”, đối mặt với rủi ro hay không? Lâu nay tài sản đảm bảo của doanh nghiệp được xem là biện pháp cuối cùng và là hiệu quả để thu hồi vốn, tránh nợ xấu khi doanh nghiệp có rủi ro.

Không thể trách khi ngân hàng ái ngại

Trong định hướng của mình, NHNN yêu cầu các NHTM xây dựng quy trình để đánh giá xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp  làm cơ sở xem xét cho vay tín chấp. Tuy nhiên, các NH cũng có cái khó của mình khi mà họ cũng không biết phải thu thập thông tin khách hàng và dựa vào đánh giá tín nhiệm của tổ chức nào để biết chính xác nhất tình hình “sức khỏe” của doanh nghiệp. Chúng ta hiện nay có Trung tâm Thông tin tín dụng quốc gia – kênh chính thống cung cấp kết quả xếp hạng khách hàng thì những thông tin này chủ yếu mang tính chất tham khảo.

Trước khi NHNN “bật đèn xanh”, hoạt động cho vay tín chấp đã được các NH triển khai một cách có chọn lọc dành cho một số lượng nhất định DN lớn, có phương án kinh doanh tốt chứ không hoàn toàn dựa vào những thông tin về chỉ số năng lực, tín nhiệm. Đại diện một NHTM thừa nhận, ngay cả những trường hợp có tài sản thế chấp nhưng khi xảy ra rủi ro, NH cũng mất nhiều thời gian và công sức mới thu hồi vốn, thậm chí có trường hợp chỉ lấy lại được một phần.

Lý giải thêm về điều này, Luật sư Trương Thanh Đức – Công ty Luật ANVI cho biết, nếu có sự cố xảy ra thì tài sản của doanh nghiệp còn dành cho rất nhiều danh mục ưu tiên khác, trong đó có các khoản vay của NH nhưng khoản vay nào được đảm bảo được ưu tiên, thường thì các khoản vay tín chấp được xem xét cuối cùng.

Cần sự chủ động của các bên liên quan

Tuy nhiên, nói như vậy, không có nghĩa là các cánh cửa để DN nhỏ và vừa tiếp cận với nguồn vốn NH thông qua hoạt động cho vay tín chấp đã đóng lại. Chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển cho biết, để triển khai vay tín chấp thì vai trò của cán bộ NH rất quan trọng trong việc giám sát tín dụng để biết khoản tiền của NH cho DN đang được sử dụng như thế nào, có hiệu quả hay không. Tình trạng nợ xấu đang diễn ra hiện nay, một phần cũng là do việc giám sát của NH trước đây chưa tốt. Bên cạnh những yêu cầu đặt ra với NH thì bản thân các DN nhỏ và vừa cũng cần tự đổi mới, tự tạo chữ tín với NH bởi suy cho đến cùng, cho vay tín chấp là dựa trên cơ sở uy tín của nhau.

Vì vậy, dù chỉ ở quy mô vừa và nhỏ nhưng doanh nghiệp không thể làm ăn tùy tiện mà cần có chiến lược hoạt động kinh doanh minh bạch, có thể mở tài khoản NH, thực hiện các giao dịch thông qua tài khoản để một phần dòng tiền của doanh nghiệp trở thành tài sản thế chấp. NH vừa có một “phần tóc” để túm, lại vừa có cơ sở đánh giá độ tín nhiệm của DN để xem xét các hợp đồng hỗ trợ vốn vay…

Nguyễn Hương

———————————

Phụ nữ Thủ đô (Kinh tế Xã hội) 26-8-2014:

http://baophunuthudo.vn/sites/epaper/PNTD/Detail.aspx?ArtId=20219&CatId184

(70/1.028)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

437. Cải cách thể chế và tôn trọng thị trường...

Chùm 3 bài Việt Nam - Khát vọng hùng cường: Cải cách thể chế và tôn...

Phỏng vấn 

4.424. Hỗ trợ kê khai nộp thuế điện tử.

Hỗ trợ kê khai nộp thuế điện tử. (VTV1) - Chương trình có sự tham gia...

Trích dẫn 

3.975. “Nóng” giá vàng trong năm 2025, có nên...

“Nóng” giá vàng trong năm 2025, có nên đầu tư? (NĐT) - Được hỗ...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 237,248