Nếu không nhanh chân, CTCK sẽ bỏ lỡ cuộc chơi, thậm chí bị thị trường đào thải, nhất là với các CTCK yếu kém”. Đó là quan điểm của luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, đơn vị tư vấn cho thương vụ hợp nhất giữa CTCK Quốc tế Việt Nam (VIS) và CTCK Đại Tây Dương (OSC).
Có ý kiến cho rằng thương vụ hợp nhất 2 CTCK VIS và OSC nhằm làm sạch bảng cân đối kế toán của hai công ty. Ông đánh giá ý nghĩa của việc hợp nhất, sáp nhập các CTCK ra sao trong bối cảnh thị trường hiện nay?
Việc hợp nhất, sáp nhập giữa các CTCK tại thời điểm này có hai ý nghĩa: Trước hết là nhằm giảm chi phí, giảm lỗ, duy trì và tăng cường năng lực kinh doanh, khả năng cạnh tranh trong lúc thị trường còn rất khó khăn.
Thứ hai, trong lúc số CTCK đang gần như tê liệt hoạt động nhiều hơn so với số công ty đang hoạt động bình thường, nên khó tránh khỏi suy luận việc sáp nhập nhằm làm sạch bảng cân đối tài sản của công ty đi sáp nhập. Việc này, nếu có thì cũng là chính đáng và hợp lý, nhằm tránh tình trạng lỗ (nếu công ty có lãi lớn hơn số lỗ của công ty kia), không đủ vốn và điều kiện để tiếp tục được phép thực hiện các nghiệp vụ chứng khoán, nhất là đối với những nghiệp vụ đòi hỏi vốn pháp định và vốn điều lệ lớn như bảo lãnh chứng khoán chẳng hạn.
Trong quá trình tư vấn, ông thấy có những điểm vướng nào khiến một thương vụ sáp nhập khó có thể thành công?
Trong quá trình tư vấn pháp lý cho vụ tái cấu trúc này, chúng tôi đã gặp phải không ít vấn đề vướng mắc. Cái khó nhất là dàn xếp bảo đảm quyền lợi của hai bên. Không mấy khi có việc sáp nhập giữa hai công ty ngang ngửa nhau về mọi mặt, mà thường thì một công ty yếu hơn sáp nhập với công ty mạnh hơn. Vì vậy, công ty kém hơn sẽ có lợi hơn, nhưng ngược lại, công ty tốt hơn lại có thể bị thiệt hơn.
Do đó, xác định phần giá trị cổ phiếu (đối với công ty cổ phần) hoặc vốn góp (đối với công ty TNHH) như thế nào để cả hai bên thấy chấp nhận được, không bên nào thiệt nhiều mà cũng không bên nào lợi quá. Rồi sau đó là vấn đề công nghệ, nhân sự… Tất cả đang có đầy đủ bộ máy, ai sẽ thôi việc, thôi chức vụ, ai sẽ giữ nguyên vị trí… Trong trường hợp này, VIS và OSC không phải là sáp nhập, mà là hợp nhất với nhau, nhưng cũng không nằm ngoài tình trạng đó.
Vậy, hành lang pháp lý cho việc sáp nhập, hợp nhất CTCK hiện nay, theo ông đã đầy đủ chưa?
Hiện nay, hành lang pháp lý về việc mua bán, sáp nhập doanh nghiệp nói chung còn chưa rõ ràng, cụ thể. Hầu như chỉ có những quy định mang tính chất nguyên tắc chung chung trong các đạo luật như Bộ luật Dân sự, Luật Doanh nghiệp, Luật Cạnh tranh. Riêng lĩnh vực chứng khoán thì đã được quy định đầy đủ nhất, trong cả Luật Chứng khoán, Nghị định quy định chi tiết thi hành và thông tư về công ty chứng khoán.
Tuy nhiên, vì những quy định chi tiết chủ yếu chỉ là về thủ tục, điều kiện cấp lại giấy phép, nên khi thực hiện vẫn có nhiều điểm vướng mắc. Ví dụ cách thức thông báo hợp đồng hợp nhất, sáp nhập tới chủ nợ, người lao động của hai bên. Hay hiểu như thế nào về quy định việc hợp nhất, sáp nhập không được ảnh hưởng đến quyền lợi của khách hàng. Khi CTCK quyết định cơ bản xong mọi chuyện thì mới đủ điều kiện trình Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) chấp thuận. Nhưng sau khi đã thực hiện xong việc hợp nhất, sáp nhập, thì mới trình xin UBCK cấp lại giấy phép thành lập và hoạt động. Nếu vì lý do nào đó mà không được cấp phép, thì “trở đi mắc núi, trở lại mắc sông”.
Đặc biệt, quy định bất cập ở chỗ, pháp luật chứng khoán quy định giống hệt nhau giữa việc hợp nhất với sáp nhập, trong khi đó là hai thủ tục pháp lý khác hẳn nhau. Hợp nhất là giải thể 2 công ty (hoặc có thể nhiều hơn) để thành lập một công ty hoàn toàn mới. Còn sáp nhập là giải thể 1 công ty (hoặc có thể nhiều hơn) để nhập vào một công ty khác vẫn được giữ nguyên về mặt pháp lý. Đáng lẽ trong trường hợp sáp nhập, chỉ cần bỏ giấy phép của 1 công ty và điều chỉnh (cấp lại) giấy phép của 1 công ty, còn khi hợp nhất thì mới huỷ bỏ tất cả các giấy phép cũ, để cấp một giấy phép hoàn toàn mới (chứ không phải cấp lại).
Đâu là điểm mấu chốt khiến các vụ sáp nhập khó thành công? Có khó khăn nào đến từ nội bộ các CTCK, ví dụ như vấn đề quyền lợi của các cổ đông, tỷ lệ chuyển đổi cổ phiếu?
Điểm thuận mấu chốt là sự sáp nhập giữa các CTCK thường mang tính tự nguyện cao, khác với hầu hết là sự “cưỡng ép” trong lĩnh vực ngân hàng. Còn điểm khó mấu chốt vẫn là những gì liên quan đến con người mà thôi. Nói khó khăn do thị trường, công nghệ, khách hàng,… thì cũng chỉ là đề cập đến những cái biểu hiện cụ thể, còn thực chất vẫn là vấn đề của con người.
Cái khó không phải là ở chỗ không nhận thức ra sức ép của thị trường và cơ hội sáp nhập, hợp nhất để tạo ra công ty tốt hơn, mà mọi khó khăn đều chỉ là lợi ích. Có thể là lợi ích của cổ đông, của hội đồng quản trị, ban điều hành và các nhân sự có vai trò trong việc triển khai.
Về lâu dài thì lợi ích do việc sáp nhập mới chỉ là suy đoán và hy vọng, còn trước mắt ảnh hưởng ngay đến lợi ích của cổ đông và cán bộ quản lý. Bên này có lợi thì bên kia không có lợi, người này được lợi thì người kia bất lợi, dù chỉ là rất nhỏ, thậm chí chỉ là sự nhầm tưởng, thì cũng vẫn là những rào cản vô hình gây ra khó khăn.
Tuy nhiên, nếu như đã đến lúc cần phải sáp nhập, thì CTCK càng nấn ná sẽ càng bất lợi, càng khó khăn và tụt hậu. Nếu không nhanh chân, CTCK sẽ bỏ lỡ cuộc chơi, thậm chí bị thị trường đào thải, nhất là với các công ty yếu kém.
Bùi Trang
——————
Đầu tư Chứng khoán (Chứng khoán) 16-10-2014:
http://tinnhanhchungkhoan.vn/chung-khoan/sap-nhap-cong-ty-chung-khoan-cang-nan-na-cang-bat-loi-104803.html
(1.253/1.253)