579. Xử lý nợ xấu: Gỡ khó ở khâu pháp lý

(TBNH) – Nợ xấu được xử lý đến đâu và cần có những giải pháp nào để tiếp tục đẩy mạnh xử lý nợ xấu luôn là vấn đề được dư luận quan tâm. Thời báo Ngân hàng xin trích đăng ý kiến các chuyên gia, luật sư… để đưa ra góc nhìn đa chiều về vấn đề này.

TS. Nguyễn Quốc Hùng

TS. Nguyễn Quốc Hùng, Chủ tịch HĐTV Công ty Quản lý tài sản của các TCTD Việt Nam (VAMC):

Nợ xấu dưới 3%, TCTD cũng bán cho VAMC

Đến thời điểm này, sau hơn một năm được thành lập và hoạt động, VAMC đã mua nợ xấu bằng trái phiếu đặc biệt với 6.203 khoản nợ của 37 TCTD, trị giá nợ gốc xấp xỉ 93 nghìn tỷ đồng và giá trị mua là 76 nghìn tỷ đồng. Như vậy, đến nay VAMC đã đưa 93 nghìn tỷ đồng nợ gốc của các TCTD ra ngoại bảng. Điều này, giúp tỷ lệ nợ xấu của các TCTD giảm xuống, nhẹ gánh trong việc xử lý nợ xấu, tái cấu trúc lại chính các TCTD. Đặc biệt, theo quy định các TCTD có tỷ lệ nợ xấu từ 3% trở lên buộc phải bán nợ cho VAMC, nhưng hiện có những TCTD tỷ lệ nợ xấu dưới mức này vẫn bán cho VAMC.

Việc mua nợ xấu là bước ban đầu. Chúng tôi mua nợ xấu không phải để xếp vào kho mà để tiếp tục phân loại, đánh giá, phân tích thực trạng từng DN, từng khoản nợ để xem DN có khả năng phục hồi sẽ phối hợp với các TCTD tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho DN thông qua các giải pháp: miễn giảm lãi, điều chỉnh kỳ hạn nợ, điều chỉnh lãi suất. Nếu DN nào có phương án sản xuất kinh doanh hiệu quả sẽ tiếp tục được vay vốn.

Với các khoản nợ đã mua chúng tôi cơ cấu lại với số dư hàng chục nghìn tỷ đồng, ký hạn mức cho hàng trăm khách hàng được vay vốn, điều chỉnh lãi suất 3 lần; tiến hành đấu giá, ủy quyền bán tài sản đảm bảo, thu hồi nợ. Với các khoản nợ của DN không có khả năng hồi phục, như tài sản thế chấp là máy móc thiết bị để lâu dẫn đến mất giá, VAMC phải tiến hành xử lý ngay. Khoản nợ nào mà khách hàng thể hiện thái độ không hợp tác, VAMC có trách nhiệm tổ chức thu hồi nợ, thu giữ tài sản và tiến hành phát mại.


Tài sản thế chấp là máy móc thiết bị để lâu dẫn đến mất giá

Thời gian qua đã có ý kiến cho rằng, tiến trình xử lý nợ xấu chưa như mong muốn, nhưng tôi không nghĩ vậy. Chúng tôi đã tích cực, chủ động xây dựng phương án, kế hoạch mua nợ, xử lý nợ, bán nợ và đến nay chúng tôi đã hoàn thành 80% kế hoạch xây dựng từ đầu năm 2014. Riêng về thu hồi nợ, chúng tôi đưa ra kế hoạch từ thu hồi nợ, bán nợ là 2.500 tỷ đồng, nhưng đến nay vượt kế hoạch khi đạt 3.000 tỷ đồng.

Tuy nhiên, việc thu giữ và phát mại tài sản kể từ khi làm thủ tục đến khi đấu giá thành công một khoản nợ là khoảng 4 tháng (có những khoản phải đấu giá đến lần thứ 4 mới thành công). Như vậy, bản thân VAMC đã có tác động rất tích cực, phải chấp nhận mức giá mỗi lần thay đổi và mỗi lần thay đổi mức giá là 1 tháng. Nhất là khi VAMC đã ủy quyền cho TCTD đấu giá lần thứ 7 không thành công.

Khó khăn nhất hiện nay của chúng tôi là khâu đấu giá. Nguyên nhân là do định giá quá cao vì lo ngại định giá thấp lại sợ ảnh hưởng tới trách nhiệm với khoản nợ, nên khi phát mại muốn tương đương với khoản nợ gốc cộng với lãi. Trong khi kinh tế khó khăn, kỳ vọng tăng giá tài sản BĐS thấp nên kể cả tài sản bán bằng giá thị trường chưa chắc đã hấp dẫn. Tính thanh khoản của thị trường cũng quyết định tới việc mua bán nợ xấu.

Thông tư 18/2014/TT-BTP của Bộ Tư pháp mới ban hành hướng dẫn việc bán đấu giá tài sản của VAMC là bước khởi đầu thuận lợi và tăng quyền để chúng tôi tổ chức đấu giá tài sản. Nếu như đấu giá không thành công thì chúng tôi có quyền đưa ra giá chứ không phải hỏi ý kiến khách hàng vay TCTD. Đây chỉ là một trong những chính sách tháo gỡ khó khăn. Để giải quyết triệt để những khó khăn của VAMC hiện này thì cần nhiều giải pháp đồng bộ nữa từ các bộ, ngành, địa phương.

TS. Nguyễn Đức Thành

TS. Nguyễn Đức Thành, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR):

VAMC vướng nhất ở khâu pháp lý

Đến nay đã có 93 nghìn tỷ đồng nợ xấu được chuyển sang VAMC với giá trị thực là 76 nghìn tỷ đồng. Nhưng VAMC mới phát mại tài sản thực được 1,9 nghìn tỷ đồng khiến nhiều người lo ngại về khả năng xử lý nợ xấu. Tuy nhiên, khi theo dõi tiến trình xử lý nợ xấu có thể thấy, xử lý nợ phải thực hiện từng bước. Bước đầu là gom nợ lại và bước tiếp theo sau đó là phát mại tài sản.

Hiện VAMC phát mại chậm chủ yếu do tài sản thế chấp đa số là BĐS. Khi xử lý tài sản là BĐS, chúng ta bị mắc chủ yếu ở khâu pháp lý. Đây là đặc thù của Việt Nam khi quyền tài sản liên quan đến NH chưa được xác định đầy đủ. Những người làm NH và VAMC gặp khó khăn nếu như tài sản thu hồi rồi, nhưng khi chuyển sang người khác mà người mua tài sản không được toàn quyền sử dụng và sở hữu theo đúng nghĩa, dẫn tới khó khăn trong việc bán nợ. Điểm nữa là khi xác định giá của tài sản, hầu như khi phát mại một tài sản trong tình trạng nợ xấu thì không bao giờ thu hồi được bằng như giá trị ban đầu.

Tóm lại, nguồn lực của VAMC hiện nay không chỉ giới hạn về mặt tài chính mà vướng mắc đầu tiên là pháp luật xung quanh các quy chế liên quan tới vấn đề tài sản, quyền sở hữu, sử dụng tài sản. Với Thông tư 18/2014/TT-BTP của Bộ Tư pháp, VAMC đã từng bước được trao quyền. Đây là mấu chốt để hỗ trợ cho việc bán đấu giá tài sản và hy vọng rằng, thời gian tới sẽ tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho VAMC.

Ông Trần Minh Bình

Ông Trần Minh Bình, Phó tổng giám đốc VietinBank:

Xử lý nợ là nghiệp vụ khó nhất

Khó khăn mà phía VAMC đề cập đến nay là rất đúng. Dưới góc độ là NHTM, chúng tôi thấy trong các nghiệp vụ thì xử lý nợ là nghiệp vụ khó nhất. Nghiệp vụ tín dụng đã khó, nhưng xử lý nợ còn khó hơn. Trong xử lý nợ thì xử lý tài sản bảo đảm là chủ điểm và rất nóng với các NHTM. Mặc dù có tỷ lệ nợ xấu rất thấp, nhưng chúng tôi cũng dành nguồn lực rất lớn trong vấn đề xử lý các khoản nợ xấu, xử lý tài sản bảo đảm.

Khi cho vay, NH phải định giá tài sản trên cơ sở giá trị thị trường. Nhưng đặc điểm của thị trường BĐS Việt Nam là biến động giá rất lớn. Do đó, khi chúng tôi xử lý tài sản thì BĐS rơi vào đáy nên NH xử lý không thu được cả gốc và lãi. Đó là vấn đề NH phải cân nhắc để xử lý. Trong nhiều trường hợp, khách hàng không muốn tham gia vào phát mại nên NH xử lý tài sản rất phức tạp. Nhưng ngay cả khi khách hàng không hợp tác với NH, chúng tôi phải khởi kiện qua tòa án, phát mại qua thi hành án thì khó khăn cũng chồng chất. Ví dụ, khách hàng không tham gia vụ kiện, bỏ khỏi nơi cư trú thì các vụ khởi kiện kéo dài, mất rất nhiều thời gian.

Hiện nay, VietinBank đặc biệt chú trọng đến vấn đề kiểm soát rủi ro, hạn chế phát sinh nợ xấu mới, trong đó có cả vấn đề rủi ro đạo đức của cán bộ NH. VietinBank đã có các giải pháp để phòng ngừa những rủi ro với các mô thức quản trị rủi ro theo chuẩn mực quốc tế. Các cổ đông nước ngoài tham gia sâu vào hoạt động điều hành, quản trị của VietinBank.

Hiện chúng tôi thiết kế các mô hình quản trị chia tách thành nhiều công đoạn và mỗi công đoạn mang tính chất độc lập nhau. Do đó, quyết định đưa ra không dựa trên ý kiến chủ quan của một bộ phận hay một người nên hiệu quả đánh giá khách hàng được nâng lên. Chúng tôi tự tin vào các giải pháp giảm thiểu rủi ro để đưa vốn ra nền kinh tế, tạo điều kiện cho DN vay vốn phát triển sản xuất kinh doanh trong thời gian tới.

LS. Trương Thanh Đức

LS. Trương Thanh Đức, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Pháp chế NH:

Nợ càng xấu nếu hình sự hóa quan hệ tín dụng

Hiện nay đang có nhiều nhận định sai lầm về nguyên nhân và trách nhiệm của ngành NH đối với nợ xấu. Thứ nhất là đổ lỗi cho NH gây ra nợ xấu. Thứ hai là đổ lỗi cho NH không tích cực xử lý nợ xấu. Và thứ ba là đổ lỗi cho NH để cho nợ xấu tái diễn. Đó chỉ là một phần nhỏ của sự thật. Thực tế thì hầu hết các NH không phải là con nợ xấu, mà chỉ là chủ nợ xấu.

Việc xử lý nợ xấu của DN là rất khó khăn do phụ thuộc vào nhiều yếu tố nằm ngoài khả năng của NH. Khi cho vay, NH là người quyết định đối với khách hàng, nhưng khi đòi nợ thì khách hàng lại mới là người quyết định. Để xử lý được tài sản bảo đảm theo quy định của pháp luật là vô cùng khó khăn, vì thủ tục nhiêu khê và phải có sự đồng thuận của khách hàng cũng như nhiều cơ quan, ban, ngành liên quan.

Về phía mình, để xử lý nợ xấu các TCTD đã trích lập dự phòng rủi ro, tích cực thu hồi nợ và bán nợ cho VAMC. Vấn đề mấu chốt, thực tế là đòi nợ và bán tài sản bảo đảm để thu hồi thì rất ít chuyển biến. Đặc biệt, các TCTD rất lo ngại vấn đề bị hình sự hoá khi xử lý nợ xấu. Trước đây, khi NH cho vay thì giá trị tài sản cao, nay bán thì giá quá thấp. Bán hết tài sản mà không thu đủ nợ thì cả khách hàng và cán bộ NH đều lo sợ bị quy kết tội phạm làm thất thoát tiền vay… Thế là cả hai bên đều nấn ná chờ đợi, hy vọng DN phục hồi sản xuất, kinh doanh để trả nợ, chờ đợi giá tài sản đảm bảo tăng, mong trích đủ dự phòng và có chính sách miễn trách rõ ràng hơn…

Tôi cho rằng, nếu người vay lạm dụng tín nhiệm hay lừa đảo, chiếm đoạt tiền của NH thì đương nhiên phải xử lý hình sự. Nếu cán bộ NH thực sự sai phạm nghiêm trọng, tham nhũng hay đồng phạm với người vay thì cũng phải xử phạt về các tội tương ứng. Tuy nhiên trên thực tế, quá nhiều cán bộ NH là nạn nhân bị lạm dụng, lừa đảo nhưng lại bị quy kết là tội phạm vi phạm quy định về cho vay hoặc tội phạm cố ý làm trái. Đó là việc hình sự hoá quan hệ tín dụng, quan hệ kinh tế, dân sự.

Hình sự hóa quan hệ tín dụng như vậy là một trong những nguyên nhân góp phần cản trở quá trình xử lý nợ xấu. Người ta sẽ rất sợ hãi trách nhiệm hình sự, không dám bỏ cái lợi nhỏ để đạt cái lợi lớn, thu ít nhưng thu sớm trong xử lý nợ xấu. Vì nếu làm mạnh, làm kiên quyết, có gì bảo đảm rằng họ sẽ không bị người này phản ứng, cơ quan kia săm soi vì bỗng dưng gây thiếu hụt, thất thoát?

Nếu cứ kéo dài tình trạng như trên thì không những nan giải trong xử lý nợ xấu hiện tại mà còn nguy cơ tái diễn nợ xấu trầm trọng trong tương lai. Xử lý nợ xấu trong bối cảnh thời gian cấp bách, pháp luật còn vướng mắc và thị trường khó khăn như hiện nay thì phải chấp nhận chọn cái ít xấu nhất trong những cái xấu, chứ không thể đòi hỏi phải là cái đúng nhất, tốt nhất.

Nhóm phóng viên thực hiện

——————

Thời báo Ngân hàng (Tài chính – Tiền tệ) 20-10-2014

https://thoibaonganhang.vn/xu-ly-no-xau-go-kho-o-khau-phap-ly-3961.html

(644/2.274)

Bài viết 

308. Mất tiền từ séc giả, trách nhiệm thuộc...

(VNB) - Khi sự việc xảy ra, cần xác định ai là người có lỗi, lý do, nguyên...

Bình luận 

427. Bình luận về Luật siêu dễ: Hồi hộp đến...

(VTV3) Bình luận về Luật siêu dễ: Hồi hộp đến phút cuối với chủ đề...

Phỏng vấn 

4.363. Chuyện gì đang xảy ra trên thị trường...

Chuyện gì đang xảy ra trên thị trường xăng dầu? (NLĐ) - Đề xuất...

Trích dẫn 

3.862. Loại hình nào đang là 'thỏi nam châm' sẽ...

Loại hình nào đang là 'thỏi nam châm' sẽ 'hút cạn' dòng tiền của nhà...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 224,642