Vị trí giữa dấu câu với các chữ trong văn bản
(NN&ĐS) – Các dấu câu có vai trò rất quan trọng đối với nội dung, kết cấu của một câu văn cũng như một văn bản, tài liệu. Xã hội càng phát triển, hệ thống thông tin càng hiện đại, thì việc sử dụng dấu câu càng phải chuẩn xác. Chẳng hạn, nếu viết sai dấu chấm, dấu phảy trong một số tài khoản, một dãy số, sẽ rất khó được chấp nhận và dễ dẫn đến những lầm lẫn đáng tiếc. Hoặc nếu thêm, bớt một kí tự, kể cả kí tự trống trong một địa chỉ internet, thì sẽ không thể kết nối được thông tin.
Bài viết này, không đề cập đến chức năng và cách sử dụng các dấu câu, mà chỉ xin bàn đến khoảng cách (viết liền hoặc viết cách các kí tự trống) giữa các dấu câu và các chữ khác của câu văn cũng như cả văn bản.
Có thể tạm thời phân dấu câu tiếng Việt thành các loại như sau:
– Các dấu chấm, phẩy, bao gồm: Dấu phẩy (,); dấu phẩy trên (‘); dấu chấm (.); dấu chấm phẩy (;); dấu hai chấm (:); dấu chấm than hay còn gọi là dấu cảm (!); dấu hỏi hay còn gọi là dấu chấm hỏi (?); dấu chấm lửng, hay còn gọi là dấu ba chấm (…);
– Các dấu ngoặc, bao gồm: Dấu ngoặc đơn, gồm dấu mở ngoặc (() và dấu đóng ngoặc ()); dấu ngoặc kép, gồm dấu mở ngoặc (“) và dấu đóng ngoặc (”); dấu ngoặc vuông, gồm dấu mở ngoặc ([) và dấu đóng ngoặc (]); dấu ngoặc nhọn, gồm dấu mở ngoặc ({) và dấu đóng ngoặc (});
– Các dấu gạch, bao gồm: Dấu gạch nối hay còn gọi là dấu gạch ngang ngắn (-); dấu gạch ngang hay còn gọi là gạch đầu dòng (-)[1]; dấu gạch chéo, gồm dấu xiên phải (\) và dấu xiên trái (/);
– Các dấu toán học, bao gồm: Dấu nhân (x), dấu chia (:), dấu cộng (+), dấu trừ (-), dấu bằng (=), dấu gần bằng (»), dấu lớn hơn (>) và dấu nhỏ hơn (<);
– Các dấu chú thích, bao gồm: Dấu chú thích bằng số như số một (1) hoặc số hai ((2)), dấu chú thích các ký hiệu khác như dấu hoa thị (*), dấu sao (P), v.v…;
– Các dấu kết hợp, bao gồm: Dấu lớn hơn hoặc bằng (>); dấu nhỏ hơn hoặc bằng (<); dấu chấm hết (./.); dấu ba chấm đi liền với dấu chấm than (…!), với dấu hỏi (…?), v.v…;
– Các dấu khác: Dấu vân vân, v.v… Riêng dấu vân vân, trên sách báo hiện nay xuất hiện mấy cách viết rất khác nhau. Cách viết thứ nhất là chỉ có một dấu chấm (v.v), cách viết thứ hai là với hai dấu chấm (v.v.), cách viết thứ ba lại gồm 2 kiểu khác nhau với ba dấu chấm (v.v.. hoặc .v.v.) và cách viết thứ tư là có bốn dấu chấm (v.v…). Trong Tạp chí Ngôn ngữ và Đời sống số 1-2000 có bài viết, trong đó tác giả cho rằng vân vân chỉ có cách viết đúng là “v.v.”. Tuy nhiên, theo Từ điển tiếng Việt năm 1992, thì vân vân còn được viết đúng theo cách thứ hai là “v.v…” (có bốn dấu chấm). Trong cuốn Đại từ điển tiếng Việt, khi giải thích về chữ vân vân, thì chỉ ghi một cách viết là “v.v.”, nhưng khi sử dụng ở các chỗ khác, thì vẫn viết “v.v…”. Trong Tạp chí Ngôn ngữ và Đời sống số 3-2000 vừa qua, có 24 lần xuất hiện dấu vân vân, thì có 20 chỗ viết là “v.v.” và 4 chỗ viết là “v.v…”.
Khoảng cách của các dấu câu trong đa số các sách báo hiện nay:
– Các dấu chấm, phẩy và dấu chú thích: Viết liền với chữ ở phía bên trái (không cách các kí tự trống), còn bên phải có một khoảng trống (cách một kí tự trống). Tất nhiên việc sử dụng này có loại trừ một số trường hợp đặc biệt không cách trước, mà viết liền như: Dấu phẩy trong số thập phân, dấu chấm trong phân lớp chữ số, dấu chấm trong vân vân, dấu gạch nối trong viết ngày, tháng, năm hoặc viết phiên âm một từ nước ngoài có nhiều âm tiết, v.v… Ví dụ: 3,16%, 3.900.000 đồng, ngày 1-5-2000, Vích-to Huy-gô, v.v…
– Các dấu ngoặc: Viết cách trước và sau khối chữ một kí tự (phần trong ngoặc thì liền với dấu ngoặc).
– Dấu gạch nối, gạch ngang và các dấu toán học: Viết cách khối chữ một kí tự về cả trước và sau. Ví dụ: (1 + 2) x 3 = 9.
– Dấu gạch chéo: Viết liền với khối chữ, cả phía trước và sau. Ví dụ: 500đ/kg.
– Dấu vân vân: Viết cách cả trước và sau khối chữ. Ví dụ: Các nước trong khối ASEAN gồm có: Việt Nam, Thái Lan, Singapo, v.v…
Có thể kể tên một số sách báo viết dấu câu theo cách trên, đó là:
– Tạp chí Ngôn ngữ và Đời sống của Hội Ngôn ngữ học Việt Nam;
– Từ điển tiếng Việt do Viện Ngôn ngữ học xuất bản;
– Sách Phong cách học tiếng Việt – NXB Giáo dục – 1998;
– Giáo trình Rèn luyện kỹ năng sử dụng tiếng Việt – NXB Giáo dục – 1999;
– Các báo Nhân Dân, Lao Động, v.v…
Theo chúng tôi, cách viết các dấu câu như vậy là hợp lý. Tuy nhiên, ngay trong số các sách báo trên cũng vẫn gặp khá nhiều chỗ viết khác, có lẽ là do lỗi in ấn. Ví dụ: Từ điển tiếng Việt năm 1992, có rất nhiều chỗ để một kí tự trống trước dấu hai chấm và chấm phẩy.
Những cách khác khi viết khoảng cách của các dấu câu:
Hiện nay, còn khá nhiều sách báo viết cách một kí tự trống trước các dấu hai chấm, chấm than, hỏi chấm và chấm phẩy. Điển hình nhất chính là các cuốn sách của NXB Giáo dục như:
– Các cuốn sách giáo khoa từ lớp 1 đến lớp 12 xuất bản các năm 1998 và 1999;
– Từ điển chính tả tiếng Việt (năm 1998);
– Từ điển tiếng Việt căn bản (năm 1998);
– Từ điển từ công cụ tiếng Việt (năm 1998);
– Tiếng Việt thực hành (năm 1999).
Trong số đó, thậm chí một số cuốn sách lớp 1 còn cách một kí tự trống trước cả dấu phẩy, dấu chấm, dấu chấm lửng, sau khi mở và trước khi đóng ngoặc đơn (Ví dụ cuốn Truyện đọc lớp 1 – NXB Giáo dục 1999).
Một số sách báo viết cách một kí tự trống trước dấu hai chấm như: Tạp chí Thế Giới Mới của Bộ Giáo dục và Đào tạo hoặc một số chỗ trong cuốn Đại từ điển tiếng Việt (năm 1998).
Một số sách báo khi viết các dấu hai chấm, chấm than, dấu hỏi và phổ biến nhất là dấu hai chấm, khi thì để cách trước một kí tự trống, khi lại không để (Ví dụ cuốn Tiếng Việt, lớp 1, tập một – NXB Giáo dục 1999). Nguyên nhân dẫn đến cách viết không thống nhất có thể là do người viết, người in chưa có quan điểm rõ ràng hoặc do sơ suất trong khâu chế bản, in ấn. Đáng tiếc là các cuốn sách phục vụ học tập và giảng dạy của NXB Giáo dục lại chính là những điển hình về việc viết dấu câu thiếu nhất quán. Điều này đã gây ra không ít khó khăn cho giáo viên, học sinh và những người quan tâm.
Việc viết cách một kí tự trống trước các dấu hai chấm, chấm than, hỏi chấm, chấm phẩy, v.v… như trên, nếu sử dụng trong đánh máy vi tính sẽ dễ dẫn đến tình trạng dấu câu bị xuống dòng mà không gắn liền với từ nào cả, tức là đột nhiên xuất hiện một dấu phảy, dấu chấm, dấu hai chấm, dấu hỏi, dấu chấm than, dấu ngoặc đơn, dấu ngoặc kép, v.v… lẻ loi, lạc lõng ở đầu dòng, thậm chí ở hẳn một dòng riêng.
Nếu soạn văn bản trên máy vi tính, thì có thể dễ dàng dùng lệnh sửa chữa, thay thế để thống nhất cách viết các dấu câu trong một văn bản, tài liệu như sau: Đầu tiên, nháy con trỏ vào Edit trên thanh công cụ, vào tiếp Replace, sau đó đánh các kí tự muốn thay thế vào Find what (đánh nguyên dạng, gồm cả các kí tự trống), đồng thời đánh các kí tự sẽ thay thế vào Replace with và cuối cùng bấm Replace hoặc Replace All, tuỳ theo yêu cầu thay từng lần hay toàn bộ. Công cụ trên rất thuận tiện dùng để thay thế các dấu câu, các con chữ, các từ, các chữ viết hoa, các khái niệm, các đoạn văn, v.v…
[1] Trên thực tế, dấu gạch ngang này thường được thay thế bằng dấu gạch nối. Trên bàn phím máy vi tính cũng không có dấu gạch ngang.
Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, Trọng tài viên VIAC.
_______
Bài viết đã đăng Tạp chí Ngôn ngữ và Đời sống 7/2000: