(TT) – Dự kiến Luật Doanh nghiệp (DN) sửa đổi sẽ được thông qua tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII, khai mạc vào ngày 20/10 tới. Để dự thảo Luật DN sửa đổi “chỉn chu” hơn, sáng nay (7/10), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã tổ chức hội thảo lấy ý kiến DN đối với Dự thảo Luật.
Quang cảnh hội thảo. Ảnh: TQ
Đại diện Ban Soạn thảo, ông Phan Đức Hiếu, Trưởng ban Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương cho biết: Dự thảo Luật DN sửa đổi được xây dựng theo hướng thông thoáng hơn nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho DN phát triển và đã được lấy ý kiến từ nhiều thành phần. Đến nay, Dự thảo Luật đã cơ bản hoàn chỉnh và đã được trình thông qua Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Theo ông Hiếu, Dự thảo có nhiều tính ưu việt: Tiếp tục mở rộng tự do kinh doanh cho DN; đơn giản hóa thủ tục hành chính; minh bạch hóa tài chính DN; linh hoạt trong quản trị nội bộ nhưng vẫn duy trì quyền lợi của cổ đông tối thiểu…
Mặc dù vậy, tại hội thảo vẫn còn nhiều ý kiến kiến nghị tiếp tục sửa đổi, bổ sung.
Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế, VCCI nhận định, Dự thảo Luật còn một số điểm chưa rõ ràng. Cụ thể, khâu hậu kiểm trong dự thảo vẫn chưa có giải pháp đáng kể; cạnh tranh chưa hoàn toàn bình đẳng giữa DN Nhà nước và DN tư nhân; liệu chương riêng về DN Nhà nước có bị hiểu lầm là phân biệt đối xử; vẫn còn quá nhiều điều kiện kinh doanh không cần thiết trong nhiều lĩnh vực…
Theo ông Tuấn, với những nội dung như Dự thảo thì nhiều ngành, lĩnh vực đặt ra điều kiện kinh doanh chưa hợp lý, gây cản trở cho DN khi gia nhập thị trường và tạo cơ hội cho các hành vi độc quyền, cạnh tranh không lành mạnh. “Nếu quy định như Dự thảo thì Luật DN sửa đổi sẽ tiếp tục bị các luật chuyên ngành “gặm nhấm” khi đưa vào áp dụng”, ông Tuấn cảnh báo.
Đông đảo cộng đồng DN tham dự hội thảo. Ảnh: TQ
Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Cty Luật ANVI, đặt câu hỏi: Tại sao Dự thảo đã được trình thông qua Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội mà vẫn lắm “sạn” đến thế?
Luật sư Đức đã đề cập đến 18 vấn đề còn “sạn”: Các ngành, nghề bị cấm kinh doanh; các hoạt động trước khi thành lập DN; thời hạn nộp báo cáo của DN; nội dung giấy chứng nhận đăng ký DN; tên gọi DN; điều kiện DN giải thể…
Theo luật sư Đức, các ngành, nghề bị cấm kinh doanh được quy định tại Dự thảo Luật còn mập mờ hơn cả luật hiện hành…“Phải quy định cụ thể các ngành, nghề cấm kinh doanh trong Dự thảo Luật, vì quyền tự do kinh doanh đã được hiến định chỉ có thể bị cấm bằng luật theo tinh thần của Hiến pháp…”, luật sư Đức đề nghị.
Đối với điều kiện giải thể DN (Điều 201), ông Đức cho rằng, hiện có nhiều DN “chết” nhưng không “chôn” được do nhiều điều kiện ràng buộc. Nếu Dự thảo Luật tiếp tục quy định “DN chỉ được giải thể khi bảo đảm thanh toán hết các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác và DN không trong quá trình giải quyết tranh chấp tại tòa án hoặc cơ quan trọng tài”, thì DN khó lòng giải thể được.
Theo ông Đức, nên mở rộng hơn quy định giải thể nhằm đáp ứng được yêu cầu thực tế là thay vì phá sản, DN vẫn có thể giải thể trong trường hợp không “thanh toán hết các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác”, nhưng được tất cả các chủ nợ đồng ý cho giải thể.
Góp ý cho Dự thảo, luật gia Vũ Xuân Tiền, Trưởng ban Tư vấn và Phản biện chính sách, Hội Các nhà quản trị DN Việt Nam cho rằng, kiên trì thực hiện nguyên tắc “tiền kiểm” nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho khởi sự DN là hoàn toàn đúng. Song, Luật cần có quy định rõ ràng về “hậu kiểm”, tránh để biến thành “hậu buông”, gây ra những hậu quả không đáng có và là cái cớ để nhiều ý kiến muốn quay lại cơ chế “tiền kiểm” như trước khi có Luật DN năm 2005.
Đại diện Ban Soạn thảo cho biết sẽ nghiên cứu, tiếp thu ý kiến các chuyên gia, DN, để hoàn thiện Dự thảo trước khi trình Quốc hội thông qua. Cộng đồng DN hy vọng, khi Luật DN sửa đổi được thông qua sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho DN phát triển.
Trần Quý
——————————–
Thanh tra (Pháp luật) 07-10-2014:
http://thanhtra.com.vn/phap-luat/hoan-thien-the-che/lay-y-kien-cho-du-thao-luat-doanh-nghiep-sua-doi_t114c1160n79980
(294/872)