(TQ) – Cộng đồng doanh nghiệp đang rất kỳ vọng việc sửa đổi Luật DN sẽ tạo bước đột phá trong cải thiện môi trường kinh doanh song nhiều ý kiến cho rằng, các ngành, nghề, cấm kinh doanh được quy định tại Dự thảo Luật còn mập mờ hơn cả luật hiện hành.
Sáng 7/10, Hội thảo “Lấy ý kiến doanh nghiệp đối với dự thảo Luật Doanh nghiệp” (sửa đổi) đã diễn ra tại Hà Nội. Mặc dù sẽ được Quốc hội thông qua vào kỳ họp tới nhưng đến nay Dự thảo Luật vẫn đang trên bàn “mổ” và còn “ngổn ngang” nhiều vấn đề cần tranh cãi.
Bàn về tính hợp lý, tính khả thi, tính minh bạch của Dự thảo Luật DN, Luật gia Vũ Xuân Tiền, Trưởng ban Tư vấn và Phản biện chính sách, Hội các nhà quản trị doanh nghiệp Việt Nam cho rằng, ngoài các vấn đề như: quy định về ngành nghề cấm kinh doanh và ngành nghề kinh doanh có điều kiện trong Luật DN đã được Thường vụ Quốc hội quyết định chuyển sang Luật Đầu tư hay cơ quan đại diện chủ sở hữu đã không còn thuộc Luật DN nữa…thì Dự thảo vẫn còn khá nhiều vấn đề bất cập.
Ông Vũ Xuân Tiền vạch ra nhiều điều khoản cần trao đổi thuộc về các vấn đề như: phạm vi điều chỉnh, áp dụng Luật DN và các luật chuyên ngành, quan hệ giữa Luật DN và các điều ước quốc tế, giải thích từ ngữ, nghĩa vụ của DN, DN xã hội…
“Chẳng hạn Điều 3 Dự thảo Luật quy định: Trường hợp luật chuyên ngành có quy định đặc thù về tổ chức quản lý, tổ chức lại và giải thể và hoạt động có liên quan đối với DN thì áp dụng quy định của Luật đó” – Tôi cho rằng quy định này thiếu minh bạch, vì “các hoạt động có liên quan đối với DN” là rất nhiều. Quy định kiểu này là “vẽ đường cho cáo chạy”. Các Luật chuyên ngành sẽ quy định rất nhiều rào cản đối với hoạt động của DN nhưng vẫn không trái luật. Vì thế tôi đề nghị bỏ cụm từ “và các hoạt động có liên quan đối với DN”, ông Vũ Xuân Tiền nói.
Luật gia này cũng nhận định rằng, dự thảo Luật cần có quy định rõ ràng về hậu kiểm, tránh để biến thành “tiền buông, hậu cũng buông”, tạo ra kẽ hở cho một số hành vi vi phạm pháp luật trong thành lập DN như: vi phạm về thành viên góp vốn, về góp vốn, vi phạm luật thuế, luật lao động, Luật bảo hiểm xã hội…
“Vi phạm của một số DN tạo cớ để các cơ quan quản lý nhà nước đặt ra những chính sách nhằm “đánh nhầm hơn bỏ sót” và các DN hoạt động nghiêm túc bị “đánh oan”, ông Vũ Xuân Tiền nhấn mạnh tại Hội thảo.
Việc sửa đổi Luật DN sẽ tạo bước đột phá trong cải thiện môi trường kinh doanh?
Theo nhìn nhận của Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, các ngành, nghề, cấm kinh doanh được quy định tại dự thảo Luật còn mập mờ hơn cả luật hiện hành…
“Phải quy định cụ thể các ngành, nghề cấm cấm kinh doanh trong dự thảo Luật, vì quyền tự do kinh doanh đã được Hiến định chỉ có thể bị cấm bằng luật theo tinh thần của Hiến pháp… Hay cụm từ “cơ quan đăng ký DN” được sử dụng nhiều lần trong Dự luật nhưng không rõ ràng, không thống nhất lúc thì được hiểu là phòng đăng ký kinh doanh, lúc thì lờ mờ được hiểu là Bộ Kế hoạch và Đầu tư…”, ông Đức đề nghị.
DN có cần con dấu?
Trong cuộc làm việc với Bộ Kế hoạch và Đầu tư về cải cách thủ tục hành chính mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu thay đổi quy định về quản lý con dấu.
Sau đó, tại Thông báo số 370/TB-VPCP về Kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng về cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực thành lập, tổ chức lại, giải thể doanh nghiệp và thủ tục đầu tư, Thủ tướng đã yêu cầu Bộ Công an nghiên cứu sửa đổi quy định về quản lý con dấu theo hướng cho phép doanh nghiệp chủ động tự khắc dấu, thông báo sử dụng con dấu, tiến tới thay con dấu bằng chữ ký, chữ ký điện tử.
Dự thảo Luật DN (sửa đổi) cũng đã bổ sung nội dung quy định về con dấu. Theo đó, trường hợp cần thiết DN có thể có con dấu thứ hai, hình thức và nội dung con dấu do doanh nghiệp quyết định và đăng ký với cơ quan đăng ký kinh doanh.
Đồng tình với quy định này, ông Vũ Xuân Tiền cho rằng, tại thời điểm này chưa thế bỏ con dấu bởi thói quen khó thay đổi của người Việt Nam.
“Tính tự giác của mỗi người chúng ta chưa cao nên nếu không có con dấu thì sẽ xảy ra nhiều sự nhập nhằng trong hoạt động DN. Tuy nhiên, cần phải cải tiến cách quản lý con dấu. Không nên xem con dấu của DN giống như con dấu của cơ quan nhà nước là thể hiện quyền lực. Còn với DN, con dấu nên được sử dụng linh hoạt hơn, tất nhiên phải có cơ chế quản lý để không tạo kẽ hở trong quá trình sử dụng. Chứ như hiện tại phiền toái quá, mỗi lần chuyển địa chỉ DN lại phải đổi con dấu, vừa mất thời gian vừa mất phí. Nhiều quốc gia khác họ đâu cần sử dụng con dấu”, ông Vũ Xuân Tiền cho hay.
Nhìn từ góc độ DN, đại diện Honda Việt Nam, ông Đỗ Việt Dũng kiến nghị Ban soạn thảo xem xét bổ sung quy định về con dấu thứ ba của DN và con dấu thứ hai của chi nhánh bởi với các công ty lớn như Honda Việt Nam thì số lượng hai con dấu là không đủ.
“Một con dấu được đặt tại bộ phận sản xuất chuyên dùng cho việc đóng dấu Giấy chứng nhận xuất xưởng cho mỗi xe máy và ô tô theo quy định của Luật, con dấu còn lại được đặt tại bộ phần hành chính chuyên dùng cho việc đóng dấu giấy tờ của công ty. Còn chi nhánh của công ty (công suất 500.000 xe máy/năm) chỉ có một con dấu nhưng vẫn phải dùng cho cả hai công việc nêu trên”, ông Đỗ Việt Dũng phân trần.
Tuy nhiên, xét về khía cạnh an toàn, Luật sư Lê Nga (Công ty TTHNN Hà Việt) lại lo lắng: “Con dấu là tài sản của DN. Nếu quy định hình thức và nội dung con dấu do DN quyết định và đăng ký với cơ quan đăng ký kinh doanh thì sẽ tạo ra vô vàn các hình thủ kiểu dáng con dấu và sẽ càng khó khăn hơn trong việc nhận diện con dấu thật, giả. Do đó, con dấu nên được làm theo một hình thức, kích thước thống nhất. Mặt khác, phải quy định người đại diện theo pháp luật của DN chịu trách nhiệm quản lý việc sử dụng và lưu giữ con dấu”.
Không chỉ có đại diện đến từ Công ty TNHH Hà Việt, nhiều đại diện đến từ các DN khác cũng tỏ ý lo ngại và đặt câu hỏi rằng quy định trong Dự thảo Luật về con dấu là liệu có quá “thoáng”?
Trước rất nhiều những vấn đề “gây tranh cãi” trên, đại diện Ban soạn thảo, ông Phan Đức Hiếu, Trưởng ban Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh, Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho biết, Ban soạn thảo sẽ nghiên cứu, tiếp thu ý kiến các chuyên gia, doanh nghiệp, để hoàn thiện dự thảo trước khi trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp khai mạc vào cuối tháng 10 này như kế hoạch đề ra./.
Quỳnh Anh
———————————
Tổ quốc (Kinh tế) 08-10-2014:
http://toquoc.vn/sites/vi-vn/details/3/kinh-te-viet-nam/127772/nhieu-quy-dinh-ve-duong-cho-cao-chay.aspx
(125/1.404)