585. Dự thảo Luật Doanh nghiệp: Đã có những “cải lùi” đáng tiếc!

(MTG) – Theo Luật gia Vũ Xuân Tiền, dự thảo Luật Doanh nghiệp đã qua nhiều lần sửa đổi, nhưng suy cho cùng, đánh giá về tác động tới cải cách thể chế thì dự thảo lần thứ nhất vẫn có tác động lớn nhất, còn dự thảo lần thứ 6 lại có tác động nhỏ nhất và đã có những “cải lùi” đáng tiếc.

 

Vẽ đường cho “cáo” chạy

Tại Hội thảo góp ý Luật Doanh nghiệp sửa đổi do Phòng Thương mại và Công nghiệp VN (VCCI) tổ chức ngày 7.10, Luật gia Vũ Xuân Tiền, Uỷ viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tư vấn và Phản biện chính sách – Hội các nhà quản trị doanh nghiệp Việt Nam đã có những góp ý vô cùng thẳng thắn.

Theo ông Tiền, trong dự thảo Luật Doanh nghiệp, có nhiều điều khoản vẫn rơi vào tình trạng không hợp lý, thiếu khả thi, thiếu minh bạch. Lấy ví dụ như tại điều 3 Dự thảo Luật quy định: “Trường hợp luật chuyên ngành có quy định đặc thù về tổ chức quản lý, tổ chức lại và giải thể và hoạt động có liên quan đối với doanh nghiệp thì áp dụng quy định của Luật đó”.

“Quy định trên thiếu minh bạch. Vì các hoạt động có liên quan đối với doanh nghiệp là rất nhiều. Quy định trên là “vẽ đường cho cáo chạy”, các Luật chuyên ngành sẽ quy định rất nhiều rào cản đối với hoạt động của DN nhưng vẫn không trái luật. Tôi đề nghị bỏ cụm từ ” và các hoạt động có liên quan đối với doanh nghiệp”” – ông Tiền nhấn mạnh.

Một quy định khác trong dự thảo Luật cũng được ông Tiền cho rằng chưa hợp lý là tại Điều 10 dự thảo Luật quy định về tiêu chí, quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp xã hội. Theo phân tích của luật gia này thì quy định tại Điều 10 là không hợp lý và thiếu tính khả thi.

Lý do là vì tiêu chí sử dụng ít nhất 51% tổng lợi nhuận hằng năm của doanh nghiệp để tái đầu tư nhằm thực hiện mục tiêu xã hội, môi trường như đã đăng ký là không hợp lý vì quy định đó tức là bắt buộc DN xã hội phải luôn luôn có lãi? Đó là điều không thể có trong thực tiễn.

“Nếu DN bị lỗ do khách quan hoặc “lỗ giả, lãi thật” thì tiêu chí này không còn ý nghĩa” – ông Tiền nói.

Đóng góp cho dự thảo Luật Doanh nghiệp, Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, Trọng tài viên VIAC cũng cho rằng, một số điểm trong dự thảo còn “mập mờ” hơn cả luật hiện hành.

Chẳng hạn như trong dự thảo có quy định về các ngành, nghề cấm kinh doanh, nhưng lại không nêu rõ những ngành nghề đó là gì và giao cho “Chính phủ quy định cụ thể danh mục ngành, nghề kinh doanh bị cấm” .

“Để doanh nghiệp được tự do kinh doanh tất cả những gì mà pháp luật không cấm thì cần phải quy định rõ ràng, cụ thể ngành, nghề bị cấm kinh doanh trong Luật. Ngay trong quá trình Chính phủ và Uỷ ban thường vụ Quốc hội xem xét Dự luật này, cũng đã thấy xuất hiện quá nhiều thông tin khác nhau về số lượng ngành, nghề cấm kinh doanh, lúc thì 14, lúc thì 11 lúc thì 8” – ông Đức cho biết.

Theo phân tích của luật sư Đức, nhiều Nghị định của Chính phủ đã quy định về ngành, nghề cấm kinh doanh, trong đó tại Nghị định số 102 ngày 1.10.2010 về “Hướng dẫn chi tiết thi hành một số điều của Luật Doanh nghiệp” đã quy định 14 ngành, nghề cấm kinh doanh cũng không hoàn toàn chính xác. Chẳng hạn cấm “Kinh doanh dịch vụ tổ chức đánh bạc, gá bạc trái phép dưới mọi hình thức”, là không hợp lý, vì cái gì trái phép cũng đều bị cấm chứ không chỉ có cấm đánh bạc trái phép. 

Hay hơn 20 chục năm nay vẫn quy định là cấm “Kinh doanh các loại pháo” cũng không đúng. Lý do theo ông Đức là vì nếu không có hoạt động kinh doanh thì hoạt động của công ty sản xuất, xuất khẩu pháo hoa là gì và lấy đâu ra pháo hoa để bắn khắp cả nước nếu không có việc mua bán, nhập khẩu pháo hoa? Ngoài ra, còn phải sử dụng nhiều pháo hiệu trong lĩnh vực hàng hải, cứu hộ…

Bỏ quy định “con dấu là tài sản của DN”

Một quy định khác cũng được nhiều đại biểu đề cập đến là quy định về con dấu của doanh nghiệp vốn đang gây nhiều tranh cãi. Theo TS. LS Nguyễn Ngọc Khánh, Ngân hàng TMCP Quốc Dân (NCB), tại Luật Doanh nghiệp năm 2005 và tại Dự thảo Luật Doanh nghiệp tiếp tục quy định: “Con dấu là tài sản của doanh nghiệp”, và điều này cũng không khác gì quy định “Sổ đỏ cũng là tài sản của người chủ sở hữu của tài sản ghi trong sổ đỏ đó”.

“Đành rằng, con dấu của doanh nghiệp là “rất quý giá, rất quan trọng” đối với bản thân doanh nghiệp, cũng như “Sổ đỏ” là “rất quý giá, rất quan trọng” đối với bản thân người chủ sở hữu tài sản ghi trong sổ đỏ đó. Thế nhưng, một điều hiển nhiên, không phải bất cứ thứ gì “rất quý giá, rất quan trọng” cũng có thể coi là tài sản.

Có lẽ không cần tranh luận nhiều, trong các quan hệ xã hội nói chung cũng như trong các giao dịch dân sự – kinh tế nói riêng, thì “Sổ đỏ” không thể coi là “tài sản của người chủ sở hữu của tài sản ghi trong sổ đỏ đó”, cũng như “Con dấu” không thể coi là “tài sản của doanh nghiệp” theo đúng nghĩa về “Tài sản” đã được quy định tại Điều 163 Bộ luật dân sự năm 2005 và chịu sự chi phối của chế định tài sản đã được quy định trong Bộ luật dân sự 2005” – ông Khánh lập luận.

Từ đó, trên phương diện pháp lý, ông Khánh cho rằng giá trị con dấu chủ yếu thể hiện ở chỗ: con dấu khi được sử dụng sẽ có ý nghĩa xác định người đã ký tên, đóng dấu là người có thẩm quyền đại diện cho doanh nghiệp; xác nhận các giấy tờ giao dịch, hồ sơ, tài liệu và ấn phẩm đã được đóng dấu là của và/hoặc có liên quan đến doanh nghiệp phát hành, và khi đã đóng dấu, trách nhiệm pháp lý của doanh nghiệp đã được ghi nhận tùy theo hình thức và nội dung của các giấy tờ giao dịch, hồ sơ, tài liệu và ấn phẩm đã được đóng dấu.

Do vậy, ông Khánh kiến nghị bỏ nội dung “Con dấu là tài sản của doanh nghiệp” tại khoản 1 Điều 44 Dự thảo Luật Doanh nghiệp.

Đồng tình với ông Khánh, Luật gia Vũ Xuân Tiền cũng cho rằng, quy định “con dấu là tài sản của DN” là thừa, vì con dấu hoặc bất cứ vật dụng nào DN có quyền sở hữu đều là tài sản của DN.

Vấn đề thứ hai theo ông Tiền là cần bổ sung thêm quyền có con dấu cho Chi nhánh, VP đại diện của DN, hình thức và nội dung con dấu do DN quyết định và đăng ký với cơ quan đăng ký kinh doanh.

Ngoài ra, cũng cần bổ sung thêm một khoản về thẩm quyền xác định hình thức và nội dung con dấu của DN. Theo đó, “Chủ tịch Công ty, Hội đồng thành viên, Hội đồng quản trị, Chủ doanh nghiệp tư nhân quyết định hình thức, nội dung con dấu của doanh nghiệp và các Chi nhánh, Văn phòng đại diện của doanh nghiệp”.

“Điều 44 dự thảo luật quy định về con dấu của DN theo hướng trao quyền cho DN quyết định về hình thức, nội dung của con dấu. Đây là một cải cách quan trọng, phù hợp với thông lệ quốc tế.Tuy nhiên, cũng cần phải sửa đổi một số điều mà tôi đã nêu” – ông Tiền cho biết.

Thu Giang

————————————-

Một thế giới (Dòng sự kiện) 08-10-2014:

http://motthegioi.vn/tieu-diem/du-thao-luat-doanh-nghiep-da-co-nhung-cai-lui-dang-tiec-109097.html

(355/1.444)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

433. Bình luận về Chủ sở hữu hưởng lợi của...

Bình luận về Chủ sở hữu hưởng lợi của doanh nghiệp Tham luận Hội...

Phỏng vấn 

4.391. Bẫy nạn nhân với 'miếng mồi' lãi suất cao.

Bẫy nạn nhân với 'miếng mồi' lãi suất cao.(TT) - Vụ GFDI ở Đà Nẵng...

Trích dẫn 

3.908. Ngăn chặn những "văn phòng bất động sản...

Ngăn chặn những "văn phòng bất động sản di động" đẩy giá đất. (VTV.vn)...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 231,805