589. Doanh nghiệp có cần con dấu? (Kỳ III): Con dấu – dây trói DN

(DĐDN) – DĐDN có bài viết của Luật gia Vũ Xuân Tiền về những bất cập xung quanh con dấu của DN. Tuy nhiên, theo Luật sư Trương Thanh Đức – Giám đốc Công ty Luật ANVI – Trọng tài viên VIAC: đây là một dây trói pháp lý không cần thiết.

Ảnh minh họa.

Thật đáng buồn khi chào đời, giao dịch đầu tiên của DN là gặp công an, chứ không phải là việc quản lý DN hay hoạt động kinh doanh. DN dù đã được sinh ra, đã có giấy khai sinh hợp pháp rồi, nhưng lại vẫn coi như chưa được sinh ra, nếu chưa được công an cho phép khắc và sử dụng mẫu dấu. Theo một nguồn thông tin, hiện nay, chỉ có 7 quốc gia quy định việc đóng dấu của DN mang tính bắt buộc và nhằm xác nhận chữ ký, tư cách pháp lý. Còn khoảng 171 quốc gia khác, thì con dấu chỉ thể hiện ý nghĩa là dấu hiệu, biểu trưng cho một DN mà thôi.

Theo quy định pháp luật hiện hành, thì con dấu là tài sản, là báu vật, là linh hồn không thể thiếu của DN. Tuy nhiên vì đó là những giá trị không có thật, nên dẫn đến những mâu thuẫn, rắc rối ghê gớm. Ngay cả khi có sự tranh chấp, xâm phạm con dấu, thì hầu như cũng không xử lý được các hành vi chiếm giữ con dấu pháp lý của DN. Công an thì cho rằng đó là tranh chấp, là quan hệ dân sự, còn toà án thì cũng không thụ lý giải quyết tranh chấp. Thế là dẫn đến tình trạng bế tắc của DN.

Người giữ dấu như giữ “linh hồn” của DN. Thế nên người đại diện theo pháp luật hay người có quyền to nhất trong DN đã ký văn bản, nhưng lại phải chờ nhân viên văn thư cộp dấu thì chữ ký của mình mới có giá trị pháp lý? Và rồi, về mặt pháp lý là quy định như thế, nhưng lại chẳng phải là thế. Hợp đồng ký giữa 2-3 bên, nếu không đóng dấu thì vẫn có hiệu lực, vẫn ràng buộc cam kết, không thể vô hiệu chỉ vì chưa đóng dấu, chưa “khẳng định giá trị pháp lý của khẳng định giá trị pháp lý đối với các văn bản, giấy tờ”. Nếu cho rằng, hợp đồng của DN chưa đóng dấu là chưa có hiệu lực, thì có thể suy rộng ra, hợp đồng ký giữa DN Việt Nam và DN Mỹ, không có tiêu đề “Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam” thì cũng vô giá trị? Vì theo quy định tại khoản 2, Điều 4 về “Hình thức văn bản” và điểm a, khoản 1, Điều 5 về “Thể thức văn bản”, Nghị định số 110/2004/NĐ-CP ngày 08-4-2004 của Chính phủ về Công tác văn thư, đã được sửa đổi, bổ sung theo Nghị định 09/2010/NĐ-CP ngày 08-02-2010, thì giấy tờ giao dịch của DN bắt buộc phải ghi Quốc hiệu.

Một nhà không có 2 chủ, một nước không có 2 vua, một văn bản của DN không thể quyết định bởi 2 yếu tố pháp lý ngang ngửa nhau là chữ ký và con dấu. Văn bản có chữ ký thật, mà đóng dấu giả thì giá trị đến đâu? Và ngược lại, đóng dấu thật mà chữ ký giả thì giá trị ra sao? Đáp án nào cũng không thoả đáng. Lúc nào cũng đặt DN “giữa 2 làn đạn”. Qua thực tế các vụ tranh chấp liên quan đến con dấu như: Cưỡng chế giao nộp con dấu tại Cty Đay Sài Gòn, cuộc chiến buộc TGĐ bàn giao con dấu tại Cty Bông Bạch Tuyết hay Cty Sudico kêu cứu vì bị “cưỡm” con dấu, rồi Thủ tướng phải nhảy vào cuộc cho phép Trường Đại học Hùng Vương được khắc và sử dụng con dấu thứ 2… đã cho thấy sai lầm về việc xác định sai vai trò pháp lý của con dấu.

Vì quá phụ thuộc, dựa dẫm, trông chờ, tôn thờ, trao cho con dấu quyền năng quá mức, nên mới dẫn đến tình trạng làm giả con dấu thì rất dễ lợi dụng lừa đảo. Cả một xã hội, khi thấy con dấu đỏ là tỏ rõ sự yên tâm chấp nhận, vì coi đã nắm được “bảo bối” pháp lý. Nếu không quá đề cao và quy định giá trị pháp lý bắt buộc của con dấu, thì Huỳnh Thị Huyền Như đã không dễ dàng lừa đảo Vietinbank để chiếm đoạt gần 4.000 tỷ đồng, mà phần lớn là thông qua 8 con dấu làm giả một cách vô cùng dễ dãi. DN cũng dễ bị liên luỵ, hàm oan vì cùng lúc phải lo quản đồng thời hai yếu tố pháp lý ngang ngửa nhau là chữ ký và con dấu.

Cá nhân cũng có thể ký hợp đồng giao dịch lên đến hàng chục, hàng trăm tỷ đồng khắp trong và ngoài nước, cũng ký đủ thứ đơn từ pháp lý, gửi khắp các cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội, đâu có cần phải có con dấu? Vậy thì các pháp nhân hà cớ gì mà cứ phải dùng con dấu như bảo bối, vật bất ly thân?

Luật chấp nhận việc sử dụng chữ ký điện tử thay cho chữ ký tươi (ướt) và cũng đồng thời “phế truất” luôn con dấu pháp lý. Đã công nhận chữ ký điện tử thay cho chữ ký tay trực tiếp, thì cũng không có lý do gì mà không công nhận con dấu điện tử. Như vậy, có thể xoá bỏ con dấu như hiện nay, tức là hoàn toàn có thể bỏ hẳn con dấu của DN và các bộ phận phụ thuộc.

Trương Thanh Đức

(Báo xin bài tham luận và biên tập lại)

——————

Diễn đàn Doanh nghiệp (Pháp luật) 28-10-2014:

http://dddn.com.vn/phap-luat/doanh-nghiep-co-can-con-dau-ky-iii-20141025123132518.htm

(1.000/1.000)

Bài viết 

308. Mất tiền từ séc giả, trách nhiệm thuộc...

(VNB) - Khi sự việc xảy ra, cần xác định ai là người có lỗi, lý do, nguyên...

Bình luận 

427. Bình luận về Luật siêu dễ: Hồi hộp đến...

(VTV3) Bình luận về Luật siêu dễ: Hồi hộp đến phút cuối với chủ đề...

Phỏng vấn 

4.363. Chuyện gì đang xảy ra trên thị trường...

Chuyện gì đang xảy ra trên thị trường xăng dầu? (NLĐ) - Đề xuất...

Trích dẫn 

3.862. Loại hình nào đang là 'thỏi nam châm' sẽ...

Loại hình nào đang là 'thỏi nam châm' sẽ 'hút cạn' dòng tiền của nhà...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 224,648