591. Cấm doanh nghiệp lấy tên danh nhân: Không biết đằng nào mà lần!

(IFN) – Việc cấm doanh nghiệp lấy tên của danh nhân không phải là quy định mới mà có từ 8 năm trước đây và không phải là của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) mà là của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Cấm doanh nghiệp lấy tên danh nhân: Không biết đằng nào mà lần! - ảnh 1

Cấm doanh nghiệp lấy tên của danh nhân không phải là quy định mới (Ảnh: VOV)

Ngay sau khi Thông tư 10/2014/TT-BVHTTDL được ban hành đã vấp phải nhiều ý kiến trái chiều. Có những ý kiến đồng thuận nhưng cũng có ý kiến cho rằng việc đặt tên doanh nghiệp trùng với tên danh nhân không ảnh hưởng đến uy tín của cá nhân vị danh nhân đó. Mặt khác, đây còn là cách để tôn vinh những danh nhân cũng như quảng bá hình ảnh đất nước, truyền thống lịch sử dân tộc.

Báo điện tử Infonet đã có cuộc trao đổi với Luật sư Trương Thanh Đức – Giám đốc Công ty Luật ANVI xung quanh vấn đề này:

Gần đây, Bộ VH-TT&DL ban hành Thông tư số 10/2014/TT-BVHTTDL về việc Hướng dẫn đặt tên doanh nghiệp phù hợp với truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức, thuần phong mỹ tục của dân tộc. Từ góc độ pháp lý, ông có đánh giá gì về Thông tư này?

Thông tư này đương nhiên là trái với quy định tại Điều 32, Luật doanh nghiệp về “Những điều cấm trong đặt tên doanh nghiệp”. Theo đó Luật doanh nghiệp chỉ cấm 3 trường hợp đặt tên doanh nghiệp như sau:

“1. Đặt tên trùng hoặc tên gây nhầm lẫn với tên của doanh nghiệp đã đăng ký.

“Khi tên doanh nghiệp trùng với tên danh nhân, doanh nghiệp sẽ có một lợi thế nhất định bởi người tiêu dùng sẽ có một ấn tượng tốt do ảnh hưởng từ hình ảnh của danh nhân”.

Ông Nguyễn Đình Thành – Giám đốc Tư vấn Chiến lược truyền thông Công ty Le Bros.

2. Sử dụng tên cơ quan nhà nước, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân, tên của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp để làm toàn bộ hoặc một phần tên riêng của doanh nghiệp, trừ trường hợp có sự chấp thuận của cơ quan, đơn vị hoặc tổ chức đó.

3. Sử dụng từ ngữ, ký hiệu vi phạm truyền thống lịch sử, văn hoá, đạo đức và thuần phong mỹ tục của dân tộc.”

Vậy thì không thể suy diễn rằng, việc doanh nghiệp lấy tên danh nhân là “vi phạm truyền thống lịch sử, văn hoá, đạo đức và thuần phong mỹ tục của dân tộc”. Và tại sao cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội, trường học, bệnh viện, thậm chí chợ búa, bến tàu, bến xe,… thì được khuyến khích lấy tên danh nhân mà doanh nghiệp thì lại bị cấm.

Nếu cấm vì sợ xấu mặt danh nhân thì là một sự coi thường, xúc phạm doanh nghiệp và tầng lớp doanh nhân. Ở đâu và lĩnh vực nào cũng có tốt, có xấu.

Nếu sợ doanh nghiệp làm “xấu mặt” danh nhân, thì đừng hô hào, mong muốn đất nước này có thật nhiều doanh nghiệp, doanh nhân. Và như vậy thì khác nào phủ nhận nội dung vừa mới được cân nhắc kỹ lưỡng đưa thêm vào Hiến pháp “Nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện để doanh nhân, doanh nghiệp và cá nhân, tổ chức khác đầu tư, sản xuất, kinh doanh; phát triển bền vững các ngành kinh tế, góp phần xây dựng đất nước.”?

Tuy nhiên, việc cấm cản này không phải do Bộ VH-TT&DL màThông tư số 10/2014/TT-BVHTTDL chỉ cụ thể hoá quy định cấm sử dụng “tên danh nhân để đặt tên riêng cho doanh nghiệp” tại khoản 3, Điều 14 về “Những điều cấm trong đặt tên doanh nghiệp” của Nghị định số 43/2010/NĐ-CP ngày 15-4-2010 của Chính phủ Về đăng ký doanh nghiệp (sau hơn 4 năm được giao trách nhiệm).

Như vậy, việc cấm không biết xuất phát từ kiến nghị của Bộ VH-TT&DL hay bộ nào khác, chỉ biết rằng Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì soạn thảo các Luật và Nghị định về việc này.

Đối với những doanh nghiệp đã đặt theo tên danh nhân trước ngày 25/11, khi Thông tư 10/2014/TT-BVHTTDL có hiệu lực thì các công ty, các doanh nghiệp này sẽ phải tính như thế nào?

Thông tư trên không quy định xử lý đối với các trường hợp doanh nghiệp đã “trót” đặt tên danh nhân trước đây thì giải quyết như thế nào. Như vậy, theo nguyên tắc chung của pháp luật thì những quy định cấm đoán, hạn chế nói chung và quy định về việc cấm đặt tên doanh nghiệp nói riêng sẽ không có hiệu lực hồi tố.

Tuy nhiên, vấn đề không phải từ ngày Thông tư có hiệu lực vào 25/11 tới thì mới áp dụng quy định cấm này, mà phải áp dụng từ 8 năm trước, cụ thể là từ 27-9-2006, tức là ngày có hiệu lực của Nghị định số 88/2006/NĐ-CP ngày 29-8-2006 của Chính phủ về đăng ký kinh doanh có quy định về việc cấm doanh nghiệp sử dụng tên danh nhân.

Đây lại là một ví dụ cho thấy tình trạng văn bản dưới luật mâu thuẫn với luật gây khó cho doanh nghiệp.

Cả Luật Doanh nghiệp năm 1999 cũng như 2 nghị định hướng dẫn vào năm 2000 và 2004 đều quy định y hệt như nhau là chỉ cấm đặt tên doanh nghiệp “vi phạm truyền thống lịch sử, văn hoá, đạo đức và thuần phong mỹ tục của dân tộc.”. Đến Luật Doanh nghiệp năm 2005 cũng chép nguyên si như vậy, nhưng Nghị định số 88/2006/NĐ-CP và nay là 43/2010/NĐ-CP lại đặt thêm một điều cấm, đó là không được đặt theo tên danh nhân.

Cấm doanh nghiệp lấy tên doanh nhân: Không biết đằng nào mà lần! – ảnh 2

Luật sư Trương Thanh Đức – Giám đốc Công ty Luật ANVI

Theo ông, vì sao các doanh nghiệp lại có xu hướng đặt tên doanh nghiệp trùng với tên danh nhân?

Nếu như 99% tên người bao gồm 3 thành tố là họ, đệm và tên riêng thì tên doanh nghiệp cũng như vậy. Cũng thường gồm 3 thành tố là loại hình, lĩnh vực hoạt động và gần như không thế thiếu là đặc điểm hay danh từ mang tính riêng biệt.

Danh từ riêng là một trong những ưu tiên sử dụng hàng đầu, đó là tên người, tên địa danh hay quốc gia, vùng miền, khu vực,… Và đã lấy theo tên người, thì danh nhân là lựa chọn hợp tình hợp lý hơn hẳn những cái tên “vô danh”.

Về lề thói, thì chúng ta còn luôn đề cao văn hoá khiêm nhường và còn nặng về chủ nghĩa tập thể, nên đôi khi cũng ngại lấy tên của mình hoặc người thân đặt cho doanh nghiệp.

Ví dụ điển hình là trong khi tiếng Anh luôn đề cao và viết hoa chữ tôi, còn ở Việt Nam thì luôn biến tôi thành chúng tôi, trong cả lời nói cũng như hành văn. Do đó, chọn tên danh nhân là lựa chọn phổ biến, bình thường, an toàn và tốt nhất. Vì nó tạo nên cảm giác yên tâm, quen thuộc, chắc chắn đối với mọi người.

Đáng lẽ pháp luật cần khuyến khích điều này, chứ không nên cấm đoán. Nếu lấy lý do cấm đặt tên doanh nhân vì “vi phạm truyền thống lịch sử, văn hoá, đạo đức và thuần phong mỹ tục của dân tộc.” thì đó là tư duy lạc hậu, cổ hủ không phải của hàng chục, mà là hàng trăm năm trước.

Đối với các doanh nghiệp chuẩn bị thành lập, ông có đánh giá gì về những khó khăn mà họ sẽ phải đối mặt khi có Thông tư này?

Trước hết, phải thừa nhận là Thông tư này đã tạo điều kiện thuận lợi hơn cho việc chọn tên của doanh nghiệp, vì đã chỉ rõ hơn nhưng trường hợp bị cấm.

Nhưng đồng thời Thông tư cũng sẽ gây khó khăn hơn cho doanh nghiệp từ những quy định còn tù mù, không hợp lý hoặc chặt hơn Luật và Nghị định. Chẳng hạn, những cái tên nào và căn cứ nào để có thể xác định các “địa danh trong các thời kỳ bị xâm lược và tên những nhân vật trong lịch sử bị coi là phản chính nghĩa, kìm hãm sự tiến bộ”, hay tên của “những người có tội với đất nước, với dân tộc”?

Thông tư chẳng những không chỉ ra được những cái tên “kiêng kỵ” cụ thể, mà còn tiếp tục quy định chung chung không khác gì luật, đó là “các trường hợp khác về sử dụng từ ngữ, ký hiệu vi phạm truyền thống lịch sử theo quy định của pháp luật”.

Cuối cùng, cả doanh nghiệp và cơ quan đăng ký kinh doanh sẽ không biết đằng nào mà lần, vì chỉ trừ một số ít danh nhân gần như đã được thừa nhận một cách rõ ràng, rộng rãi, thì còn những ai được coi là danh nhân lại là một sự thách đố và có thể tranh cãi bất phân thắng bại.

Yêu cầu tuân thủ pháp luật, nhưng điều luật cấm lại không hề được quy định trong văn bản quy phạm pháp luật nào, thậm chí cũng không tìm thấy ngay cả trong sách báo, tài liệu chính thống. Câu hỏi đơn giản nhất cũng chưa có câu trả lời: Chỉ một số nhân vật hay hàng vạn tên người đang được ghi trên biển đường phố từ các thị trấn cho đến thủ đô đều là danh nhân?

Nghị định số 43/2010/NĐ-CP:

Điều 14. Những điều cấm trong đặt tên doanh nghiệp

1. Không được đặt tên trùng hoặc tên gây nhầm lẫn với tên của doanh nghiệp khác đã đăng ký trong phạm vi toàn quốc, trừ những doanh nghiệp đã bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, các doanh nghiệp đã giải thể. Quy định này được áp dụng kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2011.

Kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành đến ngày 31 tháng 12 năm 2010, việc chống trùng, nhầm lẫn tên doanh nghiệp được thực hiện trên phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Thông tư số 10/2014/TT-BVHTTDL

“Điều 2. Đặt tên doanh nghiệp vi phạm truyền thống lịch sử của dân tộc

Những trường hợp đặt tên doanh nghiệp sau đây vi phạm truyền thống lịch sử của dân tộc:

1. Sử dụng tên trùng tên danh nhân, trừ các trường hợp sau đây:

a) Người thành lập doanh nghiệp khi đặt tên doanh nghiệp theo tên riêng của mình nhưng trùng một phần hoặc toàn bộ tên danh nhân thì phải đặt đầy đủ họ, tên theo đúng tên ghi trong Giấy khai sinh của người thành lập doanh nghiệp;

b) Trường hợp doanh nghiệp do nhiều tổ chức, cá nhân sáng lập dự định đặt tên riêng doanh nghiệp bằng cách sử dụng tên riêng của một trong số những người sáng lập nhưng trùng với tên danh nhân thì việc đặt tên doanh nghiệp được thực hiện theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều này;

c) Trường hợp đặt tên riêng doanh nghiệp bằng cách sử dụng tên ghép của tổ chức, cá nhân sáng lập nhưng trùng với tên danh nhân thì phải có dấu gạch nối (-) giữa các tên tổ chức, cá nhân sáng lập được ghép.

2. Sử dụng tên đất nước, địa danh trong các thời kỳ bị xâm lược và tên những nhân vật trong lịch sử bị coi là phản chính nghĩa, kìm hãm sự tiến bộ.

3. Sử dụng tên của những nhân vật lịch sử là giặc ngoại xâm hoặc những người có tội với đất nước, với dân tộc.

4. Các trường hợp khác về sử dụng từ ngữ, ký hiệu vi phạm truyền thống lịch sử theo quy định của pháp luật.”

Lại Hà

——————

Infonet (Thời sự) 29-10-2014:

http://infonet.vn/cam-doanh-nghiep-lay-ten-danh-nhan-khong-biet-dang-nao-ma-lan-post148066.info

(1.630/1.630)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

433. Bình luận về Chủ sở hữu hưởng lợi của...

Bình luận về Chủ sở hữu hưởng lợi của doanh nghiệp Tham luận Hội...

Phỏng vấn 

4.390. Cải cách thể chế bắt đầu từ con người.

Cải cách thể chế bắt đầu từ con người. (VNN) - Thể chế sai không thể...

Trích dẫn 

3.908. Ngăn chặn những "văn phòng bất động sản...

Ngăn chặn những "văn phòng bất động sản di động" đẩy giá đất. (VTV.vn)...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 231,763