591. Con dấu DN vì sao không nên là thủ tục bắt buộc?

(TBNH) – Khi DN hoạt động tốt, các chủ sở hữu “thuận hòa” thì việc đóng dấu vào các văn bản của công ty thật đơn giản và dễ dàng. Nhưng giả sử lúc mâu thuẫn phát sinh thì cuộc chiến tranh dành con dấu bắt đầu lộ ra. Thực tế, vấn đề này không phải là giả định mà đã từng xảy ra…

Có con dấu: Doanh nghiệp chỉ giải quyết khâu “oai”

Điều 1 Nghị định 58/2001/NĐ-CP ngày 24/8/2001 về quản lý và sử dụng con dấu quy định: “Con dấu thể hiện vị trí pháp lý và khẳng định giá trị pháp lý đối với các văn bản, giấy tờ của các cơ quan, tổ chức và các chức danh nhà nước”. Do vậy, tất cả các văn bản của một DN bắt buộc phải đóng dấu mới có giá trị pháp lý. Quy định trên vô hình trung làm cho người có thẩm quyền quản lý con dấu tự nhiên trở thành người có quyền lực nhất trong DN. Từ đó cho thấy tổ chức, cá nhân nào muốn nắm quyền quản lý, điều hành DN bắt buộc phải được quản lý và sử dụng con dấu.

Khi DN hoạt động tốt, các chủ sở hữu “thuận hòa” thì việc đóng dấu vào các văn bản của công ty thật đơn giản và dễ dàng. Nhưng giả sử lúc mâu thuẫn phát sinh thì cuộc chiến tranh dành con dấu bắt đầu lộ ra. Thực tế, vấn đề này không phải là giả định mà đã từng xảy ra.

Mọi người hẳn còn nhớ một câu chuyện khá bi hài vào năm 2008 tại Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển đô thị và khu công nghiệp Sông Đà (Sudico) khi đã xảy ra tình trạng tranh chấp con dấu kéo dài giữa Tổng giám đốc cũ và mới. Nhiều vụ chiếm giữ con dấu, tranh giành quyền lực khác trước đây cũng từng xảy ra như ở Công ty cổ phần xây dựng giao thông I (Hà Nội); Trường đại học Hùng Vương, Công ty Kim khí Hải Phòng…

Vấn đề thường phát sinh khi người nắm con dấu tham quyền cố vị không muốn chức danh của mình bị mất, trong lúc cổ đông, nhóm cổ đông chiếm đa số cổ phần trong công ty không tin tưởng họ nữa. Khi đó, người giữ con dấu sẽ cản trở việc họp đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) để thực hiện việc thay thế mình bằng việc không đóng dấu vào thông báo mời họp ĐHĐCĐ và các văn bản kèm theo.

Ngay cả khi ĐHĐCĐ vẫn tổ chức được thì toàn bộ nghị quyết, quyết định của ĐHĐCĐ, HĐQT không được đóng dấu liệu có giá trị pháp lý? Và đấy chính là những điểm yếu còn tồn tại trong các quy định của pháp luật hiện hành.

Theo luật sư Vũ Xuân Tiền, Chủ tịch Công ty tư vấn VFAM Việt Nam, quy định như trong Điều 1 Nghị định 58 trên không hoàn toàn đúng với DN. Bởi, DN được thành lập hợp pháp, là pháp nhân và có quyền nhân danh mình trong mọi giao dịch. Việc sử dụng con dấu của DN chỉ có ý nghĩa chứng minh rằng, văn bản được đóng dấu ấy là văn bản của DN. “Trường hợp văn bản không có dấu nhưng có đủ căn cứ pháp lý để xác nhận rằng, văn bản đó là của DN thì văn bản ấy vẫn có giá trị pháp lý” – LS. Tiền khẳng định.

Tuy nhiên nhiều ý kiến cũng cho rằng, việc bỏ đi con dấu có lẽ cũng không thể là chuyện một sớm, một chiều nhất là trong điều kiện hiện nay. Bởi, một mặt là trong nền kinh tế thị trường chưa phát triển hoàn chỉnh, chữ tín trong kinh doanh chưa thực sự được tôn trọng. Nếu không có con dấu sẽ khó có căn cứ để xác định văn bản nào là do người có thẩm quyền ký đại diện cho DN và văn bản nào người có thẩm quyền lý với danh nghĩa cá nhân.

Bên cạnh đó, việc sử dụng con dấu trong các văn bản gần như đã trở thành văn hóa ăn sâu bấy lâu nay. Nếu bỏ ngay có thể gây ra các xáo trộn hoạt động kinh doanh của DN, đặc biệt là trong mối quan hệ giữa DN với NH, cơ quan thuế, đối tác… Không chừng, các đối tác sẽ phải phải làm phức tạp hơn các thủ tục với DN đó để đảm bảo các văn bản mà DN gửi đến họ (không có dấu) là những giao dịch thực sự của DN thật chứ không phải do cá nhân lợi dụng DN.

Bớt giả, bớt phiền hà, bớt luôn chi phí

Chính tình trạng quá “sùng bái” con dấu dù nó không phải có tính pháp lý thực sự đã khiến tình trạng làm giả con dấu ngày càng tăng. Vụ Huyền Như thuê khắc giả 8 con dấu làm công cụ thực hiện hàng loạt vụ phạm pháp, chiếm đoạt số tiền gần 4.000 tỷ đồng là một điển hình.

“Con dấu rất dễ bị làm giả và xét về tính xác thực thì lại là loại kém nhất nếu so với chữ ký, vân tay, con ngươi, AND. Do vậy, việc sửa đổi quy định về con dấu là cần thiết. Theo đó, không bắt buộc DN phải có con dấu mà nên quy định DN có thể có con dấu hoặc không. Nếu DN nào muốn có con dấu thì có thể tự quy định đặc điểm con dấu của mình và đăng ký bảo vệ con dấu với cơ quan nhà nước có thẩm quyền như thông lệ các nước trên thế giới” – Luật gia Cao Bá Quát, Công ty Tư vấn luật K và Cộng sự đề xuất.

Việc pháp luật quy định chi tiết việc khắc dấu, quản lý con dấu cũng khiến cho sự phiền hà và chi phí tăng lên không cần thiết cho DN. LS Tiền dẫn chứng: “Đã có ý kiến làm một phép tính đơn giản tại địa bàn TP. Hồ Chí Minh, mỗi năm DN, đơn vị trực thuộc DN được thành lập mới phải bỏ ra 6,4 – 8,4 tỷ đồng và 40 ngàn ngày chi phí cho việc làm con dấu”.

Bên cạnh đó, quy định phải có con dấu cũng dẫn đến phát sinh nhiều thủ tục và kéo dài thời gian khởi sự DN. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hiện nay khởi sự kinh doanh ở Việt Nam gồm 10 bước thủ tục với 34 ngày. Trong đó, riêng bước khắc con dấu và đăng ký mẫu dấu với cơ quan công an đã mất 7 ngày.

Theo LS. Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, việc bỏ được con dấu pháp lý bắt buộc là cởi bớt một “xiềng xích” đối với DN. “Luật quốc gia và luật thị trường chấp nhận việc sử dụng chữ ký điện tử thay cho chữ ký tươi (ướt) và cũng đồng thời “phế truất” luôn con dấu pháp lý. Đã công nhận chữ ký điện tử thay cho chữ ký tay trực tiếp thì cũng không có lý do gì mà không công nhận con dấu điện tử” – LS. Đức nói.

Tại Thông báo số 370/TB-VPCP, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã yêu cầu cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực thành lập, tổ chức lại, giải thể DN theo hướng “cho phép DN chủ động tự khắc dấu, thông báo sử dụng con dấu, tiến tới thay con dấu bằng chữ ký, chữ ký điện tử”. Dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) đã bổ sung quy định hình thức và nội dung con dấu do DN tự quyết định và đăng ký với cơ quan đăng ký kinh doanh; xác định trách nhiệm “quản lý việc sử dụng và lưu giữ con dấu” thuộc về người đại diện theo pháp luật.

Việc từng bước bỏ thủ tục bắt buộc đối với con dấu của DN không những phù hợp với xu thế hội nhập toàn cầu về kinh tế, đảm bảo thuận lợi và cải thiện được môi trường kinh doanh (Việt Nam là 1 trong 7 nước còn dùng con dấu trên thế giới so với 171 quốc gia khác không sử dụng) mà còn giúp các DN tiết kiệm hàng chục tỷ đồng mỗi năm; đồng thời góp phần giảm thiểu các loại tội phạm liên quan đến việc sử dụng con dấu, làm giả con dấu.

Đó cũng là xu hướng được các chuyên gia ủng hộ tại Hội thảo: “Con dấu DN và những thay đổi cần thiết” do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) phối hợp cùng Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) thuộc nhóm Ngân hàng Thế giới (WBG) tổ chức ngày 9/10.

Đỗ Lê

————————————

Thời báo Ngân hàng (Doanh nghiệp – Doanh nhân) 09-10-2014:

http://thoibaonganhang.vn/tin-tuc/5-con-dau-dn-vi-sao-khong-nen-la-thu-tuc-bat-buoc-25893.html

(94/1.531)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

433. Bình luận về Chủ sở hữu hưởng lợi của...

Bình luận về Chủ sở hữu hưởng lợi của doanh nghiệp Tham luận Hội...

Phỏng vấn 

4.391. Bẫy nạn nhân với 'miếng mồi' lãi suất cao.

Bẫy nạn nhân với 'miếng mồi' lãi suất cao.(TT) - Vụ GFDI ở Đà Nẵng...

Trích dẫn 

3.908. Ngăn chặn những "văn phòng bất động sản...

Ngăn chặn những "văn phòng bất động sản di động" đẩy giá đất. (VTV.vn)...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 231,805