592. Lỗ hổng M&A

(TBNH) – Bản án 14 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” đã được HĐXX sơ thẩm TAND TP. Hải Phòng tuyên đối với Lê Long Cổn hồi đầu tháng 8 vừa qua có lẽ cũng là hồi chuông cảnh báo cho các hoạt động mua bán sáp nhập (M&A) đang ở vào giai đoạn sôi động này.

Biết rõ khu vực khai thác đất đá thải Eo Bùa, xã Hiền Hào, huyện Cát Hải (Hải Phòng) đã bị chính quyền địa phương ra quyết định tạm dừng khai thác, tạm dừng tận thu, Cổn vẫn đem dự án đi chào mời để rồi nhượng quyền khai thác cho 2 DN là CTCP T.G và Công ty TNHH Chí Linh với trị giá hơn 1,8 tỷ đồng.


Hoạt động M&A ở Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn do thiếu cơ sở pháp lý

Trên thực tế, hoạt động M&A ở Việt Nam diễn ra sôi động trong thời gian gần đây, năm 2012 đánh dấu mốc kỷ lục với tổng giá trị toàn thị trường lên đến 5 tỷ USD. Theo các chuyên gia, trong bối cảnh DN trong nước còn chưa hết khó khăn, triển vọng kinh doanh lại đang sáng dần, thị trường M&A trong tương lai chắc chắn sẽ tiếp tục sôi động, bởi nó đáp ứng nhu cầu bán của nhiều DN, đồng thời tạo lợi thế lớn cho phía mua.

Tuy nhiên, theo Luật sư Trương Anh Tú (Đoàn Luật sư Hà Nội), nhìn chung hoạt động M&A ở Việt Nam vẫn đang gặp nhiều khó khăn do thiếu cơ sở pháp luật và hạn chế về kinh nghiệm trong hoạt động M&A.

Luật sư Trương Thanh Đức phân tích, hoạt động M&A theo quy định của pháp luật hiện bao gồm 2 nhóm: Thứ nhất là việc mua bán, sáp nhập DN theo đúng nghĩa là chuyển giao chủ sở hữu, thay đổi cơ bản DN, có sự cải tổ rất lớn; hay việc mua bán số cổ phần, cổ phiếu, phần vốn góp đến mức có thể chi phối được hoạt động của DN. Thứ hai là việc chỉ mua bán một số cổ phần, cổ phiếu không đến mức chi phối, thường là dưới 30% vốn điều lệ.

Tuy nhiên, theo ông Đức, khung pháp lý trong M&A hiện nay chưa thật cụ thể, rõ ràng, mà được quy định tản mạn, chung chung trong nhiều văn bản quy phạm pháp luật. Các đạo luật này có nhiều quy định về việc sáp nhập, hợp nhất DN và mua bán cổ phần, cổ phiếu, tài sản của DN. Nhưng việc mua bán DN thì lại không có quy định hoặc chỉ được nhắc đến một cách rất sơ sài.

Bộ luật Dân sự và Luật Chứng khoán không có quy định về việc mua lại DN hay pháp nhân; Luật Cạnh tranh thì có đề cập đến việc “mua lại DN”; Luật Đầu tư thì có nhắc đến việc cho phép nhà đầu tư “mua lại công ty, chi nhánh”. Luật DN thì chỉ cho phép việc mua bán duy nhất một loại hình “DN tư nhân”; và Luật Các tổ chức tín dụng thì chỉ cho phép “mua lại công ty con”…

Một khó khăn khác trong hoạt động M&A là xác định giá trị tài sản. Theo Luật sư Trương Anh Tú, tài sản trong giao dịch M&A bao gồm tài sản hữu hình và tài sản vô hình. Bản chất của tài sản vô hình là không sờ mó hay cân đo đong đếm một cách chính xác được, nhưng lại mang đến lợi ích lâu dài cho DN. “Đây là một loại tài sản vô cùng trừu tượng, việc xác định rõ các yếu tố cấu thành trong đó là một việc làm rất quan trọng nếu không nhà đầu tư sẽ mua phải… vịt giời”, ông Tú lưu ý.

Đồng tình quan điểm trên, Luật sư Trương Thanh Đức cũng cho rằng, loại hình tài sản trong giao dịch M&A là dạng rất khó xác định giá trị, khi xem xét cần phân tích mọi yếu tố liên quan như tình hình tài chính, thương hiệu, thị phần, thị trường, việc quản lý, điều hành…

Tuy nhiên, các luật sư cũng thừa nhận, để trả lời các vấn đề này là rất khó. Bởi, trên thực tế cho thấy việc xác định giá trị thực của DN chỉ mang tính chất tương đối và việc định giá còn phụ thuộc vào bối cảnh, đặc biệt đối với giá trị tài sản vô hình mà không thể được đo lường hay tính toán nếu chỉ dựa trên các lý thuyết phổ thông về tài chính kế toán hay các quy định mang tính chất chung chung.

“Theo tôi, điều kiện cần và đủ để giao dịch M&A thành công là nắm chính xác thông tin của DN, đánh giá tiềm năng của DN (giá trị DN), dự báo các rủi ro, nắm vững quy định của hệ thống pháp luật và biết cách phối hợp với các đơn vị chức năng chuyên môn như CTCK, tư vấn tài chính, kiểm toán… trong quá trình thực hiện M&A”, Luật sư Trương Anh Tú nói.

Biển Đông

——————

Thời báo Ngân hàng (Doanh nghiệp – Doanh nhân) 31-10-2014

https://thoibaonganhang.vn/lo-hong-mampa-12025.html

(319/893)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

433. Bình luận về Chủ sở hữu hưởng lợi của...

Bình luận về Chủ sở hữu hưởng lợi của doanh nghiệp Tham luận Hội...

Phỏng vấn 

4.390. Cải cách thể chế bắt đầu từ con người.

Cải cách thể chế bắt đầu từ con người. (VNN) - Thể chế sai không thể...

Trích dẫn 

3.908. Ngăn chặn những "văn phòng bất động sản...

Ngăn chặn những "văn phòng bất động sản di động" đẩy giá đất. (VTV.vn)...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 231,763