594. LS Trương Thanh Đức: Nên bổ sung quy định về đặt tên trong Luật Dân sự

(IFN) – “Hoàn toàn không cần thiết phải ban hành riêng Luật đặt tên, chỉ cần quy định thêm một vài điều trong các luật liên quan. Nếu là quyền đặt tên thì hợp lý nhất là quy định trong Bộ luật Dân sự…’.

Luật sư Trương Thanh Đức – Trọng tài viên VIAC – Giám đốc Công ty Luật ANVI: Nên bổ sung quy định về đặt tên trong Bộ luật Dân sự.

Xung quanh ý kiến đề nghị luật quy định nguyên tắc đặt tên và xác định họ dân tộc cho con. Báo điện tử Infonet có cuộc trao đổi với Luật sư Trương Thanh Đức – Trọng tài viên VIAC – Giám đốc Công ty Luật ANVI về vấn đề này.

Trong phiên thảo luận sáng 28/10, Đại biểu Nguyễn Thị Nhung đề nghị luật quy định nguyên tắc đặt tên và xác định họ dân tộc cho con phù hợp với văn hoá truyền thống, phong tục tập quán, tránh tình trạng vì mong muốn của bố mẹ mà họ và dân tộc của con không phù hợp phong tục, tập quán. Ông đánh giá như thế nào về ý kiến này?

Việc đặt tên cho con cái là quyền của cha mẹ và chỉ có ngoại lệ trong một số rất ít trường hợp. Dù pháp luật không có quy định về quyền tự do đặt tên khi khai sinh cho con cái, nhưng trên thực tế thì quyền này gần như là hoàn toàn tự do và đang được bỏ ngỏ.

Thông thường, các bậc cha mẹ tuân theo phong tục tập quán, chẳng hạn như con mang họ của cha và ai cũng tìm những cái tên đẹp, có ý nghĩa đặt cho con cháu mình. Bên cạnh đó, vẫn còn một số địa phương và cá nhân đi ngược lại nguyên tắc chung và cá biệt cũng có nhiều người bị khai sinh với những cái tên “xấu”, phản cảm, buồn cười, ngô nghê, thậm chí là tục tĩu mà báo chí đã nêu lên như “Mai Phạt Sáu Ngàn Rưởi” hay “Lường Thị Bướm”.

“Việc đặt tên không thể có chuyện xin phép, vì đó là việc được diễn ra hằng ngày cùng với việc khai sinh ở các xã, phường, thị trấn… mỗi năm có hàng triệu trường hợp thì không thể chờ đợi xin phép, thẩm định như việc đặt tên doanh nghiệp.”

Luật sư Trương Thanh Đức

Điều 27 về “Quyền thay đổi họ, tên”, Bộ luật Dân sự năm 2005 cũng đã quy định cho phép việc thay đổi họ tên, tuy nhiên việc này không dễ dàng. Chẳng hạn, nếu bản thân người mang tên muốn thay đổi tên xấu thì phải đủ 18 tuổi và chỉ trong trường hợp thuyết phục được rằng tên đó “gây nhầm lẫn, ảnh hưởng đến tình cảm gia đình, đến danh dự, quyền, lợi ích hợp pháp” của họ.

Vì vậy, cũng cần có những nguyên tắc nhất định để bảo đảm trật tự hợp lý cũng như lợi ích của đứa trẻ, nhất là những trường hợp người đặt họ và tên khai sinh cho trẻ sơ sinh không phải là cha mẹ.

Đề nghị này theo ông có vi phạm quyền của con người không?

Quyền đối với họ tên là một trong những quyền nhân thân của con người. Quyền đặt tên và thay đổi họ tên cũng ít nhiều là quyền hoặc liên quan đến quyền của con người. Cho nên, chỉ có Luật mới được phép hạn chế theo đúng quy định của Hiến pháp.

Tuy nhiên, trong trường hợp đặt tên thì hầu như không phải là quyền con người đặt tên cho chính bản thân họ, mà là đặt tên vì lợi ích của con trẻ, đồng thời ít nhiều cũng ảnh hưởng đến công tác quản lý, giao dịch chung.

Chẳng hạn, cái tên quá dài với 8 chữ là “Lê Hoàng Hiếu Nghĩa Đệ Nhất Tâm Nhân” thì quá khó khăn, gần như không thể ghi vào chứng minh nhân dân hay nhiều loại giấy tờ khác. Nếu như quyền thay đổi họ tên của người khác hay của chính mình lâu nay vẫn được pháp luật quy định một cách rất chặt chẽ, thì quyền đặt tên đầu tiên cũng cần hạn chế một phần tự do vì trật tự và vì lợi ích chung.

Nếu Luật Đặt tên có hiệu lực thì những cái tên đã được đặt trước đây sẽ phải làm như thế nào thưa ông?

“Quyền đối với họ tên là một trong những quyền nhân thân của con người. Quyền đặt tên và thay đổi họ tên cũng ít nhiều là quyền hoặc liên quan đến quyền của con người, cho nên chỉ có Luật mới được phép hạn chế theo đúng quy định của Hiến pháp”.

Luật sư Trương Thanh Đức

Pháp luật không có hiệu lực điều chỉnh ngược lại những vấn đề đã phát sinh không trái luật trước đây. Thậm chí, nếu bản án viết sai chính tả thì có quy định về việc đính chính, còn giấy khai sinh rõ ràng viết sai chính tả thì cũng không có cơ chế chỉnh sửa, vì pháp luật đang mặc định rằng đó là điều mà người có khai sinh lựa chọn.Nếu muốn thay đổi họ tên của ai đó, thì vẫn phải tuân theo quy định tại Điều 27 về “Quyền thay đổi họ, tên”, Bộ luật Dân sự năm 2005. Tất nhiên, nếu thấy cần thiết phải thay đổi hay quy định cụ thể hơn thì Luật Hộ tịch lần này cũng như Bộ luật Dân sự mới dự kiến sẽ được thông qua vào năm 2015 cũng có thể thay đổi về việc này.

Vậy trước khi đặt tên cho con, bố mẹ có phải xin phép và đem cái tên đi thẩm định không?

Việc đặt tên cho con không thể có chuyện xin phép, vì đó là việc được diễn ra hằng ngày, cùng với việc khai sinh ở các xã, phường, thị trấn… mỗi năm có hàng triệu trường hợp, thì không thể chờ đợi xin phép, thẩm định như việc đặt tên doanh nghiệp. Nhất là tên con người thì lại không bị cấm cản trong trường hợp gây nhầm lẫn, trùng lặp tên người khác, trùng với tên danh nhân, với tên kẻ phản động,…

Trong mọi trường hợp, quy định cũng chỉ để hạn chế bớt tình trạng tự do vô nguyên tắc, vô trật tự và gây ra những điều quá tệ cho cái tên. Do đó, một trong những phương án hợp lý là giao cho cán bộ hộ tịch quyền từ chối đăng ký khai sinh trước những cái tên quá kỳ quặc, lắt léo. Và tất nhiên, nếu người dân không đồng ý, thì có quyền khiếu nại lên cấp trên.

Theo luật sư, để giải quyết tình trạng đặt tên con quá dài hoặc phản cảm, ngô nghê gây khó khăn cho công tác quản lý sau này thay vì ra luật ta nên làm gì?

Nếu họ tên cứ được kéo dài một cách vô tội vạ thì tôi nghĩ phần mềm máy tính có lẽ cũng “bó tay” vì không biết phải thiết kế bao nhiêu ký tự trống mới đủ cho phần ghi họ tên.

Nhưng để giải quyết tình trạng này hoàn toàn không cần thiết phải ban hành riêng luật đặt tên, chỉ cần quy định thêm một vài điều trong các luật liên quan. Nếu là quyền đặt tên thì hợp lý nhất là quy định trong Bộ luật Dân sự. Cụ thể, có thể quy định thêm một điều về quyền đặt tên, trong Mục “Quyền nhân thân”, trước Điều 26 hiện hành về “Quyền đối với họ, tên” và Điều 27 hiện hành về “Quyền thay đổi họ, tên”. Còn quyền của cán bộ hộ tịch và cơ quan nhà nước can thiệp vào việc đặt tên và đổi tên thì nên quy định trong Luật Hộ tịch.

Bộ luật Dân sự năm 2005

“Điều 26. Quyền đối với họ, tên

1. Cá nhân có quyền có họ, tên. Họ, tên của một người được xác định theo họ, tên khai sinh của người đó.

2. Cá nhân xác lập, thực hiện quyền, nghĩa vụ dân sự theo họ, tên của mình đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận.

3. Việc sử dụng bí danh, bút danh không được gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác.

Điều 27. Quyền thay đổi họ, tên

1. Cá nhân có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận việc thay đổi họ, tên trong các trường hợp sau đây:

a) Theo yêu cầu của người có họ, tên mà việc sử dụng họ, tên đó gây nhầm lẫn, ảnh hưởng đến tình cảm gia đình, đến danh dự, quyền, lợi ích hợp pháp của người đó;

b) Theo yêu cầu của cha nuôi, mẹ nuôi về việc thay đổi họ, tên cho con nuôi hoặc khi người con nuôi thôi không làm con nuôi và người này hoặc cha đẻ, mẹ đẻ yêu cầu lấy lại họ, tên mà cha đẻ, mẹ đẻ đã đặt;

c) Theo yêu cầu của cha đẻ, mẹ đẻ hoặc người con khi xác định cha, mẹ cho con;

d) Thay đổi họ cho con từ họ của cha sang họ của mẹ hoặc ngược lại;

đ) Thay đổi họ, tên của người bị lưu lạc đã tìm ra nguồn gốc huyết thống của mình;

e) Thay đổi họ, tên của người được xác định lại giới tính;

g) Các trường hợp khác do pháp luật về hộ tịch quy định.

2. Việc thay đổi họ, tên cho người từ đủ chín tuổi trở lên phải có sự đồng ý của người đó.

3. Việc thay đổi họ, tên của cá nhân không làm thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự được xác lập theo họ, tên cũ”

Lại Hà

——————

Infonet (Truyền thông) 01-11-2014:

http://infonet.vn/lstruong-thanh-duc-nen-bo-sung-quy-dinh-ve-dat-ten-trong-luat-dan-su-post148324.info

(1.697/1.697)

Bài viết 

308. Mất tiền từ séc giả, trách nhiệm thuộc...

(VNB) - Khi sự việc xảy ra, cần xác định ai là người có lỗi, lý do, nguyên...

Bình luận 

427. Bình luận về Luật siêu dễ: Hồi hộp đến...

(VTV3) Bình luận về Luật siêu dễ: Hồi hộp đến phút cuối với chủ đề...

Phỏng vấn 

4.363. Chuyện gì đang xảy ra trên thị trường...

Chuyện gì đang xảy ra trên thị trường xăng dầu? (NLĐ) - Đề xuất...

Trích dẫn 

3.862. Loại hình nào đang là 'thỏi nam châm' sẽ...

Loại hình nào đang là 'thỏi nam châm' sẽ 'hút cạn' dòng tiền của nhà...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 224,650