598. Phức tạp chuyện con dấu

(TBKD) – Sự tôn sùng, khoác cho con dấu một sức mạnh siêu quyền lực đã khiến nhiều DN lao đao do tranh chấp trong nội bộ hay các phi vụ lừa đảo “khủng”. Tuy nhiên, bỏ con dấu là không hề dễ dàng, vì sử dụng con dấu đã trở thành tập quán. 

Luật Doanh nghiệp năm 2005 quy định DN phải có con dấu riêng. Con dấu là tài sản DN và phải được lưu giữ và bảo quản tại trụ sở chính của DN. Ngoài ra, Chính phủ cũng quy định chi tiết về hình thức và nội dung của con dấu, điều kiện làm con dấu, chế độ sử dụng con dấu.

 

“Siêu quyền lực”

Các chuyên gia cho rằng, việc thừa nhận tính pháp lý đặc biệt cao của con dấu đã vô hình trung biến con dấu có một sức mạnh siêu quyền lực, thành “linh hồn” trong DN. Tuy nhiên, trên thực tế, điều này đã trở thành nguyên nhân dẫn đến các tranh chấp về con dấu, hành vi lợi dụng chiếm đoạt con dấu…
Luật sư Nguyễn Hưng Quang, Văn phòng Luật sư Quang & Cộng sự, dẫn ví dụ: “Một DN có trụ sở đặt tại nội thành Hà Nội, nhưng cơ sở sản xuất ở khu công nghiệp Bắc Thăng Long. Do thế ngày nào con dấu của DN cũng phải di chuyển từ khu công nghiệp Bắc Thăng Long (đóng dấu vào các chứng từ) đến trụ sở chính và ngược lại. DN này đã kiến nghị xin cấp con dấu thứ 2 nhưng không được. Hiện nay họ vẫn phải di chuyển con dấu bằng ô tô mỗi ngày, vừa mất thời gian lại tốn kém.”
Còn Luật sư Cao Bá Khoát, Chủ tịch công ty tư vấn luật K&Cộng sự, thì chia sẻ: “Một DN ở tỉnh Hà Tây (Hà Nội) đã mất rất nhiều chi phí và công sức sang Nhật Bản khảo sát quy trình công nghệ mạ thép. Đến khi DN Nhật Bản đồng ý liên doanh với DN này thì lại bị ách ở khâu thủ tục giấy tờ do con dấu không hợp lệ. Cơ quan quản lý đồng thời yêu cầu DN Nhật phải quay trở lại xin xác nhận chứng minh từ cơ quan quản lý của Nhật Bản. Sau một thời gian, DN Nhật cảm thấy quá phiền phức nên họ đã hủy hợp đồng, không liên kết với công ty Việt Nam”.
Hai câu chuyện trên cho thấy quy định quản lý con dấu của DN hiện áp đặt như quản lý con dấu của cơ quan Nhà nước. Nghịch lí là ở chỗ, con dấu là tài sản DN nhưng DN lại không có quyền quyết định nó. Chẳng hạn, DN chuyển trụ sở cũng phải thay đổi con dấu, gây tốn kém rất lớn cho cả DN và công tác quản lí nhà nước. Vô lý hơn nữa khi DN bị mất con dấu – tức là mất tài sản của mình – thì lại bị phạt vi phạm hành chính rất nặng.

Luật gia Vũ Xuân Tiền, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty tư vấn VFAM Việt Nam đưa ví dụ một biên bản họp Hội đồng thành viên của công ty TNHH. Theo đó, dù có đủ chữ kí của tất các thành viên góp vốn là có giá trị pháp lí, kể cả khi biên bản đó không có dấu của công ty. Nhưng với quy định hiện nay, biên bản đó phải có dấu của công ty thì mới có giá trị pháp lý.
“Như vậy, quy định trên đã tạo ra cho con dấu một dạng “siêu quyền lực” trong DN, dù con dấu cũng chỉ là tài sản như những tài sản khác. Đây là kiểu nhầm lẫn giữa “vì trời sáng mà gà gáy” với “vì gà gáy mà trời sáng” vậy – ông Tiền bình luận.

 

Trị bệnh sùng bái con dấu

Do con dấu có giá trị pháp lý quá quan trọng, nên tình hình làm giả con dấu để lừa đảo ngày càng gia tăng với thủ đoạn cực kì tinh vi, khó có thể phân biệt được con dấu thật hay con dấu giả. Chẳng hạn như vụ Huỳnh Thị Huyền Như khắc 8 con dấu giả để lừa đảo hàng loạt ngân hàng, cá nhân, chiếm đoạt số tiền lên đến gần 4.000 tỷ đồng. Trên thực tế, hàng loạt hoạt động DN bị bế tắc hoạt động vì tranh nội bộ mâu thuẫn, tranh giành, chiếm giữ con dấu, như ở công ty CP Hữu Nghị Hà Nội, Công ty CP xây dựng giao thông 1… Thậm chí, Phó chủ tịch một Hiệp hội DN của Hà Nội còn “ôm” con dấu của Hiệp hội về nhà cất giữ.
Theo luật gia Vũ Xuân Tiền, hiện pháp luật chưa có quy định thu hồi con dấu khi DN ngừng hoạt động mà không làm thủ tục giải thể. Thế nên, không ít giám đốc được xếp vào danh sách bỏ trốn, mất tích vẫn giữ con dấu làm “kỷ niệm”, và tất nhiên khi cần, họ có thể đóng vào văn bản nhân danh công ty.
Tại Tp.HCM, mỗi năm DN, đơn vị trực thuộc DN được thành lập mới phải bỏ ra từ 6,4-8,4 tỷ đồng và 40.000 ngày chi phí cho việc làm con dấu. Đồng thời ước tính DN, các đơn vị trực thuộc DN trên cả nước phải bỏ ra 12,8 -16,8 tỷ đồng và 80.000 – 12.000 ngày cho việc xin cấp và khắc dấu. Hoạt động khởi sự kinh doanh ở Việt Nam gồm 10 bước thủ tục với 34 ngày, trong đó riêng bước khắc dấu mất 6 ngày.
Ông Jean Michel Lobet, thành viên đại diện Nhóm Ngân hàng Thế giới cho biết, Việt Nam là 1 trong số 7 quốc gia còn lại trên thế giới có quy định bắt buộc về việc sử dụng con dấu của tổ chức, DN. Việc yêu cầu khắc dấu, quản lí con dấu phát sinh nhiều chi phí không cần thiết đối với mỗi DN. Vì vậy, nếu bây giờ các DN không nhân thời cơ để thay đổi điều này thì 15 – 20 năm sau, DN khó thực hiện được điều này.
Hiện đang có hai ý kiến trái chiều, một là đề nghị bỏ con dấu của DN, hai là trong điều kiện hiện nay, nước ta chưa thể bỏ con dấu của DN. Nếu không có con dấu sẽ khó xác định được văn bản nào là của công ty do người có thẩm quyền ký và ngược lại. Vì vậy, nếu bỏ ngay con dấu sẽ gây xáo trộn đối với những hoạt động kinh doanh và quản lí DN. Mặt khác, khi bỏ con dấu, các giao dịch giữa DN với ngân hàng, cơ quan thuế, nhà cung cấp, DN phải gửi theo chữ ký mẫu có chứng thực của cơ quan nhà nước, hoặc phải đồng thời có chữ kí của hai chức danh khác nhau…
“Khi đó, thủ tục sẽ rườm rà hơn nhiều lần, trong khi các điều kiện về công nghệ thông tin, tính minh bạch trong quan hệ tài chính chưa chín muồi. Tất nhiên, đồng ý với việc chưa thể bỏ con dấu không có nghĩa là giữ nguyên việc quản lí con dấu của DN như hiện nay”, Luật sư Tiền bình luận.

——————————————-

 

Ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lí kinh tế Trung ương

Để phù hợp với thông lệ quốc tế và tập quán kinh doanh của các nước phát triển trên thế giới, việc thay đổi tư duy về con dấu là điều cần thiết. Hãy xem con dấu của DN đơn thuần chỉ là logo để phân biệt sự khác nhau giữa DN này với DN khác mà không phải là tài sản quốc gia. Đồng thời, cơ quan quản lí nhà nước cũng không cần phải soi DN về con dấu có nhòe, hình dạng và kích thước có đúng.

 

Luật sư Cao Bá Khoát, Chủ tịch Công ty tư vấn luật K & Cộng sự

Chúng ta hãy mạnh dạn thay đổi tư duy bắt buộc tất cả các cơ quan quản lí, tổ chức và DN phải có con dấu bằng tư duy chữ ký số của người có thẩm quyền, mỗi người được đăng kí bởi một chữ ký, chữ ký điện tử. Trên thực tế, con dấu mới chính là cái dễ bị làm giả nhất và xét về tính xác thực thì nó là loại kém xác thực nhất nếu so với chữ ký, vân tay, con ngươi, ADN.

 

Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc công ty Luật ANVI

Một nhà không có hai chủ, một nước không có hai vua, một văn bản của DN không thể quyết định bởi hai yếu tố pháp lý ngang nhau là chữ kí và con dấu. Văn bản có chữ kí thật mà đóng dấu giả thì giá trị đến đâu và ngược lại, đóng dấu thật mà chữ ký giả thì giá trị ra sao? Đáp án nào cũng không thỏa đáng. Vậy thì chỉ có cải cách duy nhất là một mất một còn, hoặc chữ kí, hoặc con dấu.

Lê Thúy

————————————

Thời báo Kinh doanh (Diễn đàn) 10-10-2014

http://thoibaokinhdoanh.vn/phuc-tap-chuyen-con-dau.html

(102/1.581)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

437. Cải cách thể chế và tôn trọng thị trường...

Chùm 3 bài Việt Nam - Khát vọng hùng cường: Cải cách thể chế và tôn...

Phỏng vấn 

4.424. Hỗ trợ kê khai nộp thuế điện tử.

Hỗ trợ kê khai nộp thuế điện tử. (VTV1) - Chương trình có sự tham gia...

Trích dẫn 

3.975. “Nóng” giá vàng trong năm 2025, có nên...

“Nóng” giá vàng trong năm 2025, có nên đầu tư? (NĐT) - Được hỗ...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 237,265