599. Đột phá chưa trúng mục tiêu

(TBNH) – Những tiếng vọng từ thực tế cũng cho thấy, sự cải cách trong Luật hiện nay vẫn chưa đáp ứng được mong mỏi của cộng đồng DN vốn đang rất mòn mỏi trông chờ những đột phá thực sự trong quy trình thủ tục đầu tư.

Bước nhảy không đồng điệu

Rất trùng hợp, quy định về con dấu đã được nhiều đại diện DN và công ty luật xới xáo lên tại cuộc hội thảo lấy ý kiến hoàn thiện dự thảo Luật DN (sửa đổi) và dự thảo Luật Đầu tư (sửa đổi) do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức mới đây. Nếu xét theo thông lệ quốc tế, có thể thấy mong muốn tạo đột phá của Ban soạn thảo luật khi đề cao vai trò của chữ ký thay vì con dấu như hiện nay.


DN cho rằng, cách thức quản lý con dấu hiện nay là phức tạp, gây ức chế, song quy định mới lại cải cách quá mạnh

Điều này cũng nhằm cải cách thủ tục hành chính, đưa về tiệm cận với thế giới để tăng cường sự liên thông và minh bạch của môi trường đầu tư trong nước. Tuy nhiên, phản hồi từ thực tế có lẽ đã nằm ngoài dự tính của Ban soạn thảo luật.

Đại diện của Tổng công ty Lương thực miền Bắc chia sẻ, cách thức quản lý con dấu hiện nay đúng là phức tạp, gây ức chế, song quy định mới lại cải cách quá mạnh, đến nỗi chính DN cũng không mong đợi. Vị này cho rằng, với thói quen, tập quán và đặc biệt là điều kiện hạ tầng kỹ thuật trong nước hiện còn kém phát triển thì quy định về vai trò của con dấu cần được nới lỏng dần.

Trong khi đó, nhiều DN, luật sư và chuyên gia cho rằng, các quy định pháp lý kiến tạo môi trường đầu tư đang có sự “cải lùi” trong các quy định của 2 luật. Và nếu xét trên kỳ vọng của DN thì mong muốn của Ban soạn thảo là làm cho đầu tư vào sản xuất kinh doanh trở thành một công cụ an toàn và hiệu quả dường như cũng chưa thực hiện được.

Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI bày tỏ lo ngại luật DN bị “gặm nhấm”, bởi các quy định pháp lý xung quanh luật này hiện vẫn bị “xé nhỏ” và liên quan tới các luật cũng như văn bản dưới luật khác. Đơn cử như danh mục ngành, nghề cấm kinh doanh và kinh doanh có điều kiện, theo ông Tuấn, dù cộng đồng DN mong mỏi sẽ được quy định chung tại Luật DN, song tới nay vẫn chưa thực hiện được.

Chưa kể có quá nhiều điều kiện kinh doanh không cần thiết trong nhiều lĩnh vực. Nhiều ngành, lĩnh vực ban hành ra điều kiện kinh doanh chưa hợp lý, gây cản trở DN gia nhập thị trường và tạo cơ hội cho các hành vi độc quyền, cạnh tranh không lành mạnh. “Rất khó để phân biệt điều kiện kinh doanh nào là hợp lý, điều kiện nào là bất hợp lý”, ông Tuấn nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI cho rằng, các ngành nghề cấm kinh doanh được quy định tại dự thảo Luật còn mập mờ hơn cả Luật hiện hành. Bởi Luật chỉ quy định chung là giao cho Chính phủ quy định cụ thể danh mục ngành nghề kinh doanh bị cấm và cũng không nói rõ lý do bị cấm…

Đến những đề xuất bị bỏ ngỏ

Cũng bởi sự dàn trải trong quy định của hai bộ luật, nên đã có không ít ý kiến băn khoăn về vai trò của Luật Đầu tư, xét trên mối quan hệ với nội dung của Luật DN. Luật sư Vũ Xuân Tiền, Trưởng ban Tư vấn và Phản biện chính sách, Hội Các nhà quản trị DN Việt Nam thậm chí còn cho rằng, sự tồn tại của Luật Đầu tư là thừa thãi bởi các quy định của luật này có thể chia ra và gộp vào các luật khác.

Ông Ngô Việt Hoà, Công ty Luật Russin & Vecchi cũng nêu ý kiến, việc tồn tại song song hai luật này sẽ duy trì chế độ cấp phép khác nhau, áp dụng riêng rẽ cho DN trong nước và DN FDI. Theo ông Hòa, cơ chế cấp phép đáng lẽ chỉ cần quy định một loại giấy tờ là giấy chứng nhận đăng ký DN, không cần thêm giấy chứng nhận đầu tư. Với cơ chế không thay đổi nhiều so với hiện hành, ông Hòa cho rằng chỉ làm phức tạp hóa hệ thống cấp phép, kéo theo việc tăng thời gian, chi phí mà các NĐT phải gánh chịu và gây lúng túng cho cả cơ quan thực thi pháp luật.

Không phủ nhận sự cần thiết của Luật Đầu tư, song ông Hòa kiến nghị mục tiêu lớn nhất của Luật chỉ nên tập trung vào việc kiểm soát các dự án đầu tư lớn, các dự án đầu tư trong các lĩnh vực nhạy cảm, ảnh hưởng đến lợi ích công. Do đó, Luật không nên được xây dựng để áp một chế độ, quy trình cấp phép áp dụng cho tất cả các dự án.

“Hãy để việc quy định cấp phép, đăng ký DN cho Luật DN và các văn bản hướng dẫn thi hành luật này nhằm đảm bảo một hệ thống cấp phép thống nhất, đơn giản và dễ thực thi”, ông Hòa đề xuất.

Những tiếng vọng từ thực tế cũng cho thấy, sự cải cách trong Luật hiện nay vẫn chưa đáp ứng được mong mỏi của cộng đồng DN vốn đang rất mòn mỏi trông chờ những đột phá thực sự trong quy trình thủ tục đầu tư. Ông Ngô Việt Hòa kiến nghị, cần có những quy định về nguyên tắc đặc biệt để tạo ra bước đột phá lớn về cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực đầu tư. Đơn cử như xây dựng cơ chế “im lặng là đồng ý”.

Vị này dẫn chứng, thực tế là với những lĩnh vực kinh doanh có điều kiện, thời gian cấp phép trong nhiều trường hợp dài hơn rất nhiều so với thời hạn luật định. Bởi để cấp giấy chứng nhận đầu tư thì cơ quan cấp phép phải xin ý kiến của cơ quan quản lý chuyên ngành, sau đó mới có thể cấp giấy chứng nhận đầu tư cho NĐT.

Tuy nhiên, không phải lúc nào các cơ quan được lấy ý kiến cũng phản hồi đúng hạn. Trong nhiều trường hợp, vì phải chờ đợi ý kiến của cơ quan quản lý chuyên ngành, thời gian giải quyết thủ tục hành chính bị kéo dài một cách đáng kể so với thời hạn do pháp luật quy định.

Để chấm dứt tình trạng này, theo ông Hòa cũng như nhiều đại diện DN, cần có quy định sau một thời hạn nhất định, nếu cơ quan được hỏi ý kiến không có hồi đáp thì được coi là đồng ý với yêu cầu của NĐT. Nguyên tắc “im lặng là đồng ý” này, nếu được chính thức ghi nhận và áp dụng, sẽ tăng trách nhiệm phản hồi và phối hợp giữa các cơ quan Nhà nước, từ đó đẩy nhanh một cách đáng kể quy trình cấp phép đầu tư.

Ông Trần Hữu Huỳnh, Chủ tịch Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam cũng thừa nhận, qua khảo sát năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) hàng năm, tỉnh thành nào thống nhất áp dụng quy tắc này đều có điểm số tăng lên đáng kể qua các năm.

Tuy nhiên, việc chưa thể luật hóa những quy tắc mang tính đột phá như vậy lại chưa đủ sức nặng để buộc các cơ quan quản lý tại nhiều địa phương thực hiện. Đòi hỏi xuất phát từ thực tế này của DN rõ ràng là chính đáng, song cũng đang bị bỏ ngỏ về tính khả thi.

Ngọc Khanh

————————————-

Thời báo Ngân hàng (Doanh nghiệp – Doanh nhân) 09-10-2014:

http://thoibaonganhang.vn/tin-tuc/5-dot-pha-chua-trung-muc-tieu-25924.html

(69/1.404)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

437. Cải cách thể chế và tôn trọng thị trường...

Chùm 3 bài Việt Nam - Khát vọng hùng cường: Cải cách thể chế và tôn...

Phỏng vấn 

4.424. Hỗ trợ kê khai nộp thuế điện tử.

Hỗ trợ kê khai nộp thuế điện tử. (VTV1) - Chương trình có sự tham gia...

Trích dẫn 

3.975. “Nóng” giá vàng trong năm 2025, có nên...

“Nóng” giá vàng trong năm 2025, có nên đầu tư? (NĐT) - Được hỗ...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 237,266