599. Gỡ khó về vốn cho DN trong bối cảnh gia nhập AEC

(VOV.VN) – Hiện nay, chỉ có 30% doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận được nguồn vốn từ ngân hàng, 70% còn lại vốn tự có…

Mới chỉ có khoảng 30% doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận được vốn vay ngân hàng, đây là một trong những trở ngại trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh của khối doanh nghiệp này. Đây là nhận định được đưa ra tại Hội thảo: “Nâng cao khả năng tiếp cận vốn của các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong bối cảnh Việt Nam hội nhập Cộng đồng Kinh tế ASEAN 2015”. Hội thảo do Viện Nhân lực Ngân hàng Tài chính BTCI và Trung tâm Pháp Việt đào tạo về quản lý CFVG tổ chức.

Mỗi năm, doanh nghiệp nhỏ và vừa tạo thêm nửa triệu lao động mới và đóng góp hơn 40% GDP… Tuy nhiên, đối với khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.

Đáng chú ý là mới chỉ có 30% doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận được nguồn vốn từ ngân hàng, 70% còn lại phải tiếp tục sử dụng nguồn vốn tự có hoặc vay từ nguồn vốn khác với chi phí rất cao.

Lý giải về vấn đề này, ông Trần Trung Kiên, Phó Giám đốc Khối Khách hàng doanh nghiệp phụ trách miền Bắc, Ngân hàng Techcombank, cho rằng, nguyên nhân là do tính minh bạch thông tin tài chính của doanh nghiệp chưa cao; tính rủi ro của các phương án vay vốn cao; dự án, phương án kinh doanh chưa khả thi; tài sản đảm đảm bảo chưa đáp ứng đủ điều kiện…

Còn theo Tiến sỹ Phạm Ngọc Long – Viện trưởng Viện Khoa học quản trị doanh nghiệp nhỏ và vừa, thời gian qua mặt bằng lãi suất chung có giảm nhưng vẫn còn cao so với khả năng sinh lời của doanh nghiệp. Tỷ lệ doanh nghiệp nhỏ và vừa được bảo lãnh vay vốn từ Ngân hàng phát triển Việt Nam (VDB) vẫn thấp cả về số lượng cũng như giá trị bảo lãnh. Phần lớn các doanh nghiệp nhỏ và vừa khó có tỷ suất lợi nhuận cao trên 10% để chịu nổi mặt bằng lãi suất hiện nay, trong bối cảnh tồn kho cao, tiêu thụ khó khăn, nhiều lĩnh vực, ngành hàng thua lỗ.

Hiện chỉ có khoảng 32% số doanh nghiệp có khả năng tiếp cận vốn (ảnh: KT)

Tiến sỹ Phạm Ngọc Long nói: “Theo khảo sát, chỉ có khoảng 32% số doanh nghiệp có khả năng tiếp cận vốn; hơn 35% phản ánh là khó tiếp cận; số còn lại cho biết không thể tiếp cận được vốn vay. Đối với các kênh huy động vốn khác trên thị trường như phát hành cổ phiếu, trái phiếu hoặc tự huy động, phần lớn các doanh nghiệp nhỏ vừa vừa thường không có đủ điều kiện và uy tín. Tính riêng 6 tháng đầu năm, tỷ trọng dư nợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chỉ chiếm 25% tương đương 900.000 tỷ đồng, quá nhỏ bé so với 3,6 triệu tỷ đồng của khối doanh nghiệp lớn”.

Chỉ còn chưa đầy 1 năm nữa, Cộng đồng kinh tế ASEAN được thành lập, mở ra cơ hội phát triển lớn cho Việt Nam cũng như các nền kinh tế trong khu vực. Cộng đồng kinh tế ASEAN sẽ tạo cơ hội cho doanh nghiệp mở rộng thị trường trao đổi thương mại, thu hút đầu tư, tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất và cung ứng khu vực, hoạt động xuất khẩu thuận lợi hơn nhờ rào cản thuế quan, phi thuế quan được tháo gỡ.

Tuy nhiên để khối doanh nghiệp này lớn mạnh và đón đầu các cơ hội từ việc gia nhập Cộng đồng Kinh tế ASEAN, nhiều chuyên gia cho rằng, cần có những chính sách hỗ trợ kịp thời, trong đó có chính sách tiếp cận tín dụng.

Theo đó, chúng ta cần đổi mới cách thức tiếp cận phù hợp hơn trong hoạt động tín dụng và bảo lãnh tín dụng ngân hàng; nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng của khu vực doanh nghiệp này qua việc thiết lập các định chế, thể chế tài chính đặc thù. Đồng thời cần sự phối hợp đồng bộ và chặt chẽ của các bộ ngành về chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nhỏ. Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ nhiệm Câu lạc bộ pháp chế ngân hàng – VNBA cho rằng: “Bản thân doanh nghiệp nhỏ và vừa khi cạnh tranh với doanh nghiệp lớn ở trong nước đã khó rồi, khi tham gia hội nhập khu vực như Cộng đồng ASEAN thì rõ ràng khả năng cạnh tranh càng khó khăn hơn. Bây giờ, Chính phủ đã có những chính sách khuyến khích những ngành, lĩnh vực có hiệu quả được vay vốn với những chính sách thấp và những chính sách ưu đãi khác. Hy vọng thời gian tới các ngân hàng sẽ tập trung quay trở lại hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa, một khu vực doanh nghiệp rất đông đảo”.

Nhiều ý kiến cho rằng, về phía doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng cần chủ động, nâng cao tính minh bạch trong báo cáo tài chính; Nâng cao hiệu quả trong hoạt động kinh doanh. Ngoài ra, cần có sự cam kết của chủ doanh nghiệp trong việc thực hiện các phương án kinh doanh và vay vốn. Hiện đã có một số ngân hàng đưa ra được gói sản phẩm, điều kiện để các doanh nghiệp có thể đáp ứng được, cho vay ngay hoặc hợp tác với một số quỹ đầu tư để hỗ trợ nguồn vốn cho doanh nghiệp./.

Việt Hà/VOV – Trung tâm Tin

——————

VOV (Kinh tế) 19-11-2014:

http://vov.vn/kinh-te/go-kho-ve-von-cho-dn-trong-boi-canh-gia-nhap-aec-365738.vov

(123/995)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

437. Cải cách thể chế và tôn trọng thị trường...

Chùm 3 bài Việt Nam - Khát vọng hùng cường: Cải cách thể chế và tôn...

Phỏng vấn 

4.424. Hỗ trợ kê khai nộp thuế điện tử.

Hỗ trợ kê khai nộp thuế điện tử. (VTV1) - Chương trình có sự tham gia...

Trích dẫn 

3.975. “Nóng” giá vàng trong năm 2025, có nên...

“Nóng” giá vàng trong năm 2025, có nên đầu tư? (NĐT) - Được hỗ...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 237,295