(DĐDN) – Nợ đọng quá hạn luôn là vấn nạn của nhiều quốc gia. Đây cũng là điều khó tránh khỏi nên quốc gia nào cũng có chính sách để hạn chế đến mức tối đa có thể. Tuy vậy, nhiều ý kiến lại cho rằng dự thảo Nghị định dịch vụ đòi nợ (DVĐN) lại theo chiều hướng hạn chế việc kinh doanh dịch vụ này. Như vậy thì đương nhiên sẽ tạo điều kiện gia tăng nợ đọng quá hạn.
Chưa quy định nghĩa vụ khách nợ
Thậm chí, theo LS Trương Thanh Đức – Giám đốc Công ty Luật ANVI, nếu các DN DVĐN phải thực hiện đầy đủ các điều kiện như dự thảo thì DN sẽ gần như không có quyền gì và chẳng ai có thể đòi được nợ. Dự thảo chỉ thấy quy định về nghĩa vụ của chủ nợ, DN DVĐN mà không hề nhắc tới nghĩa vụ của khách nợ. Hơn nữa, dự thảo vẫn còn nhiều điểm quá chung chung như Khoản 2, Điều 2 quy định: DN DVĐN “không được xâm phạm đời tư của khách nợ…” là không rõ ràng. Nếu dự thảo xây dựng theo tinh thần coi người có trách nhiệm trả nợ được đối xử như “khách” thì các DN DVĐN bó tay. Mặt khác, những hành vi cần ngăn cấm vẫn thiếu và chưa cụ thể như: hành vi lăng mạ, bôi nhọ người có trách nhiệm trả nợ. Hay thực tế đã có tình trạng siết nợ, bắt nợ nhưng không dùng vũ lực, hoặc đe dọa dùng vũ lực và không xảy ra xô xát thì xử lý ra sao?
Chỉ được giao dịch dân sự?
Theo ông Nguyễn Thanh Sơn – Giám đốc Cty đòi nợ Dân An, Điều 8 quy định: Dịch vụ đòi nợ chỉ được thực hiện với các khoản nợ quá hạn thanh toán phát sinh trong giao dịch dân sự là quá hạn hẹp. Vì thực tế các khoản nợ thường phát sinh trong các giao dịch thương mại, kinh tế… Về điều kiện của người trực tiếp tham gia DVĐN cũng có nhiều ý kiến không đồng tình. Bởi theo dự thảo những người làm dịch vụ này phải có trình độ, chuyên môn về pháp luật, tài chính. Vậy thế nào gọi là có trình độ chuyên môn về pháp lý, tài chính? Hơn nữa, trên thực tế, trong quá trình thực hiện DVĐN cũng cần nhiều nghiệp vụ khác như tâm lý, ngoại ngữ phiên dịch đối với “khách nợ” là người nước ngoài… thì không thấy dự thảo đề cập đến.
Hoạt động DVĐN theo quy định của dự thảo là một hoạt động kinh doanh có điều kiện. Tuy nhiên, theo LS Nguyễn Ngọc Thạch, có nhiều loại hình dịch vụ kinh doanh có điều kiện khác, thậm chí còn cần nhiều điều kiện khắt khe hơn như kiểm toán, kế toán… cũng không cần giấy phép nên DVĐN cũng không cần thiết phải có giấy phép… “con”. Ngoài ra, việc áp đặt tiêu chí vốn điều lệ là không phù hợp và cũng không nhất thiết cần bắt buộc Bộ Tài chính là cơ quan quản lý.
Theo ông Nguyễn Văn Sáu – Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính, Ngân hàng và các tổ chức tín dụng (Bộ Tài chính) – thành viên Ban Soạn thảo: Văn phòng LS và LS không được tham gia kinh doanh dịch vụ này. Nhưng theo LS Thạch, hầu hết các quốc gia trên thế giới đều cho phép LS thực hiện nghiệp vụ đòi nợ. Ông Thạch còn đưa ra dẫn chứng, Trung Quốc là quốc gia đã có khung khổ pháp lý khá chặt chẽ và đã đi trước khá xa trong lĩnh vực lại quy định chỉ có LS mới được thực hiện dịch vụ đòi nợ. Đồng tình với quan điểm này, LS Trần Hữu Huỳnh – Trưởng Ban Pháp chế VCCI cho rằng, văn phòng LS là một tổ chức rất chặt chẽ – hoạt động như một DN. Luật sư cũng là đối tượng thừa tiêu chuẩn để thực hiện nghiệp vụ này. Bên cạnh đó, nghiệp vụ pháp luật của LS đã được đào tạo khá bài bản và nó rất cần thiết đối với dịch vụ DVĐN.
được biết, dự thảo vẫn đang được hoàn thiện và VCCI vẫn tiếp tục tiếp nhận các ý kiến góp ý của các chuyên gia và DN nhằm hoàn thiện kiến nghị để gửi lên Thủ tướng Chính phủ và Ban Soạn thảo. Ý kiến đóng góp xin gửi về địa chỉ: toasoan@dddn.com.vn.q
Phùng Đắc Lộc – Hiệp hội Bảo hiểm VN: Đẩy mạnh xã hội hóa
Chúng tôi cho rằng tất cả các khoản nợ phát sinh ở lĩnh vực nào cũng có thể thông qua DVĐN để đòi nợ. Thực tế đã chứng minh tính hiệu quả của các cơ quan công quyền trong lĩnh vực DVĐN là không cao. Chính vì vậy, đây có thể được coi như một sự cạnh tranh tích cực giữa cơ quan công quyền và DN DVĐN. Đề nghị bổ sung quyền hạn của DN DVĐN như: được thay mặt chủ nợ đưa tranh chấp công nợ ra xét xử tại trọng tài kinh tế, tòa án; được thay mặt chủ nợ đề nghị với cơ quan công quyền có biện pháp ngăn chặn hành vi trốn nợ, phân tán tài sản, gây khó dễ cho công việc đòi nợ.
Nguyễn Văn Phương – Phòng pháp chế Vietcombank: Mở rộng phạm vi cho DN
Thực tế hầu hết các khoản nợ phát sinh giữa ngân hàng với DN đều được thực hiện trên cơ sở hợp đồng kinh tế. Do đó, nếu các khoản nợ phát sinh từ các giao dịch kinh tế không thuộc phạm vi thực hiện của DN DVĐN thì sẽ gây khó khăn cho cả ngân hàng và DN DVĐN. Theo mục b, Khoản 1, Điều 11 quy định trách nhiệm của DN DVĐN “bảo quản và phải giao lại cho chủ nợ tài liệu và phương tiện được giao thực hiện nghiệp vụ đòi nợ khi kết thúc hợp đồng” là không cần thiết. Vì đây phụ thuộc vào thỏa thuận giữa hai bên. Có nhiều trường hợp tài liệu, phương tiện chưa cần kết thúc hợp đồng vẫn có thể trả lại được để chủ nợ sử dụng thì sao?
Bá Tú
———————————–
Diễn đàn Doanh nghiệp Online 14/03/2006
(193/1.101)