60. Thứ tự ưu tiên thanh toán trong các vụ phá sản doanh nghiệp.

Thứ tự ưu tiên thanh toán trong các vụ phá sản doanh nghiệp.

(TCNH) – Các quy định của pháp luật hiện nay liên quan đến thứ tự ưu tiên phân chia giá trị còn lại của doanh nghiệp bị phả sản còn nhiều điểm chưa hợp lý và không rõ ràng, gây ra những cách hiểu khác nhau.
I- Về thứ tự ưu tiên thanh toán giữa các chủ nợ không có bảo đảm:

Điều 39, Luật Phá sản doanh nghiệp quy định: “Việc phân chia giá trị tài sản còn lại của doanh nghiệp theo thứ tự ưu tiên sau đây:

1- Các khoản lệ phí, các chi phí theo quy định của pháp luật cho việc giải quyết phá sản doanh nghiệp;

2- Các khoản nợ lương, trợ cấp thôi việc, bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật và các quyền lợi khác theo thoả ước lao động tập thể và hợp đồng lao động đã ký kết;

3- Các khoản nợ thuế;

4- Các khoản nợ cho các chủ nợ trong danh sách chủ nợ….”.

Trên thực tế, giá trị tài sản còn lại các doanh nghiệp bị phá sản thường là rất ít và chỉ đủ thanh toán một phần nhỏ công nợ. Do đó, việc quy định ưu tiên thanh toán chi phí cho việc giải quyết phá sản và chi trả cho người lao động là cần thiết. Nhưng việc quy định các khoản nợ thuế được ưu tiên thanh toán trước các khoản nợ còn lại là chưa hợp lý. Trong số tất cả các chủ nợ, thì Nhà nước là chủ nợ có khả năng khắc phục nhanh nhất, dễ dàng nhất hậu quả do việc phá sản gây ra vì khoản nợ đó chỉ chiếm một tỉ trọng không đáng kể trong nguồn thu của Ngân sách. Nhưng đối với các chủ nợ khác, nếu không thu hồi được tài sản, thì thường gặp rất nhiều khó khăn và có thể dẫn đến hậu quả sẽ lâm vào tình trạng phá sản. Ngoài ra, còn những khoản nợ khác đối với Nhà nước như tiên phạt, lệ phí,… thì xếp vào “các khoản nợ thuế” hay xếp vào các khoản nợ khác cũng đều có điểm không hợp lý.

Vì vậy, đề nghị cần sửa đổi quy định trên của Luật Phá sản doanh nghiệp theo hướng xác định các khoản nợ thuế và các khoản nợ khác đối với Nhà nước cũng được xếp ngang hàng với các khoản nợ của các chủ nợ khác.

II- Về thứ tự ưu tiên thanh toán giữa các khoản nợ có bảo đảm và các khoản nợ không có bảo đảm:

Theo tinh thần của các Điều 38 và 39, Luật Phá sản doanh nghiệp thì thứ tự ưu tiên thanh toán giữa các chủ nợ có bảo đảm và các chủ nợ không có bảo đảm như sau:

1- Thanh toán các khoản nợ có bảo đảm bằng tài sản thế chấp, cầm cố;

2- Thanh toán các khoản nợ còn lại lần lượt theo 4 nhóm thứ tự ưu tiên như đã nêu ở phần I nói trên.

Tuy nhiên những quy định liên quan đến vấn đề này trong Luật Phá sản doanh nghiệp cũng như Nghị định số 189-CP ngày 23-12-1994 của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật còn thiếu rõ ràng và khó hiểu, dễ dẫn đến sự hiểu sai. Ví dụ, Luật chỉ quy định về tài sản của doanh nghiệp mà không có quy định thế nào là giá trị tài sản còn lại của doanh nghiệp. Do đó có hai cách hiểu khác nhau về giá trị tài sản còn lại của doanh nghiệp là:

– Thứ nhất, giá trị tài sản còn lại của doanh nghiệp là toàn bộ giá trị tài sản hiện hữu còn đến thời điểm bị tuyên bố phá sản, bao gồm  cả giá trị của tài sản đã mang đi cầm cố, thế chấp;

– Thứ hai, giá trị tài sản còn lại của doanh nghiệp sau là phần giá trị còn lại khi đã trừ đi phần tài sản đã dùng vào việc cầm cố, thế chấp tương đương với khoản nợ được bảo đảm.

Điều 39 của Luật chỉ quy định việc phân chia giá trị tài sản còn lại của doanh nghiệp theo nghĩa thứ hai nói trên, tức là giá trị tài sản sau khi đã loại trừ phần nợ có bảo đảm. Nhưng do không có quy định nào đề cập đến việc xác định toàn bộ giá trị tài sản (còn lại) của doanh nghiệp nói chung, nên có một số quan điểm cho rằng quy định tại Điều 39, Luật Phá sản doanh nghiệp còn thiếu khoản nợ có bảo đảm. Vì vậy đièu luật trên cần bổ sung các khoản nợ có bảo đảm vào nhóm đầu tiên trong số 4 nhóm thứ tự ưu tiên thanh toán (tác giả Nguyễn Mạnh Hà trong bài “Các khoản cho vay đặc biệt có được ưu tiên thanh toán khi tổ chức tín dụng phá sản?” – Tạp chí TAND số 2/2000). Bên cạnh đó, lại có quan điểm cho rằng, các khoản nợ có bảo đảm chỉ được xếp cùng nhóm ưu tiên thanh toán thứ 4 với các chủ nợ khác theo quy định tại Điều 39, Luật Phá sản doanh nghiệp (tác giả Lê Anh Tuấn trong bài “Bảo đảm thanh toán nợ cho người nhận thế chấp tài sản trong thi hành án dân sự” – Tạp chí Ngân hàng số 2/1999). Sở dĩ có những quan điểm như trên là do Luật không phân biệt được rõ khái niệm “giá trị tài sản của doanh nghiệp” và tài sản “giá trị tài sản còn lại của doanh nghiệp”.

Vì vậy, đề nghị sửa đổi Luật Phá sản doanh nghiệp theo hướng quy định rõ khái niệm giá trị tài sản còn lại của doanh nghiệp, đồng thời cũng quy định rõ thứ tự ưu tiên thanh toán giữa các khoản nợ có bảo đảm và các khoản nợ không có bảo đảm.

III- Về thứ tự ưu tiên thanh toán đối với các khoản cho vay đặc biệt của các tổ chức tín dụng:

Trong bài: “Các khoản cho vay đặc biệt có được ưu tiên thanh toán khi tổ chức tín dụng phá sản?” đăng trên Tạp chí TAND số 2/2000 nói trên có nêu lên tình trạng không thống nhất giữa các quy định của pháp luật trong việc ưu tiên phân chia tài sản khi phá sản doanh nghiệp. Cụ thể, theo quy định của Điều 38 và 39 Luật Phá sản doanh nghiệp, thì các khoản nợ có bảo đảm được ưu tiên thanh toán đầu tiên và sau đó là đến thứ tự ưu tiên thanh toán các khoản nợ không có bảo đảm . Trong khi đó Điều 96, Luật Các tổ chức tín dụng (TCTD) lại quy định: Một doanh nghiệp là TCTD có thể được các TCTD khác hoặc Ngân hàng Nhà nước cho vay đặc biệt trong trường hợp cấp bách để bảo đảm khả năng chi trả tiền gửi của khách hàng và khoản vay đặc biệt này sẽ được ưu tiên hoàn trả trước tất cả các khoản nợ khác của TCTD.

Từ những quy định trên đây của pháp luật, tác giả bài viết nêu dưa ra 2 quan điểm về vấn đề này và ủng hộ quan điểm thứ hai, tức là thanh toán theo thứ tự ưu tiên khi TCTD bị phá sản như sau:

1- Thanh toán các khoản nợ bảo đảm bằng tài sản thế chấp, cầm cố;

2- Thanh toán các khoản nợ cho vay đặc biệt;

3- Thanh toán các khoản nợ khác lần lượt theo 4 nhóm thứ tự ưu tiên như quy định trong Điều 39, Luật Phá sản doanh nghiệp.

Theo tôi trong trường hợp trên, các khoản nợ cho vay đặc biệt cần phải được thanh toán trước tiên, tức là trước cả các khoản nợ có bảo đảm vì những cơ sở pháp lý sau đây:

– Thứ nhất, các TCTD là một loại hình doanh nghiệp rất đặc biệt, được ví như mạch máu của nền kinh tế đất nước, đòi hỏi sự tổ chức và hoạt động rất chặt chẽ để bảo đảm sự ổn định và an toàn của hệ thống Ngân hàng nói riêng và của cả nền kinh tế nói chung. Một TCTD bị phá sản sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế quốc dân hơn rất nhiều lần so với một doanh nghiệp khác có cùng quy mô. Vì vậy, pháp luật cần có những quy định đặc biệt đối với các TCTD nhằm hạn chế tối đa tình trạng phá sản và hậu quả gây ra từ việc phá sản. Các TCTD phải chịu rất nhiều sự ràng buộc chặt chẽ của pháp luật trong quá trình hoạt động như: Phải luôn luôn duy trì các tỉ lệ bảo đảm an toàn về cho vay, huy động vốn, và thanh toán; phải thực hiện các quy định về lãi suất, trích lập quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ; phải bắt buộc tham gia bảo hiểm tiền gửi, v.v…. Và một trong những quy định để “cứu” các TCTD khi mất khả năng thanh toán nợ đến hạn, lâm vào tình trạng phá sản là được Ngân hàng Nhà nước và các TCTD khác cho vay đặc biệt. Trên thực tế, vừa qua đã xảy ra việc các TCTD phải cho vay đặc biệt đối với một Ngân hàng thương mại cổ phần ở miền Nam theo yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước. Ngân hàng đi vay trong tình huống này không thể vay và không đủ điều kiện để vay vốn thông thường. Việc Ngân hàng Nhà nước và các TCTD cho vay trong trường hợp này hoàn toàn không vì lợi ích của người đi vay cũng như của người cho vay mà vì lợi ích chung của cả hệ thống Ngân hàng và nền kinh tế đất nước. Do đó, quy định các khoản cho vay đặc biệt được ưu tiên thanh toán là vô cùng cần thiết. Không phải sự ưu tiên thanh toán này là để dành riêng cho các chủ sở hữu (các nhà đầu tư) của Ngân hàng mà là dành cho những người gửi tiền vào Ngân hàng, bảo đảm sự an toàn đồng vốn của đông đảo công chúng. Đó là lý do cơ bản để Luật Các TCTD quy định: Khoản cho vay đặc biệt sẽ được ưu tiên hoàn trả trước tất cả các khoản nợ khác, tức là phải được ưu tiên thanh toán trước cả các khoản nợ có bảo đảm.

– Thứ hai, tuy vấn đề thanh toán các khoản cho vay đặc biệt chưa được đề cập đến trong Luật Phá sản doanh nghiệp, nhưng quy định trên của Luật Các TCTD năm 1998 đương nhiên có hiệu lực hơn quy định trong Luật Phá sản doanh nghiệp năm 1993. Ngoài ra, việc ưu tiên thanh toán đó cũng không có gì mâu thuẫn với các quy định về thế chấp, cầm cố trong Bộ luật Dân sự.

Vì vậy, đề nghị sửa đổi Luật Phá sản doanh nghiệp theo hướng đưa thêm đối tượng được ưu tiên thanh toán đầu tiên là các khoản cho vay đặc biệt đối với các TCTD./.

————————

Hải Phòng 01-2001

 

Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, Trọng tài viên VIAC. 

——

Bài viết đã đăng Tạp chí Ngân hàng 02/2001

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

436. Bình luận về Luật siêu dễ - Luật Quản lý tài...

Bình luận về Luật siêu dễ - Luật Quản lý tài sản công. Cố vấn: Luật...

Phỏng vấn 

4.415. Ngân hàng 'nước rút' xác thực sinh trắc...

Ngân hàng 'nước rút' xác thực sinh trắc học trước giờ G. (NĐT) -...

Trích dẫn 

3.969. Không gia hạn Thông tư số 02/2023/TT-NHNN, nợ...

Không gia hạn Thông tư số 02/2023/TT-NHNN, nợ xấu gia tăng nhưng tốt...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 235,836