(TQ) – Các DN phải sử dụng con dấu trong các văn bản giao dịch nhân danh DN. Đó là quy định đã tồn tại từ nhiều năm ở nước ta. Song, DN không giống như cơ quan Nhà nước nên có nhất thiết bắt buộc phải có con dấu? Nếu có, ai là người quyết định về con dấu của DN? Đã có thể bỏ con dấu của DN được chưa?
Sáng 9/10, Viện nghiên cứu và quản lý kinh tế TW (CIEM) đã tổ chức Hội thảo: “Con dấu của doanh nghiệp tại Việt Nam – Sự cải tổ cần thiết”. Đây là hội thảo đầu tiên bàn về con dấu sau 30 năm đổi mới chuyển sang kinh tế thị trường với mục đích thảo luận những lợi ích và rủi ro nếu bắt buộc bãi bỏ con dấu của DN tại Việt Nam.
Con dấu của DN không thể giống với con dấu của cơ quan nhà Nước
Tại Hội thảo, Luật gia Vũ Xuân Tiền, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Tư vấn VFAM Việt Nam cho rằng, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật của nước ta quy định về con dấu là khá đầy đủ, song cũng phát sinh những bất hợp lý.
Điều bất hợp lý trước hết là quy định về quản lý con dấu của DN ở nước ta hiện nay được áp đặt hoàn toàn như việc quản lý con dấu của cơ quan Nhà nước (Điều 1 Nghị định 58/2001/NĐ-CP). Con dấu của cơ quan Nhà nước thể hiện quyền lực của Nhà nước và phải được quản lý chặt chẽ. Song, con dấu của doanh nghiệp là “tài sản của doanh nghiệp”, do đó, nó phải do doanh nghiệp quyết định về hình thức, nội dung và công tác quản lý.
“Việc sử dụng con dấu của DN chỉ có ý nghĩa chứng minh rằng, văn bản được đóng dấu của DN là văn bản của DN. Trường hợp không đóng dấu, nhưng có đủ căn cứ pháp lý để xác nhận rằng văn bản đó là của DN thì văn bản đó vẫn có giá trị pháp lý. Quy định trên đã tạo ra cho con dấu một “siêu quyền lực” trong DN mặc dù con dấu cũng chỉ là một tài sản như những tài sản khác của DN. Điều đó cũng có nghĩa là, quy định vị trí pháp lý đặc biệt của con dấu như trên là có sự nhầm lẫn tai hại giữa “vì trời sáng mà gà gáy” với “vì gà gáy mà trời sáng”, ông Vũ Xuân Tiền phân tích.
Vị luật gia được đánh giá là luôn theo sát và có nhiều đóng góp trong quá trình soạn thảo Dự thảo Luật DN (sửa đổi) minh chứng thêm rằng: “Vì con dấu có vị trí pháp lý đặc biệt quan trọng đối với hoạt động của DN nên tình trạng làm giả con dấu để lừa đảo ngày càng gia tăng. Tình hình tội phạm kinh tế liên quan đến việc sử dụng con dấu của DN tăng nhanh chóng với thủ đoạn cực kỳ tinh vi, khó có thể phân biệt được con dấu thật – con dấu giả. Chẳng hạn, mới đây nhất là vụ án Huyền Như thuê khắc giả 8 con dấu làm công cụ thực hiện hàng loạt phi vụ phạm pháp nhằm chiếm đoạt số tiền gần 4.000 tỷ đồng”.
Con dấu DN: “Bỏ thì thương, vương thì tội”!
Trình bày quan điểm của mình, Luật sư Trương Thanh Đức (Giám đốc Công ty Luật ANVI) cho rằng: “Cá nhân cũng có thể ký hợp đồng giao dịch lên đến hàng chục, hàng trăm tỷ đồng khắp trong và ngoài nước, cũng ký đủ thứ đơn từ pháp lý, gửi khắp các cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội…nhưng đâu có cần phải có con dấu? Vậy thì các pháp nhân hà cớ gì mà cứ phải dùng con dấu như bảo bối? Ngay cả khi có sự tranh chấp, xâm phạm con dấu thì hầu như cũng không xử lý được các hành vi chiếm giữ con dấu pháp lý của DN. Công an thì cho rằng đó là tranh chấp, là quan hệ dân sự, còn tòa án thì cũng không thụ lý giải quyết tranh chấp. Thế là dẫn đến tình trạng bế tắc của DN”.
Bỏ thì thương, vương thì tội!
Tại Hội thảo, nhiều quan điểm trái chiều bày tỏ sự băn khoăn về việc bỏ hay giữ con dấu khiến một số ý kiến cho rằng cần phải lấy biểu quyết để nắm tinh thần số đông.
Theo Luật sư Trương Thanh Đức, luật quốc gia và luật thị trường chấp nhận việc sử dụng chữ ký điện tử thay cho chữ ký tươi (ướt) và cũng đồng thời “phế truất” luôn con dấu pháp lý. Đã công nhận chữ ký điện tử thay cho chữ ký tay trực tiếp thì cũng không có lý do gì mà không công nhận con dấu điện tử. Như vậy có thể khẳng định ngay là có thể xóa bỏ con dấu hiện nay và các bộ phận phụ thuộc, cởi bớt một “xiềng xích” đối với DN.
Tuy nhiên, vị Luật sư này cũng cho rằng: “Khi đã quá phụ thuộc rồi, nay được tháo dây, cởi trói thì rất có thể DN lại thấy mất mát, tiếc rẻ, lo lắng, thậm chí sợ hãi vì cái gì cũng có mặt lợi và mặt hại”.
Tìm giải pháp về vấn đề này, ông Vũ Xuân Tiền nhấn mạnh, cần có giải pháp hợp lý hơn về con dấu bởi “Ngoài nhóm ý kiến thứ nhất đề nghị bỏ con dấu thì nhóm ý kiến thứ hai lại cho rằng, trong điều kiện kinh tế thị trường ở nước ta chưa phát triển hoàn chỉnh, chưa thể bỏ con dấu của DN. Nếu bỏ ngay con dấu, để đảm bảo an toàn trong quan hệ, chắc chắn các đối tác có liên quan đến hoạt động của DN như: ngân hàng, cơ quan thuế, nhà cung cấp…sẽ đặt ra các quy định để đảm bảo những văn bản gửi đến cho họ chỉ có chữ ký của một người trong DN mà không có dấu là giao dịch của DN, chẳng hạn phải gửi theo chữ ký mẫu của DN chứng thực của cơ quan Nhà nước… Khi đó, thủ tục kinh doanh sẽ phức tạp hơn nhiều lần”.
Từ kinh nghiệm quốc tế, ông Jean Micheal Lobet, Nhóm Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho rằng, việc bỏ con dấu là xu hướng của thế giới bởi hiện chỉ có 7 quốc gia quy định việc đóng dấu trong khi 171 quốc gia khác con dấu chỉ thể hiện ý nghĩa là dấu hiệu, biểu trưng cho một DN mà thôi.
“Là những nhà soạn thảo chính sách, các bạn cần phải có tầm nhìn trong 20 năm tới. Bởi mỗi lần thay đổi chính sách rất mất thời gian. Tôi nghĩ dịp này là cơ hội để các bạn thảo luận, thậm chí tranh cãi để quyết định thật thấu đáo. Điều quan trọng là các bạn phải tin tưởng DN. Đừng chỉ vì một vài DN làm ăn không đứng đắn mà gây ảnh hưởng đến tất cả”, ông Jean Micheal Lobet chia sẻ.
Nhận định rằng, đây là hội thảo đầu tiên bàn về con dấu sau 30 năm đổi mới chuyển sang kinh tế thị trường nên Viện trưởng CIEM Nguyễn Đình Cung cho rằng, thật khó khăn để quyết định.
“Hiện có 3 phương án: giữ con dấu, bỏ con dấu và tùy DN thích sử dụng con dấu hay không? Chúng tôi sẽ ghi nhận các ý kiến đối với từng phương án để tiếp tục bàn bạc, đi đến lựa chọn phương án hợp lý, thuận lợi cho DN nhất”, ông Nguyễn Đình Cung cho hay./.
Quỳnh Anh
—————-
Tổ Quốc (Kinh tế VN) 10-10-2014:
(301/1.359)