(PL) – Chủ tịch nước Trương Tấn Sang vừa gặp mặt hơn 100 “Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu” năm 2014, nhân kỷ niệm Ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10. Cũng trong kỳ họp sắp khai mạc, Quốc hội sẽ xem xét thông qua Luật Doanh nghiệp sửa đổi.
Điểm lại các sự kiện thời sự chính sách kinh tế doanh nghiệp, những nhu cầu và mong mỏi của doanh nghiệp, doanh nhân thời gian qua, xem ra vẫn còn nhiều vấn đề cần tiếp tục tháo gỡ.
Nhu cầu minh bạch và đối xử công bằng
Báo cáo Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trong buổi gặp mặt Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu năm 2014, về tình hình hoạt động của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc nêu rõ, trong 9 tháng đầu năm, cả nước có 53.000 doanh nghiệp thành lập mới, 11.872 doanh nghiệp đã hoạt động trở lại; 48.330 doanh nghiệp gặp khó khăn buộc phải giải thể hoặc ngừng hoạt động. Trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt, tỷ lệ doanh nghiệp kinh doanh có lãi đã tăng từ 29,7% lên 32,9%.
Các đại biểu cũng kiến nghị với Chủ tịch Nước tạo điều kiện để tiếp tục tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho doanh nghiệp về thủ tục hành chính, ưu đãi thuế; tạo bình đẳng giữa tập đoàn lớn với các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang gặp gỡ các doanh nhân tiêu biểu 2014
Theo nhận định và đánh giá của một số chuyên gia kinh tế thì, thực tế thời gian qua có những chính sách ưu đãi thuế thường hướng đến các DN, tập đoàn lớn, DNNN. Điều này gây ra sự phân biệt đối xử bất lợi cho DN nhỏ trong nước và được cảnh báo là sẽ gây ra tác động ngược chiều dài hạn. Có thể nêu hai ví dụ ở Bắc Ninh và Hà Tĩnh. Cụ thể, tại Bắc Ninh đã có cơ chế ưu đãi cho Công ty Samsung Display. Theo đó, thời hạn miễn, giảm theo Luật Thuế TNDN gồm miễn 4 năm và giảm 50% trong 9 năm tiếp, Samsung Display sẽ được giảm tiếp 50% cho 3 năm tiếp theo. DN này còn được hỗ trợ 50% phí sử dụng hạ tầng với số tiền hỗ trợ dự tính trên 286,9 tỉ đồng. Để hưởng ưu đãi này, Samsung Display phải đáp ứng các cam kết đầu tư công nghệ cao nhưng đây thực sự là mức ưu đãi “khủng” mà trước SamSung không DN nào dám mơ tới.
Tại Hà Tĩnh, Dự án Khu liên hợp gang thép Formosa tại Hà Tĩnh do doanh nghiệp FDI đầu tư cũng được ưu đãi thuế TNDN 10% từ năm có thu nhập chịu thuế; 4 năm miễn thuế TNDN và giảm 50% số thuế phải nộp cho 9 năm tiếp theo; giảm 50% thuế TNCN với người có thu nhập cao; miễn thuế nhập khẩu máy móc, thiết bị và phương tiện vận tải chuyên dùng; miễn thuế tài nguyên và giảm 40% phí bảo vệ môi trường với hoạt động hút cát, san nền…
Đây là hai trường hợp gây tranh cãi về bất cập trong ưu đãi thuế giữa DN lớn nước ngoài và DN trong nước.
Theo một chuyên gia từ Vụ Chính sách Thuế – Bộ Tài chính thì cách làm này không sai và các nước đang phát triển thường áp dụng các biện pháp ưu đãi thuế để định hướng thu hút đầu tư. Tuy nhiên, khảo sát mới đây của Tổ chức Phát triển công nghiệp của Liên hiệp quốc (UNIDO) cảnh báo, các chính sách ưu đãi để thu hút FDI của Việt Nam có thể gây ra biến dạng hệ thống thuế, gây tốn kém cho ngân sách và có thể tạo ra hậu quả về sự cạnh tranh không bình đẳng với DN trong nước.
Xem ra nhu cầu minh bạch và được đối xử công bằng là những nhu cầu chính đáng và rất quan trọng mà các doanh nghiệp Việt mong mỏi nhất hiện nay.
Lắng nghe nguyện vọng của các đại biểu, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đề nghị các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục hỗ trợ, tạo điều kiện tốt nhất để doanh nghiệp hồi phục và vươn lên. Nhân ngày Doanh nhân Việt Nam, Chủ tịch nước đề nghị cộng đồng doanh nghiệp tiếp tục phát huy vai trò là trụ cột trong giai đoạn công nghiệp hóa, hiện đại hóa, góp phần cùng Đảng, Nhà nước nâng sức mạnh của nền kinh tế, đưa đất nước thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình, trở thành giàu mạnh.
Mong tiếp tục cải cách mạnh mẽ cơ chế, chính sách
Trong một diễn biến khác, giới doanh nhân đang đặt nhiều hy vọng vào Luật Doanh nghiệp sửa đổi sắp được trình Quốc hội thông qua, sẽ tạo môi trường thông thoáng và minh bạch cho doanh nghiệp phát triển. Góp ý cho dự thảo, Luật gia Vũ Xuân Tiền, Trưởng ban Tư vấn và Phản biện chính sách, Hội các nhà quản trị doanh nghiệp Việt Nam, cho rằng, dự thảo Luật cần có quy định rõ ràng về hậu kiểm, tránh để biến thành “hậu buông”, gây ra những hậu quả không đáng có và là cái cớ để nhiều ý kiến muốn quay lại cơ chế tiền kiểm như trước khi có Luật Doanh nghiệp năm 2005.
Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI cũng cho rằng các ngành, nghề, cấm kinh doanh được quy định tại dự thảo Luật còn mập mờ hơn cả luật hiện hành… “Phải quy định cụ thể các ngành, nghề cấm cấm kinh doanh trong dự thảo Luật, vì quyền tự do kinh doanh đã được Hiến định chỉ có thể bị cấm bằng luật theo tinh thần của Hiến pháp…”, ông Đức đề nghị.
Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế, VCCI “Với những nội dung như dự thảo, thì nhiều ngành, lĩnh vực đặt ra điều kiện kinh doanh chưa hợp lý, gây cản trở cho doanh nghiệp khi gia nhập thị trường và tạo cơ hội cho các hành vi độc quyền, cạnh tranh không lành mạnh…”, nếu quy định như dự thảo, thì Luật Doanh nghiệp sửa đổi sẽ tiếp tục bị các luật chuyên ngành “gặm nhấm” khi đưa vào áp dụng.
Để tạo môi trường thông thoáng và minh bạch cho doanh nghiệp phát triển thì việc sửa đổi Luật Doanh nghiệp lần này cần lưu tâm sửa đổi căn cơ những bất cập từ thực tế, những vấn đề mà các chuyên gia kinh tế, các doanh nghiệp đã kiến nghị.
Có một thực tế mà các nhà quản lý và hoạch định chính sách cần lưu tâm: trước đây Việt Nam có 5% doanh nghiệp lớn, nhưng nay chỉ còn 2%. Doanh nghiệp nhỏ và vừa, siêu nhỏ chiếm gần 99%. Qua đó cho thấy sức cạnh tranh của nền kinh tế nói chung và của doanh nghiệp Việt Nam nói riêng là quá yếu.
Ông Huỳnh Văn Minh, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM chia sẻ: Bất kỳ doanh nghiệp nào muốn tồn tại cũng phải hội đủ ba điều kiện là vốn, nguồn nhân lực và cơ chế chính sách. Có vốn mà không có cơ chế chính sách thì cũng chết; người giỏi mà không có tiền cũng không xong, nên ông mong ước có sự đồng hành của ba điều kiện trên.
Nói rõ hơn, ông mong việc thể chế hóa các luật, nghị định, thông tư phù hợp với điều kiện thực tế. Tất cả phải thật thông thoáng, công bằng và phải an toàn để tạo lòng tin. Và ngay trước mắt là giải quyết vấn đề vốn và lãi suất cho DN. Nhà nước nên cho phép doanh nghiệp được thỏa thuận giải quyết nợ tồn đọng thay cho mua bán nợ. Trước mắt cho giảm lãi suất của nợ cũ và nợ mới, khống chế lãi suất đầu ra và đầu vào trong toàn hệ thống ngân hàng. Hiện nay, Ngân hàng Nhà nước chỉ ép đầu vào mà thả nổi đầu ra là không hợp lý. Ngoài ra, cần giảm bớt thủ tục và điều kiện đảm bảo để giúp doanh nghiệp tiếp cận được các nguồn vốn vay.
Ông Cao Tiến Vị, Tổng Giám đốc Công ty CP giấy Sài Gòn kiến nghị: Có đi sâu vào từng chi tiết mới thấy rằng còn quá nhiều thủ tục phức tạp, rườm rà đối với doanh nghiệp. Do vậy, doanh nghiệp mong muốn Chính phủ có sự cải tổ, thay đổi mạnh hơn trong thủ tục hành chính và nhân sự thực hiện ở các đơn vị quản lý nhà nước. . .
Xem ra, mỗi doanh nhân đại diện cho mỗi doanh nghiệp trong ngày Hội của mình đều có những suy tư, trăn trở và mong ước rất riêng, nhưng tựu trung lại là doanh nghiệp cần được quan tâm, tạo điều kiện mọi mặt tốt hơn nữa. Doanh nhân, không chỉ mong được quan tâm, chúc tụng trong ngày 13/10 hàng năm, mà quanh năm phải mang tinh thần 13/10, có như thế doanh nhân mới có cơ lớn mạnh, doanh nghiệp mới có thể phát triển, đóng góp nhiều hơn nữa cho kinh tế đất nước…
Chân Thư
————–
Pháp lý (Thời luận) 18-10-2014:
http://phaply.net.vn/chinh-tri/thoi-luan/thang-10-va-chuyen-doanh-nghiep-doanh-nhan.html
(78/1.611)