(KTĐT) – Dù đứng đầu về kết quả thoái vốn Nhà nước nói chung nhưng theo chuyên gia kinh tế Trương Thanh Đức (ảnh), tiến độ thoái vốn của các ngân hàng thương mại cổ phần (NHTMCP) Nhà nước tại các công ty con và công ty khác có vốn góp không liên quan đến hoạt động và dịch vụ ngân hàng trong thời gian vừa qua vẫn rất chậm.
Để đẩy nhanh tốc độ thoái vốn Nhà nước của các DN Nhà nước nói chung và của khối NHTMCP Nhà nước nói riêng, cần phải đặt ra chỉ tiêu, thời hạn rõ ràng bắt buộc phải hoàn thành việc thoái vốn.
Ông đánh giá thế nào về lộ trình thoái vốn của các NHTMCP Nhà nước tại một số công ty con và các DN khác có vốn góp ngân hàng hiện nay?
– Theo số liệu mới nhất, 10 tháng năm 2014, các tập đoàn, tổng công ty đã thực hiện thoái vốn đầu tư vào 5 lĩnh vực nhạy cảm ước đạt 2.415 tỷ đồng, tăng gấp 2,5 lần so với thực hiện năm 2013 (965.459 triệu đồng), nhưng mới chỉ đạt khoảng 10,7% tổng vốn cần thoái. Dù đứng đầu về tốc độ thoái vốn Nhà nước nhưng theo tôi, tiến độ thoái vốn của các NHTMCP Nhà nước tại các công ty con và công ty khác có vốn góp không liên quan đến hoạt động và dịch vụ ngân hàng trong thời gian vừa qua vẫn rất chậm.
Khách hàng giao dịch tại một chi nhánh của Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam ở Hà Nội. Ảnh: Trần Việt |
Nguyên nhân của sự chậm này là do chưa có yêu cầu cụ thể thời hạn và giải pháp phải thực hiện việc thoái vốn Nhà nước của các ngân hàng tại các lĩnh vực đầu tư ngoài ngành. Thời gian qua, kinh tế khó khăn, việc chuyển nhượng cổ phần và phần vốn góp cũng khó khăn hơn. Thị trường chứng khoán suy giảm, giá cổ phần, cổ phiếu đi xuống dẫn đến tình trạng mua giá cao, bán giá thấp, nếu thoái vốn, DN Nhà nước sẽ bị lỗ. Bên cạnh đó, việc phải chịu trách nhiệm khi bán lỗ, gây thất thoát vốn Nhà nước cũng là nguyên nhân cản trở quá trình thoái vốn Nhà nước tại các công ty con của nhiều NHTMCP Nhà nước.
Từ 1/11/2014, quy định DN Nhà nước được thoái vốn dưới mệnh giá và giá trị sổ sách đã có hiệu lực. Quy định này có đẩy nhanh được tiến độ thoái vốn không, thưa ông?
-Theo Quyết định số 51/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, DN Nhà nước được thoái vốn dưới mệnh giá và giá trị sổ sách. Đây được xem là biện pháp để giải quyết điểm nghẽn trong quá trình cổ phần hóa DN Nhà nước hiện nay. Việc thoái vốn dưới mệnh giá, giá trị sổ sách kế toán phải dựa trên nguyên tắc hạn chế tối đa tổn thất đầu tư và bảo toàn vốn Nhà nước ở mức cao nhất.
Dù áp lực đã được giải tỏa, tuy nhiên, trách nhiệm cá nhân khi thoái vốn không bảo toàn được nguồn vốn của Nhà nước như thế nào thì vẫn vướng. Muốn đẩy nhanh việc thoái vốn Nhà nước thì cần giải quyết rõ hơn vấn đề này. Cùng với đó là phải đặt ra chỉ tiêu, thời hạn rõ ràng bắt buộc phải hoàn thành việc thoái vốn.
Ông nhìn nhận thế nào về nhiều ý kiến cho rằng, hiện có tình trạng DN Nhà nước nói chung và các NHTMCP Nhà nước “câu giờ” thoái vốn?
– Ngân hàng luôn là những định chế tài chính lớn mạnh và uy tín đứng sau DN. Các công ty con và công ty liên kết có vốn góp của ngân hàng đương nhiên là muốn có cổ đông hoặc thành viên công ty là các ngân hàng, vì việc đó trực tiếp hay gián tiếp có tác dụng hỗ trợ nguồn vốn, uy tín, thương hiệu, năng lực của DN. Rời ngân hàng ra, liệu sẽ phải tiếp nhận các cổ đông hay thành viên mới nào, có ủng hộ DN hay tạo ra những khó khăn, thách thức mới? Vì vậy, việc níu kéo là dễ hiểu.
Xin cảm ơn ông!
Hà Lâm thực hiện
—————–
Kinh tế & Đô thị (Thị trường Tài chính) 26-11-2014:
http://www.ktdt.vn/kinh-te/thi-truong-tai-chinh/2014/11/81028A9A/can-dat-ra-chi-tieu-thoi-han-hoan-thanh-viec-thoai-von/
(762/762)