(PLXH) – Lâu nay, con dấu và chữ ký luôn là “cặp bài trùng” mà nếu thiếu một trong hai thứ này thì các văn bản, giấy tờ của doanh nghiệp (DN) chưa được xem là đầy đủ tính pháp lý. Tuy nhiên, nhiều chủ DN lại cho rằng, quy định này vô hình trung đã biến con dấu từ thứ công cụ hỗ trợ trở thành vật có “quyền năng”, gây không ít “phiền phức” không đáng có cho DN.
DN có cần con dấu?
Theo pháp luật hiện hành, sau khi được cấp đăng ký kinh doanh, DN phải qua thủ tục khắc dấu, đăng ký mẫu dấu mới hoàn thiện thủ tục thành lập. Cũng từ khi có con dấu, DN bắt đầu được thể hiện đầy đủ tư cách pháp nhân trong các giao dịch. Tuy nhiên, tại hội thảo “Con dấu của DN Việt Nam – Sự cải tổ cần thiết” do Viện Quản lý kinh tế Trung ương vừa tổ chức, việc giữ hay bỏ tính bắt buộc pháp lý với con dấu của DN đã được bàn luận sôi nổi.
Một số ý kiến cho rằng, qui định về con dấu của DN như hiện nay là hợp lý, chưa nên bỏ con dấu pháp lý của DN bởi trên thực tế không ít người có thẩm quyền đã tạo lập các giao dịch thiếu minh bạch, gây thiệt hại cho DN. Khi đó, việc buộc phải có con dấu trong những trường hợp này chính là hạn chế sự lợi dụng chức vụ, bởi văn bản có hiệu lực còn phải qua thủ tục đóng dấu. Chưa kể, nếu bỏ ngay con dấu có thể gây ra xáo trộn với hoạt động quản lý DN và trong các giao dịch giữa DN và các cơ quan, tổ chức khác.
Ngược lại, rất nhiều chuyên gia kinh tế và luật sư (LS) cho rằng nên bỏ con dấu pháp lý của DN. Nhiều LS phân tích, tính an toàn an ninh khi sử dụng con dấu pháp lý thực chất cũng chỉ có tác dụng với “người ngay”, còn với “kẻ gian” thì chuyện làm con dấu giả khá đơn giản.
LS Nguyễn Hưng Quang (Văn phòng LS Nguyễn Hưng Quang và cộng sự) cho rằng cần cho phép DN có quyền quyết định việc lựa chọn sử dụng con dấu trong hoạt động kinh doanh. LS Quang nêu ví dụ các vụ án lừa đảo nghiêm trọng như vụ án Huỳnh Thị Huyền Như, nữ bị cáo này đã làm giả một loạt 8 con dấu của các tổ chức: Vietinbank chi nhánh Nhà bè, Cty Phúc Vinh, Cty Thịnh Phát, Cty Hưng Yên… để đóng vào các tài liệu, giấy tờ do mình làm giả và chiếm đoạt số tiền lên tới 4.000 tỷ đồng. Do đó, LS Quang cho rằng, khó có thể nói đóng dấu là việc “đảm bảo an toàn” hơn cho các giao dịch của DN, nên tư duy xem con dấu như vật “bảo đảm” cho chữ ký của lãnh đạo DN là không phù hợp.
Chỉ 7 nước quy định con dấu pháp lý của doanh nghiệp
Còn theo LS Trương Thanh Đức,Giám đốc Công ty Luật ANVI, hiện chỉ có 7 quốc gia trên thế giới quy định việc đóng dấu của DN mang tính bắt buộc và nhằm xác nhận chữ ký, tư cách pháp lý như Việt Nam, còn lại các nước qui định con dấu chỉ thể hiện ý nghĩa là dấu hiệu, biểu trưng cho DN. LS Đức cho rằng, quy định tính pháp lý bắt buộc của con dấu đã trở nên lỗi thời, cần sửa đổi sớm để cởi bớt một “xiềng xích” đối với DN.
Dẫn chứng có những vụ “đấu đá” nhau trong nội bộ DN, dẫn đến tranh chấp con dấu kéo dài nhiều năm, từ thực tiễn hành nghề, LS Đức cho biết, hành vi chiếm giữ con dấu pháp lý của DN hầu như không xử lý được, gây rắc rối, đình trệ hoạt động của DN. Chưa kể, theo LS Đức, luật pháp cho phép cá nhân có thể ký hợp đồng giao dịch lên đến hàng chục, hàng trăm tỷ đồng, vậy tại sao lại buộc pháp nhân phải có thêm con dấu?
“Mỗi năm các DN và đơn vị trực thuộc trong cả nước phải bỏ ra khoảng 12,8-16,8 tỷ đồng và khoảng 80.000-120.000 ngày chi phí cho việc làm con dấu”, luật gia Vũ Xuân Tiền, Chủ tịch Hội đồng thành viên Cty tư vấn VFAM Việt Nam cho biết, không chỉ tốn tiền, mất thời gian mà con dấu pháp lý còn gây “phiền phức” hơn khi DN có trụ sở và nhiều chi nhánh khác nhau thì thường xuyên phải vận chuyển con dấu vì điều kiện, thủ tục để xin hai con dấu rất phức tạp. Kéo theo đó là không ít việc bị chậm trễ do phải chờ đóng dấu.
Bỏ được không?
Vậy, bỏ tính pháp lý của con dấu được không, trong khi tính pháp lý của con dấu đang được quy định trong hàng chục đạo luật và hàng trăm văn bản hướng dẫn? Trong khi đó, để bỏ quy định này, ít nhất cũng phải giải quyết vướng mắc trong 21 đạo luật liên quan đến con dấu của DN và tổ chức tương tự DN.
Theo khoản 1, Điều 36 Luật Doanh nghiệp thì DN có con dấu riêng. Con dấu của DN phải được lưu giữ và bảo quản tại trụ sở chính của DN. Còn theo Điều 1, Nghị định số 58/2001/NĐ-CP về quản lý và sử dụng con dấu, đã được sửa đổi, bổ sung theo Nghị định số 31/2009/NĐ-CP thì con dấu thể hiện vị trí pháp lý và khẳng định giá trị pháp lý đối với các văn bản, giấy tờ của các cơ quan, tổ chức và các chức danh Nhà nước.
Nên bỏ tính pháp lý đối với con dấu của DN? Ảnh: TL
Từ những qui định này, dù người đại diện theo pháp luật hay người có quyền to nhất trong DN đã ký văn bản nhưng vẫn phải chờ đóng dấu thì chữ ký của họ mới có giá trị pháp lý. Hai yếu tố có giá trị pháp lý “ngang ngửa” nhau là chữ ký và con dấu đã tạo nên nhiều bất cập trong thực tiễn khi chữ ký thật, nhưng con dấu giả và ngược lại, chữ ký giả, nhưng con dấu thật.
Hiện, Luật Doanh nghiệp đang được xem xét sửa đổi. Trong Dự thảo sửa đổi, quy định về con dấu đã có sự thay đổi. Cụ thể, Dự thảo qui định hình thức và nội dung con dấu do DN quyết định và đăng ký với cơ quan đăng ký kinh doanh. Đồng thời, “con dấu được sử dụng trong các trường hợp theo quy định của pháp luật hoặc các bên giao dịch có thỏa thuận về việc sử dụng dấu”. Như vậy, qui định về con dấu của DN có thay đổi, tính bắt buộc phải có con dấu và con dấu có vai trò quyết định giá trị pháp lý đối với văn bản, giấy tờ của DN đã được “giảm bớt”. Thay bằng mẫu dấu theo qui định chung, mẫu con dấu của DN sẽ do DN tự quyết định.
Các qui định của Dự thảo cho thấy việc sử dụng con dấu phải theo văn bản hướng dẫn, chưa thể hiện cụ thể đóng dấu có phải là thủ tục bắt buộc cho các giao dịch của DN hay không. Tuy nhiên, với qui định một trong những nội dung đề nghị đăng ký DN là “mẫu dấu”, nhiều ý kiến cho rằng, điều này đồng nghĩa với việc DN vẫn bắt buộc phải có con dấu. Bên cạnh đó, quy định “Con dấu là tài sản của DN” và “Người đại diện theo pháp luật của DN phải chịu trách nhiệm quản lý việc sử dụng và lưu giữ con dấu” cho thấy con dấu vẫn được đề cao, vẫn gần như đồng nghĩa với việc DN bắt buộc phải có con dấu.
Nhiều ý kiến cho rằng, cả về ý nghĩa thực tiễn lẫn pháp lý đều cho thấy việc buộc các DN sử dụng con dấu như qui định hiện hành là không cần thiết. Theo LS Trương Thanh Đức, việc “cải tổ” dùng con dấu của DN cần xác định rõ là nên bỏ hẳn việc bắt buộc DN phải có con dấu và con dấu có giá trị pháp lý trong các văn bản, giấy tờ giao dịch của DN. Do đó, Dự thảo Luật Doanh nghiệp sửa đổi cần qui định DN không bắt buộc phải có con dấu hoặc DN có thể có con dấu và việc đóng dấu của DN không nhằm khẳng định giá trị pháp lý của văn bản, mà con dấu của DN chỉ có giá trị nhận biết thêm như là logo, biểu tượng của DN.
Phương Thảo
—————–
Pháp luật & Xã hội (Thông tin Kinh tế – Xã hội) 18-10-2014:
http://phapluatxahoi.vn/thong-tin-kt-xh/nen-bo-tinh-phap-ly-cua-con-dau-trong-doanh-nghiep-79750
(346/1.546)