606.  Các chuyên gia pháp luật góp ý sửa đổi, bổ sung một số điều luật, tội danh thuộc nhóm tội tham nhũng

(PL) – Trong lần sửa đổi Bộ Luật Hình sự (BLHS) lần này, việc bỏ hay giữ hoặc quy định chặt chẽ hơn trong một số điều luật, một số tội danh gây không ít những tranh luận. Phóng viên Pháp Lý đã có cuộc trao đổi với một số  chuyên gia pháp luật, Đại biểu QH, luật sư  để bạn đọc có cái nhìn rộng hơn về vấn đề này.

Có nên bỏ truy cứu trách nhiệm hình sự với người đưa hối lộ?

Vấn đề “chống tham nhũng” tiếp tục được đưa ra bàn thảo tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa 13, nhiều Đại biểu cho rằng không nên xử lý hình sự người đưa hối lộ, bỏ tội hối lộ nhằm khuyến khích người dân tăng cường tố giác tham nhũng.

Ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế Thanh tra Chính phủ cho biết, ở nhiều nước trên thế giới người ta chỉ xử lý hình sự nếu cố ý đưa hối lộ để có lợi thế, còn nếu bị ép buộc do sự phiền hà, sách nhiễu mà bản thân buộc lòng phải đưa để được việc thì trong trường hợp đó nếu người đưa chủ động khai báo trước khi hành vi bị phát hiện thì có thể xem xét miễn truy cứu trách nhiệm hình sự. Theo ông Tuấn Anh, đây là điều cần thiết và chắc chắc khi soạn thảo sửa đổi BLHS cũng phải tính đến vấn đề này.

Khi vấn đề miễn trách nhiệm hình sự được đặt ra đối với người đưa hối lộ, có nhiều ý kiến cho rằng nếu BLHS quy định như vậy có thể xem là một bước đột phá. Tuy nhiên, nếu bỏ hẳn ở Việt Nam sẽ dẫn đến tình trạng người dân tha hồ hối lộ mà không bị xử lý…

Luật sư Lê Quốc Đạt  thì lại cho rằng: Nếu không có người đưa hối lộ thì làm gì có người nhận hối lộ? Vì nếu thiếu một khâu đưa hay nhận (đôi khi có thêm môi giới) thì không thể tạo ra quan hệ pháp luật đó.

Là một người giảng dạy và nghiên cứu về luật hình sự, thạc sĩ Luật học Trần Đức Thìn cho rằng: Quy định tội đưa hối lộ hiện nay đã hợp lý. Bởi vì đối với những trường hợp bị đòi, bị gợi ý tức là nạn nhân mà chủ động khai báo thì đã được miễn TNHS. BLHS cũng đã quy định, tại khoản 6 Điều 289 như sau: “Người bị ép buộc đưa hối lộ mà chủ động khai báo trước khi bị phát giác, thì được coi là không có tội và được trả lại toàn bộ của đã dùng để đưa hối lộ. Người đưa hối lộ tuy không bị ép buộc nhưng đã chủ động khai báo trước khi bị phát giác, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự và được trả lại một phần hoặc toàn bộ của đã dùng để đưa hối lộ”. Luật quy định như thế đã là để động viên, khuyến khích người đưa hối lộ tố cáo người nhận hối lộ rồi.

Đồng thời, ông Thìn cũng cho rằng: Trong tội đưa hối lộ và tội nhận hối lộ, thông thường chỉ có người đưa và người nhận, nếu có thêm người thứ 3 thì  người này lại phạm tội môi giới. Nếu quy định bỏ tội đưa hối lộ, còn dẫn đến tình trạng trong khi điều tra tội phạm môi giới hối lộ sẽ gặp khó vì không có nhân chứng…


Ông Nguyễn Doãn Khánh, Phó Trưởng Ban Nội chính TW

Bàn về các biến tướng của hành vi đưa và nhận hối lộ, mới đây, ông Nguyễn Doãn Khánh, Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương, khẳng định chắc chắn có chuyện hối lộ bằng tình dục ở Việt Nam, vậy nên cần bổ sung vào Bộ luật hình sự để ngăn chặn, xử lý. Luật sư Lê Quốc Đạt cho rằng: Tôi cho rằng đó là quy định hợp lý. Hối lộ tức là đưa ra một giá trị để thỏa mãn… Đưa hối lộ tình dục cũng nhằm mục đích thỏa mãn từ đó thực hiện hoặc không thực hiện một hành vi nên cần phải đưa vào Luật. Cũng theo luật sư Lê Quốc Đạt thì ngoài đưa hối lộ tình dục quy định trong BLHS sửa đổi thì cần phải luật hóa nhiều hành vi đưa và nhận hối lộ như dùng quan hệ, dùng ảnh hưởng của mình tác động để những người thân quen được hưởng lợi.

Trước luồng quan điểm nhiều tranh cãi này, ông Trần Đức Thìn dưới góc độ luật học cho rằng: Hối lộ thì thuộc nhóm tội phạm tham nhũng, tức là phương tiện hối lộ mang tính chất vật chất. Đã gọi là tham nhũng thì người ta phải hưởng lợi ích vật chất nào đó… Trong tội nhận hối lộ, là tội phạm hình thức người ta chỉ cần có hành vi vòi vĩnh mà chưa nhận được gì đã bị truy cứu rồi. Còn tội đưa hối lộ là tội phạm hoàn thành khi người ta có hành vi đưa tiền mà không phụ thuộc vào người nhận có làm gì cho anh hay không.

Trở lại với thực tế, có thể có hối lộ tình dục nhưng có cần truy cứu trách nhiệm hình sự không? Có cần quy định chung trong tội nhận hối lộ hay quy định thành một tội riêng? Hiện nay ta chưa đánh giá được mức độ nghiêm trọng của việc đưa hối lộ tình dục ở Việt Nam.  Chúng ta tạm dùng từ hối lộ tình dục, hối lộ tình dục thì có liên quan đến tinh thần. Vậy nếu xếp vào nhóm tội tham nhũng thì tham nhũng cái gì?  Nếu xét về tội khác thì cũng không biết xếp vào đâu và tên gọi nó là gì vì nếu gọi là hối lộ tình dục thì nghe buồn cười… Bởi đã nói đến hối lộ là người ta nghĩ đến vật chất. Nếu đưa lên diễn đàn, có người sẽ có ý kiến là tham nhũng về thời gian, vậy có đến mức phải xử lý hình sự không? Tôi e ngại, vô hình chung chúng ta hình sự hóa tất cả mọi việc. Trong khi chúng ta đang có xu hướng phi hình sự hóa. Tóm lại tôi chưa đồng thuận về tội hối lộ về mặt tình dục. Hiện nay tôi nghĩ nó hơi vô lý mặc dù trong luật chống tham nhũng có cả quy định về việc hưởng lợi ích về vật chất và tinh thần…- ông Thìn nêu quan điểm

Tham nhũng là tội ác, cần giữ án tử hình đối với tội phạm tham nhũng?

Nhìn từ góc độ nhân văn thì, xu hướng hiện nay trên thế giới, trong đó có một số nước tiên tiến đã hoàn toàn bỏ tử hình và thay vào đó là án chung thân, án có thời hạn. Việt Nam cũng đang theo xu hướng đó. Với những vụ án kinh tế, tham nhũng nhiều ý kiến đưa ra, trước hết, phải trừng trị thật nghiêm nhưng không có nghĩa là phải tước đoạt sinh mạng mà có thể bằng các hình phạt như tù chung thân hoặc tù có thời hạn… Bỏ án tử hình đối với tội phạm tham nhũng là một vấn đề gây nhiều ý kiến trái chiều.

Về vấn đề bỏ hay không bỏ án tử hình đối với tội tham nhũng, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Đình Quyền khẳng định: “chưa thể bỏ ngay án tử”. Đại biểu này cho biết, việc rà soát tiến tới loại bỏ dần và giảm tới mức tối đa những tội danh có án tử hình là quan điểm nhất quán của Đảng và Chính phủ. Việc duy trì án tử hay không là tùy thuộc vào điều kiện xã hội, trình độ dân trí, cơ sở pháp lý, truyền thống, phong tục… của mỗi nước. Tuy nhiên, bỏ tử hình với tội danh nào phải căn cứ vào mức độ, tính chất và quá trình thi hành án. “Với hình thức nào cũng phải đảm bảo đủ sức răn đe, trừng trị nhưng vẫn dựa trên nguyên tắc tôn trọng quyền được sống của mỗi con người. Tuy nhiên, quyền được sống đó phải được đặt trong tổng thể quyền được sống của hàng triệu con người khác. Trong bối cảnh tham nhũng đang bức xúc như hiện nay, lòng dân còn đang ai oán thì việc đề xuất bỏ án tử hình với tội danh tham nhũng là chưa phù hợp với lòng tin của người dân. Đặc biệt đứng trước nhiệm vụ chính trị, với loại tội danh này cần phải được trừng trị nghiêm minh”. Do đó trong lần sửa đổi này, chưa thể bỏ được hoàn toàn tội danh tử hình.

Đại biểu Quốc hội Đỗ Văn Đương

Trao đổi với Pháp Lý, ông Đỗ Văn Đương – Ủy viên ủy ban tư pháp của Quốc hội: Tôi ủng hộ tiếp tục giữ án tử hình với tội phạm tham nhũng (tham ô, hối lộ) vì hình phạt tước bỏ tính mạng đó có sức răn đe mạnh mẽ, ít ra cũng khiến nhiều người sờn lòng, sợ chết mà không dám phạm tội. Ngoài ra tôi cho rằng ngoài hình phạt tử hình, tù chung thân cần bổ sung hình “phạt tù suốt đời” (hình phạt này khác với tù chung thân là không được giảm án ngày nào, ở tù cho đến chết). Bởi vì theo tôi, tham nhũng là một tội ác, như Đảng ta từng nói nó là thứ giặc nội xâm, nó làm đục khoét cơ thể kinh tế của đất nước rất nghiêm trọng, làm giảm nguồn lực đất nước, ảnh hưởng đến sự tồn vong của chế độ, làm mất niềm tin của nhân dân với Đảng và Nhà nước.

Khi đi tiếp xúc cử tri, cử tri gửi gắm tới đại biểu rất nhiều. Họ nói chúng ta phải diệt trừ tham nhũng mạnh mẽ, tập trung vào các vụ tham nhũng lớn; nếu chống tham nhũng tốt thì đất nước ta thay da, đổi thịt nhiều rồi; nhưng đáng buồn vì hiện nay, cử tri cho rằng chúng ta mới chủ yếu phát hiện, xử lý các vụ tham nhũng vặt; việc phát hiện, xử lý các vụ tham nhũng lớn chưa nhiều, chưa phản ánh đúng thực trạng tình hình; đáng buồn là việc thu hồi tài sản trong các tham nhũng rất hạn chế, chưa đạt hiệu quả như cử tri mong muốn.

Sửa đổi hay bỏ tội danh ” cố ý làm trái….”?

Đó là ý kiến của Luật sư Lê Quốc Đạt khi nói về quy định của Điều 165 của BLHS từ đó kiến nghị để cơ quan soạn thảo BLHS (sửa đổi), có những thay đổi đối với tội danh này. Theo đó, Điều 165, Bộ luật Hình sự năm 1999 quy định về tội cố ý làm trái các quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, trong đó hành vi cấu thành tội là “Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế….”. Theo ông Đạt quy định này quá chung chung bởi thực tế thì quản lý kinh tế có trong nhiều lĩnh vực như đầu tư, giáo dục, y tế… Nếu quy định chung trong một tội danh, khi tòa định tội sẽ khó “cá thể hóa” được tội phạm.

Nhà giáo ưu tú, Thạc sĩ Luật Trần Đức Thìn

Thạc sĩ luật học Trần Đức Thìn thì cho rằng điều 165 BLHS hiện nay rất khó áp dụng. Do những quy định pháp luật của chúng ta hiện nay còn chồng chéo, yếu kém, đôi khi trái nhau. Người ta làm cái này có khi cái kia lại không đúng. Như vậy có gọi là làm trái không? Tôi nghĩ người cố ý làm trái gây hậu quả nghiêm trọng, văn bản như vậy chưa cụ thể, rõ ràng và mâu thuẫn nhau thì có gọi là người ta làm trái không? Nên chăng những chỗ cụ thể, rõ ràng chúng ta cần có văn bản giải thích. Còn những chỗ chưa cụ thể, chưa rõ ràng thì chúng ta không nên truy cứu trách nhiệm hình sự. Còn nếu nói có bỏ không thì tôi nghĩ không nên bỏ vì cái vô ý mà chúng ta còn giữ thì đây cố ý nguy hiểm hơn nhiều. Nhưng cũng như điều luật trên tôi nghĩ cần có văn bản hướng dẫn, giải thích cụ thể hơn và phải nói rõ nếu người ta làm trái, người ta làm và chúng ta gọi là làm trái nhưng nếu văn bản còn yếu hoặc là quy định mâu thuẫn nhau thì sẽ không có chuyện làm trái.

Phân tích sâu hơn về vấn đề này,  Luật sư Trương Thanh Đức cho rằng: Theo Điều 165 BLHS quy định về Tội Cố ý làm trái  quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên, vấn đề này không chỉ áp dụng với lãnh đạo DN nhà nước mà còn được áp dụng cả với người quản lý DN tư nhân. Ví dụ trong vụ án bầu Kiên. Trong vụ án này, các Luật sư đã tranh cãi việc Ngân hàng ACB (là DN 100% vốn tư nhân) bị trở thành nguyên đơn bất đắc dĩ. Theo Luật sư Trương Thanh Đức phân tích, họ (Ngân hàng ACB) không hề có đơn yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại nhưng vẫn bị VKS xác định là nguyên đơn đối với khoản thiệt hại hơn 718 tỷ bị Huyền Như lừa đảo.“Chúng tôi không có thiệt hại, không có đơn yêu cầu thì pháp luật không thể yêu cầu ACB ngồi vào ghế của nguyên đơn, của người bị thiệt hại”.

Có thể thấy rằng, người quản lý DN tư nhân cũng là người được cổ đông giao “tay hòm chìa khóa”, khi ra quyết định sai sẽ gây thiệt hại cho DN và từ đó gây thiệt hại cho cổ đông (do giá trị DN giảm) chứ không phải cho Nhà nước. Cổ đông bị thiệt hại sẽ xử lý sai phạm bằng cách bãi nhiệm hoặc khởi kiện trách nhiệm dân sự (bao gồm đòi bồi thường thiệt hại) người quản lý đó. Ở vụ án này, phải chăng VKSTC muốn bảo vệ toàn bộ cổ đông ACB trong khi chính bản thân ACB cho rằng mình không thiệt hại và cũng chưa có cổ đông nào lên tiếng? Còn nếu VKSTC muốn bảo vệ chính sách tiền tệ, ngân hàng, chứng khoán của Nhà nước thì VKSTC phải xác định lại chủ thể bị thiệt hại và thiệt hại gây ra là gì. Nói rộng ra, nếu tội cố ý làm trái được áp dụng cho khu vực kinh tế tư nhân, giám đốc DN tư (gồm DN có vốn nước ngoài) sẽ như ngồi trên đống lửa, bởi vì họ có thể bị chụp lên đầu tội này bất cứ khi nào. Lo lắng đó là hợp lý khi mà pháp luật Việt Nam vốn được đánh giá là: chưa đầy đủ, chưa rõ ràng, chưa cụ thể, chưa tương thích, chưa minh bạch và chưa tiên liệu trước được đầy đủ. . .

Bộ Tư pháp, khi tổng kết thi hành BLHS đã cho rằng cần phải loại bỏ tội cố ý làm trái ra khỏi BLHS vì đã không còn phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế – xã hội và hội nhập. Ông Trần Văn Độ, Phó chánh án TANDTC, cũng đề xuất loại bỏ một số tội phạm có khả năng cản trở sự phát triển lành mạnh, năng động và phong phú của nền kinh tế thị trường, trong đó có tội cố ý làm trái. Theo ông, pháp luật hình sự không chỉ xử lý tội phạm, người phạm tội, mà còn tạo ra hành lang pháp lý an toàn cho sự phát triển này. Ngoài ra, tội phạm phải là hành vi nguy hiểm cho xã hội cụ thể chứ không thể là một cấu thành chung chung, mang tính khái quát để có thể áp dụng đối với bất kỳ hành vi nào trên thực tế .

Làm rõ để vận dụng chính xác các qui định tội ” Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng….

Một tội khác được quy định trong BLHS làm nhà giáo ưu tú Trần Đức Thìn và luật sư Lê Quốc Đạt băn khoăn đó là tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng (Điều 285). Ông Trần Đức Thìn cho rằng: Trong Bộ luật Hình sự, ngoài Điều 285 quy định tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng  còn 3 điều luật nói về tội thiếu trách nhiệm: thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng đến tàn sản Nhà nước; thiếu trách nhiệm trong việc giữ gìn vũ khí, vật liệu nổ; thiếu trách nhiệm để người bị giam, giữ trốn. Trừ 3 tội này ra, tất cả những tội thiếu trách nhiệm còn lại dồn vào Điều 285. Giống như cái “rọ” đựng các loại thiếu trách nhiệm khác. Trước những hạn chế của điều luật này, thạc sĩ Trần Đức Thìn cho rằng: Tuy điều luật có nhiều bất cập nhưng theo tôi thì không nên bỏ vì bỏ thì sẽ dẫn đến tình trạng để lọt tội phạm. Chúng ta cần có các văn bản dưới luật giải thích cho Điều luật này…

Luật sư Lê Quốc Đạt, Giám đốc Công ty TNHH Luật Trí Tuệ

Luật sư Lê Quốc Đạt cũng băn khoăn về vấn đề này. Luật sư cho rằng, có rất nhiều hành vi thiếu trách nhiệm trong nhiều ngành, nhiều tổ chức, nhiều cơ quan gây hậu quả nghiêm trọng cho người dân phải truy cứu trách nhiệm hình sự. Nếu không truy cứu trách nhiệm hình sự thì mâu thuẫn gay gắt với lợi ích của xã hội. Bởi vậy theo luật sư này cần sửa đổi điều 285 để không bỏ lọt tội phạm, để truy cứu trách nhiệm hình sự phù hợp với hành vi phạm tội. Luật sư này hiến kế: Theo tôi có thể  có thể chia nhỏ nhiều dạng hành vi thiếu trách nhiệm như thiếu trách nhiệm trong việc giải quyết đơn thư tố cáo, thiếu trách nhiệm trong giải quyết vụ án, trong quản lý thuế…

Có nên luật hóa “Tội làm giàu bất chính”?

Trong một kỳ họp Quốc hội gần đây, Bộ trưởng Bộ Tư pháp có đưa ra đề nghị “Luật hóa tội làm giàu bất chính” trong Bộ luật Hình sự; quy định tội danh làm giàu bất chính thông qua việc hình sự hóa hành vi không chứng minh được nguồn gốc tài sản bất minh. Theo ông Nguyễn Công Hồng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội cho biết, khi phê chuẩn Công ước LHQ về phòng, chống tham nhũng năm 2009, Việt Nam tuyên bố không bị ràng buộc bởi các quy định về hình sự hóa hành vi làm giàu bất hợp pháp và trách nhiệm hình sự của pháp nhân. Tuy nhiên, qua quá trình đấu tranh phòng chống tham nhũng, khoảng cách hội nhập về pháp lý này đang bộc lộ những bất cập. Bộ luật Hình sự hiện chưa quy định hành vi làm giàu bất hợp pháp là tội phạm. Tuy nhiên, khi có dấu hiệu nghi ngờ tài sản của một công chức tăng đáng kể so với thu nhập hợp pháp của công chức đó có liên quan đến tội phạm thì cơ quan điều tra sẽ tiến hành kiểm tra, xác minh, và nếu xác định có dấu hiệu tội phạm thì ra quyết định khởi tố.

Nhận định “coi hành vi làm giàu bất hợp pháp là tội phạm” là một quy định tương đối mạnh mẽ, hiệu quả trong phòng chống tham nhũng, ông Hồng kiến nghị khi sửa BLHS cần nghiên cứu bổ sung quy định này. “Theo đó, việc tài sản của một công chức tăng đáng kể so với thu nhập hợp pháp của công chức mà công chức này không giải thích được một cách hợp lý sẽ bị coi là phạm tội và bị truy cứu trách nhiệm hình sự”.

Trao đổi với Phóng viên Pháp lý, ĐBQH Đỗ Văn Đương cho rằng: Cần thiết phải luật hóa tội danh này. Thực tế cho thấy, nếu quy định xử lý tội danh tham nhũng như tham ô, hối lộ là chưa đủ, và thực tế khó chứng minh nên cần phải bổ sung thêm quy định về “Tội làm giàu bất hợp pháp”, nếu chứng minh được hành vi chiếm đoạt để có được khối tài sản đó thì vừa thu hồi, vừa xử lý hình sự. Nếu không xử lý hình sự được thì thu hồi tài sản bằng biện pháp dân sự cũng là thỏa đáng

Con đường có tài sản thông thường là thừa kế, tặng cho, lao động bằng trí tuệ, sản xuất kinh doanh hợp pháp. Nếu năng lực không có, không có thừa kế, không được tặng cho, không có sản xuất, kinh doanh thì rõ ràng khối tài sản có được chỉ là do tham ô, hối lộ hoặc do con đường tội phạm khác mà có. Trên thực tế, chỉ tham ô nhận hối lộ một vài vụ chưa tạo ra khối tài sản lớn nhưng tích lũy nhiều vụ, trong nhiều năm sẽ phát sinh ra khối tài sản lớn.

Quy định tội làm giàu bất hợp pháp hoặc thu hồi dân sự tài sản bất minh trên hoàn toàn thống nhất giữa chủ quan và khách quan. Hành vi khách quan là hoạt động phạm tội nhiều lần, nhiều năm và chủ quan là nhận thức rõ khuất tất, mờ ám nhưng không giải trình được. Tôi cho rằng có thể hình sự hóa được tội này và do đó xử lý được những khối tài sản có được do việc làm bất chính trả lại cho Nhà nước và nhân dân.

Tuy nhiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Đình Quyền lại cho rằng, nguyên tắc của pháp luật là nghĩa vụ chứng minh. Nếu anh không chứng minh được thì anh không thể nói do tôi không giải trình được nguồn gốc tài sản thì anh quy tội tôi có tài sản bất minh được. Quy định này rất nguy hiểm vì có thể rơi vào nguyên tắc suy đoán vô tội. Anh muốn chứng minh tôi là tội phạm thì anh phải có chứng cứ. Anh không thể suy đoán theo hướng tôi không chứng minh được tài sản của mình thì tôi có tội.

Ông Quyền cũng cho rằng, nước ta có một đặc thù là không quản lý được tài sản của công dân trong quá trình hình thành tài sản đó. Cho nên bản thân người ta không nhớ và bản thân nhà nước cũng không quản lý được nên tội đó đưa vào chắc là không thể khả thi. Việc đưa tội này vào Bộ luật Hình sự của Việt Nam là cả một vấn đề cần phải nghiên cứu trong cả một tổng thể hệ thống pháp luật.

Nhóm PV chuyên mục Từ cuộc sống đến Nghị trường (thực hiện

—————–

Pháp lý (Diễn đàn) 27-11-2014:

http://phaply.net.vn/dien-dan/cac-chuyen-gia-phap-luat-gop-y-sua-doi-bo-sung-mot-so-dieu-luat-toi-danh-thuoc-nhom-toi-tham-nhung.html

(435/4.014)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

433. Bình luận về Chủ sở hữu hưởng lợi của...

Bình luận về Chủ sở hữu hưởng lợi của doanh nghiệp Tham luận Hội...

Phỏng vấn 

4.390. Cải cách thể chế bắt đầu từ con người.

Cải cách thể chế bắt đầu từ con người. (VNN) - Thể chế sai không thể...

Trích dẫn 

3.908. Ngăn chặn những "văn phòng bất động sản...

Ngăn chặn những "văn phòng bất động sản di động" đẩy giá đất. (VTV.vn)...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 231,769