(TT) – Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đang tổ chức lấy ý kiến doanh nghiệp (DN) về hai dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) và Luật Đầu tư (sửa đổi) – dự kiến được thông qua tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII.
Làm thủ tục tiếp nhận và trả hồ sơ đăng ký kinh doanh cho các doanh nghiệp tại Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội. Ảnh: Danh Lam – TTXVN. |
Cần quy định cụ thể ngành, nghề bị cấm
Theo Luât sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, các ngành, nghề cấm kinh doanh quy định tại dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) còn mập mờ hơn cả luật hiện hành vì không quy định lý do bị cấm kinh doanh. Chính vì vậy, theo ông Đức, cần quy định cụ thể các ngành, nghề bị cấm kinh doanh trong dự thảo vì quyền tự do kinh doanh đã được Hiến định, chỉ có thể bị cấm bằng luật theo tinh thần của Hiến pháp.
Mặt khác, điều này cũng là để doanh nghiệp được tự do kinh doanh tất cả những gì pháp luật không cấm. Bởi thực tế đã chứng minh, Nghị định 102 (quy định chi tiết thi hành Luật Doanh nghiệp) đã quy định 14 ngành, nghề cấm kinh doanh không hoàn toàn chính xác. Ví dụ như cấm kinh doanh các loại pháo là không đúng bởi “lấy đâu ra pháo hoa để bắn nếu không có việc sản xuất, mua bán, nhập khẩu pháo hoa”.
Luật sư Lê Nga, Công ty TNHH Hà Việt, cho rằng, không phải tại dự thảo lần này, quyền tự do kinh doanh mới được quy định. Tuy nhiên, các cơ chế để quyền thực thi quyền này lại chưa được bảo đảm nên đã làm cho hạn hẹp đi nhiều. Các cơ quan đăng ký kinh doanh áp dụng một cách máy móc, thậm chí có phần sách nhiễu quy định về hệ thống ngành kinh tế Việt Nam đã dẫn đến việc khi không có điều chỉnh ngành hoặc liệt kê không chính xác, doanh nghiệp cũng không đăng ký kinh doanh, dù không có văn bản cấm.
“Do vậy, nên quy định trong dự luật là các cơ quan hướng dẫn thi hành, các cơ quan đăng ký doanh nghiệp… không được hạn chế quyền tự do kinh doanh các ngành, nghề mà luật không cấm”, bà Nga kiến nghị.
Cũng theo bà Nga, dự luật cũng nên quy định chi tiết hơn các hành vi bị cấm của cơ quan đăng ký doanh nghiệp như: Không yêu cầu sửa đổi bổ sung hồ sơ nhiều lần, trừ các trường hợp các yêu cầu đó được thực hiện không đúng, không đầy đủ. Bởi ràng buộc được càng nhiều trách nhiệm thì tiêu cực khi đăng ký doanh nghiệp càng được giảm thiểu.
Theo ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI, cùng với dự thảo Luật Đầu tư (sửa đổi), Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) đã được Quốc hội xem xét rất kỹ quyền tự do kinh doanh có được bảo đảm không và hai dự luật này là điển hình cho việc làm luật minh bạch. Và, việc có được luật này sẽ giúp Việt Nam thăng hạng trong bảng xếp hạng toàn cầu khi tạo môi trường luật pháp, môi trường kinh doanh minh bạch.
Để các luật chuyên ngành không xâm phạm đến quyền tự do kinh doanh cơ bản của doanh nghiệp, tránh bị lạm dụng trong quá trình soạn thảo các luật chuyên ngành thì yêu cầu quan trọng nhất là dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) phải được quy định rõ ràng.
Sợ thủ tục hành chính kéo dài
Liên quan đến dự thảo Luật Đầu tư (sửa đổi), theo ông Ngô Việt Hòa, Công ty Luật Russin&Vecchi, thủ tục cấp giấy chứng nhận đầu tư trong dự thảo còn khá phức tạp, đặc biệt là đối với các dự án thuộc lĩnh vực kinh doanh có điều kiện hoặc dịch vụ.
Thời gian cấp phép thực tế trong nhiều trường hợp dài hơn rất nhiều so với luật định. Ví dụ như để cấp giấy chứng nhận đầu tư cho nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực phân phối, cơ quan cấp phép phải xin ý kiến đồng ý của Bộ Công Thương, các Sở Kế hoạch và Đầu tư mới có thể cấp giấy chứng nhận đầu tư. Tuy nhiên, không phải lúc nào cơ quan được lấy ý kiến cũng phản hồi đúng hạn và nhiều trường hợp đây là khoảng thời gian bị kéo dài đáng kể.
Do đó, để chấm dứt tình trạng này, cần có quy định mang tính nguyên tắc là sau một thời hạn nhất định, cơ quan được hỏi ý kiến không có hồi đáp thì được coi là đồng ý. Nguyên tắc này nếu được thực hiện sẽ tăng trách nhiệm phản hồi và phối hợp giữa các cơ quan nhà nước, từ đó đẩy nhanh một cách đáng kể quy trình cấp phép đầu tư.
Bà Nguyễn Kim Dung, Trung tâm Apolo Việt Nam đề nghị, dự luật cần bổ sung quy định trong vòng 5 ngày kể từ ngày nhà đầu tư nộp hồ sơ, nếu cơ quan cấp giấy chứng nhận đầu tư không có ý kiến thì hồ sơ xem như là đủ và cơ quan cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư xem xét, cấp giấy trong thời hạn 15 ngày. Trường hợp từ chối thì cơ quan cấp giấy phải thông báo bằng văn bản cho nhà đầu tư và nêu rõ lý do.
Thanh Hương
——————
Tin tức (Kinh tế) 19-10-2014:
http://baotintuc.vn/kinh-te/con-ban-khoan-ve-quy-dinh-dau-tu-kinh-doanh-20141019183725454.htm
(176/975)