(PL) – Theo công bố của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), có đến 68,3% doanh nghiệp được khảo sát cho biết sẵn sàng tham gia xây dựng dự thảo luật mà họ quân tâm.
“Có nhiều người nói rằng DN không nhiệt tình, không có cơ sở nhất định… nhưng theo tôi, không phải như thế. Khi DN đưa ra ý kiến, dù ý kiến nhỏ thôi thì chúng ta cũng nên lắng nghe để tiếp thu” – Luật sư Đức đề nghị.
Các doanh nghiệp rất quan tâm tới các quy định của pháp luật tác động trực tiếp tới hoạt động của mình.
Luật Doanh nghiệp: Mối quan tâm hàng đầu
Khi được hỏi doanh nghiệp (DN) quan tâm đến dự thảo luật và luật nào nhất, 53,8% DN trả lời là Dự thảo Luật DN sửa đổi. Dự thảo Luật Đầu tư sửa đổi, Luật Bảo hiểm xã hội, Ký kết hợp tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Ký kết Hiệp định Thương mại tự do ASEAN-EU được khoảng 9% DN quan tâm. Luật Dạy nghề được ít DN quan tâm nhất trong số các dự luật được nêu, chiếm khoảng 0,8%.
“Trong bối cảnh Việt Nam đang tiến tới hình thành cộng đồng kinh tế ASEAN với xu thế hội nhập thị trường lao động và những yêu cầu mới của việc nâng cao năng suất lao động thì sự “ thờ ơ “ của DN đối với Dự thảo Luật Dạy nghề là một tín hiệu đáng quan ngại từ cả hai phía: Từ phía DN là vấn đề nhận thức, và từ phía nhà soạn thảo Luật thì là tính thực tiễn của Dự thảo Luật. Trên thực tế, vấn đề kỹ năng nghề luôn là mối quan tâm sâu sắc của DN, tuy nhiên hiện trạng đào tạo nghề không đáp ứng được yêu cầu của DN đòi hỏi Dự thảo Luật Dạy nghề cần có sự tham khảo kỹ hơn từ phía cộng đồng DN…”- bà Đoàn Thị Quyên, Viện Phát triển DN, VCCI lưu ý.
Khảo sát ý kiến DN về Luật DN 2005, có đến 32,7% DN cho rằng vẫn tồn tại sự không tương thích giữa Luật DN và các văn bản hướng dẫn thi hành. Nội dung DN cho là bất cập, gây khó khăn nhất cho DN là quy định về chia tách, hợp nhất, sáp nhập DN. Có đến 23,2% DN đồng tình với nhận định này.
Đừng để doanh nghiệp “ngã ngửa” khi luật được ban hành
Kết quả khảo sát cũng cho thấy, có đến 68,3% DN sẵn sàng tham gia xây dựng dự thảo luật mà họ quân tâm. Điều này thể hiện ý thức của DN trong việc xây dựng, hoàn thiện các điều luật để các điều luật ban hành sát với thực tiễn hơn. Nhiều DN chia sẻ việc tham gia xây dựng dự thảo luật hay các văn bản hướng dẫn, nhất là những vấn đề liên quan đến hoạt động của DN chính là quyền lợi sát sườn của DN, mặc dù không phải trường hợp nào DN cũng được xin ý kiến. Không ít trường hợp khi văn bản đã được ban hành và triển khai trong thực tiễn, DN mới “ngã ngửa” vì trước khi ban hành không được biết mặc dù DN của mình là đối tượng điều chỉnh trực tiếp.
GS.TSKH Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) trong một diễn đàn báo chí mới đây cho biết, liên quan đến góp ý Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi, Bộ TN&MT đã nhận được gần 7 triệu lượt ý kiến góp ý của các tổ chức, cá nhân và không phải DN, người dân không quan tâm đến việc góp ý xây dựng Luật, tuy nhiên, nhiều vấn đề với số lượng ý kiến đóng góp rất lớn nhưng không được tiếp thu, nhưng cũng có những vấn đề ít hoặc không có ý kiến lại được đề nghị tiếp thu để cập nhật vào Dự thảo Luật… Vị chuyên gia này đặt vấn đề: “Tiêu chí nào để cơ quan soạn thảo tiếp thu ý kiến đóng góp?”.
Luật sư Trương Thanh Đức – Giám đốc Công ty Luật ANVI cũng thẳng thắn cho rằng, nhiều cuộc hội thảo lấy ý kiến DN chỉ là hình thức. “Có nhiều người nói rằng DN không nhiệt tình, không có cơ sở nhất định… nhưng theo tôi, không phải như thế. Khi DN đưa ra ý kiến, dù ý kiến nhỏ thôi thì chúng ta cũng nên lắng nghe để tiếp thu” – Luật sư Đức đề nghị.
Theo kiến nghị của VCCI, Nhà nước cần lấy ý kiến rộng rãi và tạo điều kiện hơn nữa để các DN có cơ hội tham vấn dự thảo luật để các quy định của pháp luật về doanh nhân, doanh nghiệp ngày càng phù hợp với thực tiễn cuộc sống./.
Thành Luân
—————-
Pháp luật Việt Nam (Chinh sách) 06-11-2014:
(76/857)