609. Bỏ con dấu doanh nghiệp: Cởi trói cho doanh nghiệp!

(CL) – Nhiều ý kiến tán thành dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) quy định DN tự quyết định về hình thức nội dung con dấu. Tuy nhiên, DN phải đăng ký mẫu dấu với cơ quan đăng ký kinh doanh để đăng tải công khai trên Cơ sở Dữ liệu quốc gia về đăng ký DN. Con dấu từ vị trí là tài sản, là công cụ đã trở thành một thứ “siêu quyền lực” vượt lên trên doanh nghiệp, gây ra không ít phiền toái, thậm chí trở thành xiềng xích cho doanh nghiệp.

Khốn khổ vì… con dấu

Ai cũng biết, hàng chục năm qua con dấu đã bị lạm dụng quá nhiều. Luật DN và nhiều luật chuyên ngành đã bắt buộc sử dụng con dấu; DN mới khai sinh, chưa có hoạt động sản xuất kinh doanh gì đã phải gặp ngay công an để làm con dấu; nhất nhất mọi hoạt động giao dịch… đều dùng con dấu. Nếu để mất con dấu, mọi hoạt động của DN bế tắc. “Giống như một xiềng xích, DN phải bám chặt vào con dấu. Vì đã trở thành như bộ phận tất yếu nay được cởi trói thì lại thấy mất mát, lo lắng… Nó giống như thứ nghiện mà DN cần phải cai”, luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI nói

Ông Nguyễn Minh Đức, đại diện Ban Pháp chế – Phòng Thương mại và Công nghiệp VN (VCCI), cũng cho biết: “Khi chúng tôi khảo sát, nhiều DN tỏ ý lưỡng lự nói rằng, việc này đỡ tốn thời gian, chi phí nhưng hoài nghi vì đối tác sẽ không quen. Họ nói, cản trở lớn nhất là cơ quan nhà nước yêu cầu. Nếu hồ sơ, giấy tờ vẫn yêu cầu thì không có con dấu là không được”.

Trên thực tế, việc sử dụng con dấu đã gây ra rất nhiều phiền toái. Luật sư Cao Bá Khoát, Giám đốc Công ty tư vấn “K và cộng sự” nói: “Nhiều vụ tranh chấp ở các công ty cổ phần có người còn cướp con dấu đem đi vì ai chưa nắm được con dấu coi như chưa nắm được chính quyền, nghị quyết đại hội cổ đông sau khi họp mà không có con dấu, không thi hành được”. Cho rằng việc quá đề cao con dấu đã gây nên nhiều hệ quả, ông Khoát dẫn chứng: “Như vụ Viettinbank, Huỳnh Th Huyền Như đã làm giả đến 8 con dấu, làm chứng từ giả. Nếu không quá đề cao tính pháp lý của con dấu, Huyền Như đã không thể lừa đảo được hàng ngàn tỉ đồng như vậy”.

Luật gia Vũ Xuân Tiền, Trưởng ban Phản biện chính sách – Hội Các nhà quản trị DN VN, cho biết: “Nhiều năm qua, có rất nhiều vụ chiếm giữ con dấu để tranh giành quyền lực ở DN như ở Công ty cổ phần Hữu nghị Hà Nội, Công ty cổ phần kim khí Hải Phòng, Đại học Hùng Vương… Mới đây có vụ Công ty cổ phần tư vấn đầu tư STN (TP.HCM) chiếm giữ con dấu, làm tê liệt hoạt động của công ty trong thời gian dài”.

Con dấu không còn an toàn nữa

Tham dự hội thảo, ông Jean Michel, chuyên gia của Ngân hàng Thế giới, chia sẻ: “Ở một số nước còn lại, trong đó có VN, sử dụng con dấu đã thành một thói quen, văn hóa, nhưng thực sự bây giờ con dấu không còn an toàn, rất dễ làm giả. Xu hướng là phải thay thế con dấu bằng chữ ký điện tử. Cách làm tốt nhất như ở các nước là ban hành luật Chữ ký điện tử, luật Giao dịch thương mại điện tử công nhận chữ ký điện tử của DN, quy định scan chữ ký, đưa vào hợp đồng, giấy tờ”.

Ông Nguyễn Đình Cung cho rằng, để có thể thay đổi quy định về con dấu không đơn giản vì sẽ phải rà soát, sửa đổi về kỹ thuật rất nhiều do quy định về con dấu có trong khoảng… 20 luật. Luật sư Trương Thanh Đức thì đề nghị bãi bỏ hoàn toàn con dấu để theo thông lệ quốc tế, tránh sửa đi sửa lại luật nhiều lần.

Riêng luật sư Cao Bá Khoát lại cho rằng: “Cần hướng tới bãi bỏ hoàn toàn con dấu, nhưng trước mắt hãy cho DN lựa chọn, như một dấu hiệu nhận dạng. Tôi nghĩ là việc để DN tự làm con dấu, ban đầu chưa quen nhưng sau cũng sẽ quen”.

Bỏ con dấu là một bước cải cách lớn

TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM, cho hay Thủ tướng đã yêu cầu chuyển con dấu DN từ bắt buộc sang hướng DN được tự khắc dấu nếu thấy cần thiết và đăng ký với cơ quan đăng ký kinh doanh. “Đó là một cải cách lớn không phải trong nghiệp vụ mà là thay đổi về tư duy. Chính vì vậy Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã thể hiện ý tưởng cải cách này trong dự thảo Luật DN sửa đổi mới đây” – ông Cung nói.

“Việc DN tự thiết kế con dấu cũng giống việc tự in hóa đơn VAT. Ban đầu, cũng có nhiều ý kiến lo ngại việc tự in hóa đơn, sau đấy mọi chuyện trở nên bình thường. DN tự in hóa đơn ngày càng nhiều. Quá trình thay đổi con dấu cũng sẽ như vậy” – ông Nguyễn Minh Đức, Ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, nói thêm.

Ông Jean Michel khuyến nghị Việt Nam cần rà soát những quy định, luật nào đòi con dấu để sửa đổi theo hướng để DN tự chọn. Đồng thời, Việt Nam cần một hệ thống chữ ký điện tử hiện đại. “Con dấu từng là hoạt động không thể tách rời trong hoạt động của công ty trước đây nhưng ngày nay có rất nhiều công cụ để thay thế, nếu Việt Nam không thay đổi thì sẽ mất nhiều cơ hội kinh doanh. Vì vậy cần có khung pháp lý đón đầu. DN không nên tốn thời gian vào việc không còn mấy ý nghĩa này nữa. Những nước cha đẻ của con dấu cũng đã bỏ rồi” – ông Jean nhắn nhủ.

N.Huy

—————–

Ông Nguyễn Minh Đức, đại diện Ban Pháp chế VCCI cho biết, một khảo sát nhanh của VCCI với cộng đồng DN tuần qua cho thấy, có tới 52% DN đồng ý bỏ con dấu, 30% ý kiến đề nghị cho DN khắc dấu và tự đăng ký với cơ quan nhà nước và chỉ có 28% ý kiến đề nghị giữ nguyên như hiện nay. “Nhiều DN tỏ ra hào hứng về việc sẽ tự làm dấu với hình dáng, màu sắc khác nhau, thay cho mỗi kiểu dấu tròn, đỏ như hiện nay”, ông Đức nói.

Dẹp rủi ro lớn từ con dấu nhỏ

Tại Thông báo số 370/TB-VPCP ngày 18/9/2014, Thủ tướng đã yêu cầu Bộ Công an nghiên cứu sửa đổi quyđịnh về quản lý con dấu theo hướng cho phép doanh nghiệp chủ động tự khắc dấu, thông báo sử dụng con dấu, tiến tới thay con dấu bằng chữ ký, chữ ký điện tử.

Đây là một phần trong ý kiến kết luận của Th tướng về cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực thành lập, tổ chức lại, giải thể doanh nghiệp, sau buổi làm việc trước đó với nhiều bộ ngành về vấn đề này.

Thực tế, với các quy định hiện hành về con dấu, mất con dấu chỉ là một trong số những rủi ro mà doanh nghiệp có thể phải gánh chịu.

Một luật sư từng ví von trên báo chí: Quan hệ giữa doanh nghiệp và con dấu có thể coi như cha và con, nhưng pháp luật hiện hành đang đặt “con trên cha”, tức là trong nhiều trường hợp, đứa con này có một quyền lực rất lớn là xác nhận tư cách, thậm chí là năng lực của cha mẹ nó. Không có nó, doanh nghiệp không làm được gì.

Tại Diễn đàn Doanh nhân Việt Nam được tổ chức mới đây, TS Nguyễn Văn Phúc, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã nhắc tới việc sửa đổi các quy định về con dấu như một ví dụ điển hình trong số hàng loạt các biện pháp đột phá đã và đang được tiến hành trong lĩnh vực đầu tư, kinh doanh.

“Đó chỉ là một điểm mang tính kỹ thuật nhưng về tư tưởng lại rất lớn”, ông Phúc nhận xét. Vị Phó Chủ nhiệm có lẽ muốn nói tới tinh thần “cởi trói” cho tự do kinh doanh, doanh nghiệp được kinh doanh mọi ngành nghề mà pháp luật không cấm, được thể hiện nhất quán trong các dự thảo sửa đổi Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư.

Trao đổi với phóng viên, TS Nguyễn Đình Cung- Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương- phân tích rõ hơn: Có rất nhiều rủi ro phát sinh từ việc sử dụng con dấu, đặc biệt là trong tranh chấp thương mại. Ở Việt Nam, nếu không đóng dấu thì văn bản không có hiệu lực, nghĩa là “nếu một ông nào đó cầm mất con dấu thì doanh nghiệp sẽ gặp lôi thôi”.

Trên thực tế, báo chí đã phản ánh không ít vụ chiếm đoạt con dấu, thậm chí cướp con dấu để… đòi tiền chuộc. Mặt khác, nếu tiếp tục sử dụng con dấu như hiện nay thì các giao dịch điện tử sau này sẽ rất khó thực hiện.

Theo ông Cung, với việc thực hiện kết luận của Th tướng, con dấu sẽ không còn là công cụ quản lý nhà nước, không phải là tài sản quốc gia nữa. Con dấu chỉ là dấu hiệu của doanh nghiệp nếu cần thiết, là tài sản của doanh nghiệp và khi ai đó lấy mất con dấu thì doanh nghiệp có thể ngay lập tức tuyên bố hủy con dấu đó, khắc con dấu khác.

Không chỉ có vậy, “vai trò” của con dấu trong vấn đề khởi sự kinh doanh có thể làm không ít người ngạc nhiên. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hiện khởi sự kinh doanh ở Việt Nam gồm 10 bước thủ tục với 34 ngày, trong đó riêng bước khắc dấu mất 6 ngày.

TS Nguyễn Đình Cung cho hay, việc cải cách các quy định về con dấu sẽ góp phần rút ngắn đáng kể quy trình khởi sự kinh doanh, chỉ còn 5 bước thủ tục với tối đa 6 ngày, thực hiện được yêu cầu của Th tướng Chính phủ.

Rõ ràng, con dấu tuy nhỏ nhưng những vấn đề đi cùng lại không nhỏ chút nào. Việc sửa đổi những quy định về con dấu để giảm bớt “uy quyền” của nó cũng là nhằm giảm bớt sự can thiệp của cơ quan hành chính nhà nước vào hoạt động của doanh nghiệp, “cởi trói” cho doanh nghiệp và bảo đảm quyền tự do kinh doanh đã được hiến định.

K.An

—————-

Bỏ con dấu doanh nghiệp, Thủ tướng rất ủng hộ!

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Nguyễn Văn Phúc cho biết, Thủ tướng và cộng đồng doanh nghiệp rất ủng hộ việc bỏ con dấu doanh nghiệp. “Việc bỏ con dấu cần được triển khai càng sớm càng tốt, ngay sau khi luật có hiệu lực. Việc này sẽ thúc đẩy cải cách mạnh mẽ hơn, góp phần nâng hạng Việt Nam trên trường quốc tế”, ông Phúc nhấn mạnh.

Quan điểm của Thủ tướng, cộng động doanh nghiệp cũng muốn bỏ con dấu, phù hợp với thông lệ quốc tế. Cũng có ý kiến cho rằng bỏ con dấu phải tính đến điều kiện của Việt Nam. Cho nên trong dự án Luật Đầu tư cũng thể hiện con dấu là dấu doanh nghiệp, có nghĩa là cho doanh nghiệp được tự quyết định hình thức, nội dung con dấu và đăng ký với cơ quan đăng ký kinh doanh để thông báo về việc tôi có con dấu như vậy.

Với những trường hợp nào còn sử dụng, trong quá trình giao dịch, nếu đối tác mà không còn dùng con dấu thì không phải lo lắng. Ví dụ doanh nghiệp A và B có ký đồng hợp tác, doanh nghiệp B không còn dùng dấu thì chỉ cần chữ ký là được, không cần con dấu. Tuy nhiên, doanh nghiệp A thì vẫn dùng con dấu thì phải linh hoạt.

Trên thế giới cũng thế, có những doanh nghiệp vẫn dùng con dấu, có những nước vẫn dùng con dấu và họ yêu cầu phải có con dấu. Trong trường hợp đó, doanh nghiệp vẫn phải dùng con dấu của mình. Như vậy, chúng ta phải rất linh hoạt. Hoặc là pháp luật quy định có những trường hợp quy định bắt buộc phải sử dụng con dấu. Ví dụ như có những trường hợp xảy ra phải sử dụng con dấu để đảm bảo an toàn, bí mật như có người đến doanh nghiệp yêu cầu cung cấp thông tin liên quan đến doanh nghiệp; hay như cơ quan nhà nước yêu cầu doanh nghiệp cung cấp thông tin về nhân sự hoặc một số thông tin khác. Có nghĩa, những trường hợp này phải sử dụng con dấu. Nhưng những trường hợp nào phải sử dụng con dấu thì Nhà nước sẽ quy định. Cái này phải cải cách mạnh mẽ. Đấy cũng là một trong những nội dung của cải cách. Khi chúng tôi làm việc với các tổ chức quốc tế như IFC, họ cho rằng nếu chúng ta cải cách được các thủ tục con dấu thì việc nâng hạng của Việt Nam trong đầu tư sẽ nâng rất cao, bởi thủ tục hiện nay rất phức tạp. Có ý kiến lo ngại khi không dùng con dấu có thể sẽ dẫn đến nhiều trường hợp lạm dụng, giả mạo chữ ký, con dấu. Tôi cho rằng, trong lĩnh vực nào cũng có người lạm dụng quy định để giả mạo chứ không chỉ con dấu. Vì thế mình phải quản lý bằng cách khác. Trước hết, doanh nghiệp phải đăng ký với cơ quan đăng ký kinh doanh cái mẫu con dấu và phải công bố cái mẫu con dấu ấy trên phương tiện thông tin đại chúng. Cơ quan công an có thể căn cứ vào mẫu đó để kiểm soát việc giả hay không giả.

Hiện nay các bộ ngành liên quan đã sẵn sàng cho việc bỏ con dấu doanh nghiệp. Tôi trao đổi với Bộ trưởng Bùi Quang Vinh, Bộ trưởng cũng rất ủng hộ cải cách. Bộ Công an thì trong dự án Luật Công an vẫn có quy định là Bộ Công an quản lý con dấu nhưng vẫn ghi một câu “theo quy định của pháp luật”. Pháp luật ở đây có thể hiểu là theo quy định của Chính phủ. Con dấu ở đây có thể hiểu là của cơ quan quản lý, doanh nghiệp. Có lần tôi báo cáo với Thủ tướng: nếu ta cần phân loại đơn vị quản lý con dấu thì Bộ Công an quản lý con dấu của cơ quan, tổ chức vì nó yêu cầu về an toàn. Nhưng con dấu của doanh nghiệp thì không nhất thiết Bộ Công an phải quản lý mà có nhiều biện pháp khác. Tôi nói là có nhiều biện pháp nghiệp vụ để chống lại gian lận và làm giả con dấu mà ta đã có biện pháp ấy thì cần gì phải quản lý. Khi tôi báo cáo, Thủ tướng cũng rất ủng hộ ý kiến này.

ĐBQH Cao Sỹ Kiêm:

Bỏ con dấu là việc cần làm để theo sát với thông lệ quốc tế, thay bằng những điều khoản ràng buộc hay quy trách nhiệm. Nếu anh được làm nhưng khi xảy ra vấn đề anh phải chịu trách nhiệm. Còn ở nước mình cứ có dấu đỏ là yên tâm, mặc dù qua con dấu, tôi không biết anh là ai. Ta lại ngược với các nước. Các nước không cần con dấu, người ta không căn cứ vào con dấu và con dấu không là gì. Ví dụ những hợp đồng lớn ký qua mạng điện tử thì làm gì có con dấu mang đi đóng, thay vào đó chỉ có ngày, xuất xứ địa chỉ ấy, con người ấy được pháp luật công nhận.

PGS-TS Trần Hoàng Ngân:

Vấn đề bỏ con dấu là đúng, là phù hợp với xu thế chung nhưng lúc nào, thời điểm nào thì cần cân nhắc. Tuy nhiên, tốt nhất nên chờ khi luật DN ra đời và có hướng dẫn chi tiết. Ngoài ra cần có những khâu, những điều khoản quy định khâu hậu kiểm. Hậu kiểm không chỉ nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, xử lý vi phạm, kiểm soát tuân thủ pháp luật của các DN mà còn phân tích, đánh giá để điều chỉnh chính sách, điều chỉnh luật pháp và có chính sách hỗ trợ DN kịp thời.

Ngoài ra chúng ta cũng đang bàn rất nhiều về dự thảo Luật căn cước công dân làm sao cập nhật được toàn bộ thông tin cá nhân của các loại giấy tờ vào thẻ sẽ góp phần giúp việc cởi bỏ con dấu cho DN khi dùng chữ ký.

Chuyên gia kinh tế Huỳnh Trung Minh:

Hiện nay 170 nước trên thế giới không bắt buộc doanh nghiệp (DN) sử dụng con dấu trong giao dịch, xác nhận giấy tờ. Chỉ còn bảy nước, trong đó có Việt Nam vẫn bắt buộc phải có con dấu. Mới đây một khảo sát nhanh của VCCI cho biết có tới 52% DN đồng ý bỏ con dấu. Việc bỏ sử dụng con dấu cho DN là hoàn toàn hợp với xu thế hiện đại và tiết kiệm được các chi phí để tránh các thủ tục hành chính rườm rà. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay nếu đồng bộ “cởi trói” con dấu cho DN thì chưa thể được.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HOREA):

Ở nhiều nước, việc xác định giá trị pháp lý văn bản giao dịch của DN chỉ cần căn cứ vào chữ ký của bên giao dịch, nhất là trong thời gian gần đây chữ ký số đang được áp dụng ngày càng rộng rãi. Do vậy, về lâu dài Luật Doanh nghiệp cần hướng tới quy định bỏ con dấu DN.

—————-

Công luận (Diễn đàn công luận) 12-11-2014:

http://congluan.vn/tin-chi-tiet/11/52670/.html

(165/3.180)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

433. Bình luận về Chủ sở hữu hưởng lợi của...

Bình luận về Chủ sở hữu hưởng lợi của doanh nghiệp Tham luận Hội...

Phỏng vấn 

4.391. Bẫy nạn nhân với 'miếng mồi' lãi suất cao.

Bẫy nạn nhân với 'miếng mồi' lãi suất cao.(TT) - Vụ GFDI ở Đà Nẵng...

Trích dẫn 

3.908. Ngăn chặn những "văn phòng bất động sản...

Ngăn chặn những "văn phòng bất động sản di động" đẩy giá đất. (VTV.vn)...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 231,807