610. Nể nang và thiếu trách nhiệm trong quản lý nhà công vụ

(VOV.vn– Việc buông lỏng quản lý nhà công vụ là những kẽ hở dẫn đến hiện tượng lợi dụng nhà công vụ để tư lợi cá nhân.

Việc quản lý nhà ở công vụ lâu nay chưa được thực hiện nghiêm túc, dẫn đến tình trạng một bộ phận cán bộ Nhà nước sau khi nghỉ hưu hoặc chuyển công tác sang địa phương khác vẫn được sử dụng nhà, gây ra những bức xúc dư luận thời gian qua.

Sự việc ông Hoàng Văn Nghiên, nguyên Chủ tịch UBND TP Hà Nội sau khi nghỉ công tác vẫn không trả lại nhà công vụ là biệt thự số 12 Nguyễn Chế Nghĩa, quận Hoàn Kiếm đã làm “nóng” lên vấn đề quản lý nhà biệt thự trên địa bàn Thủ đô nói riêng, nhà công vụ nói chung.

Tại kỳ họp HĐND TP Hà Nội vừa qua, ông Nguyễn Hoài Nam, Trưởng Ban Pháp chế HĐND thành phố đã chất vấn lãnh đạo thành phố đề nghị làm rõ kết quả thanh tra nhà biệt thự đang được quản lý, đồng thời nêu thực tế là qua giám sát, HĐND thành phố phát hiện nhiều nhà công vụ đang bị tư nhân chiếm dụng.

“Không chỉ là các biệt thự, nhà của Nhà nước sau khi cải tạo, vẫn có rất nhiều diện tích là tài sản của Nhà nước nhưng không quản lý, vẫn để cho một số người dân tự ý lấn chiếm, quản lý và hợp thức dần thành nhà tư nhân. Ở đây có vấn đề khiếm khuyết trong quản lý, có việc lợi dụng trách nhiệm, chức vụ để sử dụng không đúng mục đích các tài sản công”, ông Nam chỉ rõ.

Ông Hoàng Văn Nghiên vẫn chưa bàn giao biệt thự số 12 Nguyễn Chế Nghĩa. (Ảnh: KT)

Ông Hoàng Văn Nghiên đã sử dụng căn biệt thự số 12 Nguyễn Chế Nghĩa trong thời gian tại chức, sau khi ông nghỉ hưu, TP Hà Nội yêu cầu bàn giao, nhưng suốt 8 năm qua vẫn chưa thu hồi được. Trả lời báo chí, ông Hoàng Văn Nghiên cho biết, ông “không bận tâm gì” và “chả có gì để nói”, “cơ quan người ta cũng không nói gì với tôi”…

Một sự việc nữa gây bức xúc dư luận là sau 3 năm nghỉ hưu, ông Trần Văn Truyền, nguyên Tổng Thanh tra Chính phủ vẫn nắm quyền sử dụng căn nhà công vụ được Nhà nước cho thuê tại số 61 đường Trần Quang Diệu, quận Đống Đa. Chỉ khi báo chí lên tiếng, ông Trần Văn Truyền mới đề nghị trả lại nhà. Đây chỉ là 2 trong số nhiều trường hợp tài sản công đang có dấu hiệu bị tư nhân hóa.

Hiện tổng quỹ nhà ở công vụ của cả nước là hơn 61.000 căn các loại, bao gồm nhà biệt thự, căn hộ chung cư và nhà ở liền kề, tương đương với hơn 1,6 triệu mét vuông sử dụng. Bên cạnh nhiều lãnh đạo, cán bộ Nhà nước đã gương mẫu trả lại nhà, biệt thự công ngay sau khi thôi giữ chức vụ, thì có không ít người đã tự cho mình quyền vẫn được sử dụng tài sản công. Thậm chí, có người không ở nhưng cầm chìa khóa đem về địa phương, có người cho con cháu ở, có người tranh thủ cho thuê…

Tài sản của Nhà nước đang bị sử dụng sai mục đích. Điển hình như khu nhà công vụ tại Hoàng Cầu (quận Đống Đa, Hà Nội), ngoài 20 cán bộ đang công tác sử dụng nhà đúng quy định, đã có tới 30 cán bộ đã nghỉ hưu chưa trả lại nhà vẫn đang sử dụng 30 căn, 29 căn hộ khác đang được người nhà của các cán bộ nghỉ hưu (hoặc đã chết) ở hoặc khóa cửa bỏ không. Một số cán bộ đã nghỉ hưu những vẫn đang sử dụng nhà công vụ tại đây cho biết, trong hợp đồng thuê nhà không ghi rõ thời gian phải trả nhà, hơn nữa không có cơ quan nào đến đòi nhà để mà trả.

Theo Luật sư Trương Thanh Đức, Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam, một thời gian dài, cơ quan quản lý, chính quyền địa phương đã lờ đi, không quan tâm đến ai đang sử dụng nhà công, hoặc biết nhưng cố tình làm ngơ. Hậu quả là tạo ra sự bất công khi còn nhiều cán bộ khác cần nhà ở, gây thiệt hại kinh tế cho Nhà nước.

“Lỗ hổng lớn nhất là lỗ hổng về trách nhiệm. Trong khi 10 căn nhà không thu hồi được về trong 3 năm nay, thì đã có 10 cán bộ khác phải thuê nhà khác hoặc Nhà nước phải đầu tư xây nhà cho người ta ở trong 3 năm, thiệt hại như vậy vô cùng lớn. Bất hợp lí khi đa số cán bộ không có nhà, phải đi thuê nhà giá cao thì lại có nhiều người được thuê giá rẻ mạt gần như cho không, tạo ra đặc quyền đặc lợi, người ta kéo dài thời gian thuê nhà để có lợi, hợp pháp”, Luật sư Trương Thanh Đức đánh giá.

Bức xúc trước tình trạng nhiều nhà công vụ biến thành nhà tư với giá trị rất lớn, tại Kỳ họp Quốc hội vừa qua, ông Lê Như Tiến, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội thẳng thắn đề nghị: Đã đến lúc nên nhận dạng và đưa vào Bộ Luật Hình sự một tội danh tham nhũng mới là tham nhũng nhà công vụ.

Đồng quan điểm trên, ông Nguyễn Sỹ Cương, Ủy viên thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội nêu nghịch lý: Tham nhũng vài chục triệu thì có thể ở tù đến nhiều năm, trong khi tham nhũng nhà công vụ trị giá vài tỷ đến vài chục tỷ thì không phải chịu trách nhiệm gì. Ở đây không chỉ có sự nể nang, mà còn là né tránh và thiếu ý thức, trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước khi không quản lý tốt công vụ, không thu hồi nhà bị sử dụng sai đối tượng.

Trong việc cho thuê nhà công vụ, còn có thiếu sót do không nói rõ thời hạn cho thuê trong hợp đồng, nếu không trả nhà thì phải cưỡng chế thế nào. Giá cho thuê nhà sau khi hết thời hạn công vụ cũng không được quy định rõ nên quá rẻ, thậm chí chỉ 500.000 đồng/ tháng. Đây là những kẽ hở dẫn đến hiện tượng lợi dụng nhà công vụ để tư lợi cá nhân. Ông Nguyễn Sỹ Cương cho rằng, phải thu hồi một cách dứt điểm nhà công vụ bị sử dụng sai đối tượng.

“Có nhiều người cứ nghĩ và cứ đòi hỏi với cơ quan Nhà nước là lấy lại nhà công vụ thì phải đáp ứng nhà cửa của tôi như thế nào, đấy là đòi hỏi hết sức vô lí. Hàng triệu cán bộ công chức, viên chức, thậm chí nhiều người từ lúc đi làm đến lúc nghỉ hưu không bao giờ được một mét nhà, một mét đất hay một sự ưu đãi về đất đai nào cả. Thứ hai là nếu không trả nhà thì phải có sự cưỡng chế, thu hồi dứt điểm. Thứ 3 là đối với những người thuê nhà, nếu vẫn chây ì không trả thì phải xem xét kỷ luật về cả mặt chính quyền và mặt Đảng, nếu đã nghỉ hưu thì kỷ luật về mặt Đảng”, ông Nguyễn Sỹ Cương nói rõ.

Đã đến lúc cần thẳng thắn nhìn nhận trách nhiệm buông lỏng quản lý nhà công vụ trong thời gian qua của các cơ quan chức năng để có biện pháp khắc phục kịp thời, tránh tình trạng tài sản của Nhà nước bị tư nhân chiếm dụng. Các quy định về nhà công vụ được nêu rõ trong Luật Nhà ở (sửa đổi) đã được Quốc hội thông qua. Thời gian tới, các quy định này cần được thể chế hóa một cách cụ thể, chặt chẽ hơn để nhà công vụ được sử dụng đúng đối tượng, đúng mục đích./.

Lưu Huyền/VOV – Trung tâm Tin

—————–

VOV.vn (Kinh tế) 08-12-2014:

http://vov.vn/kinh-te/ne-nang-va-thieu-trach-nhiem-trong-quan-ly-nha-cong-vu-369726.vov

(185/1.428)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

433. Bình luận về Chủ sở hữu hưởng lợi của...

Bình luận về Chủ sở hữu hưởng lợi của doanh nghiệp Tham luận Hội...

Phỏng vấn 

4.390. Cải cách thể chế bắt đầu từ con người.

Cải cách thể chế bắt đầu từ con người. (VNN) - Thể chế sai không thể...

Trích dẫn 

3.908. Ngăn chặn những "văn phòng bất động sản...

Ngăn chặn những "văn phòng bất động sản di động" đẩy giá đất. (VTV.vn)...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 231,766