615. Tài sản đảm bảo: Cái khó của DN khi vay vốn

(HQ) – Theo thống kê của Hiệp hội DN nhỏ và vừa (DNNVV) Việt Nam, hiện chỉ có 32,38% DNNVV cho biết có khả năng tiếp cận và được vay vốn thường xuyên, 35,24% DN phản ánh là khó tiếp cận, số còn lại không thể tiếp cận vốn. Nguyên nhân của vấn đề trên là DNNVV vẫn đang thiếu tài sản để đảm bảo khả năng trả lại vốn vay cho ngân hàng.

DN phải tạo được niềm tin cho ngân hàng khi vay vốn. Ảnh: Hữu Linh

Tập trung vào tín chấp?

Theo ông Phạm Ngọc Long, Viện trưởng Viện Khoa học quản trị DNNVV (Hiệp hội DNNVV Việt Nam), cả nước có khoảng 500.000 DNNVV, chiếm 97,5% tổng số DN đang hoạt động thực tế với tổng số vốn đăng ký khoảng 121 tỷ USD, chiếm 30% tổng vốn đăng ký của DN. Tuy nhiên, các DNNVV đang ở tình trạng đông nhưng không mạnh, năng lực cạnh tranh kém, môi trường kinh doanh chưa lành mạnh, bình đẳng. Các DN này sẽ khó có thể tự lớn nếu thiếu sự hỗ trợ của Nhà nước.

Chính vì thế, tính đến hết tháng 6-2014, tỷ trọng dư nợ khu vực DNNVV chiếm 25% (896,808 nghìn tỷ đồng so với 3,6 triệu tỷ đồng), tốc độ tăng trưởng tín dụng là 2% so với đầu năm, gần 90% vay bằng nội tệ, tỷ lệ nợ xấu luôn ở xu hướng tăng lên (trên 5%). Trong khi đó tổng giá trị tài sản đảm bảo lại tăng bình quân 7% suốt 3 năm gần đây và tỷ trọng tài sản đảm bảo so với tổng dư nợ tăng đáng kể. Điều này cho thấy mức độ tín nhiệm chung về tín dụng thấp và ràng buộc điều kiện tín dụng cao đối với khu vực này.

Cũng theo ông Phạm Ngọc Long, ngân hàng định giá cho vay theo mặt hàng tài sản đảm bảo, khoảng 60% DN thế chấp bằng bất động sản nhưng trong bối cảnh hiện nay thì hình thức này không được ngân hàng định giá cao như trước.

Về vấn đề này, ông Phạm Quốc Chính, Kế toán trưởng Công ty Cổ phần sách Alpha băn khoăn, các DNNVV khi làm dịch vụ và thương mại sẽ không có nhiều tài sản cố định, chủ yếu là vốn lưu động, may ra có hàng hóa làm tài sản đảm bảo nhưng hàng hóa cũng phải luân chuyển, mua bán liên tục. Vậy thì, những DN như này sẽ lấy gì làm tài sản để đảm bảo nguồn vốn khi vay ngân hàng?

Từ nhiều thắc mắc như trên, các chuyên gia đều nhận định, hình thức vay vốn bằng tín chấp là cần thiết và phù hợp. Tuy nhiên, ông Trần Trung Kiên, Phó Giám đốc Khối khách hàng DN phụ trách miền Bắc, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Kỹ thương (Techcombank) cho biết, nhiều DN khi đi vay vốn đưa ra những thông tin, báo cáo tài chính sơ sài, không có độ chính xác. Bên cạnh đó, ngân hàng chỉ xét cho DN vay khi có phương án kinh doanh tốt, đảm bảo nhưng nhiều DNNVV lại chưa chú trọng vào việc này, chỉ dựa vào hợp đồng chứ không đưa ra được phương án kinh doanh khả thi.

Cũng theo ông Kiên, Nhà nước đã khuyến khích ngân hàng cho vay theo hình thức tín chấp nhưng lại chưa có hướng dẫn cụ thể để hỗ trợ ngân hàng. Với bối cảnh kinh tế như hiện nay, các DN kinh doanh đều có độ rủi ro cao, đặc biệt các DNNVV rất dễ bị tổn thương bởi các biến động kinh tế. Vậy thì, ngân hàng càng khó khăn hơn trong việc thực hiện cho vay tín chấp nếu DN không phải khách hàng quen thuộc.

Phải tạo niềm tin

DN và ngân hàng cần tìm được tiếng nói chung. Ông Phạm Ngọc Long cho rằng, các DN khó tiếp cận vốn bởi các ngân hàng thương mại vẫn quá thận trọng, co cụm, có phần bảo thủ trong hoạt động tín dụng. “Các ngân hàng hiện nay vẫn bó hẹp với số khách hàng truyền thống, khách hàng VIP mà thường xem nhẹ hoặc làm ngơ DN mới khởi nghiệp”, ông Long nói.

Nhận thấy những khó khăn của DN, vị đại diện ngân hàng Techcombank cho biết, hiện Techcombank có 2 hình thức cho vay là cho vay sản phẩm và cho vay thấu chi. Với cho vay thấu chi, nếu DN có tài sản đảm bảo, thế chấp phù hợp nhưng chưa đưa ra được phương án chi trả thì ngân hàng vẫn có thể giải ngân trong vòng 3 ngày. Ngoài ra, Techcombank còn có hình thức cho vay liên kết, DN khi vay nếu đưa lên hợp đồng đặt hàng hợp lý thì sẽ cho vay và tài sản đảm bảo chính là hàng hóa tại kho.

Để giúp DN tạo được niềm tin cho ngân hàng khi vay tín chấp, ông Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Pháp chế Ngân hàng VNBA cho rằng, khi vay vốn tín chấp, DN chỉ nên mở tài khoản tại một ngân hàng, nếu mở nhiều thì độ tin cậy kém. DN cần chứng minh rõ ràng phương án kinh doanh ổn định và tài sản bảo đảm trong tương lai. “Tất nhiên, nếu mới làm việc với nhau mà không có tài sản bảo đảm thì rất khó giao dịch, nhưng nếu đã làm việc lâu dài, tạo được niềm tin thì vấn đề này sẽ trở nên dễ dàng hơn”, ông Đức nhận định.

Một ví dụ tiêu biểu cho nhận định trên là tại Công ty Cổ phần chè Tân Phong. Trao đổi với Báo Hải quan, bà Đinh Thị Thức, Giám đốc DN này cho hay, vì DN có uy tín lâu năm trên thị trường, kinh doanh ổn định, tạo được quan hệ thân thiết với ngân hàng nên việc vay vốn theo hình thức L/C (vay vốn trả ngay/chậm theo hợp đồng mua bán XNK) bằng ngoại tệ tại các ngân hàng cổ phần rất nhanh chóng và dễ dàng.

Hương Dịu

—————

Hải quan (Doanh nghiệp) 21-11-2014:

http://www.baohaiquan.vn/pages/tai-san-dam-bao-cai-kho-cua-dn-khi-vay-von.aspx

(124/1.066)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

437. Cải cách thể chế và tôn trọng thị trường...

Chùm 3 bài Việt Nam - Khát vọng hùng cường: Cải cách thể chế và tôn...

Phỏng vấn 

4.424. Hỗ trợ kê khai nộp thuế điện tử.

Hỗ trợ kê khai nộp thuế điện tử. (VTV1) - Chương trình có sự tham gia...

Trích dẫn 

3.975. “Nóng” giá vàng trong năm 2025, có nên...

“Nóng” giá vàng trong năm 2025, có nên đầu tư? (NĐT) - Được hỗ...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 237,282