617. Luật sư Trương Thanh Đức – Giám đốc Công ty Luật ANVI: Khó tạo ra môi trường bình đẳng, công bằng giữa DNNN và DN khác

(PL) – Vừa qua, báo cáo mới nhất của Chính phủ về tình hình tài chính và kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh năm 2013 của các doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và doanh nghiệp có cổ phần, vốn góp của Nhà nước cho thấy, tổng nợ của Tập đoàn, Tổng Công ty Nhà nước vượt 1,5 tỷ đồng. Đây là thực tế đáng lo ngại. Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh vừa được Quốc hội thông qua và chính thức có hiệu lực từ 1/7/2015. Khi Luật này có hiệu lực thi hành, liệu việc quản lý và sử dụng vốn Nhà nước có kỳ vọng tốt hơn. Phóng viên Pháp lý có cuộc trao đổi ngắn với Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI.

Phóng viên: Vừa qua, báo cáo mới nhất của Chính phủ về tình hình tài chính và kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh năm 2013 của các doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và doanh nghiệp có cổ phần, vốn góp của Nhà nước cho thấy, tổng nợ của Tập đoàn, Tổng Công ty Nhà nước vượt 1,5 triệu tỷ đồng. Ông nhìn nhận và đánh giá như thế nào về con số này?

Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI.

Luật sư Trương Thanh Đức: Tôi thấy không cần nói thêm, mà chỉ nhắc lại rằng, hầu hết các ý kiến đã đánh giá rằng, doanh nghiệp nhà nước chiếm tỷ lệ vay nợ nhiều, nợ xấu cao và kém hiệu quả so với nguồn vốn và năng lực.

Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh vừa được Quốc hội thông qua và chính thức có hiệu lực từ 1/7/2015. Theo quan điểm của ông, khi luật này có hiệu lực, liệu nhà nước có quản lý tốt hơn việc đầu tư của các Tập đoàn, Tổng Công ty Nhà nước không?

Tôi hy vọng sẽ tạo ra những bước đột phá để Nhà nước có thể thể quản lý tốt hơn việc đầu tư của các Tập đoàn, Tổng Công ty Nhà nước. Nói hy vọng, vì về cơ bản, Luật này chỉ là sự tổng hợp lại các quy định trong các Nghị định, Thông tư hiện hành đang điều chỉnh về tổ chức và hoạt động của công ty nhà nước. Tôi thấy ít điểm mới.

Từ trước đến nay, vấn đề quy trách nhiệm cho người đứng đầu các DNNN khi để xảy ra nợ xấu, hoạt động kinh doanh kém hiệu quả đã được nói và bàn thảo rất nhiều nhưng thực tế xử lý thì còn khác xa nhau so với nói và làm. Ông có nghĩ, đã đến lúc, cần một cơ chế nào đó quyết liệt và rõ ràng hơn không?

Chỉ có hai cách lựa chọn. Hoặc là theo hướng quy định hết sức chi tiết, tỷ mỷ, người quản lý cứ thế mà làm theo, tức là chỉ được làm và không được làm gì đều theo quy định cụ thể. Hoặc là giao chỉ tiêu về hiệu quả và an toàn vốn cho họ, cứ đánh giá theo chỉ tiêu.. Theo cách thứ nhất, kết quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp thế nào thì phải chấp nhận như vậy, không thể đòi hỏi nhiều. Theo cách thứ hai, nếu doanh nghiệp đạt được chỉ tiêu thì thưởng, nếu không đạt thì miễn nhiệm và chịu phạt, thậm chí phải bồi thường. Tuy nhiên, dường như chúng ta làm theo cách thứ 3, tức vừa mong muốn doanh nghiệp nhà nước đóng vai trò chủ lực, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, lại vừa yêu cầu đạt hiệu quả kỳ vọng của doanh nghiệp hoạt động theo cơ chế thị trường tự do. Mong muốn kết hợp kiểu này thì đúng sai chưa biết, nhưng là điều rất khó, vì vậy chỉ còn cách là chấp nhận tình trạng đa mục tiêu, nửa nọ nửa kia và dần dần tìm cách sửa chữa, khắc phục.

Trong đề án tái cơ cấu nền kinh tế của Chính phủ đã nêu rõ: Cần áp đặt đầy đủ nguyên tắc và kỷ luật thị trường đối với DNNN, buộc các DNNN phải cạnh tranh công bằng, bình đẳng như DN khác và đối mặt với cùng điều kiện thị trường như các DN khác. Tuy nhiên, trên thực tế, vấn đề công bằng, bình đẳng giữa DNNN và DN khác vẫn chưa thực sự rõ ràng. Vậy, theo ông, đây có phải nguyên nhân khiến DNNN hoạt động kém hiệu quả không?

Khó khăn lớn nhất trong xử lý nợ xấu của ngành ngân hàng hiện nay, theo Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP. Hồ Chí Minh, đó là việc xử lý tài sản đảm bảo. Việc xử lý tài sản đảm bảo để thu hồi nợ đang gặp nhiều trở ngại khách quan, trong đó trở ngại lớn nhất là từ hàng lang pháp lý. Xử lý nợ xấu hiệu quả ra sao, thì hoàn toàn lấy thước đo từ hiệu quả của công việc xử lý tài sản bảo đảm. Khi xảy ra yêu cầu của việc giải quyết nợ đến hạn thì vấn đề phải xử lý tài sản bảo đảm trở thành yêu cầu thực tế. Ngân hàng gặp rất nhiều khó khăn trong việc thanh lý tài sản thu hồi nợ. Có những món nợ xử lý nhanh cũng phải mất 3 năm, thậm chí rất nhiều năm mới giải quyết xong.

Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh vừa được kỳ họp thứ Tám, Quốc hội khóa XIII thông qua, có bổ sung nguyên tắc cơ quan đại diện chủ sở hữu và người đại diện chủ sở hữu phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm quản lý và sử dụng vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp. Đồng thời, cụ thể hoá các quy định về trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu nhà nước và về các hành vi bị cấm trong lĩnh vực đầu tư, quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Nếu thật sự muốn áp đặt đầy đủ nguyên tắc và kỷ luật thị trường đối với DNNN, buộc các DNNN phải cạnh tranh công bằng, bình đẳng như DN khác và đối mặt với cùng điều kiện thị trường như các DN khác thì phải để DNNN hoạt động hoàn toàn như doanh nghiệp phi nhà nước. Như vậy, thì lại e rằng có sự mâu thuẫn lớn về vai trò của DNNN và yêu cầu quản lý của Nhà nước với tư cách là ông chủ sở hữu DNNN. Một mặt, Nhà nước có trách nhiệm tạo ra chính sách, pháp luật cho tất các doanh nghiệp hoạt động bình đẳng, nhưng mặt khác, là chủ sở hữu DNNN, thì Nhà nước luôn vô tình hoặc hữu ý mong muốn tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất và hành động sao cho có lợi nhất cho “đứa con ruột” của mình phát triển. Sự thành công của DNNN cũng chính là thành tích trực tiếp của Nhà nước và sự thất bại của DNNN thì cũng chính là trách nhiệm trực tiếp của Nhà nước. Như vậy, thì khó phủ nhận tình trạng DNNN luôn nhận được sự ưu ái, nuông chiều của Nhà nước. Đứa con được ưu tiên, cưng chiều thì đương nhiên là có xu hướng dựa dẫm, ỷ lại, thiếu nỗ lực, cố gắng vươn lên.

DNNN vốn dĩ đã có rất nhiều thế mạnh về vốn, tài sản, nhân sự, bề dày kinh nghiệm và lĩnh vực ngành nghề kinh doanh, đặc biệt là sự tin tưởng rất cao của thị trường vì có sự hậu thuẫn to lớn và vững chắc là Nhà nước như nói trên. Muốn tạo ra môi trường thực sự công bằng, bình đẳng giữa DNNN và doanh nghiệp khác, theo cá nhân tôi, chỉ có cách duy nhất là chấm dứt mô hình DNNN, trừ một vài trường hợp ngoại lệ, không thể có sự lựa chọn.

Theo ông, hiện nay vấn đề xử lý nợ xấu của Ngân hàng cũng như DNNN gặp vướng mắc ở đâu? Hướng xử lý những vướng mắc này như thế nào?

Vướng mắc thì có nhiều, nhưng chung quy thì có 3 điểm chính. Thứ nhất là chưa có những quy định thật sự phù hợp, hữu hiệu với thực tế. Thứ hai là bài toán trách nhiệm nặng nề của ngân hàng khi để xảy ra thất thoát vốn vay, đặc biệt trước tình trạng hình sự hoá quan hệ tín dụng ngân hàng. Thứ ba là sự suy thoái, đình trệ, tê liệt của thị trường nói chung và hoạt động sản xuất, kinh doanh nói riêng, đặc biệt là thị trường chứng khoán và thị trường bất động sản. Hướng xử lý là cần khắc phục các tồn tại, bất cập đối với các vướng mắc nói trên. Chẳng hạn, sửa luật và công bố rõ ràng việc khuyến khích nhà đầu tư nước ngoài cũng như nhà đầu tư trong nước được mua bán nợ. Hiện nay, nhà đầu tư nước ngoài thì vướng luật, nhà đầu tư trong nước thì được mua bán nợ, nhưng trên thực tế đang rất lo ngại với tình trạng giao dịch bị vô hiệu, thậm chí phạm tội kinh doanh trái phép. Rồi cần tạm thời tập trung vào mục tiêu xử lý nợ, thay vì tập trung quy kết lỗi lầm, truy cứu trách nhiệm cá nhân, trong đó có trách nhiệm hình sự. Và phải kích thích thị trường như sửa đổi quy định về thuế chuyển nhượng, thuế thu nhập đối với việc mua bán, chuyển nhượng nhà đất, chứng khoán. Chẳng hạn không chỉ bỏ mức thuế suất thu nhập 25% đối với chuyển nhượng bất động sản, mà cần giảm mức thuế suất tính trên doanh thu từ 2% xuống 1%.

Trân trọng cảm ơn ông!

Lạc Sơn

—————–

Pháp lý (Kinh doanh & Pháp luật) 16-12-2014:

http://phaply.net.vn/kinh-doanh-phap-luat/doanh-nghiep-kinh-doanh-phap-luat/luat-su-truong-thanh-duc-chu-tich-cong-ty-luat-basi co-kho-tao-ra-moi-truong-binh-dang-cong-bang-giua-dnnn-va-dn-khac.html

(1.770/1.770)

Bài viết 

308. Mất tiền từ séc giả, trách nhiệm thuộc...

(VNB) - Khi sự việc xảy ra, cần xác định ai là người có lỗi, lý do, nguyên...

Bình luận 

427. Bình luận về Luật siêu dễ: Hồi hộp đến...

(VTV3) Bình luận về Luật siêu dễ: Hồi hộp đến phút cuối với chủ đề...

Phỏng vấn 

4.363. Chuyện gì đang xảy ra trên thị trường...

Chuyện gì đang xảy ra trên thị trường xăng dầu? (NLĐ) - Đề xuất...

Trích dẫn 

3.862. Loại hình nào đang là 'thỏi nam châm' sẽ...

Loại hình nào đang là 'thỏi nam châm' sẽ 'hút cạn' dòng tiền của nhà...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 224,656