618. Chế tài xử phạt các ngân hàng để cây ATM hết tiền, liệu có khả thi?

(ĐCS) – Nghị định 96/2014/ NĐ-CP của Chính phủ về việc quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng đã có hiệu lực được 1 tuần. Trong đó, dư luận đang rất quan tâm đến việc phạt ngân hàng để cây ATM hết tiền liệu có khả thi? Phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản đã có cuộc trao đổi với Luật sư Trương Thanh Đức – Chủ tịch Câu lạc bộ Pháp chế Ngân hàng, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) – Giám đốc Công ty Luật TNHH ANVI

Phóng viên (PV): Từ ngày 12/12/2014, ngân hàng nào để máy ATM hết tiền, ngừng hoạt động 24 giờ không thông báo sẽ bị phạt từ 10 – 15 triệu đồng theo Nghị định 96/2014/ NĐ-CP của Chính phủ. Nhưng có một vấn đề dư luận đặt ra là nếu người dân không thông báo thì liệu cơ quan quản lý có biết mà phạt không, vậy theo ông chế tài xử phạt này có khả thi?

Luật sư Trương Thanh Đức: Theo tôi, chế tài này là cần thiết và hoàn toàn khả thi, vì trước hết quy định xử phạt là nhằm đến mục tiêu ngăn ngừa, hạn chế vi phạm, chứ không phải chỉ nhằm đến việc xử phạt. Điều quan trọng nhất của quy định này là nhằm bảo vệ quyền lợi của khách hàng, nhưng nếu khách hàng không phản ánh về tình trạng vi phạm của ngân hàng thì Ngân hàng Nhà nước rất khó có thể biết và xử phạt. Vì vậy, nếu khách hàng không tích cực tham gia vào việc này để góp phần bảo vệ lợi ích của mình thì hiệu quả sẽ hạn chế nhiều. Về lâu dài, với hệ thống công nghệ và sự quản lý chặt chẽ như hiện nay thì Ngân hàng Nhà nước hoàn toàn có thể chủ động theo dõi loại vi phạm này.

PVCó nhiều ý kiến cho rằng, mức phạt như trên là quá nhẹ, chưa đủ sức răn đe và các ngân hàng sẵn sàng nộp phạt, ông đánh giá sao về điều này?

Luật sư Trương Thanh Đức: Mức phạt như vậy là không nhẹ, vì thứ nhất đó không phải thuộc dạng vi phạm nghiêm trọng. Thứ hai, theo quy định, nếu một ngân hàng bị phạt vi phạm hành chính thì sẽ chịu hậu quả khá nặng nề, như bị hạn chế, đình chỉ việc thực hiện một số nghiệp vụ ngân hàng; hạn chế hoặc không xem xét cho phép mở rộng thêm các hoạt động ngân hàng mới; không được phép mở thêm chi nhánh, phòng giao dịch, văn phòng đại diện và đặt máy ATM;…

PV: Cũng có băn khoăn cho rằng cần lập đường dây nóng để người dân phản ánh tình trạng máy ATM hết tiền nhưng khó mang lại hiệu quả bởi rất khó thu thập chứng cứ để phạt về sau, liệu có đúng không thưa ông?

Luật sư Trương Thanh Đức: Hệ thống camera của ngân hàng có thể xem trực tiếp hoặc xem lại hình ảnh của khách hàng rút tiền sau đó nhiều ngày, thậm chí hàng tháng. Đặc biệt, các thông tin chi tiết về mọi hoạt động và giao dịch của ATM đều được ghi nhận đầy đủ, chính xác trong hệ thống công nghệ của ngân hàng. Vì vậy, việc thu thập chứng cứ vi phạm rất đơn giản, rất dễ xác định thời gian và số tiền được tiếp quỹ, rút đi, số dư…

PV: Theo ông, có cách nào để chế tài xử phạt các ngân hàng để máy ATM hết tiền thực sự khả thi, giúp cải thiện chất lượng dịch vụ ngành ngân hàng và tạo thuận lợi cho người dân nhất là thời điểm Tết Nguyên đán giao dịch ATM có khả năng tăng lên đột biến?

Luật sư Trương Thanh Đức: Xử phạt là cần thiết, nhưng đó chỉ là một trong các biện pháp nhằm cải thiện chất lượng dịch vụ và bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng. Cần phải có nhiều giải pháp khác trong trước mắt cũng như lâu dài như:

Thứ nhất là, cần giảm số giờ để hết tiền trong ATM để tính xử phạt. Vì, nếu để hết tiền quá 24 giờ thì không khác nào chấp nhận tình trạng cứ một ngày có tiền, một ngày không.

Thứ hai là, các ngân hàng và doanh nghiệp cần thống nhất các giải pháp nhằm giãn việc rút tiền tập trung vào một thời điểm và một địa điểm, đồng thời cần đẩy mạnh việc tiếp quỹ vào các thời điểm và địa điểm đó.

Thứ ba, quan trọng hơn là cần có chính sách hợp lý để hạn chế tình trạng lâu nay các ngân hàng không muốn để nhiều tiền trong ATM hay không muốn tiếp quỹ kịp thời. Chẳng hạn, có thể cho phép số dư tiền mặt để trong máy ATM được coi như số tiền dự trữ bắt buộc hoặc một cơ chế tương tự nào đó. Đặc biệt là chính sách hạn chế thanh toán bằng tiền mặt và quy định về việc thu phí rút tiền mặt nói chung, rút tiền qua ATM nói riêng. Tại sao các ngân hàng đều muốn đặt nhiều ATM, phát hành nhiều thẻ ATM nhưng lại không bảo đảm chất lượng dịch vụ ATM? Phải chăng vì một mặt muốn phát triển dịch vụ ATM, muốn cung cấp dịch vụ có chất lượng, nhưng mặt khác, vì không có lãi, không hiệu quả, nên họ không tích cực phục vụ? Nếu đã xác định đây là một dịch vụ quan trọng của ngân hàng và xã hội thì phải tạo cơ chế lợi ích để các ngân hàng cạnh tranh nhau nạp tiền nhằm luôn bảo đảm phục vụ khách hàng một cách tốt nhất.

PV: Xin cảm ơn ông!

Minh Phương (thực hiện)

—————–

Báo điện tử Đảng Cộng sản (Kinh tế) 20-12-2014

http://dangcongsan.vn/cpv/Modules/Preview/PrintPreview.aspx?co_id=10004&cn_id=691556

(1.041/1.041)

Bài viết 

308. Mất tiền từ séc giả, trách nhiệm thuộc...

(VNB) - Khi sự việc xảy ra, cần xác định ai là người có lỗi, lý do, nguyên...

Bình luận 

427. Bình luận về Luật siêu dễ: Hồi hộp đến...

(VTV3) Bình luận về Luật siêu dễ: Hồi hộp đến phút cuối với chủ đề...

Phỏng vấn 

4.363. Chuyện gì đang xảy ra trên thị trường...

Chuyện gì đang xảy ra trên thị trường xăng dầu? (NLĐ) - Đề xuất...

Trích dẫn 

3.862. Loại hình nào đang là 'thỏi nam châm' sẽ...

Loại hình nào đang là 'thỏi nam châm' sẽ 'hút cạn' dòng tiền của nhà...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 224,656