(PL) – Phiên tòa xét xử bầu Kiên chiều 9-12 đã diễn ra phần tranh luận của luật sư hai ngân hàng ACB và VietinBank.
Ảnh: seatimes
‘ACB là nguyên đơn ảo?’
Chiều 9-12, luật sư Trương Thanh Đức, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của ACB đã phát biểu quan điểm tại tòa. Theo luật sư Đức, ACB không kháng cáo, nhưng vẫn được triệu tập đến phiên toà này với tư cách là nguyên đơn dân sự.
“Bản án sơ thẩm xác định ACB là nguyên đơn, mà bản chất là người bị thiệt hại, nhưng lại không giải quyết phần trách nhiệm dân sự bồi thường trong vụ án này. Thành ra nguyên đơn ảo, người bị thiệt hại ảo. Vì vậy không biết có thiệt hại thật hay không?”– luật sư Đức nói.
Luật sư Đức cho biết ACB tập trung vào việc đòi nợ VietinBank trong vụ án lừa đảo Huyền Như chuẩn bị được xét xử phúc thẩm. “Đề nghị HĐXX không xem xét, thừa nhận, nhận định, xác định và kết luận về những tình tiết, sự kiện, vấn đề liên quan đến trách nhiệm dân sự và trách nhiệm bồi thường đối với số tiền gần 719 tỷ đồng của ACB gửi tại VietinBank trong phiên toà này”- luật sư Đức kiến nghị.
Tuy nhiên, phát biểu quan điểm về vụ án, luật sư Đức cho rằng, việc gửi tiền của ACB tại VietinBank là không sai.
Theo luật sư Đức, đó chỉ là một hoạt động uỷ quyền dân sự, không phải là hoạt động kinh doanh, không phải là một dịch vụ cần phải xin phép vào thời điểm đó. Uỷ thác chỉ là từ ngữ, bản chất là việc ACB giao nhiệm vụ cho nhân viên của mình gửi tiền, là hoạt động bình thường nhất, đương nhiên, hoàn toàn không bị cấm, không bị hạn chế, không có yêu cầu về điều kiện, kể cả thời điểm trước và sau khi Luật các tổ chức tín dụng năm 2010 có hiệu lực vào ngày 01-11-2011.
Cũng theo luật sư Đức, việc hợp đồng tiền gửi mà các nhân viên ACB gửi tại VietinBank có nội dung thoả thuận, VietinBank được quyền chuyển tiền từ tài khoản thanh toán không kỳ hạn sang tài khoản tiền gửi có kỳ hạn. Phải khẳng định rõ ràng rằng, cả hai loại tài khoản này đều là tài khoản tiền gửi, chỉ khác nhau là tiền gửi thanh toán không kỳ hạn và tiền gửi thanh toán có kỳ hạn.
Đây là việc cho phép VietinBank được chuyển tiền từ tài khoản này sang tài khoản khác, không thể hiểu theo cách phi lý là muốn chuyển thành cái gì thì chuyển. Hợp đồng này áp dụng đối với nhiều khách hàng của VietinBank, ít nhất là tại các chi nhánh khu vực TP Hồ Chí Minh.
Và điều đặc biệt quan trọng nhất là chuyển tiền sang tài khoản nào, nhưng cũng chỉ có thể là tài khoản của chính khách hàng gửi tiền. “VietinBank không thể vin vào nội dung này để chuyển tiền của khách hàng cho người khác hay muốn chuyển đi đâu thì chuyển, chuyển sang thẻ tiết kiệm “ma”. Lỗi chết người của VietinBank chính là ở đây, rồi sau đó mang thẻ tiết kiệm “ma” đi cầm cố (thế chấp) trái hoàn toàn thoả thuận và với ý chí của ngưởi gửi tiền”. Luật sư Đức nói đến đây thì HĐXX yêu cầu luật sư dừng phần trình bày vì luật sư đã sử dụng nhiều từ ngữ không phù hợp.
“Không được lợi dụng diễn đàn này để xúc phạm hay mạt sát những người khác”- Chủ tọa nói.
VietinBank không đồng ý trả tiền cho ACB
Trong khi đó, Luật sư Nguyễn Thị Bắc, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của VietinBank đồng tình với ý kiến của đại diện Viện Kiểm sát và phản bác ý kiến cho rằng VietinBank phải trả tiền cho ACB.
Theo luật sư Bắc, Huyền Như có ý định chiếm đoạt tiền ngay từ đầu khi thỏa thuận với Ngọc về hợp đồng tiền gửi với lãi suất cao.
Điều này thể hiện ở lời khai của Huyền Như. Như đồng ý lãi suất 14%, lãi suất chênh ngoài hợp đồng trả ngay khi tiền vào tài khoản là 3,8-4%/năm, chênh ngoài cho Ngọc là 1,5%/năm. Thỏa thuận này là trái quy định Ngân hàng Nhà nước.
Theo phân tích của luật sư, Như đã thực hiện có tính toán dẫn dụ Huỳnh Thị Bảo Ngọc và nhân viên ACB làm theo các hoạt động của Như nhằm lừa đảo chiếm đoạt số tiền này, trong đó lợi dụng hành động tắc trách của nhân viên ACB, tráo chữ ký một số nhân viên, lập hợp đồng tiền gửi giả…
Huỳnh Thị Bảo Ngọc đã phó mặc cho Huyền Như: “Em làm như thế nào thì làm, miễn sao lãi suất trả đủ cho bên chị”. Các nhân viên ACB đã phó thác thẻ tiết kiệm cho Như, hành động vô trách nhiệm này đã tạo điều kiện cho Như thực hiện trót lọt lệnh chuyển tiền từ TK của các cá nhân ACB, chiếm dụng sổ tiết kiệm
“Mặc dù có đăng ký dịch vụ sao kê hàng tháng, có nhận được thông báo sao kê hàng tháng nhưng các chủ tài khoản này không có ý kiến gì khi tiền được trích chuyển. Như vậy, chủ tài khoản đã có lỗi… Vì vô trách nhiệm với tài khoản nên các chủ tài khoản phải tự chịu trách nhiệm” – Luật sư Bắc kết luận.
Theo luật sư, 32 hợp đồng gửi tiền cam kết giữa 2 bên là hình thức, chưa được thực hiện nhằm che giấu thỏa thuận ngầm giữa Như và Ngọc. Hợp đồng quy định lãi trả sau nhưng thực tế Như trả trước lãi bằng tiền mặt cho ACB hơn 10 tỷ đồng. Toàn bộ số tiền mà Ngọc và nhân viên ACB nhận được là tiền của Như, không phải tiền của VietinBank
Luật sư còn cho rằng ACB làm lại nhiều văn bản, ghi lùi ngày để ACB khởi kiện VietinBank. Cụ thể làm nhiều các biên bản, tờ trình, giấy ủy quyền.
Bị cáo Phạm Trung Cang, Lê Vũ Kỳ khai rằng nguyên Kế toán trưởng Nguyễn Văn Hòa có giải thích rằng nếu các anh không ký lại thì ACB bị mất tiền có thể không đòi lại được. Lý Xuân Hải cũng đã khai các tài liệu này là giả.
Luật sư Nguyễn Thị Bắc khẳng định, Huỳnh Thị Huyền Như mới là người có trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Vietinbank không biết thỏa thuận với lãi suất vượt trần, thỏa thuận ngầm, không biết nguồn tiền gửi là của ACB.
Đức Minh
————–
Pháp luật TP HCM (Pháp luật) 09-12-2014:
http://plo.vn/phap-luat/dai-an-bau-kien-khong-biet-acb-co-thiet-hai-that-khong-514920.html
(582/1.183)