(CL) – Sau nhiều lần nhắc nhở cách dùng từ của luật sư Trương Thanh Đức- người bảo vệ quyền lợi cho Ngân hàng ACB nhưng bất thành, HĐXX đã quyết định dừng phần bào chữa của ông này ngay tại Tòa.
Hôm nay (ngày 9/12), các luật sư bào chữa cho bị cáo tiếp tục đưa ra quan điểm để gỡ tội cho các thân chủ. Luật sư bảo vệ quyền lợi cho các bên liên quan cũng đưa ra quan điểm của mình.
Tuy nhiên, trong phần phần trình bày tranh luận của mình luật sư Trương Thanh Đức – người bảo vệ quyền lợi cho Ngân hàng ACB liên tục bị Chủ tọa phiên toà nhiều lần nhắc nhở ông Đức cách dùng từ. Theo HĐXX, cách dùng từ của Luật sư Đức không phù hợp ở chốn pháp đình.
Tiếp thu ý kiến này, Luật sư Đức nói “cách dùng từ của tôi không mang tính ám chỉ ai” và tiếp tục phần bào chữa của mình. Tuy nhiên, các lỗi này lại tiếp tục lặp lại nên Chủ tọa phiên tòa đã chính thức đề nghị dừng phần bào chữa của Luật sư Trương Thanh Đức.
Sau phần bào chữa của Luật sư, HĐXX cho bị cáo Lý Xuân Hải bổ sung các nội dung mà bị cáo thấy cần thiết phải làm rõ.
Bị cáo Hải dẫn chứng việc bàn cổ phiếu ACB có thể trong cuộc họp đó chỉ là chuyện cá nhân hoặc chuyện khác lại được hiểu là bàn mua cổ phiếu ACB. “Tôi chỉ biết việc này khi làm việc với kiểm toán, vì ACBS là một pháp nhân độc lập. Nhưng ở đây không có nghĩa tôi không có trách nhiệm. Nhưng tôi nghĩ qui cho tôi tội “Cố ý làm trái” là oan cho tôi”, bị cáo Hải phân trần.
Lý Xuân Hải tự bào chữa cho mình tại phiên tòa
Lý Xuân Hải cũng cho rằng, việc làm của bị cáo và các thành viên khác trong ACB có tác dụng nhất định đối với thị trường vốn. Đơn cử như đã vốn hóa được một lượng vàng lớn. Chính điều này đã giúp ACB luôn có nguồn dư vốn 30-40 tỷ.
Bị cáo Lê Vũ Kỳ không có thêm ý kiến gì về phần bào chữa của các luật sư mà chỉ xin giảm nhẹ tội danh. “Về cá nhân, tôi đã có đơn kháng cáo và sau đó là đơn xin giảm án vào ngày 24/11/2014. Các sai phạm ở ACB xuất phát từ 2 nghị quyết của HĐQT, tôi là người tham gia nên phải có trách nhiệm trong đó. Tôi xinHĐXX xem xét, tôi tham gia vào Nghị quyết đó là thụ động, lại không được đào tạo về lĩnh vực tài chính, ngân hàng. Cho nên, với những vấn đề pháp lý với tôi quá phức tạp, tôi thụ động đồng thuận với ý kiến của các thành viên có kinh nghiệm hơn tôi. Khi sự việc xảy ra ở ACB, tôi rất ân hận.
Vào tháng 2/2012, tôi đã nhận khuyết điểm trước Đại hội cổ đông đã để xảy ra những việc không mong muốn. Trong quá trình điều tra tôi phối hợp tích cực, đầy đủ. Mức án 5 năm với tôi là quá cao, tôi xin HĐXX giảm án. Về nhân thân, gia đình, ngoài việc tham gia cách mạng từ trước năm 1954. Gia đình có 2 liệt sĩ là chú ruột và cậu ruột.
Cá nhân tôi, từ ngày Đảng, Nhà nước cho đi học, luôn học giỏi và được cử đi nước ngoài học tiến sĩ. Về ACB tôi phụ trách mảng công nghệ. Năm 2006 được IDG vinh danh xuất sắc. 2013, ACB công nhận tôi có sự đóng góp cho ngân hàng. Tôi phụ trách Công ty tin học Á Châu – cung cấp toàn bộ giải pháp ngân hàng cho Ngân hàng Á Châu”, Lê Vũ Kỳ trình bày trước Tòa.
Mong muốn của bị cáo Lê Vũ Kỳ là xin được hưởng án treo và tiếp tục được hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin một vài năm nữa.
Tự bào chữa cho mình, bị cáo Phạm Trung Cang cay đắng nói “Năm nay tuổi của tôi đã cao, sức khỏe của tôi nay đã giảm rồi. Gia cảnh của tôi cũng khó khăn, có mẹ già 87 tuổi bị tai biến nằm một chỗ 7 năm nay. Gia đình tôi phải nói giấu mẹ là tôi qua Mỹ có việc chứ không dám nói tôi bị bắt giam.
Tôi không ngờ đến ngày cuối đời tôi phải đứng trước vành móng ngựa để nhận tội. Tôi thấy có thể do nhận thức chưa đúng thì tôi phải chịu trách nhiệm. Xin HĐXX cho tôi được hưởng án treo để tôi có cơ hội hòa nhập cộng đồng”.
Đoàn Nga
————–
Công lý (Pháp đình) 09-12-2014:
(158/853)